Người giáo dân và cuộc tranh luận quanh việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ (4)
Vũ
Văn An1/5/2017
8. Một cuộc khủng hoảng gây di căn
Tuy nhiên, xem ra Đức
Phanxicô, hoặc ít nhất, các phụ tá tin cẩn của ngài không nghĩ như thế. Đức
Phanxicô chưa trực tiếp nói gì, nhưng các phụ tá tin cẩn của ngài vừa bác bỏ việc
trả lời vừa tấn công ý hướng của các vị Hồng Y liên hệ.
Trong khi ấy, ngày 8
tháng Mười Hai, một số giáo dân đã tham gia nhóm 23 học giả Công Giáo lên tiếng
ủng hộ bốn vị Hồng Y. Hai giáo sư giáo dân Joseph Shaw của Đại Học Oxford, Anh
và Anna M. Silvas của Đại Học New England, Úc, những người từng tham gia nhóm
45 học giả trên đây, cũng đã tham gia nhóm mới này. Trong số thành viên, còn có
giáo sư triết học Claudio Pierantoni, người vốn chỉ trích chương 8 của Niềm Vui
Yêu Thương trong một cuộc tranh luận với giáo sư Rocco Buttiglione.
Họ cho biết nay là thời
điểm nghiêm trọng, có tính quá độ, tương tự như cuộc khủng hoảng do lạc giáo
Ariô gây ra. Nhóm cho rằng khi lạc giáo Ariô đang lấn lướt, “đại đa số các giám
mục, kể cả vị kế nhiệm Thánh Phêrô, đã chao đảo đối với thần tính của Chúa
Kitô. Nhiều vị chưa hoàn toàn rơi vào lạc giáo; nhưng, bị lẫn lộn làm hoang
mang và nhát đảm làm cho yếu đuối, họ đi tìm các công thức thỏa hiệp tiện lợi
dưới chiêu bài ‘hòa bình’ và ‘hợp nhất’. Ngày nay, ta cũng đang mục kích một cuộc
khủng hoảng gây di căn tương tự, lần này về các khía cạnh nền tảng của lối sống
Kitô Giáo”.
Bản tuyên bố của nhóm nói
rằng người ta chỉ đãi môi đãi miệng (lip service) bênh vực các giáo huấn như
“tính bất khả tiêu của hôn nhân, tính tội lỗi khách quan trầm trọng của gian
dâm, ngoại tình và kê gian, tính tháng thiêng của Thánh Thể, và thực tại hãi
hùng của tội trọng”. Nhưng nhiều nhân vật chủ chốt đang ngầm phá hoại hay thực
tế bác bỏ các tín lý này bằng cách “nhấn mạnh một cách cường điệu và một chiều
tới ‘lòng thương xót’, ‘đồng hành mục vụ’, và ‘các hoàn cảnh giảm khinh’”.
Nhóm kêu gọi các vị giám
mục ủng hộ bốn vị Hồng Y vì cho rằng bốn vị đã nêu lên “các câu hỏi đi thẳng
vào vấn đề và có tính tìm kiếm” và nếu Đức Giáo Hoàng không chịu tái xác nhận
giáo huấn của Giáo Hội, thì các vị Hồng Y phải “tiếp cận ngài một cách tập thể
để áp dụng một hình thức sửa sai anh em nào đó, trong tinh thần khuyên răn của
Thánh Phaolô đối với tông đồ bạn của mình là Thánh Phêrô tại Antiôkia”.
Dịp này Giáo Sư Shaw cho
hay: “chỉ có Đức Thánh Cha có quyền giải quyết sự hỗn độn hiện nay, và ngài khẩn
thiết phải làm như thế vì lợi ích các linh hồn”.
Ông nói thêm rằng một số
người tự nhận ủng hộ Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho hay: “Người Công Giáo nên cùng
một lúc tin rằng giáo huấn của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và của mọi
vị tiền nhiệm của ngài, vẫn đúng, nhưng không còn áp dụng được vào các hoàn cảnh
cụ thể nữa. Đòi người ta tiếp nhận kiểu suy nghĩ nước đôi này không phải là
hành động của một người cha tốt; mà là một việc lạm dụng người Công Giáo bình
thường và sự thật. Bác bỏ lối bênh vực Niềm Vui Yêu Thương này không những là
đòi hỏi của Đức Tin mà còn của sự lành mạnh tinh thần nữa”.
9.
Sử dụng sai Niềm Vui Yêu Thương
Một ngày sau, tức ngày 9
tháng Mười Hai, hai học giả giáo dân kỳ cựu là John Finnis, giáo sư luật và triết
học luật pháp của Đại Học Oxford và Germain Grisez, giáo sư hưu trí về đạo đức
học Kitô giáo của Đại Học Mount St. Mary’s University, Maryland, Hoa Kỳ, tiết lộ
đã gửi một lá thư bỏ ngỏ lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẩn khoản yêu cầu ngài chấm
dứt điều hai ông gọi là “việc sử dụng sai” Niềm Vui Yêu Thương để “hỗ trợ cho
các sai lạc chống lại đức tin Kitô Giáo”.
Hai ông Finnis và Grisez
không cho rằng chính Niềm Vui Yêu Thương sai lạc, mà nhấn mạnh rằng văn kiện
này bị sử dụng sai để phá hoại các giáo huấn Công Giáo. Với họ, các tuyên bố của
các vị giáo hoàng “phải được giả thiết là nhất quán với nhau khi được giải
thích cách thận trọng” và do đó, Niềm Vui Yêu Thương phải được đọc dưới sự soi
sáng của các tuyên bố rõ ràng của các vị giáo hoàng trước đây nhằm khẳng định
giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.
Việc sử dụng sai này đã
phát sinh ra tám đề xuất mà hai giáo sư Finnis và Grisez cho rằng người ta đang
coi chúng nhất quán với Niềm Vui Yêu Thương, nên họ thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng
Phanxicô lên án chúng:
- Các linh mục có thể ban
sự tha tội cho dù hối nhân không có ý định sửa đổi;
- Người ta có thể quá yếu
đuối đến không thể vâng theo các giới điều của Thiên Chúa;
- Không có luật luân lý
nào mà lại không bao giờ có ngoại lệ;
- Các luật luân lý chỉ là
các lý tưởng, và quả là không hiện thực chút nào khi hy vọng chúng được chu
toàn;
- Trong một số hoàn cảnh,
tốt nhất là vi phạm luật luân lý;
- Sinh hoạt tính dục chỉ
sai nếu có người bị khai thác hay tổn thương;
- Có thể tiêu hủy một cuộc
hôn nhân đã thành sự; và
- Không ai bị kết án sa hỏa
ngục cả.
Điều đáng ghi nhận là
giáo sư Grisez vốn là phụ tá của Cha John C. Ford, Dòng Tên, người đứng đầu phe
thiểu số trong Ủy Ban Dân Số, Gia Đình, và Sinh Xuất của Đức Phaolô VI, để ngài
viết thông điệp có tính tiên tri về Sự Sống Con Người năm 1968. Chính tham luận
của phe thiểu số này, được Cha Ford và Grisez soạn thảo và trình lên Đức Phaolô
VI, qua Đức Hồng Y Alfredo Ottaviani, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin lúc ấy,
đã được nhận làm chủ điểm cho giáo huấn của Đức Phaolô về ngừa thai, một giáo
huấn vẫn đã được các vị giáo hoàng cho tới nay tiếp tục duy trì.
Kỳ sau: II. Phe ủng hộ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét