Người giáo dân và cuộc tranh luận quanh việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ (3)
Thu,
05/01/2017 -Vũ Văn An
6. Đức Giáo Hoàng có ý định thay đổi kỷ luật bí tích
Qua tháng Tám, một giáo
sư người Áo, Josef Seifert, viện trưởng sáng lập của Hàn Lâm Viện Triết Học Quốc
Tế, đưa ra một phê phán dài tới 28 trang nhằm yêu cầu Đức Phanxicô rút lại các
“tuyên bố lạc giáo” của Niềm Vui Yêu Thương.
Ông nhấn mạnh rằng lời
phê bình của ông được viết ra với lòng khiêm nhường và trung thành, không hề có
mưu toan “tấn công Đức Giáo Hoàng, gây hại cho ngài hay bác bỏ tính hợp pháp của
ngài”. Ông chỉ nhằm “hỗ trợ ngài và phụ giúp ngài trong bổn phận nền tảng của
ngài là giảng dậy sự thật”.
Theo ông, một số đoạn của
NVYT ít nhất xem ra đối nghịch với Lời Chúa và giáo huấn của Thánh Giáo Hội
Công Giáo về trật tự luân lý, về điều xấu từ trong nội tại và các hành vi vô trật
tự, về các giới răn của Thiên Chúa và khả năng chu toàn chúng của ta với sự trợ
giúp của ơn thánh Chúa, về nguy cơ bị phạt đời đời, về tính bất khả tiêu của
hôn nhân và tính thánh thiện của các bí tích Thánh Thể và Hôn Phối, cũng như về
kỷ luật bí tích và việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội phát sinh từ Lời Chúa và
truyền thống 2000 năm của Giáo Hội.
Ông cho rằng các tuyên bố
sai hoặc xem ra sai của Đức Giáo Hoàng đều cần phải khẩn cấp được sửa sai vì
tính “tối thượng của sự thật”, một tính tối thượng từng buộc Thánh Phaolô công
khai sửa sai vị giáo hoàng đầu tiên tức Thánh Phêrô.
Theo ông, có những tuyên
bố trong NVYT hàm hồ một cách nguy hiểm cần được soi sáng, nhưng nhiều tuyên bố
khác đơn thuần là sai lầm cần được Đức Giáo Hoàng rút lại.
Cũng như Pierantoni,
Seifert khởi sự phân tích vấn đề chính tức: những cặp nào là “những cặp sống
trong các tình huống bất hợp lệ” được NVYT cho phép lãnh nhận các bí tích như
được đề xuất tại ghi chú 351? Và ông đưa ra bốn câu trả lời: không cặp nào cả,
mọi cặp, một ít cặp và chỉ những cặp bước vào một “cuộc hôn nhân lương tâm”
nghĩa là tuy không thể nhận được án vô hiệu, nhưng tin thật trong lòng rằng
mình có đủ cơ sở để được án này.
Đối với câu trả lời đầu
tiên, không như Đức Hồng Y Gerhard Muller, Đức Hồng Y Raymond Burke và Đức Tổng
Giám Mục Charles Chaput, Seifert cho rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý định
“thay đổi một điều gì đó trong kỷ luật bí tích” khi ở ghi chú 351, ngài cho
phép một số cặp được lãnh nhận các bí tích trong khi cho tới nay họ tuyệt đối bị
cấm. Nhưng điều này không thể xẩy ra vì vấn đề này thuộc truyền thống giáo huấn
2000 năm của Giáo Hội và nó trực tiếp phát sinh từ Lời Chúa.
Seifer cho câu trả lời thứ
hai là của những người như Cha Antonio Spadaro, S.J., Hội Đồng Giám Mục Phi Luật
Tân, Đức Tổng Giám Mục (nay là Hồng Y) Blaise Cupich, cũng như Đức Hồng Y Christoph
Schönborn. Ông gọi đây là chủ trương “triệt để, mâu thuẫn và tuyêt đối đi ngược
lại giáo huấn truyền thống”. Vì nếu thế, thì có thể cho phép cả những người phá
thai và các bác sĩ và y tá trợ giúp phá thai được rước lễ.
Ông cho chủ trương này
“hoàn toàn làm mất hết ý nghĩa của NVYT” và do đó “một tuyên bố rất rõ ràng và
mau chóng của Đức Giáo Hoàng rằng lối giải thích này hoàn toàn sai lầm một cách
triệt để là điều khẩn trương cần thiết và hết sức khẩn trương, nếu ta muốn
tránh hỗn loạn hoàn toàn”.
Seifert cũng bác bỏ cả
hai lối trả lời sau. Ông không cho là thích đáng khi một linh mục đơn độc lại
có thể là người phán định liệu một người về chủ quan có thiếu khả năng nhận ra
tội mình phạm hay không. Ông cũng không tán thành ý niệm cho rằng có những cặp
chỉ cần dựa vào lương tâm của mình để quyết định liệu cuộc hôn nhân bí tích đầu
tiên có thành sự hay không. Cả hai đều dẫn tới chủ nghĩa duy chủ quan, gương xấu
công khai và hỗn loạn.
Giáo sư Seifert tỏ ra hết
sức lo ngại, khi NVYT không hề nhắc đến những răn đe như “không kẻ ngoại tình
nào được vào Nước Trời?”, “ai ăn và uống Mình và Máu Chúa Kitô cách bất xứng,
là ăn và uống án phạt của riêng mình”. Trái lại chỉ biết tâng bốc những người
ly dị tái hôn dân sự là “chi thể sống động của Giáo Hội”.
Ông bảo “không nhắc một
chữ đến răn đe, thậm chí còn chối bỏ chúng, là trực tiếp mời gọi các cặp đang sống
một cách trực tiếp mâu thuẫn với Giáo Hội này ở lỳ trong sự mâu thuẫn này và nếu
còn bảo đảm với họ thêm rằng ‘không ai bị án phạt đời đời’ nữa, thì, theo tôi,
đây quả không phải là một hành vi thương xót mà là một hành vi bạo tàn”.
Giáo sư Seifert, nhân dịp
này, bênh vực việc một giáo dân phê phán một giáo hoàng. Ông đưa ra nhiều điển
hình trong lịch sử Giáo Hội cho thấy người giáo dân giúp tay chống lại các lạc
giáo.
Điển hình là Hoàng Đế
Constantine, người, theo giáo luật, chỉ là một giáo dân, nhưng năm 325, đã triệu
tập Công Đồng Nixêa, công đồng chung đầu tiên của Giáo Hội, và đã tích cực tham
dự, thuyết phục đa số các vị giám mục lúc ấy chịu ảnh hưởng của Ariô chấp nhận
giáo huấn chính thống thừa nhận thần tính của Chúa Giêsu Kitô, qua việc từ bỏ
công thức sai lầm cho rằng Chúa Kitô chỉ tương tự (homoiousios) như Chúa Cha, để
công nhận công thức chân thực rằng Người đồng bản tính (homoousios) với Chúa
Cha. Do đó, nhờ lời phê phán đa số các giám mục của một giáo dân mà tín lý chủ
yếu của toàn bộ đức tin Kitô Giáo đã được duy trì.
Điều cũng được Giáo Sư
trưng dẫn là lúc ấy, Thánh Anatasiô, dù mới là phó tế, chưa là giáo sĩ hoàn
toàn, cũng đã cùng vị giám mục của mình, trở thành người chủ đạo chống lại lạc
giáo Ariô tại Công Đồng Nixêa và là người hết lòng ủng hộ chủ trương của Hoàng
Đế Constantine tại Công Đồng này. Giáo Hội Coptic còn tin rằng chính Phó Tế
Anatasiô đã soạn ra Kinh Tin Kính Nixêa.
Sau này, Hoàng Đế
Constantine thay đổi lập trường, muốn đưa ra một thỏa hiệp giữa phe Ariô và các
Kitô hữu Nixêa, Thánh Anatasiô đã can đảm chống lại, dù không thành công và sau
đó còn bị con trai của Constantine là Constantius II ép buộc các giám mục dự
công đồng Arles phạt tuyệt thông. Ngược với Đức Liberiô, dù trước đây cực lực
lên án Ariô, nhưng khi bị Constantius II bỏ tù, đã thỏa hiệp với Phe Ariô bác bỏ
công thức của Nixêa và phạt tuyệt thông Anatasiô. Dù thế Anatasiô vẫn kiên trì,
với 7 lần bị phát vãng và tuyệt thông, hàng ngũ giáo dân đã tiếp tục lên tiếng
và nhờ thế các sai lầm đã được sửa chữa.
Thánh nữ Catarina thành
Sienna cũng đã sắc sảo nhưng dịu dàng phê phán các vị giáo hoàng Grêgôriô XI và
Urbanô VI. Ngài viết cho Đức Giáo Hoàng Urbanô VI rằng: “người con thấy rõ rằng
cha mình, người có bổn phận cai quản một gia đình lớn, chỉ có thể nhìn như một
người nhìn, không hơn không kém. Nên nếu con cái hợp pháp của ông không sốt sắng
quan tâm đến danh dự và phúc lợi của ông, chắc hẳn ông sẽ bị lừa nhiều lần.
Thưa Đức Thánh Cha, sự thường là thế. Đức Thánh Cha là cha và là chúa của toàn
bộ Kitô Giáo; chúng con ở dưới cánh thánh thiện của Đức Thánh Cha: về thẩm quyền,
Đức Thánh Cha có thể làm mọi sự, nhưng về việc nhìn, Đức Thánh Cha chỉ có thể
nhìn như một người nhìn; nên con cái Đức Thánh Cha cần phải trông chừng và quan
tâm với những tấm lòng trong trắng và không sợ sệt của kẻ nô dịch trước những
gì có lợi cho danh dự Thiên Chúa cũng như sự an toàn và danh dự của Đức Thánh
Cha và của đoàn chiên dưới quyền săn sóc của Đức Thánh Cha. Và con biết Đức
Thánh Cha rất muốn có người giúp đỡ Đức Thánh Cha; nhưng Đức Thánh Cha phải
kiên nhẫn lắng nghe họ”.
Thành thử khi thấy giám mục
Rôma mắc sai lầm, người giáo dân, như Thánh Tôma Aquinô đã dậy ở trên đây, có
quyền và nghĩa vụ phải phê phán “bằng tình yêu sự thật và Giáo Hội”. Chính Đức
Phanxicô, ở ngay đầu triều giáo hoàng của ngài, cũng đã thúc giục mọi người đừng
xu nịnh ngài hay nói dối ngài hoặc bênh vực các tuyên bố sai lầm.
7. Năm điều hồ nghi
Đến tháng Chín, 4 vị Hồng
Y chính thức nhập cuộc yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm sáng tỏ 5 điều hồ
nghi (dubia) mà các ngài e ngại Niềm Vui Yêu Thương đang hướng dẫn sai một cách
trầm trọng và gây ra lẫn lộn sâu xa.
Các Đức Hồng Y Carlo
Caffarra, Raymond Burke, Walter Brandmüller và Joachim Meisner, cũng theo khuôn
khổ của nhóm 45 học giả, bằng cách gửi lên Đức Giáo Hoàng và Bộ Trưởng Thánh Bộ
Giáo Lý Đức Tin một tài liệu gồm 5 câu hỏi và một lá thư đính kèm vào ngày 19
tháng Chín.
Dubia (các điều hoài
nghi) là các câu hỏi chính thức đệ lên Đức Giáo Hoàng nhằm để ngài trả lời “có”
hay “không”, không cần phải lập luận thần học. Thực hành này vốn có từ xưa
trong Giáo Hội Công Giáo nhằm đạt được sự rõ ràng sáng sủa về giáo huấn của
Giáo Hội.
Bốn Hồng Y cho hay: mục
tiêu của các ngài là muốn được soi sáng “các lối giải thích trái ngược nhau” về
các đoạn 300-305 của chương 8 trong Niềm Vui Yêu Thương, là các đoạn gây tranh
cãi nhiều nhất liên quan đến việc cho phép một số người ly dị tái hôn được lãnh
nhận các bí tích.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ
khước trả lời 5 câu hỏi trên, khiến bốn vị Hồng Y liên hệ quyết định công bố
hai tài liệu của mình vào tháng Mười Một. Các ngài cho rằng: các ngài đọc “quyết
định tối thượng của ngài (Đức Phanxicô) như một lời mời tiếp tục cuộc suy tư và
thảo luận, một cách thanh thản và kính trọng” do đó, đã quyết định thông tri
“cho toàn thể Dân Chúa biết sáng kiến của chúng tôi và cung hiến cho họ mọi tài
liệu của chúng tôi”.
Nhờ thế, mọi người được
hay: câu hỏi đầu là câu hỏi thực tiễn liên quan tới các người ly dị và tái hôn
dân sự; bốn câu hỏi sau liên quan tới các vấn đề nền tảng của đời sống Kitô hữu.
a. Câu hỏi đầu hỏi: có phải “nay đã có thể” nhận cho chịu
các bí tích các người ly dị tái hôn, dù họ vẫn tiếp tục các mối liên hệ tình dục,
không “chu toàn các điều kiện” được dự liệu trong các giáo huấn trước đây, phần
lớn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như tông huấn Familiaris Consortio
năm 1981 của ngài về gia đình. Câu hỏi cũng hỏi thêm rằng liệu kiểu nói “trong
một số trường hợp”, tìm thấy ở Ghi Chú số 351 (Đoạn 305) của Niềm Vui Yêu
Thương có nên được áp dụng vào những người ly dị hiện sống trong một cuộc kết hợp
mới và vẫn tiếp tục sống more uxorio (theo lối vợ chồng) không.
b. Câu hỏi thứ hai hỏi: liệu giáo huấn ở số 79,
trong thông điệp Veritatis Splendor năm 1993 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô
II, “về sự hiện hữu của các qui luật luân lý tuyệt đối ngăn cấm các hành vi xấu
từ bên trong và có tính trói buộc không trừ ai” có còn giá trị không.
c. Câu hỏi thứ ba hỏi rằng liệu, sau Niềm Vui Yêu
Thương, ta “còn có thể quả quyết” rằng một người “quen sống mâu thuẫn với giới
điều của luật Thiên Chúa, như giới điều ngăn cấm ngoại tình” chẳng hạn có đang
sống trong một tình thế tội trọng liên miên một cách khách quan hay không.
d. Câu hỏi thứ bốn hỏi rằng liệu, dưới sự soi sáng của Niềm
Vui Yêu Thương, giáo huấn của Veritatis Splendor rằng “các hoàn cảnh hay ý hướng
không bao giờ có thể biến đổi một hành vi xấu từ bên trong nhờ đối tượng của nó
thành một hành vi tốt ‘theo chủ quan’ hay như một lựa chọn có thể bào chữa được”
có còn giá trị hay không.
e. Câu hỏi cuối cùng hỏi liệu số 56 của Veritatis Splendor,
tức số dạy “rằng việc nhấn mạnh rằng lương tâm không bao giờ được phép hợp pháp
hóa các ngoại lệ đối với các qui luật luân lý tuyệt đối vốn ngắn cấm các hành
vi xấu từ bên trong nhờ các đối tượng của chúng” có còn giá trị nữa hay không.
Trong tuyên bố ngày 14
tháng Mười Một, bốn vị Hồng Y nhấn mạnh: các ngài hành động vì công lý và đức
ái. Công lý, vì qua 5 điều hoài nghi này, các ngài tuyên xưng thừa tác vụ hợp
nhất và củng cố đức tin của thừa tác vụ Phêrô; đức ái, vì các ngài muốn “trợ
giúp Đức Giáo Hoàng ngăn ngừa các chia rẽ và tranh chấp trong Giáo Hội, khi yêu
cầu ngài đánh tan mọi hàm hồ”.
Các vị cũng cho hay các vị
thi hành bổn phận của mình phù hợp với Điều 349 Bộ Giáo Luật: giúp Đức Giáo
Hoàng ‘săn sóc Giáo Hội hoàn vũ’. Và các vị yêu cầu đừng coi sáng kiến của các
vị “theo mô hình cấp tiến/bảo thủ”.
Động lực của các vị là “lợi
ích đích thực của các linh hồn, luật pháp tối cao của Giáo Hội chứ không cổ vũ
bất cứ hình thức chính trị nào trong Giáo Hội”.
Các vị nài nỉ: “chúng tôi
hy vọng không ai phê phán chúng tôi một cách bất công, như những kẻ thù của Đức
Thánh Cha và là những người thiếu lòng thương xót. Điều chúng tôi đã và đang
làm có gốc rễ sâu xa trong lòng âu yếm hợp đoàn vốn hợp nhất chúng tôi với Đức
Giáo Hoàng và sự hết lòng quan tâm tới lợi ích của các tín hữu”.
Trong lá thư gửi Đức Giáo
Hoàng, các ngài muốn được soi sáng vì “các nhà thần học và các học giả đã đề xuất
các lối giải thích” chương 8 của Niềm Vui Yêu Thương “không những khác nhau mà
còn mâu thuẫn với nhau”.
Thêm vào đó, truyền thông
“nhấn mạnh tới cuộc tranh luận này, do đó gây ra bất trắc, lẫn lộn và mất hướng
nơi nhiều tín hữu”. Vả lại, “nhiều giám mục và linh mục” còn nhận được “nhiều lời
yêu cầu của tín hữu thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau muốn có lời giải
thích chính xác” về chương này.
Các ngài cảm thấy “bị
thúc đẩy trong lương tâm” phải hành động vì “trách nhiệm mục vụ” của mình và vì
các ngài muốn “thi hành nhiều hơn tính công đồng mà Đức Thánh Cha vốn thúc giục
chúng con”.
Kết thúc bức thư, các vị
kêu gọi Đức Thánh Cha “củng cố anh em mình trong đức tin, giải quyết các bất trắc
và đem lại sự rõ ràng, từ nhân trả lời các câu hồ nghi mà chúng con đính kèm
thư này”.
Kỳ sau: 8. Một cuộc khủng
hoảng gây di căn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét