NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN
NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN –
Cầu Cho Chúng Con! Đó là một lời cầu trong Kinh Cầu Đức Bà mà chúng ta tha thiết
xin Đức Mẹ ban cho ơn cần thiết trong cuộc sống trần gian, bởi vì Mẹ là Thánh Mẫu
của Thiên Chúa và cũng là Nữ Vương Hòa Bình.
Trong công việc, ngày khởi
đầu luôn được người ta coi trọng. Ngày khởi đầu càng quan trọng hơn khi ngày đó
là Ngày Đầu Năm.
Ngày 1 tháng 1 là ngày rất
đặc biệt đối với thế giới, cả đạo và đời, vì đó là ngày khởi đầu năm mới. Với
người Âu Tây, đó là ngày Tết; với quốc tế, đó là ngày Hòa bình Thế giới; với
người Công giáo, đó là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta mới vừa mừng lễ Giáng
sinh để tôn vinh Con Thiên Chúa, liền sau đó lại tiếp tục mừng lễ Mẹ Thiên Chúa
để tôn vinh Mẹ Thiên Chúa. Giáo hội tạo một nối kết tuyệt vời để đề cao Tình Mẫu
Tử!
Không biết Thiên Chúa có
“tiền định” hay không mà các ngôn ngữ đều mở miệng gọi Mẹ bằng âm bật mở đầu là
mẫu tự M. Chẳng hạn cách gọi người sinh ra mình là Mẹ hoặc Má (tiếng Việt),
Mother (Mom, Mum – tiếng Anh), Mère (Maman – tiếng Pháp), Mutter (Mumie – tiếng
Đức), Madre (Mamá – tiếng Tây Ban Nha), Madre (Mamma – tiếng Ý), Moeder (Mummie
– tiếng Hà Lan),… Nhưng khi gọi Cha thì các nước không dùng chung âm mở đầu, mỗi
nước mỗi khác. Phải chăng đây là “đặc cách” mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ, Mẹ
của những người Mẹ, và tất cả những phụ nữ làm Mẹ?
Nói đến mẹ thì luôn liên
quan con. Tình Mẫu Tử có gì đó rất kỳ diệu, hầu như chúng ta không thể hiểu hết.
Dù người con tật nguyền, không đẹp, thậm chí là hư hỏng, phản bội, nhưng vì “nước
mắt luôn chảy xuôi” nên người Mẹ vẫn sẵn sàng tha thứ và vẫn yêu thương hết
lòng. Người bàng quan có thể trách người Mẹ là nhu nhược, là sợ sệt, nhưng ai
đã làm Mẹ mới khả dĩ hiểu thấu. Thế mới là Tình MẫuTử đích thực – trong đó Tình
Phụ Tử đích thực cũng được “hiểu ngầm”. Không thể chỉ kính trọng Tình Mẹ mà
“coi nhẹ” Tình Cha, vì người Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc;
người Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh.
Truyện kể rằng có một
loài chim đặc biệt rất thương con đến quên cả bản thân mình. Khi không có mồi
cho con ăn, loài chim này lấy chính thịt mình để cho con ăn. Loài vật còn như vậy
huống chi con người – loại sinh vật cao cấp nhất. Xin được mở ngoặc: Giữa năm
1974, khi ĐGM Giuse Lê Văn Ấn (GM tiên khởi của giáo phận Xuân Lộc) qua đời,
loài chim “lấy thịt mình nuôi con” kia đã đậu trên đỉnh nóc nhà thờ chính tòa
Xuân Lộc từ khi ngài qua đời đến lúc an táng xong. Người ta cho đó là “dấu lạ”
vì hợp với khẩu hiệu giám mục của ĐGM Ấn là “Hãy Giết Mà Ăn” (*).
Kinh thánh luôn rõ ràng
và chính xác, nghĩa là những người làm cha làm mẹ – và những “người lớn” có
trách nhiệm chăm sóc những “người “nhỏ” – cũng phải thực hiện trọng trách của
mình một cách trọn vẹn. Cha Mẹ sửa dạy con cái hoặc người trên có sửa dạy người
dưới thì phải sửa dạy bằng tình yêu thương.
Nói về Tình Mẹ, người ta
có thể nhớ ngay đến ca khúc Lòng Mẹ, một ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Y Vân,
viết về chính người Mẹ của ông: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều
rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”. Giai điệu đơn giản mà có
hồn, ca từ đẹp và nhẹ nhàng như chất nữ tính dịu dàng của người Mẹ vậy. Còn thi
sĩ Hồ Dzếnh lại mơ ước:
Kiếp sau xin lại làm người
Để nghe non nước vọng lời
mẹ ru
Được làm người là niềm hạnh
phúc lớn, được nghe lời ru của Mẹ cũng là một niềm vui sướng. Gà con được núp
dưới cánh gà mẹ thì không còn sợ diều hâu. Con ở bên Mẹ thì không chỉ an toàn
mà còn hạnh phúc, bình an cả tinh thần và thể lý.
Gà mẹ xòe cánh
Để đánh diều hâu
Ngọt ngào tình mẹ
Thương con dạt dào
Một em bé nói với người mẹ:
“Mẹ là người tốt nhất”. Em bé này thật may mắn vì em rất hạnh phúc khi có được
người Mẹ “số dzách” như thế. Bất kỳ ai sống an toàn dưới “đôi cánh” của Mẹ thì
đều được an tâm, được tận hưởng nền hòa bình thực sự.
Tình mẹ yêu thương
Biển trời lai láng
Bên mẹ nép cánh
Con sống an vui
Thế giới luôn xảy ra những
biến cố, hầu như hằng ngày, do đó thế giới luôn khao khát hòa bình đích thực để
mọi người được vui sống. Thế giới thiếu hòa bình vì người ta còn tranh quyền lợi,
giành vật chất, còn lắm Tham-Sân-Si (theo quan niệm Phật giáo); người Kitô giáo
thiếu bình an tâm hồn vì còn hướng chiều tội lỗi, vẫn tranh giành quyền lực.
Người ta muốn được phục vụ chứ không muốn phục vụ theo tinh thần Đức Kitô, muốn
sáng danh con chứ chưa thực sự muốn sáng Danh Chúa. “Cái tôi” dù đáng ghét (như
Pascal diễn tả) nhưng “nó” vẫn trỗi dậy bất kỳ lúc nào khiến cho tính ích kỷ “lớn”
hơn tình người, muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình, muốn được Thiên Chúa xót
thương nhưng lại không thể hiện Lòng Chúa Thương Xót. Quả thật, Chúa rất ghét
“những người giả hình” (x. Mt 23:1-12).
Thiếu Tình Chúa và vắng
Tình Mẹ thì chắc chắn không thể có hòa bình. Muốn tận hưởng hòa bình thì phải
có công lý, đồng thời phải cầu nguyện: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc
phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường
lối Chúa, và muôn nước biết Ơn Cứu Độ của Ngài” (Tv 67:2-3). Đức Kitô đã từng
xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Thánh vịnh 67
nói thêm: “Thiên Chúa cai trị toàn cầu theo lẽ công minh, Ngài cai trị muôn nước
theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này” (Tv 67:5). Ký thác
đường đời cho Chúa, cũng là tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót, là thể hiện đức
tin sống động. Quả thật, đời người chỉ là “cát bụi”, chẳng đáng gì:
Thế gian ngắn ngủi – nơi
sinh ký
Thiên quốc vĩnh hằng – chốn
tử quy
Chân nhận như vậy để có
thể chấp nhận bản chất yếu đuối của kiếp người. Chúa giáng sinh làm người là dấu
hiệu “báo động đỏ” của thời cánh chung. Thật vậy, “khi thời gian tới hồi viên
mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới
Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm
nghĩa tử” (Gl 4:4-5). Không chỉ vậy, để chứng thực chúng ta là con cái, Thiên
Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên:
“Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4:6).
Vì thế, chúng ta “không
còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ
Thiên Chúa” (Gl 4:7). Người ta có thể từ con, còn Chúa lại nhận nghịch tử làm
hiền tử hoặc con yêu. Chúa quá “ngược đời”, nhưng quá kỳ diệu và quá tuyệt vời!
Chúng ta chỉ là những “tử tội khốn kiếp” mà lại được nhận làm con cái. Còn hạnh
phúc nào hơn chứ? Đó vừa là điều kỳ diệu vừa là “ẩn số” của tình Cha, nghĩa Mẹ.
Hang đá là cảnh gia đình
hạnh phúc, dù đó là cảnh nhà “nghèo nhất thế gian”. Trong đó “cảnh nghèo” đó có
cả Tình Mẹ và Tình Cha. Những người đến thăm “gia đình nghèo” này cũng lại là những
người “nghèo rớt mồng tơi”: Các mục đồng. Thánh Luca kể rằng sau khi các mục đồng
được thiên sứ báo tin, “họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông
Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Thánh nhân kể rất tỉ
mỉ. Các mục đồng có phước vì đã ghé thăm “tệ xá” của Thánh gia thất. Còn ngày
nay, người ta (cả đời và đạo) chỉ thích “thăm viếng” các biệt thự, các villa,
các nhà cao cửa rộng, các đại gia, những người “thở ra tiền, cười ra bạc, khạc
ra vàng, sàng ra đô-la”. Và người ta có nhiều “cách biện hộ”.
Chúng ta phải học động
thái ít nói và e ấp đầy nữ tính của Đức Maria. Tại sao? Vì Đức Mẹ nghe mục đồng
kể lại điều đã được nói về Hài Nhi, rồi Đức Mẹ “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại
trong lòng” (x. Lc 2:17-19). Kinh thánh tường thuật: “Khi ra về, các mục đồng vừa
đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe,
đúng như đã được nói với họ” (x. Lc 2:20). Họ nghèo mà hạnh phúc, họ hạnh phúc
vì họ được gặp Vua Nghèo Giêsu, thế là họ bình an, nghĩa là họ hưởng nền hòa
bình đích thực. Đúng như ca đoàn thiên thần hát vang trong Đêm Giáng Sinh:
Vinh danh Thiên Chúa trên
trời
Bình an dưới thế cho loài
người Chúa thương (Lc 2:14)
Chỉ có người lòng ngay mới
là người được Chúa thương, chỉ có người thiện tâm mới được tận hưởng nền hòa bình
chân chính đúng nghĩa. Người đó là ai? Là người noi gương sống của Thánh Nhi
Giêsu, Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse.
Thôn nữ Maria sinh Con Trẻ,
bắt đầu thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Sau 8 ngày, đến lúc phải làm lễ cắt bì
cho Con Trẻ theo luật Do Thái, Hài Nhi được đặt tên là Giêsu, tên mà sứ thần đã
đặt cho Em Bé trước khi Em Bé được thụ thai trong lòng Thân Mẫu. Bắt đầu có niềm
hạnh phúc làm Mẹ thì cũng là lúc bắt đầu chuỗi ngày gian khổ, thậm chí là đẫm
nước mắt… Nhưng Đức Mẹ vẫn không một lời than thở, chỉ im lặng, hành động, và
trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa.
Người xưa nói: “Tu thân,
tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Một quá trình liên kết rất lô-gích. Hòa bình
trước tiên phải phát xuất từ tâm hồn mỗi cá nhân, từ đó mới có thể tiếp tục mở
rộng biên độ.
Lạy Chúa, xin giúp chúng
con luôn “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Thánh Phanxicô
Assisi), luôn là “khí cụ bình an của Chúa”, biết bảo vệ công lý để có thể kiến
tạo hòa bình đích thực. Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết “nói ít và làm
nhiều” như Mẹ, để có thể vãn hồi hòa bình ngay từ trong gia đình hàng ngày.
Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Ai đó làm hai câu thơ
độc đáo: “Cây XUÂN nảy LỘC đầu Sáu sáu, Quả ĐỨC thành NHÂN giữa Bảy tư” – nghĩa
là GP Xuân Lộc được thành lập đầu năm 1966, ĐGM Giuse Lê Văn Ấn qua đời giữa
năm 1974.w.youtube.com/watch?v=3Uo0JAUWijM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét