Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Jan 29, 2017 - Chúa nhật 4 thường niên năm A - Ý nghĩa của Tám Phúc Lành

Jan  29,  2017 - Chúa  nhật  4  thường  niên  năm  A
Ý  nghĩa  của  Tám  Phúc  Lành


Các Bạn thân mến,
Hôm nay là ngày Mồng Hai Tết Đinh Dậu, các Bạn chắc cũng đã trải qua ngày đầu năm mới vui tươi đầm ấm với gia đình, những người thân? Nhưng chắc ai trong chúng ta cũng nhớ những ngày Tết ở quê nhà phải không? Mình cũng vậy, còn nhớ Mồng Một Tết là ngày đường phố Sàigòn vắng vẻ, sạch sẽ và như thánh thiêng nhất trong năm. Mãi khoảng chín mười giờ sáng mới thấy vài chiếc xe gắn máy và một hai chiếc xích lô do các ông già mặc khăn đống áo dài chạy thong thả trên đường! Có lẽ ai cũng chọn giờ xuất hành, ai cũng tránh giờ xông nhà thân hữu, ai cũng muốn nghỉ ngơi sau đêm Giao Thừa! Thật vậy, điều mà nhiều người muốn tránh né, ngại ngùng nhất trong những ngày Tết là xông nhà và chúc Tết, bởi tin rằng tình trạng nhà cửa, gia đình mình sẽ chịu ảnh hưởng của người bước vào nhà mình đầu tiên trong năm mới. Nếu vía của họ tốt đẹp thì mọi chuyên cũng được tốt, còn vía họ xấu thì nhà mình sẽ xui xẻo hết cả năm!
Còn những lời chúc Tết vẫn là những lời đầu tiên vui vẻ gặp nhau ngày đầu năm, mặc dù ngày nay nhiều người cho là là hình thức, là sáo ngữ! Có lẽ người ta đã lạm dụng, coi nhẹ tập tục cha ông nên nhàm chán? Nhưng vẫn được dùng, bởi còn gì qúi hóa thân tình hơn những lời cầu chúc mong cho nhau được mọi sự tốt lành: nào là vạn sự như ý, tiền vào như nước, sức khỏe dồi dào, buôn may bán đắt, thêm con nhiều cháu, thi đâu đậu đó, có bạn có đôi, hạnh phúc, may mắn, phát tài phát lộc…tóm lại là an khang thịnh vượng đầy đủ, phước lộc thọ tràn đầy!
 Mặc dù động cơ chúc nhau là chân thành và ý nghĩa những lời chúc thật tốt đẹp, thế nhưng nó vẫn như một hình thức, vì chẳng bao giờ những lời chúc ấy thành sự thật, hoặc có thành sự thật được điều này thì lại mất điều kia, nên con người vẫn còn khao khát điều chi đó, chẳng bao giờ yên lòng phải không các Bạn?
Đức Giesu biết rõ như vậy, biết rõ lòng chúng ta quá bám bíu vào tiền bạc của cải, chúng ta lo tìm kiếm hạnh phúc ở nước trần gian hơn là tìm hạnh phúc Nước Trời. Nhiều lúc chúng ta không coi việc làm Tín Hữu Kito là hạnh phúc, trái lại là một gánh nặng. Mà quên rằng những thứ khôn ngoan do con người tự muốn ấy chẳng có chút giá trị gì. Mà trái lại, sự khôn ngoan của Chúa là những gì thế gian cho là điên dại, yếu kém, hèn mạt thì lại có giá trị vĩnh viễn hạnh phúc.
Hôm nay, Ngài còn nói rõ những người khốn khổ, bị áp bức, đói khát, tù tội, mù lòa, lưu lạc, cô nhi quả phụ v.v. không nên thất vọng, vì Thiên Chúa sẽ đứng ra bênh vực, chăm sóc họ để họ được hưởng hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời.

1. Tám mối phúc:
- Thánh Mattheu ghi lại những lời giảng trên núi của Đức Giesu mà sau này quen gọi là "Tám mối phúc thật". Như là phần đầu của bản Hiến Chương Nước Trời, như sứ điệp chủ yếu tuyên bố hạnh phúc Nước Trời với những lời như chúc mừng, chúc phúc mà mỗi phúc lành đều có hình thức giống nhau, với lối dùng cảm thán: "Ối!, phúc thay…"
- Nghĩa là các phúc lành này không phải là những hy vọng cuồng dại, hão huyền về điều sẽ đến, không phải lời tiên tri về tương lai, nhưng là chúc mừng về hiện trạng của nó:
    1. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khổ, vì Nước Trời là của họ;
    2. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp;
    3. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi;
    4. Phúc thay ai khát khao nên người công chinh, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng;
    5. Phúc thay ai xót thương ngươi, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương;
    6. Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa;
    7. Phúc thay ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ;
    8. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.
- Những mối phúc này đều quy về như mối thứ nhất là nói tới tâm hồn và đều dẫn tới hạnh phúc là được hưởng Nước Trời.
- Nghĩa là ai có tâm hồn nghèo, hiền hòa, sầu khổ, công chính, xót thương người, trong sạch, xây dựng hòa bình, bị ngược đãi vì sống công chính thì sẽ được hưởng Nước Trời.
- Tám lời này cũng không phải là những chỉ dẫn để được hạnh phúc, mà trước hết đó là những lời chúc mừng: Đức Giêsu nói với những người nghèo đói, bị ức hiếp... rằng họ hãy ý thức họ đang rất hạnh phúc, bởi vì cho dù người đời bỏ rơi họ, nhưng họ được một Đấng rất quyền phép luôn yêu thương họ, đó chính là Thiên Chúa; cho dù họ thiếu thốn nhiều điều mà người đời tìm kiếm, nhưng họ có được một kho tàng không gì quý bằng, đó là Nước Trời. Họ hãy vui mừng vì Đức Giêsu đến trần gian để lập một nước hạnh phúc, mà nước đó Ngài ưu tiên dành cho họ.
- Thật vậy, phúc lành của người Kito hữu không phải là phúc hoãn lại đến một thế giới vinh quang tương lai, nhưng là phúc hiện có tại thế gian này.
-  Đó cũng không phải là nơi người Kito hữu sẽ vào, mà là nơi họ đã vào rồi.
-  Đúng là phúc ấy chúng ta sẽ trở nên đầy tròn khi ta gặp mặt Thiên Chúa.
-  Nghĩa là phúc hạnh là một thực tại mà người tin hữu được hưởng ngay bây giờ trên trái đât này.
-  Mattheu cho chúng ta thấy Đức Giesu huấn luyện các Tông Đồ bằng sứ điệp này, và họ phải đem sứ điệp đó đến cho loài người.
-  Đây là một bài tóm tắt cả các nội dung Đức Giesu từng giảng, Ngài đã ngồi xuống, giảng dạy, như một rabi Do Thái chính thức dạy dỗ; đây là thái độ cho thấy điều dạy này là trọng yếu, chính thức. Và Ngài truyền dạy cách nghiêm nghị, trang trọng về những điều chính yếu mà Ngài muốn đọc do lòng trí Ngài cho những người sẽ tận tụy với công tác của Ngài. Vì thế bài giảng trên núi này còn quan trọng hơn chúng ta tưởng rất nhiều.

 2. Nghịch lý?
-  Thoạt đọc, chợt nghe, ai cũng có cảm tưởng Đức Giesu không ban phúc cho sự giàu sang, sung sướng, thịnh vượng về vật chất? Nhưng thật ra không phải như vậy, chúng ta phải cẩn thận, không nên cho rằng phúc lành gọi sự nghèo thật về vật chất là một điều tốt. Không bao giờ Chúa muốn như vậy, và không bao giờ Ngài nói như thế.
-  Sự nghèo khó được kể là phúc là sự nghèo khó trong tâm linh, tâm linh cảm biết hoàn toàn thiếu thốn mọi nguồn năng lực để đương đầu với cuộc đời, nên tìm sự cứu giúp và sức mạnh nơi Thiên Chúa. Đó là cái phúc thật Đức Giesu nói đến.
-  Phần lớn người đời cho rằng những lời phúc này coi như nghịch lý, không tưởng, lập dị hay lạc quan quá cỡ.
-  Sự thật Đức Kitô không nói rằng muốn hạnh phúc thì phải là kẻ khố rách áo ôm. Do đó Mát-thêu đã có lý khi thêm ba chữ "có tâm hồn" vào trong câu nói của Chúa, để xác định cho rõ cái nghèo nàn nào mới thực sự đem lại hạnh phúc cho con người.
- Mặc dù thực tế cuộc đời, xưa và nay, vẫn luôn luôn diễn ra những cảnh trái ngược: nhiều người có đủ mọi điều kiện để hạnh phúc, mà thực tế lại đau khổ khôn nguôi, còn những kẻ xem ra bần cùng khổ đau lại tràn trề hạnh phúc.
- Và ai cũng biết rằng nghèo khó không đương nhiên là khổ, khổ cũng không phải hoàn toàn do nghèo, dù nghèo và khổ thường đi đôi với nhau. Trái lại giàu có cũng không tất nhiên đem lại hạnh phúc cho con người.
- Hạnh phúc, nghèo khổ là ở tại cái tâm, bởi thế các bậc thánh hiền, bằng những ngôn ngữ khác nhau, nhưng hầu như đều luôn luôn nhất trí trong việc đề cao đời sống tâm linh.
- Chính đó là lý do tại sao Đức Giêsu đề cao tâm hồn nghèo khó, hiền hậu, dám chấp nhận khổ đau, yêu thích sự chính trực, thương xót đồng loại, trong sạch, và biết xây dựng hòa bình.
- Thật ra những đức tính trên đây không hiếm, đó là những đức tính của "người nghèo của Thiên Chúa", của các vĩ nhân, những nhà đạo đức, hiền hòa nhân ái và khiêm tốn. Không phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ biết sống cao đẹp, phải đạo, hiểu biết, vị tha, tôn trọng mọi người…
- Nói theo Đông phương chúng ta, thì hạnh phúc chủ yếu ở chỗ thực hiện được sự hòa điệu giữa lòng mình với lòng Trời, giữa lòng mình với lòng người, nghĩa là sống sao cho hợp lòng Trời và coi lòng mọi người cũng như lòng mình, tức là "Thiên thời - địa lợi - nhân hòa".
-  Bởi hạnh phúc của loài người tùy thuộc vào những cơ may và biến đổi của cuộc sống, tùy thuộc điều cuộc đời có thể ban cho hay hủy đi. Nên không ai sướng khổ một mình hay chỉ tại mình, mà tất cả chúng ta liên đới và chịu trách nhiệm trực tiếp, gián tiếp về hạnh phúc cũng như đau khổ của nhau. Vì thế mà trong Tám mối phúc thật, Đức Giêsu cho thấy hạnh phúc của chúng ta tuỳ thuộc vào mối tương quan ba chiều giữa chúng ta với Thiên Chúa, và giữa chúng ta với anh em đồng loại.
-  Chữ "Phúc" mô tả sự vui mừng mầu nhiệm không thể tả được, sự vui mừng tự tại có bên trong mình, hoàn toàn độc lập với mọi nguy cơ và biến đổi của cuộc sống, ngay cả khi bên ngoài đau đơn, buồn thảm hay mất mát…
-  Vì thế phúc lành của Chúa không gì có thể chi phối, xâm phạm được, không gì có thể đụng tới, không gì có thể lấy đi được, không bao giờ hư mất. Khác với sự vui mừng, hạnh phúc của thế gian, đến rồi đi, có rồi mất…
-  Một sự thay đổi vận may, sức khỏe giảm sút, kế hoạch bất thành, tham vọng không đạt, cả đến thời tiết thay đối cũng có thể cướp đi mất niềm vui của thế gian.
-  Trong khi đó niềm vui của Kito hữu là niềm vui trong sáng, bất khả xâm phạm, do luôn di với Chúa và ở trong sự hiện diện của Ngài.
-  Tính cách vĩ đại của những phúc lành này là chúng không phải là những cái nhìn thèm thuồng về một vẻ đẹp tương lai, cũng không phải là lời hứa vàng ngọc của vinh quang còn xa vời, mà là những tiếng cười chiến thắng của chân phúc cho một niềm vui vĩnh cửu không có gì trong trần gian có thể cướp mất.
-  Tuy nhiên, các lời phúc ấy đã bị một số người hiểu sai và bị lợi dụng nhằm ru ngủ nỗi khổ đau và sự nổi loạn của những người nghèo. Chấn an họ chấp nhận thân phận bất hạnh của họ, rồi họ sẽ được hạnh phúc. Ngược hẳn lại lời Đức Giêsu phán:"Hỡi những người nghèo, chúng con hạnh phúc, vì từ nay chúng con không còn nghèo nữa, vì triều đại của Thiên Chúa đã đến."

3.  Ý nghĩa của những điều phúc:
-  Lời đầu tiên Đức Giesu đề cập là:"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khổ, vì Nước Trời là của họ"
- Nhiều người cũng cho rằng mọi thứ bất hạnh, mọi tội lỗi đều do nghèo nàn mà ra. Hiển nhiên đó chỉ là nhận xét khiếm diện. Tuy nhiên vì lúc đó Đức Giesu nói cho người Do Thái nghe, nên xét "nghèo" theo quan niệm của họ thì hợp lý hơn.          
-   Người Do Thái hiểu chữ nghèo khó theo bốn giai đoạn:
            . Nghĩa đầu tiên là nghèo thật,
            . Vì nghèo nên không có ảnh hưởng gì về mọi mặt,
            . Vì không có ảnh hưởng nên bị coi thường, bị áp bức, bị chà đạp…
            . Cuối cùng, vì không có quyền lợi nào dưới đất, nên họ đặt niềm tin cậy trọn vẹn nơi Thiên Chúa.
  Vì thế Thánh Vịnh có câu:" Kẻ nghèo nàn kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn."
-   Nếu một người ý thức sự hoàn toàn bất lực của mình, khiêm nhường đặt trọn niềm tin cậy nơi Thiên Chúa thì trong cuộc sống của họ sẽ:
         . Hoàn toàn tách biệt khỏi đồ vật, vì họ biết rằng đồ vật tự nó không đem lại an bình và hạnh phúc.
     . Sẽ ràng buộc với Thiên Chúa, vì biết rằng chỉ có Thiên Chúa mới đem lại cho mình sự cứu giúp, hy vọng và sức mạnh.
-  Còn người nghèo về tâm linh là người ý thức rằng vật chất không có ý nghĩa gì, và Thiên Chúa mới là mọi sự. Nên họ không mơ tưởng, ham muốn của cải vật chất, không dư thừa, phung phí…
-  Chúa phán chính những kẻ nghèo khó như thế mới thuộc về Nước Trời.
-  Chúa không bảo nghèo khốn là hạnh phúc, mà ngược lại những bất hạnh đó chính là mục tiêu cần giải quyết của Kito giáo.    
-   Chúng ta cần nhớ Kinh Lạy Cha dạy rằng Nước Thiên Chúa là một xã hội trong đó ý của Thiên Chúa sẽ được thực hiện trọn vẹn ở dưới đất cũng như ở trên trời.
-    Nghĩa là ngay khi còn sống ở trần gian, ai làm theo ý Thiên Chúa thì người ấy đã là công dân của Nước Trời rồi.
-   Sự vâng phục bao giờ cũng đặt nền tảng trên lòng tin cậy. Và thường con người chỉ làm theo ý Thiên Chúa khi nhận mình hoàn toàn bất lực, không thể đối phó với thế gian, và hoàn toàn đặt niềm tin nơi Ngài.
-   Vậy chính mối phúc đầu tiên này là phúc cho ai nhận biết mình hoàn toàn bất lực để đặt lòng tin nơi Chúa, và chỉ có cách đó, người ấy mới hoàn toàn vâng phục Chúa để trở thành công dân Nước Trời.
-  Bởi ai cũng hiểu rằng nghèo không phải là cái khổ, nhưng do nghèo mà con người thanh thản, không lo toan, không vướng bận, không phải canh chừng đối phó, không mưu kế, không bị chi phối…cuộc sống như vậy là sung sướng, đó chính là cái phúc.
-  Qua đó, chúng ta cũng có thể hiểu các mối phúc khác tương tự như mối phúc của sự nghèo khó.
-  Như hiền lành, khát khao công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch, là những đức tính tốt của con người… đủ để cho người ta được người chung quanh cảm mến, xã hội nể phục, lương tâm trong sáng…thì đấy là hạnh phúc; mà không cần những thứ thế gian cho là căn bản, quan trọng như tiền bạc, chức quyền, giàu sang, tiện nghi…
-   Bởi ai cũng hiểu rằng những thứ đó không thể mang lại hạnh phúc, thanh thản bền vững.
-   Cũng như sự bất nhân, bất chính, tham độc, cay nghiệt, gian ác …thì làm sao lương tâm an bình, làm sao có hạnh phúc?
-   Còn bị sầu khổ, bị bách hại vì công chính, bị sỉ vả vì Chúa cũng không phải là bất hạnh, bởi họ đã có cái tâm hạnh phúc, cái lòng thanh thản, tâm hồn cao thượng, bình an…thì những cái bề ngoài ấy chẳng chi phối được họ, họ vẫn bằng an vui sống, không xao xuyến, không đau khổ...
-  Có thể ai đó thắc mắc: nếu thực sự ý nghĩa lời chúc phúc của Đức Giêsu đúng như thế thì... tại sao vẫn luôn còn những người nghèo khổ cả vật chất tinh thần, và bất công vẫn còn đầy?!  
-  Đúng, thế giới lúc nào cũng còn đầy những thứ ấy, và còn nhiều gian tà ác độc hơn nữa, nhưng sự thật Đức Giêsu là người dựng nước Thiên Chúa và giao trách nhiệm cho chúng ta là các môn đệ của Ngài phải sinh hoạt cụ thể về mọi mặt: chính trị, kinh tế, gia đình, xã hội, giáo dục...để xây dựng, bảo vệ và phát triển hoàn thành thế giới trên nền tảng Tám Mối Phúc Ngài tuyên bố. Không chỉ công bố suông, nghe suông những lời chúc phúc mà chẳng làm gì cả theo khả năng mình để cho sự nghèo khổ dưới mọi hình thức phải biến mất khỏi thế giới.
-  Chúng còn nhắc chúng ta nhớ rằng động cơ hành động của chúng ta chỉ là phục vụ tha nhân và trước tiên là những người nghèo, chứ không bao giờ được là tiền bạc hoặc danh lợi, quyền lực.
-  Một ý nghĩa sâu sắc nữa cho những việc người Kitô hữu làm như một y sĩ chữa trị bệnh tật, một công nhân đem sản phẩm của mình làm cho đời sung túc hơn, một giáo viên cố gắng giúp giới trẻ nên người, một cảnh sát giữ gìn trật tự, một dân viên làm vệ sinh... tất cả những người ấy đều có quyền nghĩ rằng mình đang thực hiện Nước Chúa, họ được hạnh phúc. Và giá trị những việc làm ấy không bao giờ bị lãng quên.

Lạy Chúa, chúng con ai cũng mong muốn được hạnh phúc lâu dài. Nên xin Ngaì cho chúng con hiểu rằng hạnh phúc chỉ thực sự bền vững khi chúng con sống theo lời Ngài dạy, đặc biệt trong Tám Mối Phúc.
Xin Ngài ban cho chúng con lòng yêu mến các Mối Phúc, cùng như các Tín Hữu nơi quê hương chúng con đang hằng ngày phải đối phó với thiên nhiên, chính quyền, xã hội và con người… đối mặt với những thảm họa, với bất công, với nghèo khổ, với đe dọa…Nhưng vẫn sốt sắng dâng lên Chúa tất cả, nói lên lòng tin cậy vào quyền năng của Ngài, là Đấng Công Chính và Nhân Hậu. Vì Đức Giesu Chuá chúng con.Amen.

Thân mến,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét