Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

Hòa bình long lanh -- Hòa bình mong manh

 

Hòa  bình  long  lanh -- Hòa  bình  mong  manh

24/04/2022 - Chúc Thanh



Tháng Tư Đen

30 Thang Tu

Ngày quốc hận 30-04-1975 lại gần kề, 47 năm qua đi như một giấc mộng dài của Việt Nam. Những ký ức, những kỷ niệm còn đó, chưa thể xóa mờ. Chiến tranh kéo dài, không thể định mức ở chỗ nào suốt cái chiều dài gian nan của dân tộc, nhớ lại một vài cái mốc còn lãng đãng ấn sâu như:

Ngày 11-11-1972 là ngày quân lực Hoa Kỳ chuyển giao căn cứ Long Bình cho Việt Nam Cộng Hòa, sự chuyển giao này biểu lộ việc chấm dứt can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam sau 7 năm trợ chiến.

Ngày 24-12-1972 tài tử Bob Hope tới thăm và trình diễn, vấn an binh sĩ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, ông ủng hộ việc Mỹ dội bom ở Bắc Việt, coi như đó là áp lực cộng sản Việt Nam chấp nhận hòa bình.

Ngày 30-12-1972 Bắc Việt trả lời bằng lòng tiếp tục hòa đàm vào tháng 1-1973 để tìm giải pháp ngừng bắn cho miền nam Việt Nam. Kissinger và Lê Đức Thọ lại gặp nhau.

Từ 18/1 đến 26/1/1973 cả hai bên, quân lực Việt Nam Cộng Hòa và quân đội cộng sản ở miền Nam đều tích cực chiến đấu giành dân lấn đất, trước khi có cuộc ngưng bắn chính thức.

Ngày 27-1-1973 Hiệp định ngừng bắn và hòa bình được lập lại cho Việt Nam được ký kết tại Paris các thành phần ký kết gồm: Việt Nam Cộng Hòa; Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam;

Bắc Việt; và Hoa Kỳ. Hiệp định vừa ký là cộng sản lắt léo, vờ chấp nhận kiểu đình chiến da beo da gấu, lấn đất dần dần của miền nam Cộng Hòa để áp đặt lên toàn quốc chủ nghĩa vô thần ngoại lai.

Hiệp định hòa bình cho Việt Nam có hiệu lực từ 8 giờ sáng ngày 27/1/1973.

Tất cả xung quanh khu vực chúng tôi ở là vùng tam giác Dĩ An, Công Thanh, Nhơn Trạch. Phía Nhơn Trạch có kho đạn trung ương thành Tuy Hạ, Công Thanh là tụ điểm giao liên của cán binh CS thường xuyên, Dĩ An gần bên chiến khu D, mật khu của bên kia. Sau bao năm chinh chiến liên miên, được tin sắp có hòa bình, lòng người rộn rã mừng vui, tội nghiệp làm sao vì có nhiều thế hệ đã đầu tư xương máu, mồ hôi, nước mắt đến cả tuổi thanh xuân vào cuộc nồi da xáo thịt ý thức hệ tự do và cộng sản!

Ngày 27/1/1973 dù gì thì hòa bình đã tới, nghe hòa bình, lòng người nao nao một niềm vui vô tận. Vì sao? Vì trong chiến cuộc, dân hay quân chết chóc hy sinh là chuyện bình thường. Nhưng còn sống tới ngày hòa bình thì đúng là hên xui may rủi.

*

Sau ngày 28/1/1973, Cộng sản miền Bắc Việt Nam hợp với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam liên tục vi phạm hiệp định Paris ở điểm cốt lõi là: Cấm dùng vũ lực để thống nhất quốc gia.

Lê Đức Thọ từ chối giải Nobel hòa bình, để chúng cấu kết nhau lấn chiếm miền Nam tự do. Sau hiệp định Paris, có những đợt tấn công đáng kể của chúng ở miền Nam vì chúng được miền Bắc tăng quân viện, chúng đã đánh những trận lớn ở Kontum và Chương Nghĩa rất đẫm máu sau 28/1/1973.

Tháng 12/1974, tỉnh lỵ Phước Long lại bị cộng sản tấn công. Viện trợ của đồng minh cho Việt Nam Cộng Hòa kém dần kém đi. Trong khi Việt Cộng có hơn 300.000 quân với nhiều chiến xa và súng phòng không.

Tháng 2/1975 Văn Tiến Dũng vào Nam nhận chức Tổng tư lệnh cộng quân ở miền Nam Việt Nam (1). Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng đẩy lui nhiều lần bị địch áp đảo như trận Hải Lăng ở Quảng Trị, đối diện với sư đoàn 304 BV (trung tá Lê Huấn chỉ huy)

Tại vùng I cuộc hành quân Lam Sơn 719, kết hợp với các lực lượng Sư đoàn I Bộ binh, Thiết giáp, Biệt động quân, Lữ đoàn Nhẩy dù và Thủy quân Lục chiến đã càn quét cộng quân trong một kế hoạch quy mô rộng rãi (2).

Cuối năm 1974, cộng quân pháo kích nhiều lần vào các thành phố miền Nam và mở nhiều đợt tấn công biển người ồ ạt. Bên ta đã phản công anh dũng, giữ vững được phòng tuyến. Nhưng rồi do sự thu xếp qua lại của thế lực ngoại cường, đồng minh cắt giảm vũ khí nhiên liệu của ta.

Việt Cộng lại được chi viện mạnh mẽ, qui mô hơn. Sức mạnh ở trên đầu súng, chúng lấn chiếm mau chóng Ban Mê Thuột, Tuy Hòa, Phú Yên… rồi các tỉnh miền Trung và tràn xuống cướp miền Nam (3).

Miền Nam ta cạn kiệt vũ khí, đến nỗi một người lính chiến pháo binh, điển hình, ở mặt trận Xuân Lộc, phải ôm đầu than rằng:

– Còn một ụ pháo với mươi trái đạn lớn, mà ba mặt phe ta bị giáp công đều gọi “Allô, kim cương, xin khai hỏa trợ chiến tọa độ… Trời ơi, còn ít đạn đại pháo thế này, thì anh nào ăn, anh nào nhịn đây?

Rồi chuyện bi thảm đã đến. Sáng 30/04/1975 ông Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ buông súng đầu hàng.

Các tướng Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vĩ, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, tất cả họ, đã buồn thảm, tức tối và anh dũng tự sát. Ngày nay hũ tro cốt của tướng Nguyễn Khoa Nam vẫn còn trụ ở tháp Quan Âm, Già Lam Tự Gò Vấp. Cứ chiều năm nào, chiều 30 tết nào, cũng có lác đác, thỉnh thoảng một vài người lính già vào thăm, chiêm bái ông. Huynh đệ chi binh còn mãi mãi trong lịch sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa!

Cũng ngày 30-04-1975 đó, 100.000 người Việt Nam bỏ nước ra đi lánh nạn cộng sản. Cũng ngày 30-04-1975 ông đại sứ Hoa Kỳ rời Việt Nam.

Những người lính Mỹ cuối cùng còn ở lại giữ an ninh cho những người ra đi. Những người lính sau cùng nhứt rốt ráo trú ngụ  trên lầu cao nhất tòa đại sứ, một người ngồi gác nắp cầu thang, nắp cầu thang đã đóng sập xuống, và anh lính ngồi đó đợi chuyến máy bay cuối cùng,  cuối cùng nhứt. Cứ 10 phút, anh lại khẽ mở nắp cầu thang lên, thả nhẹ xuống một trái lựu đạn khói.

Anh kể là anh chỉ còn không đủ 10 trái lựu đạn cay và các anh mong máy bay không đến quá trễ, là trong vòng một giờ đồng hồ thôi. May thay, Chúa thương, anh vừa thả xuống quả khói cuối cùng thì từ xa có một chấm đen xuất hiện, rồi trực thăng đáp nhè nhẹ xuống.

Cũng ngày 30-04-1975 đó, Lê Đức Thọ đến tòa đại sứ Pháp ở đại lộ Thống Nhất và đi thẳng vào văn phòng đại sứ Mérillon nói:

– Tôi đến đây để đuổi cổ ông ra khỏi Sài Gòn trước 9 giờ ngày mai.

Ông Mérillon gật đầu.

Và trong hơn 10 năm sau, nước Pháp đã dùng tiền viện trợ nhân đạo giúp người tị nạn Việt Nam vượt biển và không hề tặng cho Hà Nội một đồng quan nào. (4)

Rồi sau nửa thế kỷ chiến tranh Việt Nam chấm dứt, Việt Nam được hòa bình theo kiểu Cộng sản. Hòa bình trong vòng tay Hà Nội ư? Người Việt Nam đã phải cam lòng bỏ nước ra đi. Có nhiều người chết để đổi lấy tự do! Nhiều quân nhân, rất nhiều, nhiều công chức bị tù đầy, đầy ải, khốn khổ, nhục hình, trong các trại tù từ trong Nam ra ngoài Bắc! Lịch sử Việt Nam còn ghi đậm muôn đời tội ác của bè lũ Cộng sản Việt Nam.

Còn ở nước CHXHCN Việt Nam ngày nay, thì giai cấp đảng thống trị, đảng cầm quyền, đảng tư bản đỏ, mô hình kiểu các bộ lạc thời xa xưa… đang cai trị đang hô hào dân tiến lên, cứ tiến lên, dù là dân phần lớn vẫn đói khổ triền miên, và lạc hậu, suy đồi đạo đức, văn hóa, truyền thông xã hội, kinh tế lạc loài băng đảng.

Tiến lên, tiến lên đâu? Tiến mãi lên đi, tiến lên cho đến khi nào mà quay lại nhìn lãnh thổ Việt Nam, chẳng còn một người, một mống Việt Nam nào nữa. Ô, toàn là người Tầu, người Hoa.

Chừng đó hết đường tiến! Hòa bình đó! Hoà bình long lanh! Hòa bình mong manh!

– Chúc Thanh

(Paris, 4-2022)

(2) (3) (4) Trích trong tác phẩm “Những Biến Cố Lớn” của giáo sư Nguyễn Đình Tuyến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét