Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

Nói với lứa tuổi “nửa chừng Xuân”

Nói  với  lứa  tuổi  “nửa  chừng  Xuân”
BS. Hồ Ngọc Minh

source: nguoi-viet.com

Nói đến lứa tuổi “nửa chừng xuân”, tôi muốn nói đến độ tuổi trung niên mà người Mỹ gọi là “middle age”. Nếu tính theo tuổi thọ trung bình của con người hiện nay là 80 và tuổi thọ tối đa là 120 thì độ tuổi “nửa chừng xuân” nằm trong khoảng từ 40 đến 60 tuổi.

Gọi là tuổi “nửa chừng Xuân” không phải là lời an ủi, mặc dù nhiều người cho rằng ở tuổi này, ta đã bước vào Mùa Thu hay Mùa Đông của đời người, hay, đã bắt đầu cho một kết thúc. Thật ra cái kết cuộc sau cùng sẽ đến chỉ là một tổng hợp của những kết thúc nho nhỏ mà thôi. Sự chết đã bắt đầu trong từng tế bào nho nhỏ từ những năm tuổi đôi mươi, và tốc độ hủy diệt nhanh hay chậm tùy vào mỗi người, vì lý do di truyền hay vì nếp sống. Một số người đã có bệnh tật kinh niên ngay độ tuổi 40 và ngược lại, không ít người vẫn còn mạnh khỏe ở tuổi 70, 80. Theo thống kê, ở tuổi 40 khoảng 1/3 đã có ít nhất một trong các bệnh tật của tuổi già như bệnh tim mạch, tiểu đường, cao mỡ cholesterol, bị mất trí nhớ. Ở tuổi 50, một nửa số người bị ít nhất một bệnh kinh niên và ở tuổi 60 là 2/3.

Sự “rủi ro” về sức khoẻ một phần xảy là vì lý do di truyền, nhưng hầu hết 80% trường hợp có thể phòng ngừa và ngăn chận được qua nếp sống của từng cá nhân. Rất nhiều bệnh tật của tuổi già như bệnh tim mạch, tiểu đường, mất trí nhớ… có thể chặn đứng hay giảm cường độ bằng cách thay đổi những thói quen trong nếp sống ngay ở tuổi “nửa chừng Xuân.”

Người ta nói, “tuổi tác chỉ là những con số” có phần đúng và sai. Khi người ta còn trẻ, dưới 40, thì đó là những con số mà nhiều người có thể làm lơ bỏ qua được, nhưng sau đó thì mỗi con số tăng dần sẽ ảnh hưởng đến từng thớ thịt, từng cơ phận, từng nhịp tim. Tuy nhiên kẻ thù chính không phải là những con số “đáng ghét” ấy, mà là những thói quen xấu như ăn uống không được điều độ, thiếu vận động cơ thể, mất ngủ, và bị stress vô căn cứ.

Ngay từ ngày hôm nay ta cần làm những thay đổi cho dù nhỏ đến đâu. Sự lựa chọn là ở chính bạn.

1. Sức khoẻ răng miệng:
Ăn được là điều rất quan trọng cho sức khoẻ và tuổi thọ. Để ăn ngon bạn cần có răng và nướu tốt. Cho dù răng tốt, cũng có thể rụng sớm nếu nướu răng không được khỏe.

Trước hết, chất ngọt như đường, tất cả các loại thức ăn có đường, kể cả trái cây đều có thể làm hư răng, chưa nói đến những tác hại về bệnh tim mạch, cao mỡ, cao đường. Trẻ nhỏ bị hư răng còn có thể thay răng được, người lớn mất răng tự nhiên sẽ không nhai thắc ăn được ngon miệng và hữu hiệu.

Ngoài ra, các bệnh nhiễm trùng kinh niên nướu và răng còn ảnh hưởng đến sức khỏe của tim mạch, và sức khỏe tình dục.

Hầu hết các nha sĩ khuyên là nên chải đánh răng ngay sau bữa ăn. Tối thiểu là hai lần mỗi ngày, buổi sáng và buổi tối trước khi ngủ. Nếu không tiện đánh răng sau khi ăn, thì nên súc miệng bằng nước lạnh và nhai “kẹo cao su”, chewing gum, vừa giúp “thu dọn” những mảnh vụn thức ăn, vừa giúp là cho bắp thịt hàm răng thêm mạnh.

2. Săn sóc làn da:

Một làn da tốt có thể làm cho người ta trẻ đi 5 đến 7 tuổi. Đây không phải là chuyện của phụ nữ mà cả “phụ nam” cũng cần lưu ý, vì da nào cũng là da… người cả. Thật ra bạn không cần sử dụng những thứ kem, mỹ phẩm đắc tiền được quảng cáo mà chỉ cần những loại kem đơn giản như kem chống nắng hoặc kem để giữ cho da được ẩm. Nên sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài, và kem chống khô da tối thiểu là 3 lần mỗi ngày. Nên uống nhiều nước, thiếu nước, da mặt sẽ mất độ căng, và dễ bị nhăn nheo. Không hút thuốc lá. Những tai hại của thuốc lá được đề cập quá nhiều rồi, không cần nói thêm, nhưng thuốc lá giảm lưu lượng máu đến da mặt, làm cho da mau già cỗi.

3. Thuốc men:
Bước vào tuổi “nửa chừng Xuân”, nguy cơ bị một hay cả ba chứng bệnh kinh niên “Mỡ, Đường, Máu” ngày càng tăng. Nghiên cứu cho biết, chỉ cần giảm cân từ 5 đến 10% trọng lượng của cơ thể, ta có thể giảm nguy cơ ấy xuống còn 10-20%. Tôi đã viết nhiều về đề tài này trong nhiều bài viết trước. Chỉ cần giảm cân, ăn ít lại, và tăng cường vận động, ta khỏi phải “uống thuốc kinh niên” và tránh những phản ứng phụ của thuốc.

Tuy không cần phải uống các loại thuốc bổ với liều lượng cao, ở tuổi trên 50, khả năng hấp thụ vitamins từ thức ăn sẽ kém đi, vì thế nên uống thuốc đa sinh tố multivitamins, ngày một viên, loại dành riêng cho người trên 50 tuổi. Các loại vitamins nầy có thành phần quy định cho người lớn tuổi như chất kẽm, pantothenic acid và niacin… Người cao tuổi, kể cả phụ nữ đã nghỉ kinh, không nên uống nhiều chất sắt để bổ máu. Nghiên cứu cho biết uống nhiều chất sắt sẽ làm hại đến sức khoẻ của trái tim.

Trong các loại thuốc anti-oxidants chỉ có aspirin liều thấp (low dose aspirin 81mg) là thật sự cần. Các loại khác như Omega-3 fatty acids, Vitamin D chỉ nên uống có chừng mực.

Có nhiều người có thói quen “bê bối” khi uống thuốc trị bệnh vì sợ phản ứng phụ, sợ… “nóng” nhưng lại uống rất nhiều loại thuốc bổ này bổ nọ bừa bãi. Nói chung, tôi chia thuốc ra làm hai diện: loại “thuốc uống tự động” là những thuốc trị bệnh không thể thiếu và phải “tự động” uống cho đúng liều lượng, không được bỏ bê; còn loại kia là “thuốc uống tự nguyện” bao gồm những thuốc bổ, lỡ có khi quên cũng không sao. Đôi khi, bạn cũng nên cố tình quyên loại thứ nhì này một ngày mỗi tuần, để lá gan được nghỉ mệt và… giải độc.

4. Ẩm thực:
Trên 40 tuổi, khả năng tiêu hoá sẽ chậm lại, dễ bị các triệu chứng như táo bón, ợ chua, ăn không tiêu, ăn không ngon miệng. Các hiện tượng nầy có thể giảm bớt bằng cách ăn uống điều độ và tăng cường vận động, thể dục thể thao. Nên ăn nhiều rau cải và thức ăn có chất xơ, chất bả. Nên uống nhiều nước và bớt uống rượu, nhất là rượu mạnh.

5. Vận động thể dục thể thao:
Bạn chỉ cần tối thiểu 30 phút thể dục thể thao mỗi ngày là đủ. Nếu không quen những môn thể thao đòi hỏi sự bền bỉ như tennis, đá banh, chạy đua, thì chỉ cần đi bộ, tập yoga hay tai chi… Dần dần, nên tăng cường tập tạ nhẹ để giảm bớt sự mất mát của cơ bắp.

Ai cũng ước nguyện là mình sẽ được “ra đi” bình an như trong giấc ngủ, không bệnh tật, không đau đớn. Tuy nhiên muốn được như vậy đòi hỏi những đầu tư ngay từ bây giờ. Nếu ta không biết giữ gìn sức khoẻ, chưa chắc là ta đã qua được những ngày lễ lộc, vì thống kê cho biết con số người ra đi trong mùa lễ lộc tăng cao nhất so với những tháng khác trong năm. Và dẫu có ra đi bình an đi nữa, sẽ làm cho nhiều người thân ở lại không được an vui cho lắm.


Tóm lại, đừng bi quan là sau tuổi 40, chiếc xe sẽ tuột dốc. Bạn có thể kiểm soát được tốc độ xuống dốc của cơ thể, hy vọng đến tuổi 80 và biết đâu chừng, xa hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét