Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Jan 22, 2017- Chúa nhật 3 thường niên năm A - Một khởi đầu tốt đẹp

Jan  22,  2017- Chúa  nhật  3  thường  niên  năm  A 
 Một  khởi  đầu  tốt  đẹp



 Các Bạn thân mến,
 Chúng ta biết rằng trước hết và trên hết, thánh Mattheu viết Tin Mừng cho người Do Thái; như một người Do Thái trước thuật lại tất cả những gì Đức Giesu đã làm trong suốt thời gian Ngài rao truyền Tin Mừng để làm chứng, thuyết phục người Do Thái của mình. Nên Mattheu chú ý chứng minh rằng tất cả các lời tiên tri trong Cựu Ước đều được ứng nghiệm nơi Đức Giesu, để khẳng định Ngài chính là Đấng Cứu Thế:
   . Với biến cố lãnh phép rửa của Đức Giesu, Mattheu trình bầy Ngài là Con Trời đến để thi hành công tác cứu nhân độ thế.
   . Với cám dỗ trong sa mạc, Mattheu cho thấy Ngài dùng phương pháp nào để thi hành công tác được trao cho.
   . Với phân đọan Tin Mừng hôm nay, Mattheu giới thiệu Đức Giesu  bắt tay thực hiện công tác ra sao.
Thời điểm Đức Giesu bắt đầu là lúc ông Gioan Tẩy Gỉa bị cầm tù. Coi như nhiệm vụ dọn đường của ông Gioan đã xong. Đức Giesu biết đã đến lúc Ngài phải bắt tay vào việc, và Ngài đã thực hiện điều đó. Ngài liền bỏ Nazaret, đến Caphacnaum, một thành thuộc ven biển hồ Galile, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói.

 1. Nơi Đức Giesu đi vào sứ vụ:
-  Ngài đã chọn xứ Galie, một miền đất có một lịch sử đen tối, để bắt đầu sứ vụ, bắt đầu rao giảng, bắt đầu tuyển chọn môn đệ để cùng Ngài đi loan truyền tin mừng.
-  Galie là cực bắc của xứ Paletin, đối với dân thủ đô, Galilê chỉ là tỉnh lẻ, đất hẹp, người đông, nhưng là miền đất phì nhiêu sầm uất nhất vùng.
-  Galile còn có một điểm nữa là dân cư ở đó có một cá tính đặc biệt là họ sẵn sàng mở cửa đón nhận nhưng ý niệm mới.
- Thời Giosephus làm tổng trấn xứ Galile, ông nhận xét về người Galile:"Họ thích cải cách, thích thay đổi và thích bạo động. Họ sẵn sàng theo một thủ lĩnh và phất khởi một cuộc nổi dậy. Họ nổi tiếng là người nóng tính, thích tranh luận. Tuy nhiên họ lại là những người hào hứng nhất."
-  Galile có thể cởi mở đón nhận những tư tưởng mới lạ do họ có thêm một số yếu tố:
     . Galile được người ngoại bang bao chung quanh, nên không tránh khỏi tiếp xúc với ảnh hưởng và tư tưởng của dân ngoại, đúng ra họ còn buộc phải mở cửa để đón nhận nữa.
     . Tất cả những con đường lớn của thế giới đều đi ngang qua Galile. Vì thế Galile là miền dành cho giao thông thương mại và trao đổi, tiếp thu những điều mới lạ.
     . Vì địa lý của Galile ảnh hưởng sâu đậm đến lịch sử của nó: chiến tranh, ngoại bang xâm lăng... Nên ngay từ đầu, dân cư Galile đã là dân tạp chủng với những dòng máu mới, những văn hoá tư tưởng ảnh hưởng mới.
- Với bối cảnh thiên nhiên, đất đai, con người xã hội ấy, nên có người nhận xét rằng Đức Giesu đã thực hiện một cuộc phiêu lưu thật vĩ đại khi lần đầu tiên ra rao giảng Tin Mừng lại chọn một vùng đất ngoại đạo, bị khinh khi.
- Nhưng Đấng Cứu Thế đã khởi sự thi hành chức vụ trong vùng đất của dân ngoại đang ngồi trong cảnh tối tăm như vậy, nên có rất đông người được nghe Ngài. Tức là đại đa số quần chúng được nghe Tin Mừng.
- Do những đặc tính của người Galile khiến việc truyền giảng cho họ được thuận lợi. Cho thấy Đức Giesu đã rất khôn ngoan, Ngài đã biết nắm yếu tố nhân hòa.
- Thái độ luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ, tinh thần cầu tiến giúp họ xứng đáng được nhận Tin Mừng sớm nhất.
- Đây là một kinh nghiệm qúi báu về việc rao truyền Tin Mừng: thành công là biết nắm bắt đối tượng, biết lựa hoàn cảnh xã hội thuận lợi.
- Đức Giesu là Thiên Chúa, nhưng vẫn tôn trọng, quan tâm đến con người với tâm lý riêng của từng giai cấp, chọn lựa đúng đối tượng chứ không phải Ngài phưu lưu, áp đặt, coi nhẹ ai…
- Vì thế điều quan trọng là chúng ta cũng cấn biết chọn đúng hướng, tức là phải nghe theo lời giảng dạy, hướng dẫn của Đức Giesu khi thi hành chức vụ.

 2. Giải phóng tất cả:
- Galile là một miền đất vốn được coi là tối tăm, là đất của lương dân. Nên chính tại miền đất này, Đức Giêsu tuyên bố "Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".
- Ngài đã đến để giải phóng cho phần đất nhỏ hẹp đã bị dân tứ chiến xâm chiếm như những lời tiên tri trong Cựu Ước đã loan báo.
- Ngài giải phóng cho tất cả những gì ràng buộc cột trói con người, để họ được trở lại tình trạng tốt đẹp ban đầu.
- Mattheu còn cho thấy lời tiên tri tiên báo về ánh sáng Đức Giesu sẽ mang đến, được chiếu rọi qua sứ điệp thu gọn, bao gồm một mệnh lệnh đòi hỏi một tình huống mới lạ:"hãy ăn năn!"
- Mệnh lệnh này là cấp thiết vì thời trị vì của Thiên Chúa đã bắt đầu, cõi vĩnh cửu đã xâm nhập thời gian. Thiên Chúa qua Đức Giesu đã xâm nhập thế giới.
- Hãy bỏ đường riêng tội lỗi mà trở về cùng Thiên Chúa, đừng đi xa nữa, hãy tiến gần về với Ngài.
- Đề tài sám hối này rất thích hợp với tâm hồn dân chúng Galilê. Vì họ thờ Thiên Chúa nhưng lòng họ bị ô nhiễm bởi quá nhiều bóng tối của sự chết, tà thần, tệ đoan xã hội, lòng tham do các dân ngọai cư ngụ, buôn bán ở Capharnaum truyền lan.
- Sám hối là bước dứt khóat đầu tiên để ăn năn, là sức mạnh nhạy bén thay đổi đời sống nên mới.
- Lại cần hiểu rằng sám hối là việc phải làm thường xuyên suốt cả cuộc đời, chứ không chỉ giai đoạn, không chỉ theo mùa… bởi thân phận con người rất dễ phạm sai lầm trong từng giây phút ở mọi hoàn cảnh, trong khi lại rất khó làm việc lành, ngay cả lúc bình an hoặc sắp lìa bỏ thế gian.
- Vì thế sám hối là nền tảng của niềm tin Kitô giáo. Một trong những điều kiện lớn nhất để nhận ra sự bất tòan của mình, hầu lớn lên trong ân sủng của Chúa.

 3. Một lời thách thức quyết liệt (nếu Tin Mừng được đọc thêm phần Đức Giesu kêu gọi các môn đệ):
 - Ở Galile có nhiều người nghe Đức Giesu giảng dạy, nhưng Ngài chú ý tới hai cặp anh em ngư phủ trên biển hồ Galile, là Phero và Anre, Giacobe và Gioan, rồi Ngài kêu gọi họ: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta. Lập tức các ông bỏ lưới và cả cha mình mà đi theo Người."
- Đây như một lời thách thức quyết liệt nhất đối với họ, lời thách đố họ cùng chia sẻ số phận và công việc với Ngài.
- Chúng ta cũng đã biết họ chỉ là những người công nhân nghèo bình thường, vất vả, không thân thế, không mơ ước sang giàu, không học thức, không địa vị quyền hành nên chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng cũng không phải là bần cùng, đói rách, đê tiện…
- Ngài đã chọn những người tầm thường ấy để tự hiến dâng mình cho Thiên Chúa.Vì với những người như thế, Thiên Chúa có thể dùng họ làm bất cứ công tác nào.
- Một đặc điểm nữa là những người đánh cá thường có những đức tính thiết yếu, dễ hòa đồng, chấp nhận làm việc chung; điều cần có nơi những người đánh lưới người:
    . Kiên nhẫn: công việc đánh cá cũng như công việc truyền giáo và dạy bảo, ít khi có kết qủa nhanh chóng, tức thời, mà cần kiên nhẫn theo dõi, chờ đợi.
    . Bền chí: không bao giờ ngã lòng, bỏ cuộc, dù công việc không nhìn thấy kết qủa trước mắt. Nên luôn sẵn sàng làm lại!
    . Can đảm: Người đánh cá đương đầu với sóng gío, bão táp to lớn thế nào thì người truyền đạo cũng phải ý thức rằng bao giờ cũng đầy nguy hiểm trong việc nói chân lý cho người đời. Có thể mất cả danh dự và sự sống.
   Biết chọn lựa: cá này ưa mồi này, cá khác ưa mồi khác, thì người môn đệ khôn ngoan cũng phải nhạy bén nắm bắt tình hình để nhanh chóng chọn phương cách trình bầy thích hợp với đối tượng. Đồng thời biết nhận ra những hạn chế của mình, khám phá những địa hạt thuận lợi, khó khăn, giới hạn.
  . Kín đáo, tế nhị: tuy là cá, nhưng chúng cũng rất lanh lợi, thính tai… người đánh cá mà lộ diện, ồn ào, thì cá sẽ chạy trốn hết. Người giảng dạy khôn ngoan, kinh nghiệm cũng vậy, phải biết kín đáo, không lộ liễu, tránh ồn ào, để chỉ tập trung giới thiệu về một Đức Giesu mà thôi.
- Ngày nay, dù Đức Giesu không hiện hữu với chúng ta cách tỏ tường như đã xuất hiện trước các môn đệ đầu tiên. Nhưng Ngài vẫn đang mời gọi mỗi tín hữu cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài trong mọi hoàn cảnh, mọi thời gian.
- Và Chúa vẫn đến ở bên cuộc đời chúng ta, nhắc nhở chúng ta hướng thẳng lên Ngài, để biết chấp nhận, khước từ những suy tưởng tầm thường, hẹp hòi, vụ lợi hầu có thể dấn thân làm môn đệ Ngài.
- Chúa vẫn đến bên cuộc đời chúng ta trong thân phận của những người nghèo khổ, bị ruồng rẫy, chê bỏ; và mời gọi hãy góp tâm lực của mình để đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những người ấy.
- Chúa vẫn đến bên cuộc đời chúng ta qua Giáo hội, qua những người có trách nhiệm săn sóc, lo lắng cho sự sống còn của nhân loại, cho phần rỗi của mỗi người. Chúa muốn chúng ta hãy là những cộng sự viên đắc lực cùng với Giáo hội và những người thiện chí trong sứ vụ đem ánh sáng Lời Chúa đến những vùng tối của các tâm hồn đang chìm đắm trong thù hận, ích kỷ, thành kiến, lãnh đạm…
- Noi gương các môn đệ đầu tiên, chúng ta hãy mau mắn đáp lại lời mời gọi của Ngài.

4. Nhận xét:
- Đức Giesu đã hiểu và tận dụng triệt để vấn đề"Thiên-địa-nhân hòa", nên Ngài đã thành công khi chọn Galile là miền đất được đón nhận sứ điệp Tin Mừng đầu tiên.
- Ngài ý thức rõ rệt mình là Đấng Thiên Sai, biết sứ mạng cứu nhân độ thế, biết phương cách thi hành sứ mạng đó.
- Nghĩa là Ngài nắm bắt và hành động phù hợp với nội dung, yêu cầu, không gian, thời gian, và con người theo đúng ý Thiên Chúa.
- Ngài không chỉ là mẫu gương, kinh nghiệm, gương sống và làm việc phù hợp, thích nghi, hài hòa với vũ trụ, thiên nhiên và con người, mà còn là kim chỉ nam cho công tác truyền giáo mọi thời đại.
- Nên nơi Ngai, không bao giờ có sự cưỡng bức hay nghịch lý, cũng chẳng mệt mỏi chán chường.
- Tiếp nối bước chân Ngài, Giáo Hội đã và đang làm những công việc loan báo Tin Mừng, đi đến với mọi người, không phân biệt màu da, giai cấp, tôn giáo….
- Ý thức tầm quan trọng của sứ vụ này, người Kitô hữu cần tự giác cộng tác, kêu gọi mọi người từ bỏ tội lỗi, làm cộng tác viên, quan tâm đến những người bất hạnh.
- Khi ý thức và làm những công việc này là chúng ta tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu và của Giáo Hội mà mình đang tham gia.
- Cần nhớ, chính trên bờ hồ chứ không phải trên các bậc cấp của đền thờ, giữa đám ngư phủ bận rộn hằng ngày chứ không phải nơi những vị tư tế chuyên lo phụng tự, mà Đức Giêsu sẽ chọn các môn đệ của Người.
- Chính những người ít khả năng nhất, ít được chuẩn bị nhất lại là những người đầu tiên nhận được ánh sáng và đi theo Đấng"là đường, sự thật và sự sống".
- Khi được gọi, ngay tức khắc, thành phần lao động đơn sơ chất phác, có trái tim nhạy bén đã tin tưởng vào ngôn sứ và đi theo Ngài
- Trong khung cảnh tối tăm xẩy xa nào, chúng ta cũng hãy nhớ lời của Đức Giêsu:"Ta là ánh sáng thế gian" để tin vào mặc khải của Ngài, cũng như bốn môn đệ đầu tiên trong bài Tin Mừng hôm nay.

Lạy Chúa, chưa khi nào mà cuộc đời chúng con thấy bóng tối tràn ngập bao phủ cả sự thật, mối tương giao, hoàn cảnh, và tội lỗi như thời đại chúng con đang sống.
Thậ vậy, truyền thông nhanh lẹ tối tân, nhưng thật khó mà nhận ra đâu là chân lý; ngay cả những người sống bên cạnh cũng chưa hiểu nhau; trong khi hoàn cảnh bên ngoài nhiều bất công, gian dối, thù hận, tội lỗi mù quáng, cố chấp, hẹp hòi…
Xin cho chúng con là những người đã được ánh sáng Đức Giêsu soi sáng, biết sống như con cái sự sáng, cho dù khốn khổ có nặng nề đến đâu, thử thách có khắc nghiệt thế nào, thì vẫn tin có một điều chắc chắn là: Thiên Chúa vẫn là ánh sáng và ơn cứu độ. Đó chính là niềm hy vọng của chúng con để chúng con luôn đứng vững cùng Ngài xây dựng Nước Trời ở trần gian này. Vì Đức Giesu, Chuá chúng con. Amen. 
Thân mến,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét