NHƯ TÁO CHẦU TRỜI
Thứ
năm - 19/01/2017
Xuân sang thì Tết đến, điều
tất nhiên – dù muốn hay không. Nhưng trước ngày Tết, 23 tháng Chạp, dân gian có
tục lệ “đưa Táo về Trời” để trình báo sự đời cho Ngọc Hoàng. Kitô giáo không có
“tục lệ” này, nhưng việc Táo về Trời gợi cho Kitô hữu chúng ta nhớ tới Nước Trời,
Thiên Đàng – nơi mà ai cũng mong ước.
Về Trời là mục đích cuối
cùng của người Công giáo – và các Kitô hữu, tức là NÊN THÁNH theo lệnh truyền của
Đức Kitô: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).
Nếu không hoàn thiện, không thể NÊN THÁNH, không thể VỀ TRỜI, như vậy là phụ
tình Chúa, lãng phí giá Máu cứu độ của Đức Kitô.
Chúa Giêsu đã về trời, Đức
Mẹ đã về trời, các thánh đã về trời, các linh hồn nơi luyện hình chắc chắn cũng
sẽ về trời. Mục đích cuối cùng của chúng ta là VỀ TRỜI. Động từ “về” cho thấy rằng
Trời thực sự là Nhà của chúng ta, chứ không phải là nơi chúng ta ghé vô chơi,
du lịch hoặc tham quan.
Trước khi về trời thì phải
từ biệt trần gian. Thánh Gióp cầu nguyện: “Xin Ngài nhớ cho: Ngài đã tạo ra con
bằng đất sét, rồi lại đưa con trở về cát bụi” (G 10:9). Thiên Chúa nói với phàm
nhân: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3).
Dù phàm nhân chúng ta chẳng
là gì, nhưng lại vẫn may mắn lắm. Thánh Phaolô cho biết: “Chúng ta đã mang hình
ảnh người bởi đất mà ra [Adam] thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ
trời mà đến [Đức Giêsu Kitô]” (1 Cr 15:48).
Tết nhất mà đi nói chuyện
“chết chóc”, về với cát bụi, xem chừng “lạc quẻ” chăng? Không. Ai cũng một lần
hóa thành cát bụi, nhưng không mãi là cát bụi mà sẽ được “lên trời” hoặc “về trời”,
nghĩa là “chầu trời” – kiểu giống như… Ông Táo vậy.
Xuân về, vào những ngày
giáp Tết, người ta thường nhắc tới Táo Quân – cũng gọi là Ông Công. Đặc biệt là
ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch. Người Việt không xa lạ với “sự kiện” Táo Quân đi
“chầu trời”. Đó là thông lệ, mỗi năm Táo Quân chầu trời một lần để báo cáo với
Ngọc Hoàng về những việc xảy ra trong năm cũ. Bản tường trình chi tiết của Táo
Quân có dạng văn vần như vè, thường là 4 chữ, quen gọi là “Sớ Táo Quân”.
Táo Quân [Trung ngữ: 灶 君
(Táo quân), Zào jūn], Táo Vương (灶 王) hay Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và
Trung quốc được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà. Táo (灶) nghĩa là bếp. Việt Nam và Trung quốc có những truyền
thuyết về Táo Quân khác nhau.
Trung Hoa có những truyền
thuyết về Táo Quân như sau:
–
Theo Lã Thị Xuân Thu: Chúc Dung là thần quản lý lửa do Viêm Đế mang tới, khi chết
người dân thờ làm thần lửa.
–
Theo Ngũ Kinh Di Nghĩa: Táo Quân tên Tô Cát Lợi, vợ là Vương Thị.
–
Theo Dũ Dương Tạp Trở: Thần lửa trông như một cô gái đẹp, tên là Ổi hay Trương
Đan, tên chữ là Tử Quách, những ngày không trăng thường lên trời tâu về việc
người nào có lỗi.
–
Theo Hoài Nam Tử: Viêm Đế (tức Thần Nông) mang lửa đến cho dân, khi chết được
thờ làm Thần bếp.
Về giới tính, người dân
Phúc Kiến (Giang Tây) cho rằng Táo là nữ thần, gọi là “Táo Quân Lão Mẫu” hoặc
“Táo Quân Thái Thái”. Theo Thái Bình Ngũ Lãm trích từ Ngũ Kinh dĩ nghĩa, Trịnh
Huyền cho Táo Thần là “lão phụ”, tức một bà già. Hứa Thận, nhà ngôn ngữ đời
Đông Hán, cho rằng: “Táo Thần họ Tô, tên Cát Lợi, phu nhân của Táo Thần họ
Vương tên Bác Giáp”, và hình tượng Táo Thần là người đàn ông. Nhưng người vùng
Ninh Hóa và một số vùng khác thì vẫn tôn thờ nữ thần, có thể do họ chịu ảnh hưởng
của Trịnh Huyền hoặc cho Táo Thần chuyên lo việc bếp núc, điều tra tội nhỏ,
công việc của nữ giới.
Người Trung Quốc cho rằng,
trước kia, mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối trời (cuối tháng âm
lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình nhưng sau này, mỗi năm vua chỉ
lên trời một lần vào ngày 23 tháng Chạp. Vào ngày đó, người Trung Quốc bày bàn
thờ gần bếp, cúng vua bếp với thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo. Ngoài ra còn có nước
và cỏ khô cho ngựa của vua bếp “ăn” để bay và chở vua lên trời.
Táo Quân trong tín ngưỡng
dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão
giáo Trung quốc, nhưng được Việt hóa thành huyền tích “hai ông, một bà” – thần
Đất, thần Nhà, thần Bếp. Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc
Ông Táo, do kết quả của tính chất Tam vị Nhất thể (Trinity, Chúa Ba ngôi). Bếp
là nguyên bản của nhà khi người nguyên thủy có lửa, và đều dựa trên nền móng là
đất.
Ở Việt Nam, sự tích Táo
Quân được truyền khẩu, rồi được ghi chép, do đó có những sự khác nhau về chi tiết.
Nội dung chính như sau:
Trọng Cao có vợ là Thị
Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau.
Một hôm, Trọng Cao giận quá nên đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng
lòng làm vợ Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên
đi tìm vợ. Khi đi tìm, vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết, Trọng Cao đành phải đi
ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin
nhà Thị Nhi, hai người nhận ra nhau. Thị Nhi đưa Trọng Cao vào nhà, hai người
hàn huyên tâm sự, rồi Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.
Lúc đó, Phạm Lang trở về.
Sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn
trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà rồi ra đốt đống rơm để lấy tro bón
ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra
thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy
để chết theo.
Phạm Lang gặp tình cảnh
quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao nên cũng nhảy vào đống rơm đang
cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được gặp
Thượng đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo
Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定 福 灶 君), nhưng mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ
Công, trông coi việc bếp núc, danh hiệu là Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân;
Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, danh hiệu là Thổ Địa Long Mạch
Tôn Thần; Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa, danh hiệu là Ngũ Phương
Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.
Người Việt quan niệm rằng
ba vị Thần Táo định đoạt phúc đức cho gia đình, do việc làm đúng đạo lý của những
người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị viết bằng chữ Hán.
Hằng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời, có nơi gọi
ngày này là “Tết Ông Công”, lễ cúng có cá chép – vì người Việt cho rằng ông Táo
cưỡi cá chép lên trời.
Ngoài ra người Việt còn
quan niệm rằng Táo Quân lên trời và thưa với Ngọc Hoàng Thượng Đế về những sự
kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế, người Việt làm lễ tiễn
ông Táo rất thịnh soạn, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với
Ngọc Hoàng, còn những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.
Tương truyền như thế.
Truyền thuyết Táo Quân thực
ra là phản ảnh giai đoạn tín ngưỡng Vật Linh Giáo (animism) trong lịch sử nhân
loại. Bài sớ thường gồm những câu 4 chữ, có vần điệu như vè, nội dung phản ảnh
tóm tắt về tình hình, hoàn cảnh ở phạm vi lớn hay nhỏ trong xã hội.
Người Công giáo không có
“thói quen” cúng Táo Quân nhưng cũng vẫn biết truyền thuyết này và cũng nhắc tới
khi trò chuyện vào những ngày cuối năm.
Nói đến chuyện Ông Táo
lên chầu trời, chúng ta cũng nhớ tới hai điều:
1. Việc Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc 16:19; Lc 24:51; Cv 1:9). Thánh Gioan
nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13).
2. Việc chúng ta phải “trình diện” Thiên
Chúa khi chúng ta từ giã trần gian để về Trời làm công dân
Thiên quốc. Ông Táo chầu trời rồi lại về trần gian, còn chúng ta thì một đi
không trở lại. Đặc biệt là chúng ta phải trình diện Chúa mà không cần báo cáo,
vì mọi sự đều tỏ bày rõ ràng.
Là phàm nhân, ai cũng chết,
đó là hậu quả của tội lỗi: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu
phán xét” (Dt 9:27). Nhưng chúng ta không bi quan, nếu chúng ta sống khiêm nhường:
“Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên” (Gc
4:10).
Thánh Gioan căn dặn: “Hỡi
anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để
anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ
trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2:1). Thật may
mắn và hạnh phúc cho những tội nhân chúng ta!
Tuy nhiên, trách nhiệm và
bổn phận của chúng ta là phải sinh lời tùy theo số “nén bạc” mà Thiên Chúa đã
giao cho chúng ta quản lý (x. Lc 19:11-27; Mt 25: 14 -30). Cuối cùng, ai cũng
phải tổng kết cuộc đời khi Thiên Chúa bảo chúng ta vĩnh biệt trần gian này.
Thật hạnh phúc nếu chúng
ta được đứng bên những người lành và được Chúa chào mừng: “Nào những kẻ Cha Ta
chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo
thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống;
Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;
Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt
25:34-36).
Nhưng thật khốn nạn nếu
chúng ta phải đứng bên những kẻ dữ và bị Chúa nguyền rủa: “Quân bị nguyền rủa
kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và
các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi
đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng,
các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”
(Mt 25:41-43).
Chúng ta hoàn toàn câm họng,
chẳng nói được gì mà tự biện hộ, vì tất cả được phát hình và phát thanh chính
xác từng chi tiết của cuộc đời của mỗi chúng ta.
Ngày Hăm ba, tháng Chạp
Táo quân phải chầu Trời
Rồi sẽ đến lượt tôi
Về trình diện Thiên Chúa
Lạy Thiên Chúa từ bi và
nhân hậu, xin xót thương tội-nhân-con, xin ban lại cho con niềm vui vì được
Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con (Tv 51:14), xin mở miệng
con để con cất tiếng ngợi khen Ngài (Tv 51:17), và xin toả ánh tôn nhan Ngài trên
con (Tv 4:7). Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa cứu độ nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét