Con cái nhìn về cha mẹ như thế nào?!
Trần
Mỹ Duyệt
Ảnh hưởng của cha mẹ trên tuổi trẻ của con cái
Con cái thường nhìn lên
cha mẹ một cách rất kỹ, quan sát những hành động của cha mẹ, và hiểu cha mẹ hơn
phần đông cha mẹ vẫn nghĩ rằng mình hiểu con cái mình. Như vậy, hậu quả sẽ như
thế nào, nếu con cái không tìm được những hình ảnh tốt, những gương sáng từ cha
mẹ?
Chúng ta thường có khuynh
hướng không mấy gần gũi với những người mà cung cách cư xử và lối sống bề ngoài
ưa phô trương hoặc đề cao quyền lực. Như một tác động tự nhiên, những người dưới
họ không chỉ xa cách họ, mà còn kín miệng và thận trọng trong lời ăn tiếng nói.
Lý do duy nhất là tránh sự phiền phức cho mình, mà tiếng bình dân thường gọi là
“vạ miệng”. Họ cũng biết rõ rằng, những người có quyền lực, có chút danh vọng
hay đánh giá thấp và coi thường những người dưới quyền mình, cho rằng họ không
xứng đáng để quan tâm đến. Hậu quả là có những điều người dưới muốn nói với họ
mà chẳng nói, hoặc bắt buộc phải nói thì chỉ nói cách dè chừng không tỏ lộ hết
tâm tư của mình. Kết quả, những người có quyền lực hoặc danh giá thường chết với
ảo tưởng rằng họ là những người quan trọng, hiểu biết tất cả. Đó cũng là tâm lý
của con cái đối với cha mẹ, khi họ muốn dùng quyền làm cha mẹ, dùng ảnh hưởng để
chế ngự, hoặc bắt chúng phải nghe theo ý họ, hoặc làm những gì họ muốn.
Thông thường, cha mẹ có một
khuyết điểm rất lớn là không mấy quan tâm, không thường xuyên gần gũi, và nhận
định về con cái đúng mức. Trong vai trò làm cha mẹ, phụ huynh vẫn thường tự cho
mình có quyền trên con cái, hiểu rõ về con cái. Điều này phản ảnh qua câu nói
mà cha mẹ vẫn thường dùng để diễn tả về
con cái: “Chúng nó con nít biết cái gì!” Hoặc “Đây là chuyện của người lớn.” Và
hậu quả là con cái từ từ xa cách cha mẹ, dấu diếm nhiều điều mà nhẽ ra người
làm cha mẹ cần phải biết để giáo dục, và hướng dẫn chúng.
Từ tuổi thơ qua tuổi vị
thành niên và đến tuổi trưởng thành, những phán đoán và cái nhìn của cha mẹ phải
được thay đổi phù hợp theo từng lứa tuổi. Cha mẹ cần biết rằng, tuổi thơ con
cái luôn thần tượng cha mẹ, nhưng bước vào tuổi vị thành niên, thái độ thần tượng
ấy biến thành thái độ chỉ trích, và ở tuổi trưởng thành, con cái mới chuyển qua
thái độ từ từ thán phục căn cứ vào những gì cha mẹ nói và làm. Tóm lại, theo bản
tóm lược dưới đây, ít nhất phải 30 tuổi trở lên, con cái mới có cái nhìn khách
quan và lý trí hơn về cha mẹ. Và phải đợi đến 50 tuổi, lúc mà cha mẹ đã qua đời
rồi mới thấy hối tiếc, vì khi cha mẹ còn sống đã không hiểu cha mẹ, và đã bỏ
qua những bài học khôn ngoan của các ngài.
Dưới đây là bản tóm lược
những gì người con nhìn về cha mẹ diễn tiến theo từng lứa tuổi. Nó không phải
là một bảng khảo cứu tiêu chuẩn, nhưng chỉ là kinh nghiệm góp nhặt trong đời
thường. Tuy nhiên, nó cũng giúp cho cha mẹ hiểu con cái nghĩ gì về mình theo từng
lứa tuổi để ứng dụng trong vấn đề giáo dục:
4 tuổi: Ba có thể làm được
bất cứ điều gì.
5 tuổi: Ba biết nhiều lắm.
6 tuổi: Ba thông minh hơn
ba của bạn.
8 tuổi: Ba không biết gì
nhiều.
10 tuổi: Ba! Lúc này khác
với thời ba mới lớn.
12 tuổi: Ba! Thật là ba
không biết gì hết! Ba quá già đến nỗi không còn nhớ gì về tuổi trẻ của mình.
14 tuổi: Ba lỗi thời rồi!
Ðừng quan tâm đến ông ấy.
21 tuổi: Ba cổ hủ và lỗi
thời quá sức!
25 tuổi: Ba già rồi! Ba
không biết nhiều về vấn đề này.
30 tuổi: Ba có nhiều kinh
nghiệm hơn, cần hỏi ý kiến ba.
35 tuổi: Tôi phải hỏi ý
kiến ba trước xem sao đã.
40 tuổi: Chuyện này khó
quá! Hỏi xem ba giải quyết như thế nào, vì ba khôn ngoan và có nhiều kinh nghiệm.
50 tuổi: Ba đã không còn
nữa! Tiếc quá, vì đã không hiểu ba, nếu không tôi đã học hỏi được nhiều điều.
Tóm lại, các em từ nhỏ đến
8 hoặc 9 tuổi, thần tượng, coi trọng và hãnh diện về cha mẹ, mặc dù cha mẹ có tỏ
ra thế nào ngay cả dùng quyền la mắng hoặc đánh phạt. Các em muốn liên kết cha
mẹ với niềm vui, sự gần gũi và bắt chước những gì cha mẹ làm. Các em thích cha
mẹ và muốn trở nên giống thần tượng của mình. Sở dĩ vậy, vì đối với các em, cha
mẹ chính là những mẫu gương để các em lớn lên và phát triển.
Nhưng từ khi bước vào tuổi
vị thành niên (từ 9 đến 13), các em bắt đầu nhìn cha mẹ bằng những cặp mắt
khác, không ngây thơ, không tin tưởng, và cũng không ngưỡng mộ như trước. Ngược
lại, dưới cặp mắt của các em lúc này cha mẹ không còn là thần tượng, nhưng trở
thành một biểu tượng của sự quê mùa, lố bịch, thiếu văn minh, thiếu hiểu biết
và đôi lúc rất đáng ghét. Qua những thái độ và cung cách ấy, đứa trẻ muốn nói với
cha mẹ rằng “tôi không muốn ông bà nhìn tôi và đối xử với tôi như một đứa con
nít nữa.”
Ở thời gian này, những lời
nói hoặc những tư tưởng về con mình như: “Nó là đứa trẻ ngoan”, hoặc ngược lại
“Nó hư lắm”, hay “xấu lắm” đều là những lời nói mang ý nghĩa tiêu cực đối với đứa
trẻ. Vì ở tuổi này hư hay xấu đồng nghĩa với hư hỏng về luân lý, về đạo đức, và
về luật pháp. Nó mang ý nghĩa tồi tệ, - cãi trả cha mẹ, bất mãn, phản đối, bất
thường, thiếu cộng tác, thiếu tích cực trong cuộc sống.
Dù chấp nhận hay từ chối.
Muốn hay không muốn, phụ huynh phải có cái nhìn, cung cách suy nghĩ và sống
theo nhận thức khính trọng, tin tưởng của con cái. Loại bỏ đi những kiểu cách sống
lỗi thời, thiếu đạo đức mà tuổi trẻ tức là con cái thường nhìn thấy nơi mình.
Thí dụ, lôi thôi trong cách ăn mặc, lè nhè rượu chè, tình cảm bất chính, cãi
vã, thiếu gương sáng trong đời tâm linh, và hôn nhân, gia đình đổ vỡ.
Tóm lại, bước vào giai đoạn
vị thành niên là lúc tuổi trẻ bắt đầu phán đoán, phân tích tỷ mỷ về cung cách
và lối sống của cha mẹ, nhất là sự tự do mà tuổi trẻ vẫn thường cho rằng cha mẹ
“bất công” khi muốn làm gì thì làm, trong khi lại tỏ ra thiếu hiểu biết, thiếu
thông cảm hoặc khó khăn với con cái.
Ngoài ra, thái độ canh chừng,
bao bọc con thái quá cũng là điều mà tuổi trẻ khó chịu, phàn nàn và tìm cách
tránh né. Ở đây không phải là yêu thương con, mà là làm cách nào để giáo dục,
hướng dẫn con cái lớn lên, trưởng thành và sống tự lập với cuộc sống của nó.
Theo dõi, lo lắng, quan tâm quá đáng từng miếng cơm, manh áo, đôi giầy, đôi vớ…
khiến cho những đứa trẻ không còn chút tự do, tự lập, nhưng dẫn đến lệ thuộc
vào cha mẹ. Một đứa trẻ như vậy sau này không đủ tự tin khi bước vào đời. Tại học
đường hay môi trường xã hội, những đứa trẻ được cha mẹ bao che như vậy không những
bị bạn bè chế riễu, bắt nạt, mà còn bị lừa đảo, vấp ngã bởi vì chúng không có
cơ hội để học hỏi, để đối diện với những khó khăn cuộc sống.
Và tiếp đến, ở tuổi gần
20, thời gian chấm dứt tuổi vị thành niên. Đây cũng là giai đoạn khởi đầu cho
tuổi trưởng thành. Câu hỏi ở tuổi này đơn giản chỉ là: “Tôi sẽ trở thành ai khi
tôi cứ như thế này?” Để trả lời câu hỏi này, người trẻ bắt đầu nhìn lại quá khứ
tuổi thơ của đời mình với những biến cố gây được ấn tượng, và ảnh hưởng của những
người đã tạo nên những ấn tượng ấy không ai khác hơn là cha mẹ. Do tổng hợp những gì cần duy trì và những gì
cần loại bỏ sẽ hình thành và phát triển về phẩm chất, nhân cách và cá tính sau
này. Cung cách cử xử, nếp sống của cha mẹ sẽ ảnh hưởng, sẽ hòa nhập vào sự khôn
ngoan, cố gắng, nhưng cũng nông nổi, bất thường giữa những chọn lựa tốt cũng
như xấu của người con.
Lúc này cũng là lúc người
trẻ chấp nhận mình có người cha, người mẹ bất toàn, không những giúp mình lớn
lên, nhưng cũng đã từng gây cho mình những đau khổ. Điều này sẽ phản ảnh khi
các em bắt đầu tập sống tự lập. Tuy nhận ra những giá trị của cha mẹ, nhưng con
cái cũng có lúc nhìn lại những ảnh hưởng tiêu cực của cha mẹ. Dù sao cha mẹ
cũng chỉ là con người, việc cần thiết là hãy học lấy những điểm tốt, những điều
tích cực nơi cha mẹ.
“Cha mẹ tôi cũng chỉ là
con người bất toàn. Yêu tôi nhưng cũng có nhiều khuyết điểm. Đừng kể những lỗi
lầm cá nhân, họ luôn ở bên tôi mỗi khi tôi cần. Nhưng dù gì đó cũng không phải
là những điều làm cản trở tôi thân mật, gần gũi với cha mẹ mình. Con biết cha mẹ
vất vả vì con, yêu thương con, nhưng với yếu đuối và khuyết điểm, cha mẹ cũng từng
làm con buồn, và làm cho con khóc. Nhưng tự thâm tâm, con vẫn yêu kính và biết
ơn cha mẹ.”
Những nhận xét trên về
cha mẹ của một người trẻ mới bước vào tuổi trưởng thành có thể làm cho nhiều phụ
huynh ngạc nhiên lẫn khó chịu. Nhưng đó là những gì mà con cái đang nhìn về cha
mẹ của mình. Dưới ánh sáng văn minh và cái nhìn tiến bộ về phẩm giá, về giá trị
của con người, lúc này không còn là thời gian mà cha mẹ là chúa, là chủ, là
quan tòa muốn xét xử, đánh phạt, la mắng, hoặc xúc phạm đến tinh thần, thể lý
và tâm lý con mình lúc nào hoặc làm sao cũng được. Hoặc cha mẹ không chỉ sinh con
ra, nuôi ăn cho lớn, rồi đẩy vào những trường tu thục, những trường đắt tiền với
hy vọng con mình sau này sẽ thành tài, sẽ sống hạnh phúc, giầu sang là đủ.
Nhưng trước hết, cha mẹ phải để ý đến sự phát triển về thể lý, về tâm sinh lý,
về tâm lý, và về tâm linh đối với tương lai của con cái.
“Người cha khi nhắm mắt,
vẫn chưa chết. Vì ông đã để lại những đứa con trên đời giống như ông” (Cách
Ngôn 30:4) - When their father passes away, it is as if he hadn’t died, because
he left behind sons who are like him. (Sirach 30:4). Người cha tốt, người mẹ tốt
là người luôn biết tự hỏi: “Con cái tôi đang nhìn tôi như thế nào, và chúng học
ở nơi tôi được những gì?”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét