Thứ Tư, 13 tháng 4, 2022

AI CŨNG CÓ NỖI ĐAU, SAO LẠI ...

 

AI  CŨNG  CÓ  NỖI  ĐAU,  SAO  LẠI ...

Tue, 05/04/2022 -  Lm Anmai, CSsR

          Những ngày qua, chỉ đến khi lời van xin của gia đình có em nhỏ tự vẫn thôi đừng loan truyền câu chuyện của con em họ thì nhiều người mới dừng lại. Nếu không có sự van xin đó, chắc có lẽ ...

          Hiệu ứng đám đông hay dễ thấy như thời đại hôm nay là dân cư mạng xem chừng ra rất mạnh mẽ. Thế nhưng rồi đám đông cũng nên chăng hết sức cẩn thận khi dùng sức mạnh tập thể đó.

          Cách đây hơn 2000 năm, câu chuyện người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình còn đó và có đó. Lẽ ra chỉ dăm ba người gọi là nhân chứng gọi là có thể tố cáo cũng như kết án chị nhưng rồi ta lại thấy một đám đông rất nhiệt tình. Trong đám đông đó, chắn chắn có những người không hề thấy mà họ chỉ nghe mà thôi. Mà thật sự cũng có những người chả có liên quan gì đến câu chuyện của người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.

          Nỗi đau của người phụ nữ ngày hôm ấy dường như tăng dần và tăng dần với cái đám đông nghiệt ngã. Chỉ đến khi Chúa Giêsu chất vấn lương tâm của đám đông thì ta thấy từng người từng người một đã buông tha cho chị. Đơn giản là ai ai cũng nhận ra rằng mình cũng là người có tội.

          Trong cuộc sống thường ngày cũng vậy, nhiều khi ta chỉ thấy tội cũng như nỗi đau của người khác để rồi mạnh miệng bêu rếu cũng như kết án. Trong khi đó, bản thân ta cũng có tội, có những nỗi đau thầm kín mà có khi không ai biết. Và ta tự hỏi nếu như tội cũng như nỗi đau của ta bị bêu ra thì ta sẽ có cảm xúc như thế nào?

          Ngày mỗi ngày trên mạng xã hội, ta lại thấy nhiều người sống theo kiểu bới lông tìm vết và trưng ra những cái vết đó cho người khác xem. Tự hỏi rằng người đó rảnh quá không có việc gì để làm hay mang trong mình cái thói lạc quan tếu rằng thì là mình là người trong sạch hay mình không có nỗi đau?

        Luật pháp và nhất là lương tâm tự chất vấn tâm hồn của mỗi người. Tiếc thay nhiều người ngày hôm nay đã sử dụng cái quyền tự do cũng như cái hiệu ứng đám đông hơi bị lố.

          Ông bà ta đã nói: Bảy mươi chưa gọi là lành cũng như có gia đình và thậm chí cộng đoàn tu trì nào không có vấn đề. Ai ai cũng có những vấn đề riêng. Gia đình, tập thể hay cộng đoàn tu cũng có những khó khăn, những đau khổ để rồi những ai cảm nhận được nỗi đau mới hiểu được cái thân phận con người.

          Dĩ nhiên cần lên án cái xấu để xã hội ngày một tốt hơn nhưng không vì thế mà ta lại lạm dụng cái tự do quá đà cũng như hay xen vào những chuyện xem chừng ra chả dính dáng gì với ta. Kinh nghiệm cho thấy thực tế quá đau đớn về những câu chuyện của ai đó trở thành đề tài đàm tiếu cho cả một cộng đồng. Điều trớ trêu là ai ai cũng có một thực tại với biết bao nhiêu khó khăn mà có khi không giải quyết được nhưng lại cứ thích xen vào chuyện bá tánh. Điều cần nhất đó là cơm áo gạo tiền và bao nhiêu nỗi lo trong cuộc sống nhưng đôi khi người ta quên đi.

          Có một người kia xem chừng ra cuộc sống quá vất vả với nghề lao động chân tay. Hơn một lần anh ta vào chất vấn tôi về những vấn đề xem chừng ra cũng chả dính dáng gì đến anh và tôi. Chỉ biết khuyên anh là anh nên trở về với chuyện gia đình, chuyện lao động để nuôi vợ cùng 3 đứa con. Có lẽ anh hiểu thiện ý của tôi để rồi từ đó anh không còn chất vấn về những vấn đề chả dính dáng gì đến anh.

          Vậy đó, Chúa ban cho ta quyền tự do nhưng chuyện quan trọng nhất là ta sử dụng quyền tự do đó như thế nào nhất là đụng đến chuyện xét đoán, kết án cũng như bêu rếu người khác. Nếu không khéo ta lại làm tổn thương cũng như thiệt hại đến những người, những câu chuyện xem chừng ra chả dính dáng gì đến bản thân mình. Cần và cần lắm để lặng nhìn lại mình, gia đình mình, cộng đoàn mình trước khi lên án, trước khi bươi cũng như bêu rếu lên nỗi đau của người khác.

          Chắc có lẽ ai rơi vào nỗi đau như gia đình của bé trai tự kết liễu đời mình cũng van xin cộng đồng xin đừng làm cho nỗi đau đó lại thêm đau.

Lm. Anmai, CSsR

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét