Người giáo dân và cuộc tranh luận quanh việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ (5)
Vũ
Văn An1/6/2017
II. Phe ủng hộ
Cho tới nay, chưa thấy có
một nhóm giáo dân Công Giáo nào lên tiếng ủng hộ việc cho phép người ly dị tái
hôn dân sự được lãnh nhận các bí tích. Nhưng người giáo dân nổi tiếng nhất lên
tiếng ủng hộ việc này là chính trị gia kiêm giáo sư triết Rocco Buttiglione.
1. Chủ quan tính và việc định tội
Thực vậy từ hồi tháng Bẩy,
trong Bài “Niềm Vui Yêu Thương và Sự Sửng Sốt Của Các Nhà Thần Học” (The joy of
love and the consternation of theologians) đăng trên tờ báo chính thức của Tòa
Thánh, tức tờ L’Osservatore Romano, Giáo Sư Buttiglione đã cho rằng có những
trường hợp nên cho người ly dị và tái hôn dân sự được lãnh nhận các bí tích.
Theo ông, Sách Giáo Lý
Rôma, tức sách Giáo Lý của Thánh Giáo Hoàng Piô X, vị giáo hoàng đấu tranh kịch
liệt chống lại phe duy hiện đại, dạy rằng có ba yếu tố mới tạo nên một tội trọng:
phải là một hành vi xấu từ trong nội tại hay đi ngược một cách trầm trọng với
luật luân lý, nghĩa là phải là một việc hệ trọng. Các liên hệ tính dục ngoài
hôn nhân chắc chắn đi ngược lại luật luân lý một cách trầm trọng. Điều này đúng
trước khi có Niềm Vui Yêu Thương, điều này đúng trong Niềm Vui Yêu Thương và dĩ
nhiên nó tiếp tục đúng sau khi đã có Niềm Vui Yêu Thương. Đức Giáo Hoàng không
hề thay đổi tín lý của Giáo Hội.
Nhưng Thánh Piô X còn dạy
ta thêm: ngoài việc phạm một việc hệ trọng ra, muốn thành tội trọng, người phạm
phải hiểu biết đầy đủ về cái xấu của hành vi mình phạm. Nếu ai tin chắc trong
lương tâm rằng hành vi này không xấu một cách trầm trọng, thì nó chỉ xấu về chất
thể (materially) nhưng với họ không bị kể là một tội trọng.
Cuối cùng, chủ thể hành động
phải tự ý bằng lòng làm hành vi này. Điều này có nghĩa: họ phải được tự do hành
động hay không hành động: nghĩa là được tự do hành động kiểu này hơn là kiểu
kia, và không bị cưỡng ép bởi một nỗi sợ sệt buộc họ phải làm một điều khi họ
thích làm một điều khác.
Rồi Giáo Sư Buttiglione
đưa ra một số điển hình cho thấy có những hoàn cảnh người ly dị tái hôn dân sự
rơi vào trạng huống sống trong một tội trọng mà không hoàn toàn hiểu biết hay tự
ý bằng lòng: một người đàn bà tuy đã chịu phép rửa nhưng chưa bao giờ được phúc
âm hóa thực sự, bước vào một cuộc hôn nhân cách hời hợt, rồi bị người chồng bỏ
rơi; một người đàn ông kết hợp với một người ông ta đang giúp đỡ một người đàn
bà trong lúc gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Ông thành thực yêu thương người đàn
bà này và trở thành một người cha tốt đối với các đứa con của người đàn bà từ
cuộc hôn nhân đầu của nàng.
Đối với các trạng huống
trên, Giáo Sư Buttiglione cho rằng bạn có thể gợi ý để ông ta hay bà ta sống với
nhau như anh trai em gái. Nhưng nếu họ từ chối sống như thế thì sao? Có thể có
các khả thể sau: vào một lúc nào đó, một trong hai người tìm được vẻ đẹp của đức
tin và được phúc âm hóa thực sự lần đầu tiên trong đời. Hay, cuộc hôn nhân đầu
thực sự không thành sự, nhưng có những lý do hợp lý khiến họ không ra tòa án
Giáo Hội được hoặc vì bất cứ lý hợp lý nào khiến họ không chứng minh được tính
không thành sự của cuộc hôn nhân đầu…
Nhưng Niềm Vui Yêu Thương
thì sao, nó dậy gì? Giáo Sư Buttiglio bảo: có lẽ tốt hơn nên bắt đầu với những
gì nó không dậy. Nó không dậy: người ly dị tái hôn dân sự cứ lặng lẽ bình thản
lên rước lễ. Đức Giáo Hoàng mời gọi họ bước và tiếp tục bước con đường hoán cải.
Ngài mời gọi họ tự vấn lương tâm và thổ lộ hết tình huống của mình. Ngài mời gọi
hối nhân và vị giải tội cùng bước con đường biện phân tâm linh. Tông Huấn không
nói ở điểm nào trên con đường này, họ có thể nhận ơn giải tội và tiến lên rước
lễ. Nó không nói vì tính đa dạng của các tình huống và hoàn cảnh nhân bản thì
quá bao la.
Con đường mà Đức Giáo
Hoàng đề nghị với người ly dị tái hôn y hệt con đường Giáo Hội vẫn đề nghị với
mọi người có tội: đến tòa giải tội, và vị linh mục, khi đã xem xét mọi hoàn cảnh,
sẽ quyết định liệu có ban ơn giải tội cho hối nhân và cho phép họ rước lễ hay
không.
Một lần nữa, Giáo Sư
Buttiglione nhắc lại rằng: về phương diện khách quan, chắc chắn những người này
đang sống trong trạng huống tội trọng, trừ trường hợp hôn nhân trước không
thành sự. Nhưng liệu họ có hoàn toàn chịu trách nhiệm chủ quan và do đó có tội
hay không lại là một chuyện khác cần được xem xét. Chính vì thế, họ cần phải tới
tòa giải tội.
Còn đối với vị tiền nhiệm
Gioan Phaolô II thì sao? Có mâu thuẫn hay đứt đọan gì không? Giáo Sư
Buttiglione cho rằng NVYT không mâu thuẫn với Veritatis Splendor của Đức Gioan
Phaolô II. Vì nó vẫn cho rằng có những hành vi tự chúng xấu như ngoại tình chẳng
hạn, bất kể các hoàn cảnh đi kèm với chúng và ý hướng của người thực hiện
chúng. Nhưng chính Thánh Gioan Phaolô II cũng chắc chắn rằng các hoàn cảnh có ảnh
hưởng tới việc đánh giá luân lý về người chủ của hành vi, khiến họ trở thành có
tội nhiều hay có tội ít đối với hành vi xấu một cách khách quan của họ. Không
hoàn cảnh nào có thể biến một hành vi tự nó xấu thành một hành vi tốt, nhưng
hoàn cảnh có thể tăng hay giảm trách nhiệm luân lý của người thực hành hành vi
này. Đó là điều NVYT truyền dậy, thành thử không hề có thứ “đạo đức học hoàn cảnh”
trong nó mà chỉ có sự cân bằng cổ điển của trường phái Tôma biết phân biệt giữa
việc phán đoán hành vi và việc phán đoán người làm hành vi, trong đó, các hoàn
cảnh giảm khinh hay miễn tội (exonerating) cần được xem xét.
Đối với Tông Huấn
Familiaris Consortio số 84 và NVYT số 305, nhất là ghi chú 351, Giáo Sư
Buttiglione cho rằng Thánh Gioan Phaolô II không cho phép người ly dị tái hôn
dân sự rước lễ, còn Đức Phanxicô thì dậy rằng họ được phép trong một số trường
hợp. Nhưng đâu có gì mà coi là mâu thuẫn?
Ta hãy đọc bản văn kỹ hơn
một chút. Trước đây, người ly dị và tái hôn dân sự bị tuyệt thông và trục xuất
ra khỏi đời sống Giáo Hội. Thứ tuyệt thông này đã không còn với Bộ Giáo Luật mới
và Tông Huấn Familiaris Consortio, và người ly dị tái hôn dân sự nay được khuyến
khích tham dự vào đời sống Giáo Hội và cho con cái được dưỡng dục theo Kitô
Giáo. Đây quả là một quyết định can đảm tách ra khỏi một truyền thống lâu đời.
Nhưng Familiaris Consortio vẫn dậy rằng người ly dị tái hôn dân sự không được
rước lễ. Lý do là họ sống trong một trạng thái tội lỗi công khai tỏ tường và họ
phải tránh gây gương mù. Các lý do này mạnh đến nỗi bất cứ hoàn cảnh giảm khinh
nào cũng không được cứu xét.
Nhưng Giáo Sư Buttiglione
nói rằng: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo ta nên xem xét các hoàn cảnh ấy. Sự khác
nhau giữa Familiaris Consortio và NVYT chỉ có thế. Hiển nhiên, về phương diện
khách quan, người ly dị tái hôn sống trong trạng huống tội nặng; Đức Giáo Hoàng
Phanxicô không hề cổ vũ việc những người như thế được rước lễ, nhưng, giống mọi
người có tội, được đến tòa giải tội. Ở đấy, họ sẽ kể hết mọi hoàn cảnh giảm
khinh của họ và nghe vị giải tội xem dưới những điều kiện nào họ có thể được
lãnh ơn tha tội”.
Ông nhận định: “Rõ ràng,
Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nói cùng một điều nhưng
các ngài cũng không mâu thuẫn với nhau về thần học hôn nhân. Đúng hơn, các ngài
thi hành quyền tha buộc của Thánh Phêrô do Thiên Chúa ban một cách khác nhau
trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Để hiểu điều này, ta hãy xem xét câu hỏi
sau đây: có mâu thuẫn không giữa các vị giáo hoàng phạt tuyệt thông các người
ly dị tái hôn và Thánh Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng đã rút lại vạ tuyệt thông
này?”
Giáo Sư Buttiglione đi xa
hơn một chút khi quả quyết rằng: “các vị giáo hoàng trước ngài luôn biết rằng một
số người ly dị tái hôn có thể đang sống trong ơn thánh Chúa do nhiều hoàn cảnh
giảm khinh. Các ngài biết rõ rằng thẩm phán tối hậu chỉ có một mình Thiên Chúa
mà thôi. Nhưng các ngài vẫn phải nhấn mạnh tới vạ tuyệt thông để củng cố chân
lý bất khả tiêu của hôn nhân trong lương tâm đoàn chiên mình. Đây là một chiến
lược mục vụ hợp pháp trong một xã hội phần lớn đồng thể (homogenous) vào thời
đó, lúc ly dị là tình trạng ngoại lệ, người ly dị tái hôn rất ít…
“Nay, ly dị là một hiện
tượng thường xuyên hơn nhiều và có nguy cơ chối đạo hàng loạt nếu người ly dị
tái hôn rời bỏ Giáo Hội và không cho con cái một nền giáo dục Kitô Giáo nữa.
Chúng ta không còn sống trong một xã hội đồng thể. Nó dị thể nhiều hơn và rất
linh động. Con số người ly dị đã gia tăng lớn lao cũng như những người trong
các hoàn cảnh “bất hợp lệ” nhưng về chủ quan, có thể sống trong trạng thái ơn sủng;
do đó, cần phải khai triển một chiến lược mục vụ mới. Vì lý do này, các vị giáo
hoàng đã quyết định thay đổi không phải luật Thiên Chúa mà là luật của con người
vốn nhất thiết đi kèm với luật Chúa, xét vì Giáo Hội là một thực thể nhân bản
và hữu hình”.
Chiến thuật mới có nguy
cơ không? Giáo Sư Buttiglione cho rằng có. Có nguy cơ một ai đó sẽ rước lễ cách
phạm thượng vì không ở trong trạng thái ơn thánh. Nếu thế, họ tự ăn và uống
hình phạt của họ.
Nhưng chiến thuật cũ cũng
có nguy cơ. Vì có những người bị tước mất sự nâng đỡ của bí tích mà họ có quyền
được hưởng. Ông kết luận: “hãy để cho các hội đồng giám mục, các giám mục cá thể,
và cuối cùng, để các cá nhân Kitô hữu, sử dụng các biện pháp đúng để tối đa hóa
các lợi ích của đường hướng mục vụ này và tối thiểu hóa các nguy cơ. Dụ ngôn
các nén bạc dạy ta phải chấp nhận rủi ro và có lòng tin vào sự thương xót”.
2.
Trả lời 5 điều hoài nghi của 4 vị Hồng Y
Thực ra, phe chỉ trích rất
dễ đánh đổ các luận điểm của Giáo Sư Buttiglione. Các tác giả như linh mục giáo
sư Robert Gahl, Cha Brian Harrison, Veronica A. Arntz đã lần lượt phân tích các
điểm yếu trong luận điểm Buttiglione.
Cha Gahl chẳng hạn nhấn mạnh
rằng trong diễn trình đồng hành và biện phân, người ly dị tái hôn “không hiểu
biết” phải được giúp đỡ để hiểu biết rõ về tình trạng của mình. Nhưng Giáo Sư
Buttiglione vẫn cho rằng nói như thế là chưa hiểu thấu đáo về lương tâm. Có những
người dù được giảng dậy như thế, vẫn tin trong lương tâm rằng họ không có lỗi,
và do đó, họ sống trong trạng thái ơn thánh… Điều này không được tác giả Arntz
đồng ý vì cho rằng hôn nhân, theo Thánh Gioan Phaolô II, là một việc hoàn toàn
tự nhiên, không con người tự nhiên nào mà lại không hiểu bản chất của hôn nhân,
đến nỗi không chấp nhận lời giảng khuyên của diễn trình đồng hành và biện phân!
Hơn nữa, những điều Giáo
Sư trình bầy về xã hội thay đổi, con số ly dị gia tăng, nguy cơ bỏ đạo để bênh
vực việc nới rộng kỷ luật bí tích đến có thể đụng tới tính bất khả tiêu của hôn
nhân và nền tảng của bí tích giải tội (quyết tâm sửa đổi) có thể cứu được một số
người đi chăng nữa, nhưng sẽ làm lung lay đức tin của vô số người, đẩy họ vào
chỗ bỏ đạo trên thực tế. Cái hại chắc chắn sẽ lớn lao hơn cái ích rất nhiều.
Lịch sử cho thấy chỉ một
việc cử hành Thánh Lễ quay xuống hay quay lên, bằng tiếng La Tinh hay tiếng
bình dân cũng đã đẩy hàng triệu người xa lánh Giáo Hội, đến nỗi dù nay ta hết sức
lôi kéo những người này trở lại, họ vẫn dùng dằng “em chả, em chả”. Với sự
“thay đổi chiến thuật” này, không phải mấy triệu người mà hàng trăm triệu người
chính thức rời bỏ Giáo Hội và hàng trăm triệu người khác rời bỏ Giáo Hội trên
thực tế.
Giáo Sư Buttiglione hình
như không sợ như vậy. Nên khi nghe 4 vị Hồng Y bầy tỏ 5 điều hồ nghi (dubia),
ông không ngại lên tiếng chỉ trích, với tư cách một giáo dân, từng làm chồng,
làm cha, đọc Thánh Tôma và năng đi xưng tội.
Thực tế, ông cũng chỉ nhắc
lại những điều đã viết trên đây để trả lời 4 vị Hồng Y. Như khi trả lời “dubia”
thứ nhất rằng: liệu, trong một số trường hợp, có thể tha tội cho một người, dù
còn bị trói buộc bởi cuộc hôn nhân trước, vẫn sống theo kiểu vợ chồng, nghĩa là
tiếp tục làm tình trong cuộc kết hợp hiện nay, ông trả lời là có “như đã viết
trong NVYT và được quả quyết trong các nguyên tắc tổng quát của thần học luân
lý. Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa hành vi tạo nên tội trọng và người làm
hành vi, rất có thể bị trói buộc bởi các hoàn cảnh có thể giảm khinh trách nhiệm
của họ đối với hành vi và trong một số trường hợp hoàn toàn loại bỏ trách nhiệm
này”. Ông không nói gì tới việc đồng hành và biện phân. Nhưng ông đưa ra thí dụ:
một người đàn bà hoàn toàn lệ thuộc một người đàn ông về tài chánh và tâm trí
và buộc phải làm tình ngược với ý muốn mình.
Trả lời “dubia” thứ hai rằng
giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong số 79 của Veritatis Splendor – về sự hiện
hữu của các hành vi xấu từ trong nội tại – có còn giá trị hay không, ông bảo:
còn. Vì NVYT không nói đến việc lượng giá hành vi xấu mà lượng giá mức độ của
trách nhiệm chủ quan.
Trả lời “dubia” thứ ba rằng
có thể quả quyết những người vẫn sống như vợ chồng là đang sống trong tình trạng
tội nặng hay không, ông bảo: câu trả lời có thể là “có” nếu là tội nặng (grave
sin) chứ không phải tội trọng (mortal sin). Theo ông tội nặng được xác định bởi
đối tượng (vấn đề nặng). Tội trọng trái lại được ấn định bởi hậu quả gây ra cho
chủ thể (giết linh hồn). Mọi tội trọng đều là tội nặng nhưng không phải tội nặng
nào cũng là tội trọng! Vì có những trường hợp vấn đề nặng không đi đôi với việc
hiểu biết hoàn toàn và đồng ý hoàn toàn của chủ thể.
Trả lời “dubia” thứ tư rằng
giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II ở số 81 của Veritatis Splendor, tức số nói rằng:
“các hoàn cảnh hay ý hướng không bao giờ có thể biến đổi một hành vi xấu từ bên
trong do đối tượng của nó thành một hành vi tốt về phương diện 'chủ quan' hay
có thể bênh vực được như một chọn lựa, có còn giá trị không, ông bảo: chắc chắn
còn giá trị. Sống chung theo lối vợ chồng, chẳng hạn, bất kể ý hướng hay hoàn cảnh
nào, vẫn luôn luôn xấu, đi ngược lại kế hoạch Thiên Chúa. Nó là một vết thương,
nhưng có tử thương không? Thì ông bảo là không! Vết thương nặng này không gây tử
thương. Hoàn cảnh không thay đổi bản chất của hành vi nhưng có thể thay đổi
phán đoán liên quan tới trách nhiệm của người làm.
Trả lời “dubia” thứ năm rằng
giáo huấn ở số 56 của Veritatis Splendor, tức giáo huấn dạy rằng lương tâm
không có một vai trò sáng tạo và không thể biện minh cho các ngoại lệ đối với
các qui luật luân lý tuyệt đối, có còn giá trị không, ông trả lời: nó vẫn còn
giá trị. Lương tâm nhìn nhận chân lý chứ không tạo ra chân lý, nó không thể thiết
lập ra một qui luật hoàn toàn hoặc một phần đi trệch khỏi qui định của luật tự
nhiên. NVYT không quả quyết bất cứ ngoại lệ nào đối với qui luật. Ngoại tình là
một tội và hối nhân phải luôn nhìn nhận phần lỗi của mình và tìm cách làm cho
tình trạng của mình phù hợp với qui luật. Nhưng họ có thể chỉ không hoàn toàn
chịu lỗi vì thiếu khả năng hoàn toàn sống theo các nguyên tắc công lý và vì lý
do này rơi vào tình huống có tội nhưng không phải là tội trọng (mortal). Khi bí
tích được ban cho những người thấy mình sống trong tội nặng nhưng không phải tội
trọng, thì đây không phải là một lời mời hối nhân cắt ngắn hành trình tiến tới
nhân đức luân lý của họ, vì tưởng mình đã thoả đáng rồi. Đúng hơn, đây là một lời
động viên để họ tiếp tục hành trình ấy.
Ở đây, Giáo Sư
Buttiglione đưa ra một thí dụ hơi lạ: giả dụ Ông Giakêu rơi vào hoàn cảnh không
trả lại gấp bốn lần số tiền ông đã lấy của người ta, có thể vì ông đã trót
phung phá hết mà cũng có thể là vì ông ta không đủ rộng lượng để làm thế, mà chỉ
có thể trả lại nửa số tiền đã lấy của người ta, liệu ông ta có tôn trọng ý Chúa
không? Giáo Sư Buttiglione bảo: có, do nửa số tiền ông trả lại, chứ không do nửa
số tiền ông chưa trả. Cũng thế, những người đi lại con đường đức tin và chân lý
và chỉ một phần sửa lại các lỗi lầm của mình có thể an tâm rằng họ đã hành động
phù hợp với thánh ý Thiên Chúa bao lâu họ tiếp tục cầu nguyện với Người để Người
ban cho họ ơn thánh giúp họ tiếp tục con đường thống hối cho tới khi nó được
hoàn tất. Dọc con đường này, công lý và thương xót như hai người đi đường nâng
đỡ nhau cùng đi hay như hai người phối ngẫu cùng nhau tìm cách giáo dục con cái
họ sống trọn đời sống nhân bản và Kitô hữu.
Tóm lại, NVYT hoàn toàn
phù hợp với tín lý và truyền thống thánh thiện của Giáo Hội và không hề mâu thuẫn
với giáo huấn thần học của Đức Gioan Phaolô II cũng như các vị tiền nhiệm và kế
nhiệm ngài.
Nhưng theo Cha Brian
Harrison, Giáo Sư Buttiglione, dù là một nhà hộ giáo rất có khả năng, vẫn khó
có thể thành công khi cố gắng chứng tỏ rằng NVYT “đầy rối rắm lại có thể hoàn
toàn cùng đường hướng với tín lý truyền thống Công Giáo”.
Cha cho rằng thí dụ ông
đưa ra để trả lời “dubia” thứ nhất không ăn uống gì tới vấn đề đang bàn: vì nếu
người đàn bà làm tình “ngược với ý muốn của nàng” thì việc làm tình của nàng
đâu phải là một hành vi nhân linh và do đó đâu có tội mà phải đi xưng! Đức
Phanxicô đâu có nói thế, ngài nói tới những người tái hôn bất hợp lệ thuận tình
sống với nhau như vợ chồng và muốn được giải tội và rước lễ.
Cha Harrison cho rằng
Giáo Sư Buttiglione hết sức hời hợt khi trả lời “dubia” thứ hai, có lẽ vì ông
không nhận ra lý do khiến 4 vị Hồng Y “hồ nghi” điều này. Thực vậy, ở số 304 của
NVYT, Đức Phanxicô không chỉ nói rằng việc quy tội ngoại tình đôi khi có thể giảm
khinh bởi nhân tố chủ quan. Dường như ngài còn muốn nói: có thể có các ngoại lệ
đối với chính lề luật. Vì ở đây, ngài nại tới một đoạn trong Summa (Ia IIae, Q.
94, a. 4) trong đó, Thánh Tôma không nói tới việc qui lỗi chủ quan mà nói tới
các qui luật tổng quát của tác phong không áp dụng trong mọi tình huống đặc
thù. Trong ngữ cảnh của chương 8 NVYT, dường như Đức Thánh Cha muốn hàm ý ở số
304 rằng dựa trên giáo huấn của Thánh Tôma, chúng ta có thể xếp luật luân lý
ngăn cấm việc thân mật tính dục ở bên ngoài cuộc hôn nhân thành sự như là một
trong “các luật hay qui định tổng quát” có thể có ngoại lệ trong các trường hợp
đặc thù. Thực vậy, ở số trước đó, tức số 303, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng
“lương tâm” của một người sống trong một mối liên hệ tính dục bất hợp lệ “có thể
tiến tới chỗ thấy một cách tương đối chắn chắn về phương diện luân lý rằng [mối
liên hệ này] là điều chính Thiên Chúa yêu cầu trong sự phức tạp cụ thể của các
giới hạn của họ”. Vì Thiên Chúa không bao giờ “yêu cầu” ta làm một điều mâu thuẫn
với chính các giới răn của Người, nên các hành vi tính dục đang bàn hẳn phải biện
minh được một cách khách quan, chứ không chỉ bào chữa được về phương diện chủ
quan. Nói cách khác, hình như ở các số 303-304, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn dạy
một chủ đề mới gây kinh ngạc rằng “lương tâm” người ta có thể hợp lý khám phá
ra các ngoại lệ thực sự, tự áp dụng cho chính họ, đối với luật Thiên Chúa ngăn
cấm sự thân mật tính dục ở bên ngoài một cuộc hôn nhân thành sự.
Hơn nữa, như nhiều học giả
của trường phái Tôma đã chỉ rõ, Thánh Tôma không quả quyết cũng không hàm ý cho
rằng điều trên có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, nên việc nại tới thẩm quyền của
ngài trong số 304 là điều lầm lẫn. Ở đây, ở Câu Hỏi 94, mục 4, thánh nhân chỉ tập
chú vào các giới điều tích cực của luật tự nhiên; các giới điều này dĩ nhiên
đôi khi có ngoại lệ. Điều này rõ ràng ngay trong thí dụ điển hình đã nêu ra: dù
luật tổng quát dạy rằng “các của cải ủy thác cho một người khác phải được phục
hồi lại cho người sở hữu chúng”, nhưng có những hoàn cảnh, thánh nhân nói thế,
trong đó, không nên làm như thế: thí dụ, nếu ta biết rõ thứ khí giới cho mượn
có thể được sử dụng cho một mục đích xấu nếu được hoàn lại cho người sở hữu nó
lúc ấy. Thánh Tôma không bao giờ gợi ý là có những ngoại lệ cho các giới điều
tiêu cực như “ngươi đừng ngoại tình”. Thực vậy, ngay ở mục tiếp theo, tức mục 5
của cùng Câu Hỏi 94, Thánh Tôma cho biết rõ: ngay mạc khải đặc biệt bảo tiên
tri Hôsêa “lấy người vợ gian dâm” cũng không được hiểu như một ngoại lệ đối với
luật Chúa cấm ngoại tình.
Chỉ với việc phân biệt giữa
tội nặng (nặng khách quan) và tội trọng (chủ quan mất ơn thánh hóa) khi trả lời
“dubia” thứ ba, theo Cha Harrison, Giáo Sư Buttiglione cũng đã không nắm được
lý do khiến 4 vị Hồng Y “dubia”. Vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô, khi đề cập tới những
người Công Giáo ly dị và tái hôn bất thành sự mà vẫn tiếp tục tích cực hoạt động
tính dục, đã đưa ra một tuyên bố gây ngỡ ngàng ở số 301 rằng một số những người
này có thể “ở trong một tình huống cụ thể không cho phép họ hành động cách khác
và quyết định cách khác mà không phạm tội thêm”. Nếu đối với những người trong
“tình huống cụ thể” ấy mà từ chối không làm tình với người bạn tình không phải
là người phối ngẫu thực sự của mình là điều có tội, thì mối liên hệ tính dục tiếp
tục của họ quả thực không phải là “một tình huống khách quan của tội nặng thường
xuyên” nữa, càng không phải là một tình huống có thể qui tội trọng về phương diện
chủ quan. Trái lại, nó còn là một điều bắt buộc về luân lý nữa!
Hơn nữa, khi nhấn mạnh tới
gương mù, Giáo Sư Buttiglione cũng đã không hiểu thấu đáo đức Gioan Phaolô II ở
số 84, Tông Huấn Familiaris Consortio , khi ngài nhấn mạnh rằng gương mù chỉ là
lý do phụ, lý chính yếu khiến những người ly dị và tái hôn dân sự không được rước
lễ là vì “tình trạng và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với
sự kết hợp tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được Phép Thánh Thể tượng
trưng và hữu hiệu hóa”. Thực ra, Giáo Sư Buttiglione không hề nhắc tới giáo huấn
này.
Cha Harrison cũng cho rằng
các tuyên bố ở các số 301, 303 và 304 của NVYT đã phân tích trên đây khiến cho
câu trả lời cho các “dubia” 4 và 5 của Giáo Sư Buttiglione không đúng trọng tâm
và không giải quyết được vấn đề.
Nếu đúng như thế, thì Giáo
Sư Buttiglione khó lòng có thể tự hào là người hiểu cả Đức Gioan Phaolô II lẫn
Đức Phanxicô trong tư cách bạn thân như ông từng thổ lộ trong cuộc phỏng vấn của
tờ TheRealClearReligion ngày 25 tháng Chín năm 2014.
3. Bất thuận
Ta hãy xem người giáo dân
thứ hai tích cực bênh vực quan điểm bị “người ta” hiểu lầm của Đức Phanxicô
trong NVYT. Đó là Austen Ivereigh, tác giả viết tiểu sử về Đức Phanxicô. Với
bài báo ngày 11 tháng Mười Hai, 2016, tựa là “As anti-Amoris critics cross into
dissent, the Church must move on”, Ivereign không ngại gọi những người phê phán
NVYT là “dissent” (người bất thuận).
Tuy nhiên, 4 vị Hồng Y chỉ
bị Ivereign tố cáo là thiếu “good manners and respect” (tư cách và lòng kính trọng).
Việc thiếu tư cách và lòng kính trọng này đã khiến “giọng điệu bất kính và miệt
thị của một số người viết ủng hộ các vị rớt sâu xuống một mức đáng ngỡ ngàng”.
Tệ hơn nữa, họ đã “vượt ranh giới” rơi tõm xuống “bất thuận”.
Ivereign cho rằng bất thuận
không phải là bất đồng (disagreement). Đức Phanxicô không những không bác bỏ việc
một số người bất đồng với ngài về quyết định này hay tuyên bố nọ của ngài, ngài
còn khuyến khích nữa. Nhưng bất thuận thì khác. Bất thuận so với bất đồng cũng
giống như bất tín (disbelief) so với hoài nghi.
Trong yếu tính, bất thuận
là tra vấn tính hợp pháp của triều giáo hoàng. Là hoài nghi việc phát triển
Giáo Hội dưới quyền vị kế nhiệm Thánh Phêrô hiện nay không phải là hoa trái của
Chúa Thánh Thần.
Sau đó, Ivereign không nhằm
phân tích và phê phán các quan điểm, cho bằng tấn công người (ad hominem). Ông
cho biết “điều họ [những người bất thuận] có chung là gần như luôn luôn, họ là
giáo dân, có học và phát xuất từ thế giới giầu có hay từ những vùng giầu có của
thế giới đang phát triển. Phần lớn họ là các nhà trí thức, luật sư, giáo sư,
nhà văn…”
Luận điểm được Ivereign
nhấn mạnh là đa số người Công Giáo thừa nhận việc phát triển là hợp pháp, là vị
Giáo Hoàng hành động vì lợi ích của Giáo Hội, là một giải đáp trung thành với
tín lý đứng trước các dấu chỉ thời đại. Họ hiểu thượng hội đồng và NVYT như một
giải đáp được linh hứng đối với thời ta, một phương thế vừa để tái xây dựng hôn
nhân vừa giúp băng bó những ai bị thương tích do việc thất bại của hôn nhân gây
ra.
Như thế, Ivereign muốn
nói những người phê phán không chấp nhận việc phát triển. Nhưng ông không hề đi
vào chi tiết họ không chấp nhận những gì và tại sao.
Còn về việc trả lời 4 vị
Hồng Y, Ivereign chỉ biết lặp lại rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhiều lần trả
lời gián tiếp rồi. Và ông cho rằng Roma locuta, causa finita (Rôma đã lên tiếng,
vấn đề đã chấm dứt). Hơn nữa, theo Ivereign, không phải chỉ có Rôma lên tiếng
mà là cả Giáo Hội khi đa số 2 phần 3 các nghị phụ thượng hội đồng thông qua các
điều được “Rôma” đúc kết trong NVYT.
Hình như đó là điểm
Ivereigh cường điệu hóa, bởi có những điểm không được đa số 2 phần 3 thông qua,
tuy được đa số tương đối đồng ý.
Vả lại, các điều thắc mắc
của 4 vị Hồng Y không hẳn liên quan tới chính NVYT mà là các lối giải thích mà
các ngài cho là gây hoang mang cho các tín hữu, nên cần huấn quyền làm rõ. Nói
chung rằng các phê phán này nhằm vào Đức Giáo Hoàng hay thượng hội đồng không hẳn
chính xác.
Lối tranh luận nhằm vào
người rất nổi trong tư duy của Ivereign khi ông cho rằng trong 4 vị, hết 3 vị Hồng
Y, trước thượng hội đồng thứ nhất, đã viết sách cho rằng sẽ không có thay đổi,
thành thử đây chỉ là bổn cũ soạn lại. Riêng Hồng Y Burke còn tệ hơn vì bị
Vatican cách chức chỉ vì không chịu bất cứ cải tổ nào về diễn trình tuyên bố
hôn nhân vô hiệu, một việc được Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình khuyến
cáo.
Với các giáo dân phê
phán, ông bảo họ giống những người tân tòng trốn chạy cảnh bùn lầy tín lý của
Anh Giáo để đi tìm thứ khách quan tính cứng như đá, hay các tay chiến binh văn
hóa (culture warriors) sẵn sàng ngoảnh mặt khỏi cái đau của những người thất bại
hôn nhân để chỉ chú tâm bảo vệ định chế hôn nhân…
Và ông cảnh cáo họ rằng:
xe lửa đã rời ga, Giáo Hội đang tiếp tục tiến bước... Các “dubia” của 4 vị Hồng
Y sẽ trở thành một ghi chú trong lịch sử triều giáo hoàng này… thế hệ linh mục
kế tiếp sẽ áp dụng giáo huấn tuyệt vời của NVYT, và những trào lưu ồn ào, giận
dữ của bất thuận sẽ phai nhạt dần vào một ký ức dĩ vãng xa xôi.
Trong bài thứ hai đăng
ngày 30 tháng Mười Hai trên tạp chí Crux, tựa là “Critics of ‘Amoris’ need to
look at concrete cases” (Những người phê bình ‘Amoris’ [Niềm Vui Yêu Thương] cần
nhìn các trường hợp cụ thể”, Ivereign chưa hẳn từ bỏ lối lý luận “ad hominem”
ngay ở đầu bài khi cho nhận định của Đức Hồng Y Burke rằng việc chăm sóc mục vụ
nên hướng về việc giúp giải thoát những người ly dị tái hôn dân sự khỏi tội ngoại
tình, chứ đâu có giúp ích gì cho họ, ngược lại còn làm hại họ khi bảo họ:
“Không sao, có thể cứ sống như thế mà vẫn được chịu các bí tích” là chỉ thuyết
phục được những người “kém thông minh”.
Ông bảo lý do là đã cho
vào cùng một rổ “ngoại tình” mọi trường hợp ly dị tái hôn. Thực ra, không ai
trong phe chỉ trích lại không đồng ý với diễn trình đồng hành và biện phân. Họ
chỉ không đồng ý với việc mục tiêu của biện phân và đồng hành dừng lại ở một kết
quả không những nửa vời mà còn phản lại tín lý chủ chốt của bí tích. Chủ trương
của số 84 Tông Huấn Familiaris Consortio phản ảnh diễn trình đồng hành và biện
phân chân thực để giúp các người ly dị tái hôn tiến tới chân lý hoàn toàn của
hôn nhân Công Giáo và Phép Thánh Thể.
Ivereign lần này khuyên
các người phê bình hãy lưu ý tới những trường hợp cụ thể chứ đừng nói trừu tượng
vu vơ. Ông bảo: hiện có hai phương thức hoàn toàn khác biệt nhau: một bên tìm
cách biện phân và hội nhập, lưu ý tới các hoàn cảnh khác nhau, một bên tìm cách
áp dụng luật một cách độc dạng và từ khước cả việc phân biệt các trường hợp
khác nhau; một bên nhìn bằng con mắt thương xót, vừa giữ luật và lý tưởng vừa
lưu ý tới các cá nhân; một bên mù quáng bởi bị ám ảnh bởi việc bảo vệ luật và
không hề quan tâm tới các cá nhân.
Nhưng các trường hợp cụ
thể mà cả Ivereign lẫn Giáo Sư Buttiglione đưa ra không hẳn phản ảnh những quả
quyết mà một số người vẫn cho là của NVYT hay ít nhất của những người giải
thích NVYT cách lỏng lẻo mà hiện chưa bị chính thức bác bỏ hay soi sáng. Hơn nữa,
chúng còn bất cập và phản cả hiểu biết thông thường như Cha Harrison nêu ra
trên đây.
Nói tóm lại, trong cuộc
tranh luận hiện nay chung quanh chương 8 của NVYT và nhất là vấn đề trong một số
trường hợp, người ly dị tái hôn dân sự có thể được lãnh nhận các bí tích, người
giáo dân đã tham gia một cách tích cực. Nhưng xét chung, phần lớn họ đứng về
phía tạm gọi là bênh vực việc không cho phép những người như thế lãnh nhận các
bí tích vì làm như thế không những thay đổi kỷ luật bí tích mà thôi mà còn đi
ngược lại tín lý mạc khải thể hiện trong tính bất khả tiêu của hôn nhân. Những
người giáo dân lên tiếng bênh vực việc cho phép họ lãnh nhận bí tích vừa không
nắm vững vấn đề vừa nhằm nhiều vào con người để tấn công chứ không hẳn tranh biện
lý lẽ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét