Thiếu ngủ dễ tăng mỡ bụng
Sức khỏeTư vấnThứ năm,
21/4/2022,
Các nhà khoa học cho biết
ngủ không đủ giấc khiến lượng mỡ bụng tăng 9%. Ảnh: Food Navigator
Khi thức đêm, con người
có xu hướng ăn nhiều hơn nhưng không tập luyện với cường độ tương đương khiến
lượng mỡ bụng tăng 9%, mỡ nội tạng tăng 11%.
Đây là kết quả nghiên cứu
của Mayo Clinic tại Minnesota, đăng tải trên Tạp chí Đại học Tim mạch Mỹ. Mỡ nội
tạng là loại mỡ tích tụ xung quanh các cơ quan nội tạng, gây ra các bệnh về tim
và chuyển hóa.
Các chuyên gia nhận định
ngày càng nhiều người có thói quen ngủ muộn, thời gian ngủ ít, chất lượng giấc
ngủ kém. Theo thống kê, hơn một phần ba người trưởng thành tại Mỹ gặp tình trạng
thiếu ngủ. Nguyên nhân là do đặc tính công việc (phải làm theo ca) hoặc sử dụng
mạng xã hội, thiết bị điện tử quá nhiều.
"Nghiên cứu của
chúng tôi cho thấy ngủ ít, kể cả ở người trẻ, khỏe mạnh có tạng người gầy, cũng
khiến lượng calo dung nạp vào cơ thể gia tăng, từ đó dẫn đến tăng cân nhẹ và
tích mỡ bụng", giáo sư Virend Somers, khoa Y học Tim mạch, điều tra viên
chính của nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu thực hiện
trong 21 ngày, với 12 người khỏe mạnh, không béo phì. Họ được chia thành hai
nhóm gồm ngủ đủ giấc và thiếu ngủ để so sánh với nhau. Cứ mỗi ba tháng, hai
nhóm đảo ngược lịch trình ngủ.
Mỗi nhóm có thể lựa chọn
ba loại thực phẩm để sử dụng trong thời gian nghiên cứu. Các nhà khoa học theo
dõi và đánh giá lượng calo dung nạp, năng lượng tiêu hao, cân nặng, cấu tạo cơ
thể, lượng mỡ phân bổ (bao gồm mỡ bụng và mỡ nội tạng).
Đối với giai đoạn thích
nghi trong 4 ngày đầu tiên, tất cả tình nguyện viên được phép ngủ đủ 9 tiếng.
Trong hai tuần tiếp theo, một nhóm ngủ 4 tiếng, nhóm còn lại ngủ 9 tiếng. Sau
đó, cả hai nhóm được ngủ bù 9 tiếng trong ba ngày.
Các nhà khoa học nhận ra
rằng ở giai đoạn thứ hai (bị hạn chế giấc ngủ), các tình nguyện viên đã nạp
thêm 300 calo, ăn hơn khoảng 13% protein và tăng 17% mỡ cơ thể so với thông thường.
Mức tiêu thụ đạt cao nhất
trong những ngày đầu bị thiếu ngủ, giảm dần khi đã được ngủ bù. Năng lượng tiêu
hao hầu như không đổi trong suốt nghiên cứu.
Thông thường, mỡ tích tụ
dưới da, song chất lượng giấc ngủ thấp khiến lượng mỡ này chuyển hướng đến nội
tạng, gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, theo Somers.
"Điều quan trọng là
khi bạn ngủ bù, calo nạp vào cơ thể giảm, nhưng lượng mỡ tiếp tục tăng. Đây là
bằng chứng đầu tiên cho thấy ngủ không đủ giấc là nguyên nhân khiến mỡ nhiễm
vào nội tạng. Việc ngủ bù sau khoảng thời gian đó không khiến lượng mỡ giảm
đi", ông Somers giải thích.
Về lâu dài, nghiên cứu chỉ
ra rằng thiếu ngủ, chất lượng giấc ngủ thấp là một trong những yếu tố thúc đẩy
"đại dịch" béo phì, tim mạch và các bệnh chuyển hóa.
"Chỉ có thể phát hiện
mỡ nội tạng bằng cách chụp cắt lớp vi tính, đặc biệt khi các tình nguyện viên
chỉ tăng cân ít (khoảng 0,45kg)", chuyên gia nghiên cứu y học tim mạch
Naima Covassin, cho biết.
Theo Covassin, nếu chỉ
xét đến yếu tố cân nặng, nhiều người có thể chủ quan và bỏ qua tác hại của việc
thiếu ngủ. Bà cho biết cần lưu ý về các tác động lâu dài của tình trạng tích mỡ
nội tạng.
Đối với những người không
thể ngủ đủ giấc do đặc thù công việc, giáo sư Somers khuyến nghị tăng cường tập
thể dục và ăn đồ ăn lành mạnh để tránh tích mỡ cơ thể.
Thục Linh (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét