Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

CON MẮT

 

CON  MẮT

Chuyện kỳ thị -Thu, 31/03/2022 - Trầm Thiên Thu


Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Người ta công nhận như vậy. Nhưng cũng chính “cửa sổ tâm hồn” đó lại có thể là “cửa ngõ tối tăm” của hầm hố tội lỗi. Chúa Giêsu gọi mắt là đèn của thân thể: “Đèn của thân thể là con mắt. Nếu mắt anh sáng thì toàn thân sẽ sáng.” (Mt 6:22)

Và Ngài nói về “ngõ tối” của con mắt: “Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.” (Mt 5:28-19)

Kinh Thánh cho biết thêm rằng có sáu điều làm Thiên Chúa gớm ghét và bảy điều khiến Ngài ghê tởm. Trong đó, điều đầu tiên liên quan con mắt: “MẮT kiêu kỳ, LƯỠI điêu ngoa, TAY đổ máu người vô tội, LÒNG mưu tính những chuyện xấu xa, CHÂN mau mắn chạy đi làm điều dữ, kẻ làm chứng gian thốt ra LỜI DỐI TRÁ, người GIEO XUNG KHẮC giữa anh em.” (Cn 6:17-19)

Tục ngữ Rumani nói: “Đàn ông có đôi mắt để nhìn người khác, đàn bà có đôi mắt để người khác nhìn.” Nam và nữ có những thứ khác nhau, thậm chí có vẻ trái ngược nhau, nhưng đó là nghịch-lý-thuận, như phần cứng đã được cài đặt sẵn, và chính sự khác nhau đó nhằm bổ túc lẫn nhau chứ không để đối nghịch nhau. Hằng ngày, chúng ta vẫn thấy khi “đấu khẩu” với nhau, đàn ông chê đàn bà, đàn bà trách đàn ông, nhưng rồi họ vẫn cần đến nhau, có thiếu nhau được đâu! Phải chăng họ đang tự mâu thuẫn với chính mình?

Sách Samuel, quyển 2, nói về quá trình phạm tội của Vua Đavít. Ông là người “có đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn,” (1 Sm 16:12) được Thiên Chúa tuyển chọn – nhưng chắc chắn không vì ông điển trai, ông có vợ và cung phi mỹ nữ phục dịch rồi, giàu sang phú quý, muốn gì được nấy, thế mà ông vẫn tham lam đến nỗi bày mưu thâm kế độc để chiếm đoạt vợ của tướng Urigia. Nguyên nhân bởi từ ánh mắt: Ông nhìn thấy một mỹ nhân đang tắm – nàng Bát Seva, nhan sắc khiến chim sa cá lặn, đổ nước nghiêng thành. Tuy nhiên, phụ nữ này cũng “chẳng vừa” gì, có chồng rồi mà vẫn “dễ dãi,” trắc nết, không ngần ngại phản bội chồng để được “gần gũi” với nhà vua.

Chúng ta cùng đọc lại trình thuật 2 Sm 11:1-26 để biết rõ chi tiết:

Lúc xuân về, thời mà các vua ra quân, vua Đavít sai ông Giôáp đi, cùng với các bề tôi của vua và toàn thể Israel. Họ giết hại con cái Ammon và vây hãm Rápba. Còn vua Đavít thì ở lại Giêrusalem.

Vào một buổi chiều, vua Đavít từ trên giường trỗi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua THẤY một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời. Vua Đavít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: “Đó chính là bà Bát Seva, con gái ông Êliam, vợ ông Urigia người Khết.” Vua Đavít sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng; khi ấy nàng mới thanh tẩy sau thời kỳ ô uế. Rồi nàng trở về nhà. Người đàn bà thụ thai. Nàng sai người đến báo tin cho vua Đavít rằng: “Tôi có thai.”

Vua Đavít sai người đến nói với ông Giôáp: “Hãy sai Urigia, người Khết, về gặp ta.” Ông Giôáp sai ông Urigia về gặp vua Đavít. Khi ông Urigia đến với vua, vua Đavít hỏi thăm về ông Giôáp, về quân binh, về chiến sự. Rồi vua Đavít bảo ông Urigia: “Hãy xuống nhà của ngươi và rửa chân.” Ông Urigia ra khỏi đền vua, có người bưng ra một phần thức ăn của nhà vua theo sau. Nhưng ông Urigia nằm ở cửa đền vua với tất cả các bề tôi của chúa thượng ông, và ông không xuống nhà mình.

Người ta báo tin cho vua Đavít rằng: “Ông Urigia đã không xuống nhà ông.” Vua Đavít hỏi ông Urigia: “Chẳng phải ngươi đi đường xa mới về ư? Tại sao ngươi không xuống nhà của ngươi?” Ông Urigia thưa với vua Đavít: “Hòm Bia cũng như Israel và Giuđa đang ở lều, chủ tướng tôi là ông Giôáp và các bề tôi của chúa thượng đang đóng trại ở ngoài đồng trống, mà tôi đây lại về nhà ăn uống và nằm với vợ tôi sao? Tôi xin lấy mạng sống của ngài, lấy chính mạng sống của ngài mà thề: tôi sẽ không làm điều ấy!” Vua Đavít bảo ông Urigia: “Hãy ở lại đây hôm nay nữa, ngày mai ta sẽ cho ngươi đi.” Ông Urigia ở lại Giêrusalem ngày hôm đó. Ngày hôm sau, vua Đavít mời ông; ông ăn uống trước mặt vua, và vua cho ông uống say. Đến chiều, ông ra nằm giường của ông cùng với các bề tôi của chúa thượng ông, nhưng không xuống nhà mình.

Sáng hôm sau, vua Đavít viết thư cho ông Giôáp và gửi ông Urigia mang đi. Trong thư, vua viết rằng: “Hãy đặt Urigia ở hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút lui bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết.” Ông Giôáp đang thám sát thành liền để ông Urigia ở chỗ ông biết là có quân hùng mạnh nhất. Người trong thành xông ra, giao chiến với ông Giôáp. Một số người trong quân binh, trong các bề tôi vua Đavít đã ngã gục, và ông Urigia, người Khết, cũng chết.

Ông Giôáp sai người về báo cho vua Đavít biết tất cả diễn tiến trận đánh. Ông ra lệnh cho người lính biệt phái rằng: “Khi anh kể tất cả diễn tiến trận đánh cho đức vua xong, nếu cơn giận đức vua nổi lên và người hỏi anh: Tại sao các ngươi lại đến gần thành mà giao chiến? Các ngươi không biết là người ta bắn từ trên tường thành xuống sao? Ai đã hạ Avimeléc, con ông Giơrúpbesét? Chẳng phải một người đàn bà đã liệng xuống ông một thớt cối đá và ông đã chết tại Têvết đó sao? Tại sao các ngươi lại đến gần tường thành?, anh sẽ nói: Tôi tớ ngài là ông Urigia, người Khết, cũng đã chết.”

Người lính biệt phái ra đi và đến báo cho vua Đa-vít biết mọi điều ông Giôáp đã sai anh về nói. Người lính biệt phái nói với vua Đavít: “Những người ấy đã mạnh hơn chúng tôi và đã xông ra đánh chúng tôi ở ngoài đồng, nhưng chúng tôi đã đẩy lui chúng cho đến lối vào cửa thành. Từ trên tường thành, lính bắn cung đã bắn xuống các bề tôi của ngài. Một số bề tôi đức vua đã chết, cả tôi tớ ngài là ông Urigia, người Khết, cũng đã chết.”

Vua Đavít bảo người lính biệt phái: “Hãy nói với ông Giôáp thế này: Đừng bực mình về chuyện ấy, vì việc binh đao là thế: khi thì người này, khi thì người kia bị chém. Hãy mạnh mẽ tấn công và phá huỷ thành. Ngươi hãy khích lệ ông ấy.”

Vợ ông Urigia nghe tin ông Urigia, chồng mình, đã chết, thì làm ma cho chồng. Khi tang lễ đã qua, vua Đa-vít sai người đi đón nàng về nhà mình. Nàng trở thành vợ vua và sinh cho vua một con trai. Nhưng hành động của vua Đavít không đẹp lòng Đức Chúa.

Đavít thâm độc và tàn nhẫn quá. Tướng Urigia tốt lành, tin người nên không hề biết mình bị sập quỷ kế của vua và bị cô vợ cắm sừng. Trai ma, gái quỷ. Kẻ tám lạng, người nửa cân. Cả Đavít và cô nhân tình Bát Seva đều nham hiểm, chẳng ai vừa!

Chúa Giêsu đã xác định: “Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10:26; Lc 12:2). Vâng, “Thiên Chúa thấu suốt mọi sự.” (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6)

Cái gì tốt thì đẹp, nhưng cái gì đẹp chưa chắc là tốt. George Sand nhận xét: “Cái đẹp thấy được bằng mắt chỉ là phép màu trong khoảng khắc; đôi mắt của cơ thể không nhất thiết là đôi mắt của tâm hồn.”

Chính Chúa Giêsu đã xác định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài.” (Mc 7:15, 18-19) Còn Thánh Phaolô xác nhận: “Không có gì tự nó là ô uế; có ô uế là chỉ đối với người cho nó là ô uế.” (Rm 14:14)

Thiên Chúa rất nhân từ, Thánh Ý Ngài nhiệm mầu. Vua Đavít và bà Bát Seva ngoại tình với nhau, nhưng chính bà này lại sinh ra con người khôn ngoan nhất là Salômôn. Và rồi vua Đavít cũng được tha thứ tội lỗi nhờ biết thật lòng ăn năn sám hối.

Để được tha thứ và hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót, điều kiện tiên quyết là ăn năn sám hối, như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:2) Vâng, tội nào cũng ghê gớm – dù lớn hay nhỏ, dù nặng hay nhẹ. Sai lầm rất nhỏ, như chúng ta gọi là sơ suất chứ không cố ý, cũng hoàn toàn bất xứng với Thiên Chúa, không thể nhìn thấy Tôn Nhan Ngài chứ nói chi là được đến gần hoặc ở bên Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa vô cùng nhân từ, Ngài không chấp lách chúng ta nên Ngài sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Thực sự Ngài rất muốn chúng ta được Ngài tha thứ và được sống trường sinh với Ngài. Tuyệt vời quá, Hồng Ân Thương Xót quá lớn lao!

Thánh nhân nào cũng có một quá khứ – ý nói về quá khứ tội lỗi, và tội nhân nào cũng có một tương lai – ý nói hoàn thiện và nên thánh. Hãy cảnh giá c con mắt, vì ánh mắt dẫn tới ham muốn, ham muốn dẫn tới hành động. Dù có thể có những lúc chúng ta cảm thất thất vọng nhưng đừng bao giờ tuyệt vọng. (x. 2 Cr 4:8) Nguyện xin Thiên Chúa giữ gìn chúng ta như thể con ngươi trong Thiên Nhãn của Ngài, và xin Ngài thương che chở chúng ta dưới bóng Ngài mãi mãi. (Tv 17:8)

Mùa Chay nhắc nhở chúng ta cùng thành tâm sám hối và tín thác vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.” (Tv 51:3-6)

TRẦM THIÊN THU

*********

CHUYỆN KỲ THỊ

Kỳ thị có nhiều cấp độ, đôi khi rất khó có thể nhận ra vì quá tinh vi. Kỳ thị trong xã hội thì đã rõ, nhưng người ta còn kỳ thị vì khác tôn giáo, thậm chí người ta vẫn tỏ ra quan liêu và kỳ thị ngay trong những người cùng tôn giáo vì cho rằng chức vụ này “cao” hoặc “thấp” hơn chức vụ nọ. “Cao” hơn thì có “quyền” hơn. Việt ngữ gọi là “quyền hành.” Hay thật! Cũng chỉ vì có “quyền” nên người ta cậy “thế,” rồi ngang nhiên “hành” người khác!

1. KỲ THỊ LÀ GÌ?

Kỳ thị là phân biệt cái này với cái khác, nhưng “phân biệt” ở đây thường mang nghĩa tiêu cực, nghĩa xấu, nhất là khi nói về việc phân biệt giới tính, phân biệt người khuyết tật, phân biệt giai cấp, hoặc phân biệt chủng tộc.

Kỳ thị chủng tộc là phân biệt người miền này với người miền khác, dân tộc này với dân tộc khác. Kỳ thị chủng tộc là khi bạn bị coi thường hoặc khinh miệt vì bạn là người thuộc dân tộc nào đó. Đôi khi, sự đối xử bất công này có thể trái ngược với pháp luật, tức là phạm pháp.

Không ai có quyền khinh miệt ai vì ai cũng giống nhau về nhân vị, nhân phẩm, và nhân quyền – nghĩa là hoàn toàn bình đẳng. Vì vậy, trước mặt Thiên Chúa thì ai cũng như ai, mọi người đều là những tội nhân mà thôi, chẳng ai hơn hoặc kém ai, thế nên chẳng ai có lý do gì mà kỳ thị người khác!

Bạn có thể bị kỳ thị nếu bạn không được nhận vào làm việc ở một nơi nào đó vì người ta nói bạn “không thích hợp” chỉ vì lý do nào đó, thậm chí chỉ là lý do “ngoại hình.” Nếu bạn là nạn nhân của việc kỳ thị chủng tộc, bạn có thể đệ đơn lên Ủy ban Chống Kỳ thị Chủng tộc Queensland (Anti-Discrimination Commission Queensland, gọi tắt là ADCQ, đạo luật này có từ năm 1991, có các văn phòng tại Brisbane, Rockhampton, Townsville và Cairns).

2. KỲ THỊ LÀ PHẠM PHÁP

Luật ADCQ nói rằng đối xử bất công là phạm pháp. Đôi khi kỳ thị (nói chung) xảy ra không rõ ràng, nghĩa là chỉ gián tiếp. Đồng ý là có người “hợp” với mình, có người không “hợp,” nhưng “không hợp” không có nghĩa là chúng ta có thể đối xử bất công với người đó. Cùng làm một công việc, nếu bạn được trả lương ít hơn người khác, đó là bạn bị kỳ thị.

Gièm pha, nói xấu, nói hành người khác là ghét người khác, tức là kỳ thị. Kỳ thị có thể là lời nói, cử chỉ, thái độ, hành động, ánh mắt,… thậm chí có thể là “ngòi bút” khi viết ra những điều nguyền rủa hoặc phỉ báng để làm mất phẩm giá của người khác. Thiếu công tâm trong khi nhận xét người khác cũng là kỳ thị, quấy nhiễu người khác cũng là kỳ thị, coi thường người khác cũng là kỳ thị. Nói chung, kỳ thị có thiên hình vạn trạng.

3. KỲ THỊ LÀ PHẠM TỘI

Bất cứ ai cũng có thể là người kỳ thị hoặc bị kỳ thị. Muốn tránh kỳ thị thì phải có lòng yêu thương thực sự.

Trong Mười Điều Răn mà Thiên Chúa truyền tuân giữ, điều răn thứ Năm (chớ giết người) và điều răn thứ Tám (chớ làm chứng dối) có liên quan động thái kỳ thị: Vì thiếu lòng yêu thương nên người ta mới kỳ thị, và vì kỳ thị nên người ta mới “giết người” hoặc “làm chứng dối.” Đó là vi phạm Thánh Luật của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 18:10)

Đức Giêsu còn kể một dụ ngôn rất điển hình và khá phổ biến trong chúng ta, nhất là với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” (Lc 18:11-12) Đó là lời cầu nguyện kiêu căng, ngạo mạn, và ích kỷ!

Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18:13) Đó là lời cầu nguyện khiêm nhường.

Hai con người với hai động thái trái ngược. Nhưng hai dạng này luôn tồn tại trong thế giới loài người xưa nay.

Chúa Giêsu quả quyết: “Tôi nói cho các ông biết: người này (người thu thuế), khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (người Pharisêu, người giả hình) thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:14)

Chúng ta đừng tưởng Chúa Giêsu nói tới người Pharisêu chứ không hề nói mình, vì chúng ta vẫn làm những việc đạo đức như đi đọc kinh, tham dự Thánh lễ, tham dự các giờ phụng vụ, đi làm từ thiện,… thế nhưng liệu những việc đó có thực sự vì mến Chúa và yêu người hay không mới là điều quan trọng. Hãy cảnh giác, vì đôi khi chúng ta có thể kỳ thị nhau ngay trong lời cầu nguyện hoặc trong những việc đạo đức!

Khiêm nhường là nền tảng của mọi nhân đức. Nhưng RẤT KHÓ SỐNG KHIÊM NHƯỜNG. Thế nên Thánh Giacôbê nhắc nhở: “Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên.” (Gc 4:10) Thánh Phaolô xác định: “Chỉ có MỘT Chúa, MỘT niềm tin, MỘT phép rửa,” (Ep 4:5) thế thì không ai có thể viện bất kỳ lý do nào để mà kỳ thị người khác.

Có gì sai trái khi người này không thích người khác?

Có thể bạn đã nghe câu châm ngôn này: “Tôi không phải ưa thích bạn, nhưng tôi phải yêu thương bạn.” Các Kitô hữu không có quyền chọn lựa trong hoạt động yêu thương. Chúng ta phải yêu thương mọi người, kể cả những người khác mình, thậm chí còn phải yêu thương kẻ thù.

“Ưa thích” phải xử lý với sự quý mến ưu tiên, chúng ta thu hút vào một điều, một hoạt động hoặc người này hơn người kia. Thân quen là điều bình thường và tự nhiên của con người. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng khi chúng ta cảm thấy KHÔNG THÍCH một người nào đó.

Một người Mỹ gốc Phi đã nhận xét: “Nếu bạn không thích tôi vì tôi ngu dốt, cũng tốt thôi. Tôi có thể đi học. Nếu bạn không thích tôi vì tôi dơ bẩn, cũng chẳng sao. Tôi có thể tắm rửa cho sạch sẽ. Nhưng nếu bạn không thích tôi vì màu da của tôi, thế thì bạn có vấn đề. Vấn đề của bạn là đối với Thiên Chúa, vì Ngài dựng nên tôi như vậy.”

Bạn cần tự hỏi mình: “Tại sao tôi không thích những người khác tôi? Có phải vì tôi có thành kiến? Có phải vì tôi kỳ thị?” Kỳ thị chủng tộc (racism) là tin tưởng sai lầm rằng một số người vốn dĩ cao cấp và một số người vốn dĩ hạ cấp chỉ vì dân tộc của họ. Đó là một dạng thành kiến (preduce, bias), còn gọi là định kiến hoặc thiên kiến, có tác dụng tiêu cực và nguy hiểm – dùng lời nói hoặc động thái nhằm hạ thấp hoặc kinh miệt người khác, hãy tránh xa những người có óc kỳ thị hoặc dính líu tới bạo lực. Phân biệt đối xử (discrimination) là không chấp nhận các quyền cơ bản của người khác, đó là một hệ lụy khủng khiếp khác của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Tội diệt chủng (genocide) là dạng tồi tệ nhất của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Từ thế kỷ XX, loại tội phạm này len lỏi vào cộng đồng một cách tinh vi hơn.

Kỳ thị chủng tộc là tội trọng. Đó là tội không yêu thương và bất công. Giáo Hội “mạnh mẽ lên án mọi dạng phân biệt đối xử đối với người khác vì sắc tộc, màu da, điều kiện sống hoặc tôn giáo.” (Tuyên ngôn về Mối Quan Hệ của Giáo Hội đối với các Tôn Giáo khác, số 5)

Ambrose Bierce, văn sĩ Hoa Kỳ, định nghĩa thành kiến là “ý kiến vớ vẩn không có ý nghĩa rõ ràng về sự ủng hộ.” Hãy kiểm tra xem tại sao bạn không thích người nào đó. Nếu đó là vấn đề của óc thiển cận, bạn có thể thay đổi. Hãy nỗ lực tìm hiểu để nhận biết và hòa đồng với mọi người, nhất là những người không cùng chủng tộc, không cùng tôn giáo, không cùng quan điểm, không cùng trình độ,… Hãy nhớ rõ ràng rằng CHỈ CÓ MỘT CHỦNG TỘC, đó là NHÂN LOẠI, là LOÀI NGƯỜI, là con cái của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con sống hòa đồng với nhau trong tình huynh đệ hiệp nhất với Chúa Ba Ngôi, như Chúa Giêsu mong ước cho mọi người hoàn toàn “nên một.” (Ga 17:21-23) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét