Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

ĐiNH DẬU -TẢN MẠN CHUYỆN CON GÀ

ĐiNH  DẬU
TẢN  MẠN  CHUYỆN  CON  GÀ
Mon, 23/01/2017 - Trầm Thiên Thu


Đất trời vận hành, thời gian xoay vần, tháng ngày theo nhau qua dần, và rồi lại hết năm. Năm hết đồng nghĩa với Tết đến, lòng người pha lẫn nhiều cảm xúc khác nhau...
Năm 2017 cầm tinh con Gà, tên chữ là con Kê, theo Can-Chi gọi là Đinh Dậu. Đinh Dậu (Hán tự: ) là sự kết hợp thứ 34 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông. Nó được kết hợp từ thiên can Đinh (hỏa âm) và địa chi Dậu (Gà). Theo chu kỳ, Đinh Dậu xuất hiện sau Bính Thân và trước Mậu Tuất.
Cũng như các loài khác, Gà cũng có Gà trống và Gà mái. Nhưng về “dòng dõi” thì có nhiều loại Gà: Gà nòi, Gà tre, Gà ác,…
Gà là một trong lục súc, tức là sáu loại gia súc nuôi trong nhà, đó là: Ngựa (mã), Trâu/Bò (ngưu), Cừu/Dê (dương), Chó (cẩu), Lợn (trư) và Gà (kê).
Có truyện cổ “Lục Súc Tranh Công” (trước năm 1923), ngày nay được coi là ngụ ngôn, kể về sáu gia súc tranh giành công lao: Trâu cho rằng mình làm ăn vất vả, có công sinh ra thóc, gạo, ngô, đậu (đỗ); Chó cho rằng mình có công coi nhà, canh trộm; Ngựa cho rằng mình có công đem chủ đi quán về quê, đánh đông dẹp bắc; Dê cho rằng mình có công trong việc tế lễ; Gà cho rằng mình có công gáy sáng, báo giờ giấc; Lợn cho rằng mình có công trong việc quan, ma chay, hôn lễ,...
Chẳng con nào vừa. Con nào cũng nhận mình có công lao hơn các con khác, không con nào chịu con nào. Cuối cùng, người chủ phải can thiệp vào, dàn hòa mới yên. Truyện này muốn nhắc nhở chúng ta phải biết sống khiêm nhu, nhường nhịn nhau mà sống sao cho hòa thuận đúng đạo làm người.

I. GÀ TRONG ĐỜI SỐNG
Gà là loài được nuôi để ăn thịt. Thịt Gà thuộc nhóm thịt trắng với thành phần chủ yếu là protein, lipit, khoáng can-xi, phốt pho, sắt, albumin... Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài các chất albumin và chất béo, thịt Gà còn có các vitamin như A, B1, B2, C, E, axit, canxi, photpho, sắt,…
Hàm lượng protein và phức hợp của amino acid có trong thịt Gà còn có tác dụng tích cực đến não bộ, tốt cho trẻ em đang phát triển. Thịt Gà là thực phẩm chất lượng cao, cơ thể con người dễ hấp thu và tiêu hoá.
Theo Đông Y, thịt Gà có tính ôn, vị ngọt, không độc, bổ dưỡng, lành mạnh, tốt cho phổi và tim mạch, bổ âm cho tỳ vị, bổ khí, bổ huyết, bổ thận, bổ mắt, hỗ trợ răng và xương. Thịt Gà chứa nhiều protein, nhiều nạc, ít chất béo. Lượng protein trong thịt Gà có tác dụng giúp bạn tăng trưởng và phát triển cơ bắp, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ giảm cân. Thịt Gà cũng rất giàu niacin – một loại vitamin B đặc biệt có tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa quá trình gây tổn hại cho DNA.
Có thuận thì có nghịch. Thịt Gà thơm ngon và bổ dưỡng nhưng cũng có thể tác động xấu tới sức khỏe. Ăn quá nhiều thịt Gà hoặc ăn thịt Gà kém vệ sinh sẽ đem lại những tác hại khôn lường. Ăn quá nhiều thịt Gà gây khó tiêu. Nếu bảo quản thịt Gà kém vệ sinh sẽ nhiễm khuẩn và gây ngộ độc cho người sử dụng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thịt Gà kỵ với kinh giới, ăn chung hai thứ sẽ gây đầy bụng, khó tiêu; với người bị bệnh thủy đậu, không nên ăn thịt Gà, đặc biệt là da Gà, vì có thể gây ngứa ở những nốt thủy đậu và để lại sẹo sau khi khỏi bệnh; với người bị sỏi thận, nên tránh xa hoặc kiêng ăn thịt Gà, vì đây là loại thực phẩm rất giàu protein, nó sẽ khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên và hình thành các loại sỏi.
Tết nhất phải có chén rượu để “tâm sự ngày Xuân”. Dân nhậu sành điệu thường ví von: “Đầu Gà, má lợn”. Ý nói đầu Gà là ngon. Khi đã ngà ngà, họ còn chơi trò “quay đầu Gà”, mỏ Gà xoay vô ai thì người đó phải “lì một lam” (làm một ly). Gà có hai món đặc biệt mà người ta ưa thích: “Thứ nhất phao câu, thứ nhì bầu cánh”. [Xin mở ngoặc: “bầu cánh” chứ không phải là “đầu cánh” như một số người hiểu lầm. Phần “bầu cánh” là phần sát nách của con Gà, vừa béo vừa ngon, chứ phần “đầu cánh” ngoài cùng chỉ có xương và da thôi, chẳng có gì là ngon].
Cháo Gà thì khỏi nói, không ai xa lạ gì, và là món khoái khẩu của nhiều người. Không chỉ vậy, Gà còn được người ta chế biến nhiều món ngon. Nào là chiên, xào, luộc, hấp,... Đủ kiểu, đủ dạng. Thế nhưng có một món “đặc biệt” mà không mấy ai đề cập, đó là món “gân Gà”. Ái chà! Gân Gà không dễ xơi chút nào, nó mà dính vô răng thì khó xử lắm: lấy ra chẳng được mà nuốt vào cũng không xong. Căng ghê đi! Có lẽ vì vậy mà chẳng ai ưa gân Gà chăng? Rất có thể lắm đấy chứ! Kể ra con Gà không đơn giản như chúng ta tưởng, thảo nào người ta nói “con Gà, con kê”, nghĩa là chuyện dài dòng lắm thôi!
Trong cuốn “Thành ngữ Điển tích Danh nhân Từ điển” (tác giả Trịnh Văn Thanh, 1965), có kể câu chuyện này…
Một hôm, Tào Tháo đem đại quân đi tiếp viện Hạ Hầu Uyên, bị quân Thục của Lưu Bị vây khốn. Đang buồn bực, bỗng có người bưng bát canh lên dâng. Tào Tháo nhìn vào thấy miếng gân Gà. Vừa đúng lúc trời tối, Hạ Hầu Đôn bước vào xin Tào Tháo ban cho mật khẩu để đi tuần tra  ban đêm. Tào Tháo buột miệng nói hai tiếng:
Gân Gà, gân Gà.
 Hạ Hầu Đôn liền lui ra khỏi trướng, truyền cho binh sĩ mật khẩu đêm nay là:
  Gân Gà.
Bấy giờ, Dương Tu đang làm chức Hành quân Chủ bạ, nghe Hạ Hầu Đôn truyền mật khẩu như vậy, liền bảo binh sĩ chuẩn bị lui quân. Hạ Hầu Đôn lấy làm lạ, bèn hỏi duyên cớ. Dương Tu đáp:
Chúa công đã cho mật khẩu là “gân Gà”, ta cứ suy ra thì biết. Vả lại, gân Gà không có thịt mà lại dai. Không có mùi vị, nhưng bỏ đi thì lại tiếc. Hiện nay quân ta thua mấy trận lớn, muốn tiến lên không được, rút về thì sợ quân Thục cười cho. Ngụy Vương còn đang lưỡng lự, nhưng tôi biết nội trong nay mai, thế nào cũng có lệnh. Vậy ta sửa soạn đi là vừa.
Tào Tháo có lòng oán hận Dương Tu, đang đêm đi tuần tiễu, biết được Dương Tu ra lệnh chuẩn bị rút quân, liền truyền trói Dương Tu lại và đem ra chém đầu vì tội phá rối quân ngũ, làm loạn ba quân. Nhưng sau quả nhiên Tào Tháo thấy ở lâu ngày không tiện, liền lui quân về Hứa Đô. Bấy giờ mới phục Dương Tu đã dùng mật khẩu “gân Gà” mà biết trước mọi việc. Thế nhưng, hiểu được như vậy thì đã quá muộn!
Như đã nói, Gà là một con vật được nuôi trong nhà, nên rất thân thương và gần gũi với con người. Vì thế, tục ngữ ca dao nói rất nhiều về Gà, đôi khi hình ảnh của con Gà còn được sử dụng để ám chỉ con người.
Gà được người ta quý mến vì nó hiền, thân thiện, và gần gũi với con người. Theo “Hán Việt Tân Từ Điển” (tác giả Nguyễn Quốc Hùng), Gà có năm “nhân đức” này: [1] Có ăn thì gọi nhau lại, đó là NHÂN; [2] Có chí phấn đấu hăng hái, đó là DŨNG; [3] Đêm gáy đúng giờ, đó là TÍN; [4] Chân có cựa, đó là VÕ; [5] Đầu có mào, đó là VĂN. Đó là năm đức tính cần có ở người quân tử.

II. GÀ TRONG VĂN HÓA
Con Gà, đặc biệt là chú Gà trống, hiện diện nhiều trong nhiều nền văn hóa Đông phương và Tây phương. Là vật nuôi từ được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, Gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Từ thời cổ đại, Gà đã trở nên một linh vật trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và tôn giáo – với tư cách là lễ vật, hiến vật.
 Gà có vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật của con người, tiếng gáy của Gà trống là tiếng đồng hồ báo thức cho con người ở những vùng quê êm ả. Trong văn hóa Đông phương, Gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng là Dậu và nằm trong danh sách lục súc.

VĂN HÓA HY LẠP
Sau khi tiếp cận văn hóa Ba Tư, người Hy Lạp đã dùng thuật ngữ “chim Ba Tư” để chỉ con Gà trống – do tầm quan trọng và công năng tôn giáo của con Gà trống trong xã hội Ba Tư. Tranh vẽ đầu tiên về Gà ở Âu châu được tìm thấy trên món đồ gốm Korinthos, có niên đại từ thế kỷ VII trước công nguyên. Người Hy Lạp cổ đại thường không dùng Gà để hiến tế, có lẽ là vì nó được xem là vật ngoại lai. Nhờ tính dũng cảm, Gà trống được cho là biểu tượng của thần Ares, Heracles và Athena. Người Hy Lạp cũng tin rằng ngay cả sư tử, dù “có tiếng” là chúa tể sơn lâm, cũng còn nể sợ chú Gà trống.

VĂN HÓA LA MÃ
Về mặt tôn giáo, con Gà trống có ý nghĩa quan trọng đối với người La Mã. Họ cho rằng Gà trống có mối liên kết với thần Mercury – thông tín viên của các vị thần và là người chịu trách nhiệm đưa các linh hồn người chết về thế giới bên kia. Người La Mã cổ đại dùng hình tượng con Gà trong thuật bói chim để nhận lời tiên tri. Một người – gọi là pullarius – sẽ chăm sóc Gà, khi nào cần bói thì ông ta mở lồng và cho nó hạt đậu hoặc một loại bánh ngọt mềm đặc biệt. Nếu con Gà ở nguyên trong lồng và gây ra tiếng động (đập cánh hoặc bay đi) thì đó là điềm xấu, nếu con Gà ăn ngấu nghiến thì là điềm tốt.
 Năm 249 trước công nguyên, trước trận chiến Drepana, tướng Publius Claudius Pulcher của quân La Mã đã sai người vứt “những con Gà thiêng” xuống biển vì chúng từ chối ăn. Năm 162 trước công nguyên, La Mã có luật Lex Faunia cấm vỗ béo Gà mái – có ý đảm bảo lượng ngũ cốc tích trữ. Do đó, dân La Mã chuyển sang thiến Gà trống, kết quả là kích cỡ Gà tăng gấp đôi, mặc cho luật La Mã quy định không được phép ăn Gà đã vỗ béo, Gà bản địa La Mã hoặc Gà lai giữa Gà mái bản địa và Gà trống Hy Lạp lại được ưa chuộng hơn trong nghề chăn nuôi.

VĂN HÓA DO THÁI
Vào một buổi chiều trước ngày Yom Kippur (ngày sám hối của người Do Thái), theo nghi thức kapparos, động vật thường dùng là Gà hoặc Cá – vì có sẵn và có kích cỡ vừa tay cầm. Nghi lễ hiến tế này mang ý nghĩa là con vật đó sẽ mang đi mọi tội lỗi của người cử hành nghi lễ. Sách Talmud của Do Thái giáo có đề cập việc học hỏi “tính lịch thiệp đối với bạn đời” từ con Gà trống. Khi tìm thấy thứ gì ăn được, Gà trống sẽ gọi Gà mái đến ăn trước.
 Sách Talmud viết: “Giả sử nếu chúng ta không có kinh Torah, chúng ta sẽ có sự nhu mì từ mèo, sự cần cù lao động lương thiện từ kiến, sự trinh bạch từ bồ câu, và sự lịch thiệp từ Gà trống” (Jonathan ben Nappaha, Talmud: Erubin 100b).

VĂN HÓA Á CHÂU
Tại Á châu, Gà mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong nghi lễ hỏa táng của đạo Hindu ở Indonesia. Tại quốc gia này, Gà được xem là đường nối cho các linh hồn xấu xa. Trong buổi lễ, Gà bị thắt chân để bảo đảm rằng mọi linh hồn xấu xuất hiện trong buổi lễ sẽ nhập vào Gà thay vì nhập vào các thành viên trong gia đình tại đó. Sau lễ, người ta mang Gà về nhà và nó lại được tiếp tục sống bình thường.
 Cũng ở Indonesia, người ta thường giết Gà Ayam Cemani để cúng tổ tiên và thần thánh trong lúc thai phụ lâm bồn, vì họ tin rằng may mắn sẽ tới. Gà Ayam Cemani còn được hiến tế vào một số dịp đặc biệt khác, tiếng gáy của Gà Ayam Cemani được coi là đem lại sự thịnh vượng.
 Tại Nhật Bản, Gà được xem là linh vật, hình ảnh của Gà gắn liền với những câu chuyện thần thoại. Một trong số những câu chuyện thần thoại kể rằng Nữ Thần Mặt Trời Amaterasu tức giận với hành động ngang ngược của người em trai là Thần Bão Tố Susano nên đã lánh vào hang động, lấp kín cửa hang, khiến dương gian chìm trong tăm tối. Trước tình cảnh đó, các vị thần bèn tìm cách để Nữ Thần Mặt Trời rời khỏi hang động, mang ánh sáng ấm áp cho trần thế. Họ dùng những con Gà trống thật khỏe mạnh để thi nhau gáy mà mời gọi Nữ Thần Mặt Trời.

VĂN HÓA HUYỀN SỬ
Gà có dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Trên trống đồng Đông Sơn, Gà và Chim là những loài được thể hiện khá nhiều, có một loài chim nước được gọi là “Gà nước”.
 Có truyền thuyết về vua An Dương Vương Thục Phán cố công xây thành nhưng đắp đến đâu thì đất lở đến đấy, Thần Kim Quy báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con Gà trắng sống ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Sau khi An Dương Vương giết được con Gà trắng thì xây được thành.
 Trước đó, trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, Gà cũng được nhắc đến là một trong ba lễ vật thách cưới của Vua Hùng khi gả con gái là Mỵ Nương, đó là “voi chín ngà, Gà chín cựa, Ngựa chín hồng mao”.

VĂN HÓA VÕ THUẬT
Thời Tây Sơn, tương truyền rằng Nguyễn Lữ là người đã sáng tạo ra môn Hùng Kê Quyền. Đây là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của Gà chọi, một trong mười bài võ được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam lựa chọn để biểu diễn trong các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc.
 Đặc trưng của bài quyền này là những động tác dũng mãnh của Gà chọi, nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng Kê Quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ Gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa Gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những điểm nguy hiểm của đối thủ – như các huyệt đạo, ngực, hầu,... Bộ pháp của bài rất linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển biến ảo, hỗ trợ cho việc thi thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương.

VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Trong văn hoá Việt Nam, đặc biệt với nét tranh Làng Hồ là hình ảnh chú lợn ủn ỉn hoặc con Gà cục tác lá chanh. Đó là những nét chấm phá về một làng quê Việt Nam an bình, với các triết lý sống mang tính nhân bản tự nhiên. Hình ảnh con Gà còn có một vị trí quan trọng trong tục lệ thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng. Biểu tượng con Gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh.
 Đuôi Gà trống có lông dài vào vồng lên, đó là đặc điểm của Gà trống. Trong văn hóa Việt Nam, cách trang phục phụ nữ miền Bắc ngày xưa khi vấn khăn thường để chừa ra một đoạn tóc đầu cùng được bỏ buông lơi, gọi là “tóc đuôi Gà”. Kiểu tóc này là một nét đẹp được nhiều người ưa thích. Thành ngữ “Gà mái gáy” thường dùng với tính chỉ trích, ý nói rằng người đàn bà tiếm dụng hoặc làm phần việc của đàn ông.
 Ngược lại, người đàn ông góa vợ phải chăm lo cho con thì Việt ngữ gọi là “Gà trống nuôi con”. Gà trống cũng xuất hiện trong những câu đố dân gian, vì nó có “tướng mạo quân tử”.

Trong bài thơ “Nắng Mới”, thi sĩ Lưu Trọng Lư có đề cập tiếng Gà:

Mỗi lần nắng mới hắt lên song
Xao xác Gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không

Thi sĩ Chế Lan Viên cũng đã từng viết về cái tâm trạng nhớ quê da diết khi nghe tiếng Gà gáy:

Ôi lý do gì vậy?
Một tiếng Gà trưa gáy
Làm ta vượt thời gian
Trở về lại Tam Quan
Nghe tiếng Gà trưa ấy
Ba mươi năm rồi đấy!

Tiếng Gà gáy trong thơ Việt Nam khác hẳn với tiếng Cuốc, tiếng Oanh hoặc tiếng Nhạn trong thơ Đường. Sau này, theo kiểu tiếng lóng, người ta dùng con Gà để chỉ những cô gái mại dâm: Gà móng đỏ.

VĂN HÓA THỂ THAO
Gà Hồ là linh vật tại Đại hội Thể thao Á châu Trong nhà 2009. Gà là một giống vật nuôi gần gũi và thân thiết với người Việt. Theo quan niệm dân gian, Gà mang đủ năm đức tính của người quân tử: Văn – Võ – Dũng – Nhân – Tín. Đặc biệt hơn, Gà Hồ là một giống Gà quý ở Bắc Việt, là giống Gà Việt thuần chủng. 
Biểu tượng vui được thiết kế với hình ảnh chú Gà Hồ đang vươn mình đón nắng mặt trời ví như Thể thao Việt Nam hân hoan đón chào AIGs III. Chú Gà mặc bộ trang phục thể thao khoẻ mạnh, với tay trái dang rộng đón chào bè bạn quốc tế, tay phải hình chữ V thể hiện niềm tin chiến thắng, giữa áo là biểu tượng mặt trời đỏ OCA nằm sát cổ áo tạo thành hình tượng chiếc huy chương danh giá nhất của kỳ Đại hội năm đó.

III. GÀ TRONG NGỤ NGÔN


Description: C:\Users\ASUS\Desktop\Dinh Dau - Tan Man Chuyen Con Ga (2).jpgTương tự các loài khác, Gà cũng có những truyện ngụ ngôn liên quan, mang tính răn đời. Đây là hai trong số nhiều ngụ ngôn liên quan con Gà.

1. NGỤ NGÔN “HAI CON GÀ TRỐNG”
Có hai con Gà cùng một Gà mẹ sinh ra và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, đủ lông đủ cánh, chúng trở thành hai con Gà trống, nhưng chúng lại hay cãi nhau. Con nào cũng tự nhận mình đẹp hơn, oai hơn, có quyền làm Vua Nông Trại.
 Một hôm, sau khi cãi nhau một hồi, chúng đánh nhau kịch liệt, chúng quy ước rằng hễ con nào thắng sẽ được làm Vua Nông Trại. Dĩ nhiên rồi cũng có một con thắng và một con bại.
 Con Gà thắng trận vội nhảy lên hàng rào, vỗ cánh và cất tiếng gáy vang, khoe khoang sự chiến thắng của mình. Nào ngờ tiếng gáy của nó làm một con chim ưng chú ý khí đang bay ngang qua đấy. Thế là con chim ưng sà xuống tóm lấy ngay con Gà thắng trận mang đi mất. Trong khi đó, con Gà bại trận vẫn còn nằm thoi thóp thở vì bị thương trong trận tranh hùng vừa qua. Cuối cùng, cả hai con Gà đều thua thiệt, chẳng con nào có lợi!
 Câu chuyện muốn khuyên chúng ta phải yêu thương nhau, đùm bọc nhau, nhất là đối với các anh chị em trong nhà, đừng để người ngoài hiếp đáp. Không yêu thương người trong nhà thì đừng khoe mẽ mình là người biết yêu thương người khác. Do đó, ca dao có câu: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài – Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

2. NGỤ NGÔN “GÀ và ĐẠI BÀNG”
Ngày xưa, có một ngọn núi cao và lớn, bên sườn núi có một tổ chim Đại Bàng. Trong tổ có bốn quả trứng lớn. Bất ngờ một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng Đại Bàng lăn xuống và rơi vào một trại Gà dưới chân núi. Một con Gà mái ấp trứng nó đẻ ra, và tất nhiên cũng ấp cả quả trứng lớn kia.
 Một ngày kia, trứng lớn nở ra một chú Đại Bàng con xinh đẹp, nhưng chú chim nhỏ này được nuôi lớn như một con Gà. Chẳng bao lâu sau, chú Đại Bàng vẫn tin rằng nó là một con Gà. Nó yêu quý gia đình và ngôi nhà nó đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì đó cao xa hơn.
 Cho đến một ngày nọ, trong khi đang chơi đùa trong sân, nó nhìn lên trời và thấy những con chim Đại Bàng đang soải cánh bay cao giữa bầu trời. Nó chợt kêu lên: “Ôi, ước gì mình có thể bay như những con chim kia”. Bầy Gà em cười ầm lên: “Cục tác, cục tác, ha ha… Anh không thể bay với những con chim đó được. Anh chỉ là một con Gà, và Gà không biết bay đâu!”.
 Đại Bàng “Gà” vẫn tiếp tục ngước nhìn gia đình thật của nó, và khao khát có thể bay cao cùng đàn chim kia. Mỗi lần Đại Bàng nói ra mơ ước của mình, bầy Gà lại bảo đó là điều viễn vông, ảo tưởng, không thể hiện thực. Và rồi Đại Bàng cũng phải tin đó là sự thật. Từ đó, nó không dám mơ ước nữa, cứ tiếp tục sống như một con Gà. Cuối cùng, sau một thời gian dài sống làm Gà, Đại Bàng cũng… chết.
 Trong cuộc sống cũng vậy, nếu bạn tin rằng bạn là một người tầm thường, bạn sẽ sống một cuộc sống tầm thường và vô vị, đúng như những gì mình đã tin tưởng. Như vậy, nếu bạn đã từng mơ ước trở thành Đại Bàng, bạn hãy đeo đuổi ước mơ đó, và đừng sống như một con Gà!
 Cuộc sống luôn cần phấn đấu, phải cố gắng vượt qua chính mình. Hãy mau chóng nắm bắt ước mơ, nếu để cho ước mơ lụi tàn thì cuộc sống cũng giống như một con chim gãy cánh, không thể bay được nữa! Đại văn hào Shakespeare nói: “Bản chất của tham vọng chẳng qua là chiếc bóng của ước mơ”. Nếu muốn có một thứ mà bạn chưa bao giờ có, bạn phải làm những thứ mà bạn chưa bao giờ làm.



GÀ TRONG KINH THÁNH


Kinh Thánh không nói nhiều điều liên quan con Gà, nhưng cả Cựu Ước và Tân Ước đề có đề cập con Gà.
Trong sách Châm Ngôn, phần “châm ngôn có số” (phần VII) có đề cập nhiều loại động vật, trong đó có câu nói tới con Gà: “Gà trống nghênh ngang hay dê đực, và ông vua điều khiển quân binh” (Cn 30:31). Còn sách ông Gióp đặt vấn đề: “Ai làm cho cò lửa khôn ngoan, ai ban trí tuệ cho Gà trống?” (G 38:36). Đó là dạng câu nghi-vấn-xác-định, tuy là câu hỏi nhưng lại là cách khẳng định, loại ngữ pháp này ngụ ý làm nổi bật vấn đề.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu đã tiên đoán sự phản bội của Thánh Phêrô: “Thầy bảo thật anh, nội đêm nay, Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26:34; Mc 14:30; Lc 22:34). Lời tiên tri đó đã ứng nghiệm, ông Phêrô đã bật khóc thảm thiết (Mt 26:75; Mc Mc 14:72; Lc 22:61). Thánh Gioan cũng nói tới việc ông Phêrô chối Thầy, nhưng mô tả cách hơi khác (Ga 18:15-18, 25-27).
Từ “sự cố” ông Phêrô chối Thầy, con Gà trống được coi là biểu tượng của sự cảnh giác và sự phản bội.
Trong các Phúc Âm nhất lãm (Mátthêu, Máccô và Luca) đều đề cập chuyện con Gà trống đóng vai trò như là “lời nhắc nhở” của Chúa Giêsu. Thế kỷ VI, ĐGH Grêgôriô I tuyên bố rằng Gà trống là biểu tượng của Kitô giáo. Thế kỷ IX, ĐGH Nicôla I ra lệnh đặt hình tượng con Gà trống lên tất cả các gác chuông nhà thờ. Có thể điều đó có ý nhắc nhở mọi người phải tỉnh thức. 
Khi nói về Giêrusalem, Chúa Giêsu đã dùng hình tượng Gà mẹ và đàn Gà con: “Hỡi Giêrusalem, Giêrusalem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như Gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng hứng” (Mt 23:37; Lc 13:34).
Con Gà là hình tượng của quân tử, cần có năm nhân đức này: Văn – Võ – Dũng – Nhân – Tín. Theo quan niệm Nho giáo, quân tử là mẫu người lý tưởng mà ai cũng phải cố gắng sống theo. Quân tử đối nghịch với tiểu nhân. Cách làm việc của quân tử có “ba không”:

1. “Quân tử bất vọng động, động tất hữu đạo”. Quân tử không hành động mù quáng hoặc làm bừa, mà làm gì cũng đều có đạo lý. Quân tử luôn nghiêm khắc với chính mình, còn tiểu nhân luôn khó khăn và xét nét người khác.

2. “Quân tử bất cẩu cầu, cầu tất hữu nghĩa”. Quân tử không mưu cầu tùy tiện, mưu cầu điều gì cũng đều nghĩa. Quân tử biết biết rõ về điều nghĩa, còn tiểu nhân hiểu rõ về cái lợi.

3. “Quân tử bất hư hành, hành tất hữu chính”. Mọi động thái của quân tử đều không tùy tiện, làm gì cũng đặt mình vào hoàn cảnh người khác để cân nhắc: Có chính đáng? Có bất lợi cho người khác? Có xúc phạm người khác? Quân tử sợ sai, tiểu nhân làm càn!
Với vài thiển ý vừa nêu, có thể nói rằng con Gà cũng là hình tượng của Kitô hữu chúng ta. Con Gà nhắc chúng ta nhớ đến những điều nghiêm túc, nghĩa là sống theo Thánh Luật của Thiên Chúa đã truyền dạy. Kinh Thánh đã nói: “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời. Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa, hết lòng hết dạ kiếm tìm Người. Họ không làm điều ác, nhưng cứ đường lối Chúa mà đi” (Tv 119:1-3).

Được như vậy, chắc chắn Thiên Chúa sẽ đại lượng chúc phúc cho chúng ta, không chỉ trong dịp Tết này, mùa Xuân này, hoặc năm nay, mà suốt cả cuộc đời của chúng ta. Năm mới, người mới, tâm linh cũng phải mới: Chúc Mừng Năm Mới và Người Mới – Happy New Year and Holy New You. Hãy hiện thực hóa lời chúc đầu năm này!

TRẦM THIÊN THU





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét