Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Đời người sống đến bao lâu?

Đời  người  sống  đến  bao  lâu?



22/04/2022

hinhPhai 1
Cõi Người Ta – Tranh: Thanh Châu
  
Đối với con người, thế giới này là nơi tốt đẹp nhất để sống. – Walter Breuning
 
1.
 
“Đời sống bắt đầu bằng mỗi buổi sáng thức dậy, bất kể ngày hôm qua chúng ta đã thành công hay thất bại hay cứ luẩn quẩn loay hoay cho qua một ngày. Đời sống là nơi người ta đến để học, chứ không phải để cố quên đi những gì đã kinh qua.
 
Đời sống là một tạo phẩm của Thượng Đế, và nếu bạn được cơ may biết đến Ngài, hãy đừng cố giải mã những mê cung của trời đất. Hãy nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy Ngài đang nô đùa với con trẻ của bạn. Hãy  ngước nhìn bầu trời, bạn sẽ thấy Ngài đang dạo bước trong mây, đang giang tay ra giữa sấm sét và đang bước xuống giữa cơn mưa. Nhìn những bông hoa, bạn sẽ thấy Ngài đang mỉm cười, rồi Ngài vươn mình lên, vẫy tay với bạn khi ở trên những đỉnh cây cao.
Đời sống là vị thầy vĩ đại của sự thật. Sự thật của người này chưa chắc đã là sự thật của người kia. Sự thật của một quốc gia này có thể là sự gian dối nơi một quốc gia khác.
 
Đời sống ngắn ngủi nhưng những hệ quả của việc chúng ta làm, điều chúng ta nói sẽ còn đó mãi mãi. Thế giới rất cần nhiều hơn nữa tinh thần bằng hữu và sự thứ tha. Sức mạnh của sự dịu dàng vẫn còn là điều hiếm thấy.
 
 
Hãy nhớ rằng độ dài của đời sống không phải được đo bằng ngày tháng, mà chính bằng những điều tốt đẹp đời sống ấy mang lại cho đồng lọai.  Một cuộc sống trống rỗng vẫn được coi là ngắn ngủi dù nó kéo dài hàng thế kỷ.
 
Có những điều thật tốt đẹp, thật to lớn trong tất cả chúng ta nếu như chúng ta biết mở mắt và nhìn quanh. Và vẫn luôn có sự hiện hữu của những điều xấu xa. Nhưng những điều xấu xa không bao giờ chiến thắng.
 
Sẽ đến một ngày ánh sáng, sự thật, sự công chính và những điều tốt đẹp thống trị thế giới, đẩy lùi sự độc ác và những thứ xấu xa vào bóng tối mãi mãi.
 
Đời sống tự nó sẽ dạy chúng ta biết  chuẩn bị đón nhận thứ tương lai mà chúng ta mong đợi và cuộc hành trình dắt chúng ta vào thế giới mới lạ ấy…
 
Mọi thứ trên đời này đều tuyệt vời. Và những gì tuyệt vời phải là công chính.
 
Lẽ huyền bí của trời đất mãi mãi huyền bí. Đấng Tạo hóa sẽ là người duy nhất mở toang mọi cánh cửa huyền bí của vũ trụ.
 
Thế giới này chẳng phải là một nhà tù, cũng không phải là nơi người ta thư giãn, hay đúng hơn đó là nơi người ta phải nghe những mệnh lệnh và sống có kỷ luật…
 
Đối với con người, thế giới này là nơi tốt đẹp nhất để sống."
 
(Walter Breuning – bài diễn văn đọc nhân dịp sinh nhật thứ 113 tại Great Falls, Montana – Theo: The Great Falls Tribune. T.Vấn chuyển ngữ).
 
hinhPhai 2
Walter Breuning trong lần sinh nhật thứ 113
(21 tháng 9 năm 2009)
 
Đó là bức thông điệp gởi đến toàn thế giới của người già nhất nhân lọai (tính đến năm 2009), Walter Breuning, trong ngày sinh nhật thứ 113 hôm 21 tháng 9 năm 2009 tại thành phố Great Falls, tiểu bang Montana. Ông sinh ngày 21 tháng 9 năm 1896. Đó là một thời điểm xa lắc, vượt quá chu kỳ 100 năm của cuộc nhân sinh mà người ta có thể hình dung được. Năm 1986, tức là chỉ 2 năm sau Thế Vận Hội Olympic (hiện đại) đầu tiên được khai diễn (1894 tại Hy Lạp), 1 năm sau khi quang tuyến X (X-Ray) được phát minh (1895 do Giáo sư người Đức Wilhelm Conrad Roentgen). Cũng năm đó, 1896, tốc độ tối đa trên đường phố đô thị cho người lái xe là 2 MPH (2 mile-per-hour), vượt quá tốc độ ấy là sẽ bị phạt (**). Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ (1914), Walter chưa đủ tuổi để nhập ngũ, nhưng đến thời đệ nhị thế chiến (1939) thì ông lại quá tuổi phải động viên. Từ bấy đến nay, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân chiếc cầu Ryan Island ở Great Falls, Montana, người của trăm năm Walter Breuning vẫn còn đứng đó, mắt đăm chiêu nhìn về quá khứ hơn 100 năm đời mình mà suy ngẫm  những tinh chất cô đọng nhất của đời sống.
 
Được hỏi về bí quyết sống lâu, ông Walter Breuning trả lời: "Tôi cho rằng các bạn nên rời khỏi bàn ăn dù vẫn còn cảm thấy đói".
 
Cao 5 foot 8, nặng 125 pounds, từ 35 năm nay mỗi ngày ông chỉ ăn có 2 bữa: buổi điểm tâm thật no và bữa ăn trưa bình thường. Và ông không ăn tối. Thay vào đó, ông uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây.
 
Ông Breuning cũng nói thêm rằng chịu khó làm việc siêng năng cũng giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Ông làm 2 jobs cho đến năm 66 tuổi và vẫn tiếp tục làm việc cho đến năm 99 tuổi. Từ đó ông nghỉ ngơi vì mắt yếu dần, không đọc chữ được nữa. Để giữ cho đầu óc tiếp tục họat động, ông bỏ nhiều thì giờ nghe radio.
 
113 tuổi, 113 năm làm người, 113 năm biết bao những biến cố, những đổi thay, ông vẫn sống được, vẫn chịu đựng được những hồn ma quá khứ, thì quả là một sự thử thách.
 
Tôi không nghĩ những người cùng thời ông già còn sống đến hôm nay. Thọ 113 tuổi như ông rất hãn hữu. Ông có cô đơn không khi nhìn quanh (may quá mắt ông đã mờ) chẳng có ai ngoài "lũ trẻ ranh" cách biệt ông từ 3 đến 4 thế hệ? Người ta nói đời người như cuốn sách. Có lẽ đời ông Walter là cuốn sách dày nhất. Nhưng độ dày mỏng của một quyển sách không nói được giá trị cao hay thấp của những gì được viết trong đó. May thay, trong ngày sinh nhật thứ 113, người già nhất thế giới đã cô đọng quyển sách đời mình chỉ trong một trang giấy với câu cuối cùng đáng ghi nhớ: "Đối với con người, thế giới này là nơi tốt đẹp nhất để sống."
 
2.
 
Kinh Tứ Thập Nhị Chương có thuật chuyện Đức Phật hỏi các thầy Tỳ kheo:
 
– Đời người sống bao lâu?
 
Một thầy đáp:
 
– Trong vài ngày.
 
Đức Phật lắc đầu bảo:
 
– Ông chưa hiểu đạo.
 
Một vị khác nói:
 
– Trong khoảng một bữa ăn.
 
Đức Phật cũng lắc đầu bảo:
 
– Ông chưa hiểu đạo.
 
Một vị khác nói:
 
– Đời người trong hơi thở.
 
Đức Phật khen vị ấy rằng:
 
– Hay thay, ông mới là người hiểu đạo.
 
(Phan Minh Đức – Báo Giác Ngộ, số 482, trích lại từ Phatphapdaithua.com).
 
Bài giảng của Đức Phật được hiểu theo lối suy nghĩ của người thường hàm nghĩa đời người ngắn ngủi như một hơi thở. Vạn vật có đó, mất đó. Cả thế gian này cũng vậy. Hiểu thế để con người biết sống cho trọn vẹn hơn, hướng về tha nhân nhiều hơn, và để bớt bi lụy mỗi khi đối diện với sự mất mát (người thân, của cải, danh vọng...) và đồng thời sẵn sàng đón nhận cái chết không thể tránh khỏi sẽ đến với mình vào bất cứ lúc nào.
 
Khi ấy, mọi sự đều trở nên vô nghĩa. Kể cả cuộc sống 113 năm của người già nhất thế giới. Không ai biết ông Walter sẽ sống đến bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chắn sẽ có một ngày cả thế giới nghe đến cái tin ông qua đời**. Vào cái ngày ông Walter chết, thế giới tuyệt vời mà ông phải giã biệt vẫn cứ tuyệt vời như nó đã từng tuyệt vời trong 113 năm (hay hơn nữa) ông làm người. Liệu thế giới xa lạ mà ông sẽ bước vào nó có tuyệt vời như thế giới mà ông vừa chia tay không? Không ai biết được, kể cả ông già 113 tuổi tích lũy những khôn ngoan của con người.
Vì thế, ông bảo, thế giới này là nơi tốt đẹp nhất để sống. Và như đức Phật đã dậy, đời người chỉ trong một hơi thở.
 
3.
 
Như ông Walter đã bảo:  Đời sống bắt đầu bằng mỗi buổi sáng thức dậy, bất kể ngày hôm qua chúng ta đã thành công hay thất bại hay cứ luẩn quẩn loay hoay cho qua một ngày.
 
Hôm nay, tôi học được một điều mới. Mỗi ngày tôi đều có thể bắt đầu lại được đời mình. Và qua những lời dậy của Đức Phật, tôi cũng hiểu được rằng đời người ngắn như hơi thở. Cho nên, tôi sẽ  trân quý nó từng khoảnh khắc mà tôi còn nhận biết đó là đời sống. Ngay đến người sống qua 3 thế kỷ (19, 20 và 21) Walter Breuning cũng bảo rằng độ dài của đời sống không đo bằng năm tháng mà bằng những điều tốt đẹp mà đời sống ấy đem đến cho đồng loại. Tôi bỗng nhớ lại mình của mấy chục năm về trước. Khi cùng bạn bè chào từ giã ngôi trường ở một thành phố miền cao, tôi đã tự hứa với lòng mình rằng, nếu tôi không làm được điều gì vinh danh cho trường mẹ, thì cũng sẽ cố gắng hết sức để không làm bất cứ điều gì xấu hổ cho trường mẹ. 
 
Ngày hôm nay, sau khi đã có mặt trong đời sống này hơn 60 năm, tôi không thể quả quyết rằng tôi đã làm được gì tốt đẹp cho đồng lọai. Nhưng liệu tôi có thể tự an ủi mình rằng, thôi thì ít nhất mình cũng đã không làm hại bất cứ ai không?
 
Tôi không nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng tìm được câu trả lời thỏa đáng.
 
Chú Thích:
 
Ở nước Anh, từ năm 1865 cho đến năm 1896, những chiếc locomotives (tiền thân của những chiếc automobiles hiện đại sau này) khi di chuyển trên đường lộ phải có một người cầm cờ đỏ đi bộ phía trước và giới hạn ở tốc độ 2 dặm một giờ (2/MPH) trong đô thị, khu cư dân và 4 dặm một giờ ở những nơi khác. Do đó, đạo luật này có tên là Red Flag Act ban hành năm 1865. Theo đó, người cầm cờ đỏ đi trước chiếc xe khỏang 50 m, báo cho khách bộ hành, xe ngựa phải để ý tránh đường cho chiếc xe tự động đang chạy tới. Ngày 28 tháng 1 năm 1896, Walter Arnold, một người Anh ở thành phố East Peckham, Kent đã trở thành người tài xế đầu tiên ở nước Anh đã bị phạt vì chạy xe quá tốc độ. Trên đường với giới hạn 2/MPH, ông đã chạy 8/MPH. Kết quả, 1 viên cảnh sát rượt theo Arnold bằng xe đạp và biên phạt ông này 1 bảng Anh. Cũng từ đó, các giới chức thành phố biết được một cách mới để tăng thêm thu nhập cho ngân sách.
 
** Ông Walter Breuning qua đời ngày 11-04-2011.
 
– T.Vấn
(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét