Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Tuổi mới lớn 'nổi loạn'

 

 Tuổi  mới  lớn  'nổi  loạn'

Thứ hai, 18/4/2022, VnExpress,net

Bác sĩ Vinh khám cho một bệnh nhi bị rối loạn tâm lý. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

HÀ NỘILứa tuổi vị thành niên thường có những thay đổi về nhận thức, thể chất, tâm lý và cảm xúc, dễ gặp áp lực nhưng không đủ năng lực giải quyết dẫn đến rối loạn tâm lý.

Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết như trên vào tuần trước và dẫn câu chuyện một em gái 13 tuổi bị rối loạn tâm lý. Lần gần nhất em được chuyển đến khoa cấp cứu trong tình trạng hôn mê do uống thuốc giảm đau liều cao.

Chia sẻ với bác sĩ sau khi được cứu sống, cô bé cho biết dự định học nghề thợ xăm khi tốt nghiệp cấp 3 nhưng bị bố mẹ phản đối, muốn con "phải học đại học mới có tương lai". Mỗi lần cãi nhau với bố mẹ, Trang buồn chán đóng cửa ở trong phòng một mình, giày vò bản thân, có lần rạch tay được đưa vào bệnh viện cấp cứu, lần này là uống thuốc quá liều.

"Cô bé thất vọng bởi cho rằng bố mẹ không hiểu nguyện vọng nghiêm túc của con, lại lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng 'phải trở thành ông nọ bà kia', rằng 'không ai hiểu em' nên nảy sinh ý nghĩ tiêu cực", bác sĩ Vinh nhớ lại.

Theo ông, bệnh nhân này may mắn được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tổn thương tâm lý có thể còn ảnh hưởng lâu dài. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cũng chia sẻ một bệnh nhân đang được bà điều trị tâm lý kết hợp uống thuốc. Đó là một nữ sinh 15 tuổi, do áp lực học hành nên thường xuyên nghe thấy tiếng nói sỉ nhục trong đầu, đã dùng mảnh thủy tinh cứa vào tay để thấy dễ chịu. Trường hợp này phải điều trị lâu dài và khó khăn, phối hợp nhiều phương pháp hỗ trợ và sự quan tâm của gia đình.

Nghiên cứu cho thấy hành vi tiêu cực ở tuổi thanh thiếu niên có xu hướng gia tăng hàng năm. Nghiên cứu năm 2012 của Tổ chức Blum tại Hà Nội cho thấy ở nhóm 15-24 tuổi tỷ lệ có ý tưởng tự sát và toan tự sát là 2,3%. Trong đó, các nhà nghiên cứu ghi nhận ở nhóm 15-19 tuổi có ý tưởng này cao hơn nhóm 20-24 tuổi (chưa rõ tổng số mẫu nghiên cứu). Đến năm 2020, nghiên cứu trên 6.400 học sinh 13-17 tuổi cho thấy 11% có ý tưởng tự sát và toan tự sát trong vòng một năm qua.

Bác sĩ Vinh khám cho một bệnh nhi bị rối loạn tâm lý. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Các bác sĩ cho rằng ở độ tuổi vị thành niên, trẻ gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh để thích nghi mối quan hệ với mọi người và những vấn đề khác trong cuộc sống. Những áp lực vô hình không được chia sẻ, hỗ trợ kịp thời, đúng cách dễ khiến suy nghĩ tiêu cực ở lứa tuổi này ngày càng nhiều thêm, gây ra rối loạn tâm lý.

Thực tế, nhiều cha mẹ áp đặt mục tiêu cho con với suy nghĩ "muốn tốt cho tương lai con", muốn con tuyệt đối nghe lời theo quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" hoặc "con cãi cha mẹ trăm được con hư". Thế nhưng sự áp đặt này làm trẻ hụt hẫng, không cảm nhận được sự tin tưởng, đồng cảm và thấu hiểu từ gia đình. Theo bác sĩ Vinh, đây là điều không tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ.

"Trẻ dễ phát sinh tâm lý chống đối hoặc phản ứng tiêu cực như thu mình, tự ti, đặc biệt là trong giai đoạn vị thành niên", ông Vinh nói. Giai đoạn này vì vậy thường được ví như giai đoạn "nổi loạn" tuổi mới lớn.

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ rối loạn tâm lý như luôn than thở buồn chán, nghĩ mình đầy tội lỗi xấu xa, cảm thấy bất tài vô dụng; để lại những lời nhắn nhủ hay lời chào vĩnh biệt với bạn bè, mọi người qua mạng xã hội, thư, nhật ký; có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tiêu cực như thuốc ngủ, dây, dao sắc nhọn...

Về mặt tâm lý, một số em mang cảm xúc giận cha mẹ, uất ức, tủi thân; một số lo lắng không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, số khác có những hành động tiêu cực vì muốn gây sự chú ý để mọi người mãi nhớ đến mình. Do đó cha mẹ cần dõi theo con để giúp đỡ và can thiệp kịp thời nhằm giải tỏa những lo âu, suy nghĩ lệch lạc của con.

"Cha mẹ nên là người bạn đồng hành và mang lại cho con sự tin tưởng để con có thể sẻ chia, tâm sự mỗi khi gặp khó khăn trong học tập cũng như các mối quan hệ xã hội", ông Vinh nói. Nhà trường cũng cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện, có phòng tư vấn tâm lý để kịp thời giúp đỡ khi các em gặp khó khăn.

Ngoài ra, bác sĩ khuyên các phụ huynh không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Thay vào đó, cha mẹ nên lắng nghe để biết nguyện vọng của con và đưa ra những định hướng tương lai đúng đắn. Người lớn không nên trong lúc nóng giận mà buông lời nhục mạ, xúc phạm, cấm đoán, ép buộc, đánh đập, là hành vi bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần đối với trẻ.

Thúy Quỳnh - Thùy An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét