Chuyện XA – GẦN
(Chúa
Nhật III TN, năm A)
Xa hay gần là đề cập khoảng
cách, có thể là về thời gian hoặc không gian. Tuy nhiên, khoảng cách chỉ là một
khái niệm theo ý nghĩ của phàm nhân. Đối với Thiên Chúa không có khoảng cách,
vì đối với Ngài luôn luôn là hiện tại, không có quá khứ hoặc tương lai.
Với con người, khoảng
cách xa hoặc gần cũng chỉ là tương đối, tùy theo cách nghĩ của mỗi người khác
nhau. Ví dụ: về thời gian, 5 năm có thể là xa (lâu) đối với người này, nhưng 10
năm có thể là gần (mau) đối với người khác; về không gian, 5 km có thể là xa đối
với người này, nhưng 10 km có thể là gần đối với người khác. Các khái niệm hoàn
toàn khác nhau.
Ngoài ra, cũng có nhiều
loại khoảng cách khác mà mọi người đều phải nỗ lực rút ngắn: khoảng cách về vật
chất, khoảng cách về tinh thần, khoảng cách về tình cảm, khoảng cách về kiến thức,
khoảng cách về nhận thức, khoảng cách về yêu thương, khoảng cách về giáo dục,
khoảng cách về trình độ, khoảng cách về tuổi tác,…
Để cho loài người dễ hiểu,
Chúa Giêsu đã xác định: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt
4:17). Tương tự, Phúc Âm theo Thánh Mác-cô cho biết: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Như vậy,
Thuyết Thế Mạt (Eschatology) đang ở thì tiếp diễn, đang diễn tiến, nghĩa là
chúng ta thực sự đang sống trong Thời Cánh Chung, đang ở trong “khoảng thời
gian” mà chính Chúa Giêsu đã đề cập.
Nước Trời đã đến gần, ai
muốn đến gần Nước Trời thì phải sám hối và tin vào Tin Mừng – tức là tin vào Đức
Giêsu Kitô, Đấng nhập thể và nhập thế. Người đã được rửa tội là người được tham
dự vào Nước Trời, nhưng còn ở thời gian nên còn phải sám hối, sám hối không ngừng,
sám hối suốt đời. Đấng Thiên Sai đến thế gian để các tội nhân chúng ta được ơn
giải thoát: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám
người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9:1).
Đối với thế gian, được ra
khỏi nhà tù là niềm hạnh phúc, được trắng án còn hạnh phúc hơn. Thế thì không
thể diễn tả nổi niềm hạnh phúc của những người được giải thoát khỏi ách nô lệ tội
lỗi. Họ là ai? Là dân Israel, và cũng là chính chúng ta. Ngôn sứ Isaia cho biết:
“Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước
nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia
nhau chiến lợi phẩm” (Is 9:2).
Tại sao người ta lại vui
mừng hoan hỷ như vậy? Cách họ thoát thân kỳ diệu do chính Thiên Chúa hành động:
“Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp,
Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Mađian. Vì mọi giầy lính nện xuống
rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa” (Is 9:3-4).
Công lý đã được đòi lại, sự thật đã tỏ tường.
Giữa con người với nhau
cũng có những “khoảng cách” khác nhau – cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nề đời thường,
Kinh Thánh nhận định: “Chính nhân cầm quyền, dân mừng rỡ. Ác nhân cai trị, dân
oán than” (Cn 29:2). Hôn quân dân khổ, minh quân dân nhờ. Nói về đạo giáo, Kinh
Thánh nhận định: “Sứ giả gian manh chỉ gây nên tai họa, sứ giả trung tín là
phương thuốc chữa lành” (Cn 13:17). Và còn hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã nói rất
rõ ràng: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh
em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7:15). Những câu nói xoáy vào
óc khiến “nhức buốt” quá chừng! Thế nhưng, đúng như ông bà ta vẫn nói: “Nói gần,
nói xa, chẳng qua nói thật”. Và Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Sự thật sẽ giải
thoát quý vị” (Ga 8:32).
Sự thật đó chính là Thiên
Chúa, Ngài cũng chính là Ánh Sáng và Ơn Cứu Độ. Có Chúa là có tất cả, mất Chúa
là mất tất cả. Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ cảm nghiệm: “Chúa là nguồn ánh sáng
và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?” (Tv 27:1).
Vô tri bất mộ. Biết rồi
thì không thể không yêu mến. Vì yêu mến mà người ta khao khát không ngừng: “Một
điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc
đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng”
(Tv 27:4). Ước mong đó không phải là ảo vọng, mơ hồ hoặc tự đánh lừa mình, mà
là sự thật minh nhiên và chắc chắn: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc
Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên,
can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa” (Tv 27:13-14).
Tin thì phải thể hiện niềm
tin bằng hành động, chứ không thể nói suông. Thánh Phaolô dẫn chứng cụ thể:
“Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em
hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh
em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau. Thật vậy, thưa anh em,
người nhà của bà Khơlôe cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em” (1 Cr
1:10-11). Có lẽ tình trạng đó cũng đã và đang xảy ra thường xuyên tại các cộng
đoàn và hội đoàn ngày nay. Bề ngoài nhìn có vẻ “tâm đầu ý hợp”, nhưng bên trong
là những “khoảng cách” sâu thẳm, với những “lời xì xầm” kèm theo những cái liếc
mắt sắc bén hơn lưỡi lam!
Cộng đoàn Côrintô thời
Thánh Phaolô đã có những luận điệu so kè, bè phái. Thánh Phaolô dẫn chứng: “Tôi
muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi
thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức
Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá
vì anh em chăng? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao?” (1 Cr
1:12-13). Ngày nay cũng có dạng tương tự, như người Việt có cách nói: “Thấy
sang bắt quàng làm họ” hoặc “Cáo mượn oai hổ”.
Cuối cùng, ông Phaolô xác
định: “Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng
Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Kitô
khỏi trở nên vô hiệu” (1 Cr 1:17). Nhiệm vụ làm nhân chứng của Tin Mừng và Đức
Kitô không của riêng ai. Bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy (Phép Rửa) đều
được Thiên Chúa trao ba thiên chức: Vương giả (Vương đế), Tư tế và Tiên tri
(Ngôn sứ).
[Xin mở ngoặc: Để dễ nhớ,
chúng ta có thể thay danh từ Vương đế là Thiên tử, vì vua chúa xưa được coi là
Thiên tử. Như vậy chúng ta có 6 T để mô tả ba thiên chức: Thiên tử, Tư tế và
Tiên tri].
Trình thuật Mt 4:12-23
cho biết rằng khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền
Galilê. Sau đó Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ
Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói:
“Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông
Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối
tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của
tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. Giữa bóng tối và ánh sáng có một
“khoảng cách bí ẩn”, một “ranh giới” đặc biệt, người ta không thể “thấy” được nếu
không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô.
Thánh Mátthêu cho biết
thêm rằng từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: “Anh em hãy sám hối,
vì Nước Trời đã đến gần”. Sau khi chịu Phép Rửa, sứ vụ của Chúa Giêsu bắt đầu
công khai bằng một lời cảnh báo ngắn gọn mà thâm thúy, xác định với chúng ta rằng
“khoảng cách” giữa Nước Trời và chúng ta đã gần rồi, nghĩa là không còn xa nữa.
Hôm đó, khi đang đi dọc
theo biển hồ Galilê, Chúa Giêsu thấy hai anh em kia là ông Simôn – cũng gọi là
Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề
đánh cá. Ngài bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành
những kẻ lưới người như lưới cá”. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Ngài.
Đi một quãng nữa, Ngài thấy
hai anh em khác là Giacôbê và Gioan – hai người con của ông Dêbêđê. Họ đang
cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền, và Ngài gọi các ông. Lập tức,
các ông bỏ thuyền và người cha lại mà theo Ngài.
Đó là bốn môn đệ đầu tiên
của Chúa Giêsu. Họ có điểm chung: Mau mắn và dứt khoát. Đó là động thái tích cực
mà chúng ta cần áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Họ là những người đầu tiên cộng
tác với Chúa Giêsu trong việc rút ngắn “khoảng cách” giữa nhân loài với Nước Trời.
Những người càng cố gắng hoàn thiện để nên giống Đức Kitô thì càng đến gần Nước
Trời hơn. Nước Trời đã đến gần, Chúa Giêsu đã tích cực rút ngắn khoảng cách cho
chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải chủ động rút ngắn khoảng cách đó để càng gần
Nước Trời hơn nữa.
Cuối cùng, Thánh Mátthêu
cho biết: “Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng
Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”. Chúa
Giêsu nhập thể và nhập thế, sống bình thường như chúng ta – trừ tội lỗi. Ngài
không muốn có khoảng cách nào giữa Ngài và chúng ta. Còn chúng ta đối với Ngài
và tha nhân thế nào?
Lạy Thiên
Chúa, xin giúp con biết xác định khoảng cách nội tâm để khả dĩ nhận biết Ngài
và nhận biết chính con. Xin giúp con mau mắn và dứt khoát vững bước đến với
Ngài và đến với tha nhân bằng cả con người của con. Xin cho mọi khoảng cách đều
được rút ngắn để mọi người gần gũi nhau hơn. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét