Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

LẠM BÀN VỀ VIỆC LÀM BÁC ÁI

 

LẠM  BÀN  VỀ  VIỆC  LÀM  BÁC  ÁI

Wed, 06/04/2022 - Jos. Hoàng Mạnh Hùng



Theo Wikipedia, bác ái (tiếng Latinh: caritas), nghĩa là "tình yêu cao cả, rộng khắp", đôi khi cũng được gọi là đức mến. Theo thần học Kitô giáo được hiểu là "tình cảm để giữ mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa". Đối với nhà thần học Tôma Aquinô, bác ái "không chỉ là tình cảm đối với Thiên Chúa mà còn là tình cảm dành cho những người xung quanh chúng ta". Vì thế, ông nhận định rằng bác ái là nhân đức cao đẹp nhất trong ba nhân đức đối thần (gồm: đức tin, đức cậy và đức mến).

Thuật ngữ "caritas" cũng là gốc của thuật ngữ "charity" trong tiếng Anh, để chỉ những hoạt động giúp đỡ cộng đồng, người yếu thế. Đối với những hoạt động như vậy, người Công giáo nói riêng và Kitô hữu nói chung thường sử dụng thuật ngữ "làm bác ái" để thay thế thuật ngữ tương ứng với "làm từ thiện" mà người ta thường dùng.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy có nhiều công việc từ thiện, và nhiều người làm việc từ thiện. Tại nhiều ngôi chùa, các nhà sư và những Phật tử thường xuyên làm việc từ thiện với nhiều hình thức khác nhau. Họ làm những việc từ thiện như thế vì cái Tâm, vì lẽ từ bi hỉ xả như đức Phật đã dạy.

Dịp Tết vừa qua chúng ta cũng thấy có những chuyến xe không đồng chở nhiều công nhân, sinh viên … về quê ăn Tết. Những người xa quê ở lại thành phố cũng được nhiều chương trình với những tên gọi khác nhau giúp đỡ để được hưởng những ngày Xuân ấm áp nghĩa tình. Rồi nhiều chương trình khác trên truyền hình, chẳng hạn như “Ngôi Nhà Mơ Ước”, “Vượt Lên Chính Mình”, “Hát mãi ước mơ” … cũng đã mang lại niềm vui, sự ấm áp và tình yêu thương cho những mảnh đời khó khăn và bất hạnh.

Người Công giáo chúng ta từ trước đến nay cũng đã làm được rất nhiều việc bác ái, nhất là trong đợt đại dịch Covid-19 và cái Tết vừa qua. Tất cả đều xuất phát từ lời dạy của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Nhưng bên cạnh đó cũng còn có những “hạt sạn” nảy sinh trong quá trình thực thi bác ái. Nổi bật và “hoành tráng” nhất là số lượng các hội, nhóm đua nhau làm bác ái khiến công việc trở nên manh mún nhiều khi dẫn đến trùng lặp địa chỉ người nhận, đoàn này mới đi đoàn khác đã đến. Rồi trên các trang mạng xã hội những hình ảnh, video clip, livestream … kêu gọi giúp đỡ và “đi làm bác ái” đua nhau xuất hiện khiến người xem “rối não” không biết đâu là giả - thiệt!

Đồng ý là cũng phải đưa lên mạng xã hội để những nhà hảo tâm đã đóng góp thấy được việc làm của hội, nhóm mình nhưng chỉ cần 1 vài hình ảnh là đủ; không nên cùng lúc đưa lên vừa hình ảnh, vừa livestream, vừa video … để người xem phải mỏi tay vì like cho mình.

Chúa Giêsu đã dạy: “ Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6,2-4).

Điều cốt lõi của những việc làm từ thiện, bác ái là âm thầm. Những người làm từ thiện phải nhắm đến đối tượng là những người được hưởng lợi ích của những việc bác ái, chứ không phải quy về cho chính bản thân, hội nhóm của mình. Nếu những việc làm từ thiện, bác ái quy về cá nhân, hội nhóm nào đó thì sẽ không mang lại lợi ích thiêng liêng gì và rốt cuộc thì cũng chỉ vì háo danh rồi “khua chiêng đánh trống” cho người ta khen mà thôi.

Người hoạt động bác ái phải khiêm tốn, không đặt mình vào vị trí cao hơn người khác, không lên mặt kẻ cả vì hoạt động bác ái là một hồng ân. Khi giúp đỡ cho người khác là chính mình cũng đuợc giúp đỡ và khả năng giúp được kẻ khác không phải do công đức của mình. (Thông Điệp DEUS CARITAS EST của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, bản dịch Việt ngữ của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin HĐGMVN)

Ngay trong nội bộ đoàn thể, hội đoàn chưa thực sự bác ái với nhau; mới chỉ đồng hành với nhau chứ chưa hiệp hành trong việc bác ái. “Bằng mặt nhưng không bằng lòng”, vẫn còn có ý này, ý nọ, so sánh, phê bình … vì ý kiến của mình, “công trạng” của mình … chưa được coi trọng! Từ đó đưa đến việc kéo bè, kết phái gây chia rẽ, mất đoàn kết. “Chúng con hãy ý tứ trong mọi công việc, phải có tình bác ái. Những phê phán, chỉ trich, chúng con đừng dại dột bàn tán, a dua theo.” (SỐNG BÁC ÁI - ĐHY FX. Nguyễn Văn Thuận)

Khi chúng ta có bác ái đối với nhau thì mọi việc sẽ suôn sẻ hết và ngược lại. Bác ái là điều quan trọng nhất trong đời sống Kitô hữu vì bác ái chứng mình thật sự chúng ta là người môn đệ của Chúa. Bác ái được khởi sự trong tư tưởng, lời nói, rồi mới tỏ ra qua việc làm. Thánh Phaolô đã viết: "Sao bạn lại xét đoán người anh em?... Sao bạn khinh dể người anh em?...Vậy ta đừng xét đoán nhau nữa." (Rm 14,10-13).

Có nơi theo thời theo thế để đòi hỏi những người lãnh đạo hội nhóm phải “sao kê”, đòi hỏi việc bác ái phải dàn trải và công bằng theo kiểu cân đo đong đếm, tiêu chuẩn … cho mọi người. Tự cho mình đứng trên người khác, thay vì sắn tay áo vào cùng nhau làm việc lại dùng khả năng lý luận, hoạt ngôn của mình nhận xét, phê phán. Đa số những nhà hảo tâm, có lòng bác ái đều không đòi hỏi những người thực hiện bác ái phải thế này thế nọ mà chỉ những người “đạo đức giả” mới lên mặt kẻ cả soi mói, xét đoán công việc của người khác.

"Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, …" (x. Mt 7,1-5). Hoặc đúng hơn: đừng xét đoán, vì Thiên Chúa đã không xét đoán ta. Ðây không phải là thứ luân lý thực dụng, nhưng là luân lý của Tin Mừng. Theo lời Chúa nói, lỗi của người bị xét đoán chỉ bằng cái rác, trong khi lỗi của người xét đoán to như cái xà. Và cái xà đầu tiên chính là việc xét đoán. Phải lấy được cái xà trong mắt ta ra đã, rồi mới có thể nhìn rõ và lấy được cái rác trong mắt anh chị em. Tức là phải loại bỏ thái độ không yêu thương của ta trước, rồi điều chúng ta nhận xét mới hy vọng được đón nhận, và người anh chị em có lẽ mới để ta lấy cái rác trong mắt họ.

Những hạt sạn nêu trên tuy nhỏ và chỉ là cá biệt nhưng nếu ta không để ý thì nó cũng có thể gây ra những khó chịu không đáng có trong việc “hiệp thông, tham gia và sứ vụ” của người tông đồ đoàn thể. Xin Chúa ban cho mỗi người hoạt động bác ái ý thức giới hạn của mình là công cụ trong bàn tay của Chúa, phục vụ Ngài trong khả năng và sức lực Chúa ban, thực hiện những gì có thể làm vì Thiên Chúa điều khiển thế giới chứ không phải con người. Do đó, người làm việc bác ái không bao giờ kiêu căng như thể chính mình làm cho thế giới này tốt đẹp hơn. Sự kiêu căng coi thường con người sẽ không giúp xây dựng gì cả, nhưng chỉ đem đến phá hoại và thiệt hại. (Thông Điệp DEUS CARITAS EST)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét