Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

CÁC TÊN GỌI KHÁC NHAU CỦA TUẦN THÁNH VÀ Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG CỦA CHÚNG

 

CÁC  TÊN  GỌI  KHÁC  NHAU  CỦA  TUẦN  THÁNH  VÀ  Ý  NGHĨA  BIỂU  TRƯNG  CỦA  CHÚNG

Tuần cuối cùng của Mùa Chay đã được gọi bằng ít nhất năm tên khác nhau, phổ biến và lâu dài nhất là “Tuần Thánh.”

Mùa Chay là khoảng thời gian phong phú và đẹp đẽ của năm phụng vụ, và khi Giáo hội hướng đến niềm vui của Lễ Phục sinh, Giáo hội gọi tuần cuối cùng của Mùa Chay bằng nhiều tên khác nhau để đưa ra những chủ đề phong phú về suy niệm. Trong khi hầu hết mọi người gọi tuần này là “Tuần Thánh”, thí nó cũng được gọi bằng ít nhất bốn tên khác nữa.

1. TUẦN THÁNH

Một trong những cái tên lâu dài nhất cho tuần này là “Tuần lễ thánh”. Nói một cách đơn giản, đây là đề cập đến sự thánh thiện của các mầu nhiệm được cử hành trong tuần này, và phản ánh một truyền thống cổ xưa khác gọi mỗi ngày trong tuần là Thánh, chẳng hạn như Thứ Hai Tuần Thánh, Thứ Ba Tuần Thánh, Thứ Tư Tuần Thánh và Thứ Năm Tuần Thánh .

Đây là tuần lễ thánh thiêng nhất trong năm phụng vụ của Giáo hội.

2. TUẦN LỄ CAO CẢ

Nhiều Kitô hữu phương Đông gọi tuần này là “Tuần lễ cao cả”, phản ánh một truyền thống cổ xưa khác, được Thánh Gioan Chrysostom giải thích trong một buổi lễ của ngài.

Chúng tôi gọi tuần lễ này là cao cả, không phải vì nó có nhiều giờ hơn – xét cho cùng thì những tuần khác có nhiều giờ hơn - không phải vì nó có nhiều ngày hơn, tất nhiên là tuần này có cùng số ngày như các tuần khác. Vậy tại sao chúng ta gọi tuần này là cao cả? Bởi vì trong tuần này nhiều điều tốt đẹp không thể nói nên lời xảy đến với chúng ta: trong đó chiến tranh kéo dài được kết thúc, cái chết được loại bỏ, những lời nguyền được xóa bỏ, sự bạo ngược của ma quỷ được nới lỏng, những vênh váo của hắn bị tiêu diệt, sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người đã đạt được, thiên đường có thể tiếp cận được, loài người được làm cho trở nên giống với các thiên thần, những thứ vốn có mâu thuẫn với nhau được hợp nhất, bức tường ngăn cách được hạ thấp xuống, rào chắn bị loại bỏ, Thiên Chúa bình an đã mang lại hòa bình cho mọi thứ trên trời cao và mọi thứ trên mặt đất. Vì vậy, đây là lý do chúng ta gọi tuần này là tuần lễ cao cả, bởi vì trong đó Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều ân huệ lớn lao.

3. TUẦN LỄ ĐAU THƯƠNG

Một trong những cái tên ít được biết đến hơn cho tuần này là “Tuần lễ đau thương”, đó không phải là một cái tên quá phổ biến cho tuần này của Mùa Chay, nhưng phản ánh nỗi đau dữ dội mà Chúa Giêsu cũng như Giáo hội cảm thấy khi chứng kiến ​​vị cứu tinh của mình phải gánh chịu và chết.

4. TUẦN LỄ ÂN XÁ

Một cái tên gây tò mò khác cho tuần này là “Tuần lễ xá tội”, phản ánh một truyền thống trước đây là đón chào các hối nhân trở lại, họ là những người vào đầu Mùa Chay đã bị cấm không được vào Nhà thờ. Giờ đây, khi việc đền tội của họ đã hoàn tất, Giáo Hội sẽ mở rộng cánh cửa trở lại cho họ và chào đón họ vào đoàn chiên.

5. TUẦN LỄ CỦA CHÚ RỂ

Một tên khác của Kitô giáo phương Đông cho tuần này là “Tuần tân lang”. Điều này chủ yếu đề cập đến ba ngày đầu tiên của Tuần Thánh, nơi theo truyền thống Byzantine, phụng vụ đọc và suy niệm về Chúa Giêsu với tước hiệu Tân Lang:

“Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả.Nửa đêm, có tiếng la lên: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: “Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.” Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: “Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!” Nhưng Ngài đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mátthêu 25: 1-13).

adriatikus | CC BY-SA 3.0, via Wikimedia Commons

Trong Tuần Thánh, những người Kitô hữu Đông phương hướng về Chúa Giêsu, Chàng Rể, và canh thức xem khi nào Chàng Rể sẽ trở lại.

Đối với nhiều Kitô hữu Đông phương, Tuần Thánh (Tuần lễ Cả), bắt đầu bằng “Những giờ kinh sáng dành cho Tân Lang”, một nghi lễ được tổ chức vào những ngày đầu tiên của Tuần Thánh.

Tuần Thánh nhắc lại những lời sau đây của Chúa Giêsu: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” (Mátthêu 9:15)

Tuần Thánh là thời điểm trong năm mà chúng ta nhớ lại việc chàng rể bị bắt đi khỏi chúng ta như thế nào. Tuần Thánh cũng gợi nhớ đến lần khác Chúa Giêsu nói về “chàng rể”.

Nửa đêm, có tiếng kêu: “Chú rể kia rồi, ra đón đi!” (Mátthêu 25:6)

Trong đoạn cuối cùng này, Chúa Giêsu khuyên chúng ta “hãy cảnh giác”, khi chàng rể sẽ lại đến trong xét xử: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (Mátthêu 25:13).

Một trong những lý do cho hình ảnh đám cưới này là vì Thiên đàng thường được xem là Tiệc cưới của Chiên Con.

Tất cả chúng ta đều được gọi đến bữa tiệc. Chúng ta sẽ đáp lại lời mời chứ?

Dưới đây là Bài thánh ca ngắn được hát lên trong những giờ kinh sáng dành cho Chàng rể mà chúng ta có thể suy gẫm trong suốt tuần này, chuẩn bị cho cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, đồng thời mong đợi sự Tái lâm của Ngài.

Kìa, Chàng Rể đến vào lúc nửa đêm,

và phúc thay cho người đầy tớ mà Ngài thấy vẫn còn đang canh thức;

và một lần nữa, đầy tớ mà Ngài thấy là không quan tâm để ý thì không xứng đáng.

Vậy, hỡi linh hồn tôi, hãy tỉnh thức, đừng để cho giấc ngủ làm ngươi ra nặng nề, kẻo ngươi bị chết và bị đuổi ra khỏi Nước Trời.

Nhưng hãy thức giấc cất cao tiếng kêu: Thánh, thánh, thánh, Lạy Thiên Chúa của chúng con, Ngài là Đấng Thánh. Nhờ Mẹ của Chúa - Theotokos -, xin thương xót chúng con.

Lạy Đấng Cứu Độ của con, con thấy loan phòng của Ngài hoàn toàn ngập tràn ánh sáng, và con không có áo cưới để vào và tận hưởng sự sáng láng của Chúa;

Hãy lấy ánh sáng lấp đầy trang phục linh hồn con, và cứu con, lạy Chúa, xin cứu con.

Chính Chúa Giêsu đã nói về các sự kiện của Tuần Thánh theo những thuật ngữ này, khi Ngài nhắc lại rằng “Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó” (Máccô 2:20).

Phêrô Phạm Văn Trung tổng hợp

(từ Aleteia.org).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét