Người giáo dân và cuộc tranh luận
quanh việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ (2)
Vũ
Văn An1/3/2017
3.
Song hành giữa lạc giáo Ariô và Niềm Vui Yêu Thương
Cũng ngay trong tháng Tư,
Claudio Pierantoni, một giáo dân giáo sư từng dạy môn sử Giáo Hội và giáo phụ học
tại Pontificia Universidad Católica và hiện dạy môn triết học trung cổ tại
Universidad của Chile, lên tiếng so sánh giữa cuộc khủng hoảng Ariô và tông huấn
Niềm Vui Yêu Thương, qua hai kiểu nói mơ hồ “giống như Chúa Cha” (Ariô) và
“trong một số trường hợp” của ghi chú 351 trong Niềm Vui Yêu Thương. Cả hai đều
phát xuất từ cùng một ý hướng: cố tình mơ hồ.
Hồi ấy, phe Ariô cố tình
không muốn minh nhiên chủ trương rằng Chúa Con kém Chúa Cha, nên họ đã dùng kiểu
nói “giống như Chúa Cha” để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu nhưng chắc chắn có
hàm một mức độ “bề dưới”.
Pierantoni cho rằng
chương 8 của Niềm Vui Yêu Thương cũng đã áp dụng cùng một chiến thuật khi dùng
kiểu nói “trong một số trường hợp” những người trong các tình huống gọi là “bất
hợp lệ” có thể được “sự trợ giúp của các bí tích”. Ông tự hỏi, đây là những trường
hợp nào? Và ông đưa ra 4 giả thuyết để lần lượt bác bỏ:
a. Theo nguyên tắc của lối giải thích liên tục (hermeneutic of continuity), kiểu nói “trong một số
trường hợp” cần được giải thích như để nói tới các trường hợp chuyên biệt đã được
nhắc tới trong các văn kiện hiện đã có của Huấn Quyền, như "Familiaris
consortio" (FC), là văn kiện quả quyết rằng có thể ban việc giải tội và rước
lễ cho những người đang sống chung với nhau nhưng đoan hứa sẽ sống chung với
nhau như anh trai em gái.
Lối giải thích trên dựa
trên một nguyên tắc giải thích căn bản, xem ra không thể bác bỏ được; nhưng chẳng
may, nó mâu thuẫn với ghi chú số 329, là ghi chú minh nhiên quả quyết rằng tác
phong này (tức việc sống chung như anh trai em gái) có thể gây hại và do đó,
nên tránh.
b. “Trong một số trường hợp” có
thể được giải thích theo một nghĩa rộng hơn, để chỉ việc chủ quan biết chắc
tính vô hiệu của cuộc hôn nhân trước, với gải thuyết cho rằng, vì nhiều lý do
riêng biệt, không thể chứng minh điều này trước tòa án.
Trong những trường hợp
như trên, rất có thể có việc này: ở cõi sâu kín của lương tâm, người ta cảm thấy
không có lỗi gì trong cuộc kết hợp mới cả: Về phương diện học lý luân lý, việc
này có thể được coi là phù hợp với Familiaris Consortio. Nhưng vẫn còn một khác
biệt nền tảng về phương diện Giáo Hội học: Thánh Thể là một hành vi bí tích,
công cộng, trong đó, người ta không thể xem xét một thực tại vốn tự tại vô hình
và không thể kiểm chứng cách công khai được.
c. “Trong một số trường
hợp”
cũng có thể giải thích một cách rộng rãi hơn nữa để chỉ trách nhiệm chủ quan giảm
khinh hoặc thậm chí triệt tiêu nữa, vì ngu dốt không biết luật, thiếu khả năng
thấu hiểu luật hoặc “sức mạnh lấn át” (force majeure) mà trong những hoàn cảnh
đặc biệt, mạnh đến nỗi “buộc” người ta phải sống chung “more uxorio” (kiểu vợ
chồng), một việc do đó, không còn tạo ra tội trọng nữa; thực vậy, theo văn kiện,
việc bỏ không sống chung nữa có thể tạo ra một lỗi nặng hơn.
Ở đây, ta gặp các vấn đề
còn trầm trọng hơn nữa về thần học luân lý. Ngu dốt và thiếu khả năng hiểu biết
quả thực có khả năng giới hạn trách nhiệm bản thân: ấy thế nhưng nại đến chúng
trong trường hợp này là điều phi lý, chưa kể là mâu thuẫn nữa. Vì văn kiện vốn
nhấn mạnh tới một diễn trình và việc biện phân có hướng dẫn. Các diễn trình này
hẳn phải chuyên biệt thiết kế sao đó để khắc phục sự ngu dốt và thiếu khả năng
hiểu luật lệ.
Còn về “sức mạnh lấn áp”,
chắc chắn sẽ không hiển nhiên, mà còn mâu thuẫn với toàn bộ thánh truyền, và
các tuyên bố có tính tín điều chính yếu khi cho rằng nó có thể biện minh cho việc
thất bại, không tuân theo luật Thiên Chúa. Đã đành ta không nên tiên thiên loại
bỏ điều này: có những hoàn cảnh đặc biệt trong đó tình huống có thể thay đổi
hình sắc luân lý (moral species) của một hành vi mà bề ngoài xem ra vẫn là một,
thậm chí một cách có ý thức và ý hướng: thí dụ, hành vi rời một đồ vật khỏi một
ai đó có thể được giải thích không phải là một việc ăn cắp, mà là một việc giúp
người này trong một vụ cấp cứu, hay như một hành vi ngăn ngừa một điều xấu hơn.
Tuy nhiên, dù cho rằng điều này có thể áp dụng vào việc ngoại tình, ngăn trở dứt
khoát đối với việc biện minh kiểu này là đặc điểm vĩnh viễn của tác phong tiêu
cực khách quan, một tác phong dù có thể biện minh được trong một khoảnh khắc đặc
biệt nào đó, vẫn không thể biện minh trong một tình huống ổn định, được chọn lựa
một cách hữu thức.
Dù sao, tính thành sự vẫn
luôn cần được tôn trọng, như trong trường hợp nguyên tắc Giáo Hội học đã nói
trước đây rằng dưới bất cứ hoàn cảnh nào, một điều, từ bản chất của nó, vốn thuộc
cõi sâu nhiệm của lương tâm, cũng không thể trở thành hữu hình một cách ma thuật
ở bình diện công cộng được.
d. Theo một nghĩa rộng rãi nhất,
“trong một số trường hợp” có thể mở rộng để bao gồm mọi trường hợp có thật, cụ
thể và thường xuyên mà một cách tổng quát ta vẫn có trong đầu, trong đó có một
cuộc hôn nhân không có hạnh phúc, thất bại do hàng loạt các hiểu lầm và bất
tương hợp và sau đó là một cuộc sống chung hạnh phúc ổn định với thời gian,
trung thành hỗ tương v.v… (xem NVYT số 298).
Trong những trường hợp
như trên, xem ra kết quả thực tế, đặc biệt là khoảng thời gian kéo dài và hạnh
phúc của cuộc kết hợp mới so với thời gian vắn vỏi và/hoặc sự bất hạnh của cuộc
kết hợp trước, đã được giải thích như một thứ xác nhận tính tốt lành, và do đó,
tính hợp pháp của cuộc kết hợp mới: trong đồng văn này (NVYT số 298), không hề
có bóng dáng nào của việc xem xét tới tính thành sự của cuộc hôn nhân trước, việc
thiếu khả năng hiểu biết hay “sức mạnh lấn át”. Thực vậy, ở số 300, khi nói phải
xem xét tới việc biện phân trong các trường hợp này, người ta lại càng thấy rõ
hơn: các vấn đề được thảo luận trong việc xét lương tâm và sự ăn năn liên hệ
không là gì khác hơn là tác phong tốt hay xấu trước cuộc hôn nhân không thành
công và thành quả tốt của cuộc kết hợp mới.
Điều cũng rõ là “sự ăn
năn”, hết sức có liên hệ ở đây, không hề liên quan tới cuộc kết hợp mới, mà
liên hệ tới a) tác phong trong cuộc khủng hoảng trước đây, b) các hậu quả của
cuộc kết hợp mới đối với gia đình và cộng đồng.
Bởi thế, điều hiển nhiên
là văn kiện có ý hướng muốn vượt quá các trường hợp trong đó có sự chủ quan chắc
chắn về tính bất thành sự của cuộc hôn nhân trước, ngu dốt, thiếu hiểu biết, “sức
mạnh lấn át” hay bất lực cho rằng mình không thể tuân theo lề luật được.
Thành thử, nay ta thấy
rõ: điểm chuẩn có giá rị để phán định tính “hợp pháp” của cuộc kết hợp mới
chung cục chỉ là sự thành công thực tế và hạnh phúc trông thấy của nó, ngược với
việc thiếu thành công và bất hạnh của cuộc hôn nhân trước: “tính hợp pháp” giả
định này hiển nhiên là điều kiện tiên quyết để được lãnh nhận ơn tha tội và
Thánh Thể. Hậu quả không thể tránh được là cuộc hôn nhân trước nay bị coi một
cách mặc nhiên, nhưng công khai là không còn hiệu lực và do đó bị tiêu hủy: do
đó, thực tế là nhờ thứ “chăm sóc mục vụ” này, cuộc hôn nhân được tuyên bố là khả
tiêu. Cũng do đó, dù Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục dùng lời quả quyết tính bất
khả tiêu của nó, nhưng trên thực tế, ly dị đã được du nhập.
Pierantoni nhận định như
sau về “đề xuất” hay “lối giải thích” nói trên: “Điều cũng rõ là nếu sự thành
công của cuộc hôn nhân mới đủ để thiết lập ra tính hợp pháp của nó, thì ta cũng
phải biện minh cho hầu hết mọi cuộc kết hợp mới: thực vậy, nếu cuộc kết hợp mới
bị coi là không thành công, thì đâu cần phải mất công biện minh cho nó, người
ta có thể thực hiện cuộc kết hợp tiếp theo, hy vọng nó sẽ thành công. Và cứ như
thế thì đâu có khác gì với luận lý học ly dị!”.
Đối với Pierantoni, các điểm sau đây đáng lo ngại hơn cả:
- công khai không đòi những
người sống chung phải tiết dục mới được lãnh nhận các bí tích như
"Familiaris Consortio" đòi hỏi;
- loại bỏ các biên giới
trước đây đã định rõ giữa sự chắc chắn của lương tâm và các qui định của Giáo Hội
học về bí tích;
- sử dụng các giới điều
thương xót và không phê phán của Tin Mừng để biện minh cho chủ trương: trong
Giáo Hội, không thể áp đặt việc kiểm trừng tổng quát lên các tác phong chuyên
biệt, bất hợp pháp về phương diện khách quan.
4. Bác bỏ các tuyên bố có thể bị hiểu theo nghĩa đi ngược lại đức
tin và luân lý Công Giáo
Qua tháng Sáu, một nhóm
45 học giả Công Giáo gửi một lá thư cho mọi Hồng Y, yêu cầu các ngài thưa với Đức
Giáo Hoàng bác bỏ điều họ gọi là “một số lời tuyên bố có thể bị hiểu theo nghĩa
đi ngược lại đức tin và luân lý Công Giáo”.
Lá thư dài 13 trang này,
được dịch sang sáu ngôn ngữ, trưng dẫn 19 đoạn của Niềm Vui Yêu Thương mà họ
cho “dường như trái ngược với các tín lý Công Giáo”. Các người ký thự gồm các
giáo phẩm, học giả, giáo sư, tác giả và giáo sĩ của nhiều đại học Giáo Hoàng,
chủng viện, cao đẳng, viện thần học, dòng tu và giáo phận khắp thế giới.
Phát ngôn viên của nhóm
là Joseph Shaw, một giáo dân và là một giáo sư triết tại Đại Học Oxford. Ông quả
quyết: “chúng tôi không kết án Đức Giáo Hoàng lạc giáo, nhưng chúng tôi coi khá
nhiều đề xuất trong Niềm Vui Yêu Thương có thể bị hiểu là lạc giáo theo lối đọc
bản văn cách tự nhiên. Nhiều tuyên bố khác có thể rơi vào các kiểm trừng thần học
(theological censures) lâu đời khác, như gây tai tiếng, sai lạc về đức tin, và
mơ hồ…”.
Trong số các vấn đề được
nêu lên, nhóm tin rằng Niềm Vui Yêu Thương “làm suy yếu” giáo huấn của Giáo Hội
khi cho phép các người Công Giáo ly dị và tái hôn dân sự được chịu các bí tích.
Họ cũng tin rằng việc này mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội vốn dạy rằng mọi
giới răn có thể được tuân giữ với ơn thánh của Thiên Chúa, và một số hành vi
luôn luôn sai lầm.
Theo Ông Shaw, các người
ký thự hy vọng rằng “tìm được từ Đức Thánh Cha một bác bỏ dứt khoát các sai lầm
trên, chúng tôi có thể giúp giảm bớt đi sự mơ hồ mà Niềm Vui Yêu Thương đã gây
ra nơi các mục tử và tín hữu giáo dân”.
Sự mơ hồ trên, theo Ông
Shaw, “chỉ có thể được đánh tan một cách hữu hiệu, nhờ một khẳng định không hàm
hồ về giáo huấn Công Giáo chân chính của vị kế nhiệm Thánh Phêrô”.
Nội dung lá thư và tên những
người ký thự thoạt đầu không được công bố. Theo Giáo Sư Shaw, các người ký thự
cho công chúng hay sự hiện hữu của lá thư để “những người Công Giáo nào bối rối
về một số câu tuyên bố trong Niềm Vui Yêu Thương biết rằng đang có các biện
pháp để giải quyết các vấn đề nó nêu ra”.
Ông nói với LifeSiteNews
rằng “các người tổ chức không muốn công bố các tài liệu này, vì chúng được gửi
cho các vị Hồng Y và thượng phụ, những vị hết sức lý tưởng có tư cách xem xét
chúng mà không sợ bị cuộc tranh luận công cộng quấy rầy”.
Hơn nữa “các kiểm trừng
là một tài liệu thần học chi tiết và có tính kỹ thuật có nội dung không sẵn
sàng dễ hiểu đối với những người đọc không chuyên môn, và dễ bị trình bầy sai và
hiểu sai. Công bố các tài liệu này sẽ gây trở ngại cho các vị Hồng Y trong nhiệm
vụ của các vị qua việc tường thuật của truyền thông và những cuộc tranh luận và
bút chiến thường kém hiểu biết do nó tạo ra”.
Nhưng rồi ngày 18 tháng Bẩy,
tờ Catholic Herald cho hay đã nhận được một bản của lá thư và tên các người ký
thự. Tờ này bèn cho phổ biến nhiều chi tiết hơn nữa về lá thư, nhưng không đăng
trọn lá thư này cũng như tên các người ký thự. Bốn ngày sau, tờ National
Catholic Reporter cho đăng trọn danh sách các người ký thự. Và qua ngày 27
tháng Bẩy, Tess Livingstone cho đăng trọn tài liệu và tên các người ký thự trên
trang mạng của tờ The Australian ở Úc. Cô vốn là người viết tiểu sử của Đức Hồng
Y Pell nhưng cô không cho hay do đâu cô có được tài liệu này.
Giáo Sư Shaw quả quyết rằng
các cơ quan trên không hề được phép đăng tải như họ đã làm. Trước tình thế này,
ông cho hay: “Việc phê bình là công việc của một số học giả Công Giáo; họ lo âu
rằng người Công Giáo có thể hiểu một số đoạn trong Niềm Vui Yêu Thương như đi
ngược lại tín lý của đức tin Công Gáo. Chữa trị sự nguy hiểm này là tuyên bố có
thẩm quyền và chung cục của Đức Giáo Hoàng nhằm quả quyết rằng các lối hiểu này
không thể được người Công Giáo chủ trương, và Niềm Vui Yêu Thương không hề
trình bầy chúng như các giáo huấn của huấn quyền hay buộc phải tin chúng. Hồng
Y Đoàn có chức năng cố vấn Đức Giáo Hoàng… Thành thử, một tài liệu đã được soạn
thảo trình bầy các nguy hiểm trầm trọng nhất của bản văn Niềm Vui Yêu Thương và
gửi tới các vị Hồng Y và thượng phụ, cùng với một lá thư yêu cầu các vị thỉnh cầu
Đức Giáo Hoàng lên án các sai lầm có vấn đề”.
Nhân cơ hội này, Ông cũng
giải thích bản chất của kiểm trừng thần học: “nó chỉ có tính học lý chứ không
có tính pháp lý, vì các người ký thự không hề có thẩm quyền để áp đặt bất cứ kiểm
trừng pháp lý nào. Họ không nghi vấn đức tin bản thân của Đức Giáo Hoàng
Phanxicô hay cho rằng ngài đồng thuận với các đề xuất bị kiểm trừng… Mục đích của
tài liệu này là để nhận được lời kết án các đề xuất này của Đức Giáo Hoàng”.
5.
Quyền của tín hữu Công Giáo
Lá thư của nhóm 45 học giả
trích giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô rằng “bề dưới buộc phải sửa sai các bề
trên của mình một cách công khai khi có nguy hiểm cận kề cho đức tin”. Họ cũng
trưng dẫn bộ giáo luật dành cho Giáo Hội La Tinh rằng “các tín hữu Công Giáo có
quyền và đôi khi nghĩa vụ, phù hợp với kiến thức, năng quyền, và vị thế của
mình, phải làm người khác biết các quan điểm của mình về các vấn đề có liên
quan tới lợi ích của Giáo Hội”.
Thành thử, ở phần kết luận,
họ quả quyết: “các nhà thần học Công Giáo có nghịa vụ nghiêm ngặt phải lên tiếng
chống lại các sai lầm biều kiến trong văn kiện. Tuyên bố về Niềm Vui Yêu Thương
này nhằm chu toàn nghĩa vụ ấy, và nhằm trợ giúp hàng giáo phẩm của Giáo Hội
trong việc giải quyết tình thế này”.
Đi vào chi tiết, tài liệu
của nhóm coi là đi ngược lại Thánh Kinh các tuyên bố cho rằng Giáo Hội “cương
quyết” bác bỏ án tử hình, coi nó luôn luôn bất chính, người vợ không nên phục
tùng chồng, và bậc sống đồng trinh không cao hơn bậc sống vợ chồng.
Dựa vào Thánh Kinh và một số giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội,
nhất là Công Đồng Trent, nhóm cũng kết án các gợi ý sau đây của Niềm Vui Yêu
Thương:
• Đối với một số người, sống phù hợp với các giáo huấn của Tin
Mừng có thể là điều không thể làm được
• Không ai bị phạt sa hỏa ngục cả
• “Những người ly dị và tái hôn dân sự nào quyết định chọn tình
huống của họ một cach hiểu biết hoàn toàn và với sự thuận tình trọn vẹn của ý
chí không sống trong trạng thái tội trọng, và họ có thể lãnh nhận ơn thánh hóa
và lớn lên trong đức ái”
• “Một tín hữu Công Giáo có thể hoàn toàn biết rõ luật Thiên
Chúa và tự ý phá bỏ nó trong một vấn đề nghiêm trọng, nhưng vẫn không rơi vào
trạng thái tội trọng do kết quả của hành động này”
• “Một người hoàn toàn biết rõ luật Thiên Chúa vẫn có thể phạm
tội khi quyết định vâng theo luật này”
• Lương tâm một người có thể “phán đoán đúng” rằng các tội tình
dục bị Tin Mừng minh nhiên kết án “đôi khi có thể đúng về phương diện luân lý
hay được Thiên Chúa yêu cầu hay ra lệnh”
• “Chúa chúng ta, Đức Giêsu Kitô, muốn rằng Giáo Hội bãi bỏ kỷ
luật lâu đời từ chối không cho những người ly dị tái hôn rước lễ hay không giải
tội cho họ nếu họ không biểu lộ sự ăn năn thống hối về lối sống của mình và
cương quyết sửa sai lối sống này”
• “Không có lỗi nặng vì trách nhiệm giảm bớt, những người ly dị
và tái hôn dân sự không sống tách xa nhau, cũng không cam kết sống tiết dục
hoàn toàn, nhưng vẫn ở lại trong trạng thái ngoại tình và đa hôn khách quan có
thể được rước lễ”.
Tuy nhiên, nhóm vẫn cho rằng:
“vấn đề của Niềm Vui Yêu Thương không phải là nó đã áp đặt các qui luật có tính
trói buộc về luật pháp từ nội tại vốn bất chính hay giảng dạy một cách có thẩm
quyền các giáo huấn có tính trói buộc mà bản chất thì sai lầm”.
Theo nhóm, “văn kiện này
không có thẩm quyền ban hành các luật lệ bất chính hay đòi phải chấp thuận các
giáo huấn sai lầm, vì Đức Giáo Hoàng không có quyền làm những điều này. Vấn đề
của văn kiện này là nó có thể dẫn người Công Giáo đến chỗ tin điều sai lầm và
làm điều bị luật Thiên Chúa ngăn cấm… Điều quan trọng về văn kiện này là hậu quả
gây hại nó có thể có đối với niềm tin và đời sống luân lý của người Công Giáo”.
Kỳ sau: 6. Đức Giáo Hoàng
có ý định thay đổi kỷ luật bí tích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét