Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Những chuyện không bao giờ cũ

 

Những  chuyện  không  bao  giờ  cũ

21/04/2022-Nguyễn Nhật Huy

30 Tháng Tư

(Để nhớ những tháng ngày kinh hoàng sau Tháng tư đen)


1.

Hai năm đầu bậc trung học, trường tôi ở ngay huyện lỵ, từ ngoài đường đi qua sân banh, nơi thường tổ chức các sự kiện lớn của huyện là vào đến cổng. Ngày ấy đi học thỉnh thoảng thấy người ta tụm lại ở sân banh coi xác người chết. Đêm trước Việt Cộng về quấy rối, bị phục kích bắn chết và xác đem về huyện để dân coi. Nhìn những chú Việt Cộng trẻ măng, chỉ từ 16 - 18 tuổi, mặc quần đùi, áo bà ba cũ, đi dép Bình Trị Thiên (bây giờ gọi là dép râu) tôi nghĩ, anh phá cuộc sống bình yên của xóm làng thì chết là đáng nhưng thấy thương hại.

Vài năm sau, lại thấy xác mấy chú đặc công gài mìn giật cầu, cầu chưa sập đã bị bắn chết, xác ngâm nước đem lên bờ da nhợt nhạt, tím tái. Phá sập cầu sẽ trở ngại trong việc đi lại nên bị bắn chết cũng đáng tội. Tuy vậy, vẫn thấy thương hại, không biết quê ở đâu, cha mẹ thế nào nhất là xác nào cũng lộ rõ nét ốm o do thiếu ăn triền miên.

Có lần coi trên một tuần báo của Mỹ thấy hình mấy cán binh Việt Cộng chết cháy trên xe tăng T54, trên người còn sợi xích, việc mà trước đây nghe nói cứ tưởng là chuyện tuyên truyền. Thì ra, cấp chỉ huy buộc binh sĩ trên xe phải tử thủ!

Những ngày di tản về Sài Gòn năm 1975, tôi và đứa em họ tá túc nhà người quen trên đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ sát góc Cao Thắng. Trưa 30/4 ra ngã tư nhìn toán quân từ hướng Hóc Môn về tiếp quản Sài Gòn, đoàn hùng binh “tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù” mà sao ai cũng trẻ măng, ngơ ngơ ngác ngác và cũng ốm đói như những người chết tôi đã từng thấy? Nhớ lại chuyện “ba thằng Việt Cộng cùng đứng trên nhánh đu đủ không gãy” thấy thiệt đúng, rồi liên tưởng tới tác phẩm “Vượt Trường Sơn” của nhà báo Phan Nghị, họ chiến thắng là phải rồi!

2.

Chấp nhận một thực tại cay nghiệt mà không thể làm gì khác và âm thầm thích nghi với công việc của một giáo viên lưu dung là tâm trạng chung của nhiều đồng nghiệp tôi ngày đó. Ai được lưu dung cũng đều mừng nhưng dạy chương trình “cách mạng” khác hoàn toàn quan điểm ngày xưa từng dạy, lại phải tiếp xúc với những cán bộ “giáo viên chi viện ở A vào” là một cực hình. Mở miệng ra là nói toàn chuyện Bác và Đảng, chuyện lập trường quan điểm, chuyện phấn đấu vì một lý tưởng mới đã đành, chuyện dò xét, soi mói mới là điều đáng nói. Ông hiệu trưởng và mấy ông chi viện là dân xứ Nghệ đều mặc quần bộ đội, áo sơ mi vải tám trắng đã xỉn màu, sandal nhựa nâu, đội mũ cối nhìn chúng tôi mặc lại những áo quần sang trọng ngày trước còn lại, hỏi một câu nhẹ nhàng: “Các thầy cô ăn mặc gì mà diêm dúa thế?” Áo sơ mi trắng hoặc màu rất nhã, quần tây sẫm màu sao gọi là diêm dúa? Đã qua trường đại học chẳng lẽ anh không biết dùng từ?

Cô giáo Anh văn không quen xun xoe nịnh bợ cũng đến trường với y phục ngày xưa bị đám “cách mạng ba mươi”, không rõ có do chỉ đạo của cấp trên hay không, hỏi rằng: “Trong lúc nhân dân ta thắt lưng buộc bụng xây dựng chế độ mới, cô sung sướng gì mà ăn diện?” Tức máu, cô âm thầm chịu đựng, hôm sau đến trường cô mặc áo quần cũ và xấu hơn, đội chiếc nón cũng cũ mèm, cô lại được hỏi: “Chế độ ta đâu có để cho giáo viên thiếu thốn mà đồng chí ăn mặc như thế vào trường?”

Một đồng nghiệp lớn tuổi mượn của học trò cái búa chẻ củi, tan trường anh đem về. Cùng đường về có mấy giáo viên chi viện, khi được họ hỏi thầy cầm búa theo làm gì, anh nói đùa: “Học trò dốt quá nên đem búa theo chẻ đầu chúng để nhét chữ vào!” Vậy là việc này được đưa ra trong phiên họp sau đó để phê phán và đánh giá quan điểm của anh!

Ngày ấy, tuy phải xoay cuộc sống theo hướng hoàn toàn khác trước, kể cả về tư tưởng nhưng nhiều anh em chúng tôi cũng có lúc tin ở một chừng mực nào đó đất nước sẽ khá dần. Mọi việc đều đâu vào đấy, giáo dục cũng như những ngành khác, ai cũng sợ mất sổ gạo, bị cắt tem phiếu nên cắm đầu cắm cổ làm việc dù trong tình thế này, nhiều người nghĩ mình đang sống ở Goulag!

Nhưng thực tế đã không như vậy!

3.

Theo thời gian, nhất là sau 1986, mọi chuyện dần thay đổi, từ cởi trói cho văn nghệ đến khoán 10, từ đa dạng hóa, đa phương hóa trong kinh tế đối ngoại với cụm từ “cải cách, đổi mới, mở cửa” đến “xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, v.v. xã hội VN bắt đầu biến dạng, cán bộ đảng viên hiện nguyên hình, chế độ bắt đầu phơi bày tất cả bản chất xấu xa của nó. Nếu không có những dự án FDI từ sau 1992, không có nguồn vốn ODA và đặc biệt nếu không có nguồn ngoại hối lên đến cả ngàn tỉ đô la phần lớn là của “khúc ruột ngàn dặm” gửi về cho thân nhân, thì cùng với sự tranh ăn, tranh chức, tranh chấp Bắc-Nam, tranh chấp giữa đổi mới và thủ cựu, giữa phe thân Mỹ và thân Tàu, người dân đã nổi loạn và chế độ này khó tồn tại đến ngày nay dầu rằng điểm đặc biệt của người cộng sản từ bao đời nay là họ có thể giết nhau nhưng khi đảng có nguy cơ sụp đổ thì họ lại cùng nhau bảo vệ (dù biết rằng nó không đáng để bảo vệ).

Hơn 30 năm từ ngày “cải cách, mở cửa”, qua truyền thông mạng, người dân, kể cả con gia đình cán bộ đảng viên “gộc” đều đã nhận ra mặt thật của chế độ, qua bao nhiệm kỳ Đại Hội đảng, nhiệm kỳ Quốc Hội. Đã có nhiều tiếng nói từ trong lòng chế độ, từ những trí thức cộng sản và nhất là giới trẻ sinh ra và lớn lên sau 1975. Không chỉ lên tiếng, giới trẻ còn vượt qua sợ hãi, bất chấp sự đàn áp man rợ của chế độ công an trị, họ sẵn sàng nhập cuộc bằng nhiều hình thức khác nhau mà chống Trung cộng là mục tiêu và khẩu hiệu chính trong đấu tranh. Vì giới hạn của bài viết, không thể kể tên những nhân vật điển hình nhưng cũng xin nói lời khâm phục họ, ở đây.

4.

Bất chấp dư luận trong nước và sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền thế giới về cải thiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, nhà cầm quyền CSVN ngày càng đàn áp những người phản kháng thảm khốc và chìm sâu vào tham nhũng. Điều tệ hại nhất là họ cùng nhau hút máu nhân dân, chia nhau phần bòn rút, ăn cắp từ các dự án mà câm miệng trước những vụ động trời như Vinashin, Vinalines và hàng ngàn vụ lớn nhỏ khác. Môi trường biển 4 tỉnh miền Trung ô nhiễm trầm trọng qua vụ Formosa, hơn một năm qua, chế độ tìm mọi cách lảng tránh một thực tại đau lòng, hàng trăm ngàn người thất nghiệp, hàng triệu người phải ăn hải sản nhiễm độc. Ngược lại, họ đàn áp thẳng tay những ai đòi công lý cho Formosa chỉ vì SỢ TRUNG CỘNG, chỉ vì tay đã nhúng chàm. Mặc khác, chính quyền sở tại còn làm khó các tổ chức thiện nguyện cứu giúp dân 4 tỉnh và khốn nạn hơn nữa là ăn chặn tiền đền bù!

Xã hội băng hoại cùng cực, luật pháp không được thực thi vì điều 4 hiến pháp vốn đã không thể chấp nhận, người dân bị bắt vào đồn công an đều bị giết bằng hàng chục cách khác nhau đã lên đến số trăm nhưng không được làm sáng tỏ, công an sử dụng cả đám đầu trộm đuôi cướp để trấn áp các cuộc đấu tranh và ngước lại, giả dạng xã hội đen để phá các cuộc biểu tình chống Tàu, chống Formosa. Công an trở thành thù địch của dân chúng nhất là dân thành phố từ nhiều chục năm nay không khác một thứ Hồng Vệ Binh. Rất nhiều vụ việc bùng nổ hoặc báo chí phanh phui đều chìm vào im lặng kể cả những vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân như vụ hành hung phụ nữ của tên công an Phan Sơn Hùng, vụ hiếp dâm nhiều trẻ con chung cư của tên cựu Giám đốc Ngân hàng Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu. Bán đảo Sơn Trà, sân bay Tân Sơn Nhất cũng chưa thể trở thành nguyên nhân để chế độ này sụp đổ nhưng tất cả những vụ việc này nhất là vụ phản kèo Đồng Tâm gần đây đã làm cho những người có nhãn quan sáng suốt nhìn thấy trước ngày tàn của chế độ đang đến gần.

Không ân oán với chế độ nhưng những người có lương tri mỗi ngày đọc báo đều thấy ê chề trước vận mạng đất nước, thấy nguy cơ mất nước ngày một đến gần, nếu không thì “muôn đời con cháu mai sau” phải trả nợ do chế độ này gây ra không ít. Hiện nay, tuy chưa cùng đứng vào một tổ chức để đấu tranh trực diện lật đổ chế độ nhưng tuổi trẻ Việt Nam dấn thân ngày càng đông đảo, mạnh dạn và hiệu quả. Một bạn trẻ, nick FB là Thuan Van Bui, trong mục hàng ngày “Điểm tin và bình loạn” với 28 vấn đề điểm từ báo quốc doanh với 389 likes, 67 shares trong ngày 19/6/2017 là một chứng minh để những ai bi quan sẽ lạc quan, những người trẻ thờ ơ với vận mệnh đất nước và sợ sệt sẽ dấn thân với tất cả nhiệt tình và can đảm của mình cho một Việt Nam tươi sáng.

– Nguyễn Nhật Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét