CHIÊN THIÊN CHÚA
(Chúa Nhật II TN, năm A)
Có nhiều Tôn Danh được
dùng để nói về Đức Giêsu Kitô, nhưng có thể nói chắc chắn rằng “nickname” được
sử dụng nhiều nhất là Tôn Danh “Chiên Thiên Chúa” (Con Chiên của Thiên Chúa).
Thật vậy, Tôn Danh “Chiên Thiên Chúa” được Kinh Thánh Tân Ước đề cập 31 lần –
sách Khải Huyền đề cập 29 lần, và Tin Mừng theo Thánh Gioan đề cập 2 lần (với
cách nói “Con Chiên”).
Thông thường, “con chiên”
cũng là “con cừu” (có khi gọi là “con trừu”), loài động vật có vú. Thế nhưng tại
sao người ta lại gọi là “Chiên Thiên Chúa” mà không gọi là “Cừu Thiên Chúa”? Có
gì khác nhau chăng? Thưa ngay rằng “có”. Vì thế, chúng ta cần phân biệt sự khác
nhau giữa “con chiên” và “con cừu”, nhất là đối với người Việt Nam, vì loài động
vật này không phổ biến ở đất nước chúng ta.
Chúng ta biết rằng danh từ
“cừu” dùng để chỉ chung về loài động vật này, nhưng “cừu” thường dùng để nói về
những con lớn hơn một năm. Còn danh từ “chiên” dùng để nói về những con nhỏ hơn
một năm. Nghĩa là người ta nói “thịt chiên” để chỉ loại thịt của những con “cừu
non”, nhưng người ta nói “thịt cừu” để chỉ loại thịt của những con “cừu già”.
Người Anh dùng vài từ ngữ
khác nhau để nói về giống cừu: danh từ “sheep” nói chung về loài cừu, danh từ
“lamb” chỉ cừu non (dưới một năm), danh từ “ram” chỉ cừu đực, danh từ “ewes” (hoặc
“yoe”) chỉ cừu cái. Do đó, chúng ta gọi là Chiên Thiên Chúa, Anh ngữ là Lamb of
God (dùng chữ “lamb” chứ không dùng các chữ khác).
Chiên Thiên Chúa là Đức
Giêsu Kitô, Cựu Ước đã đề cập bằng danh xưng Người Tôi Trung. Qua ngôn sứ
Isaia, trong bài ca Người Tôi Trung II, Thiên Chúa đã phán: “Hỡi Israel, ngươi
là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang” (Is 49:3). Thiên
Chúa đã tiền định và có kế hoạch riêng cho mỗi người, không ai giống ai. Đó là
điều quá đỗi kỳ diệu mà chúng ta không thể nào hiểu nổi.
Thật vậy, ngôn sứ Isaia
cho biết sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa: “Giờ đây Đức Chúa lại lên
tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở
thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung
quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức
mạnh của tôi” (Is 49:5). Thật hạnh phúc cho ai vâng theo Ý Chúa. Mỗi chúng ta đều
được Thiên Chúa tuyển chọn và đặt vào một vị trí nhất định theo Ý Ngài, vấn đề
là chúng ta có làm theo Ý Ngài hay không.
Nếu chúng ta làm tốt công
việc Ngài giao phó, Ngài sẽ giao thêm vì thấy chúng ta có khả năng. Có rồi sẽ
được cho thêm là thế (x. Mt 13:12; Mt 25:29; Mc 4:25; Lc 8:18; Lc 19:26). Quả
thật, Người Tôi Trung làm tốt nên Ngài muốn họ làm thêm nữa: “Nếu ngươi chỉ là
tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Israel sống
sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân,
để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49:6).
Người tôi trung là người
vâng lời tuyệt đối, không phải vì miễn cưỡng mà vì tôn trọng và yêu mến. Yêu là
muốn làm vừa lòng người mình yêu (vị tha), chứ không vì mình (vị kỷ). Tình yêu
đôi lứa thế gian thường là vị kỷ nhiều hơn vị tha. Mọi nơi và mọi lúc, trong bất
cứ hoàn cảnh nào, người tôi trung luôn một lòng vì Chúa: “Tôi đã hết lòng trông
đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu” (Tv 40:2).
Yêu và được yêu là hạnh
phúc nhất. Vì thế, người ta không thể không im hơi lặng tiếng, sẵn sàng làm chứng
về Đấng Tình Yêu để người khác cũng nhận biết Ngài: “Chúa cho miệng tôi hát bài
ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và
tin tưởng vào Chúa” (Tv 40:4).
Thiên Chúa có mọi sự,
Ngài không cần gì ở chúng ta, mà Ngài chỉ muốn chúng ta chân thành yêu kính
Ngài hết linh hồn và hết trí khôn. Cảm nghiệm được như vậy, tác giả Thánh Vịnh
thân thưa: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn
thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: ‘Này con xin đến!’. Trong
sách có lời chép về con rằng: con THÍCH LÀM theo thánh ý, và ẤP Ủ luật Chúa
trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40:7-9). Đó cũng chính là điều nói về
Chiên Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô.
Con chiên là con vật hiền
lành, dù bị xén lông rất đau đớn cũng không kêu than hoặc giãy giụa phản đối.
Con Chiên của Thiên Chúa cũng vậy. Một lòng trung tín và tuân phục, Người Tôi
Trung chân thành bày tỏ khúc nhôi: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa
lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh” (Tv
40:10). Thật đẹp thay sự quyết tâm và lòng can đảm dành riêng cho Thiên Chúa,
và phúc thay cho ai hành động như vậy!
Xưa nay chúng ta đã quen
với một câu nói ngắn gọn và phổ biến trong cộng đồng dân Chúa: “Vâng lời quý
[trọng] hơn của lễ” (x. 1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Một cách nói giản dị và dễ hiểu.
Và đó cũng chính là chân lý muôn đời đối với những ai tin vào Thiên Chúa.
Từ một Saolê [Saolô hoặc
Saun] hung dữ trở thành một Phaolô nhiệt thành, ông bộc bạch với dân Côrintô:
“Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, và
ông Xốt-thê-nê là người anh em của chúng tôi, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa
ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi
làm dân thánh, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của
chúng ta, Đức Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha
chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an” (1 Cr
1:1-3).
Thánh Phaolô xác định rằng
dân Côrintô là những người “được thánh hiến” và là “dân thánh” của Thiên Chúa,
và chúng ta ngày nay cũng vậy, cũng là những “thánh nhân” trong Giáo Hội của Đức
Giêsu Kitô. Như vậy, bổn phận của chúng ta là phải chân thành mến Chúa, yêu người,
cùng với trách nhiệm là phải sống sao cho xứng với Đức Kitô, Đấng đã yêu thương
và tin tưởng chúng ta, thế nên Ngài đã muốn chúng ta là những chứng nhân của
Ngài giữa thế gian này.
Chứng nhân “gạch nối” giữa
Cựu Ước và Tân Ước là ột “dị nhân” nổi tiếng đặc biệt: ông Gioan Tẩy Giả (Tiền
Hô). Sau ngày ông làm phép rửa cho Đức Giêsu, lúc thấy Đức Giêsu tiến về phía
mình, ông Gioan liền nói với những người có mặt ở đó: “Đây là Chiên Thiên Chúa,
đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng:
Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết
Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước”
(Ga 1:29-31).
Ông Gioan đã mục sở thị sự
việc lạ lùng tại sông Gio-đan, ông hùng hồn làm chứng về Đức Giêsu Kitô: “Tôi
đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không
biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi:
‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Đấng làm phép rửa
trong Thánh Thần’. Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên
Chúa tuyển chọn” (Ga 1:32-34).
Lời chứng của ông Gioan
là sự thật, và thật hạnh phúc cho chúng ta vì chúng ta đã và đang tin vào chính
Đấng mà ông Gioan đã làm chứng từ 20 thế kỷ trước.
Chiên Thiên Chúa vô cùng
quan trọng và cao cả, nhưng Ngài lại tự hóa ra “không” chỉ vì yêu thương chúng
ta. Người ta đã từng thấy cách sống lạ của Gioan Tẩy Giả, đến nỗi người ta đã
tưởng ông là Đấng Mêsia. Nhưng Đức Giêsu còn có cách sống kỳ lạ hơn Gioan Tẩy
Giả, và tất nhiên cách sống đó cũng khó áp dụng hơn. Nhưng khó không có nghĩa
là không làm được. Cố gắng thì sẽ được, bởi vì chúng ta không nỗ lực một mình,
mà có Thiên Chúa trợ lực.
Cách sống của Đức Giêsu
khác người từ Belem tới Canvê, chính Ngài đã xác định: “Con Người đến không phải
để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc
muôn người” (Mt 20:28; Mc 10:45). Còn hơn thế nữa, vì một chỗ tựa đầu mà Ngài
cũng không có (x. Mt 8:20; Lc 9:58). Còn chúng ta thì sao?
Lạy Thiên Chúa, xin giúp
con biết làm chứng về Chiên Thiên Chúa theo khả năng và hoàn cảnh sống của con,
xin giúp con hành động mọi sự vì vinh danh Ngài chứ không vì một thứ gì khác.
Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét