Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

BỐN LOẠI KIÊU NGẠO



BỐN  LOẠI  KIÊU  NGẠO

Thu, 14/04/2022 - Trầm Thiên Thu

Bảy Mối Tội rất quỷ quyệt bởi vì chúng thường bám rễ tới mức biểu hiện như những đặc tính bất biến. Chúng ta nói ai đó “có tính nóng nảy” thay vì nói người đó tức giận, hoặc chúng ta nói “người đó keo kiệt” thay vì nói người đó tham lam, hám lợi.

Chúng ta biết rằng tính kiêu ngạo là “thủ lĩnh” của Bảy Mối Tội. Như vậy, nó có mặt khắp mọi nơi, ở tận gốc rễ của những tội lỗi khác. Trong cuốn “Rooting Out Hidden Faults” – Loại Bỏ Sai Lầm Ẩn Giấu, Lm Lm James McElhone, CSC, định nghĩa kiêu ngạo là “yêu mình quá mức.” Đó là sự sụp đổ của Satan trong tình trạng “không phục vụ” của nó, và là tội đầu tiên của nhân loại, do không vâng lời trong Vườn Địa Đàng. Kiêu ngạo phá vỡ trật tự siêu nhiên bằng cách đặt sự phán xét và ý chí của con người sai lầm lên trên ý Chúa. Về cơ bản, nó tạo nên thần tượng chính mình.

Cũng giống như niềm kiêu hãnh, nó có thể là tội khó chẩn đoán nhất. Hãy nghĩ về việc xét mình: khi xét qua Mười Điều Răn, bạn có thường định nghĩa “kiêu ngạo” là vi phạm luật pháp của Thiên Chúa rõ ràng và có thể thú nhận? Hoặc niềm kiêu hãnh thường ẩn nấp trong ý thức của chúng ta có trở thành cốt lõi của tội ngoan cố khiến chúng ta ngày càng xa cách Thiên Chúa?

Chúng ta thường nghĩ về niềm kiêu hãnh như biếm họa về kẻ hợm hĩnh khoác lác. Nhưng có nhiều cách chúng ta phạm tội kiêu ngạo bằng cách tự coi mình là thần tượng. Theo nghĩa cơ bản nhất, cuối cùng mọi tội lỗi đều là tội kiêu ngạo vì nó thể hiện sự quay lưng lại với ý Chúa để phục vụ ý riêng mình.

Ở phần xét mình tỉ mỉ trong cuốn “Rooting Out Hidden Faults,” Lm James McElhone xác định bốn loại kiêu ngạo có thể thấy rõ. Cách phân tích sắc thái cho thấy rằng những niềm kiêu hãnh ít được biết đến này thường có thể biểu hiện như những xu hướng của tâm hồn, do đó khó phát hiện khi xét mình.

Lm McElhone cung cấp cách hướng dẫn hữu ích về đặc điểm của từng dạng kiêu hãnh và bổ sung cách giải thích bằng bảng câu hỏi sâu sắc để chuẩn bị cho việc xưng tội.

1. KIÊU NGẠO VỀ QUYỀN HÀNH

Đây là kiểu người tự yêu mình, giận dữ, kiêu ngạo điển hình. Lm McElhone lưu ý rằng quyền lực biểu hiện bằng thái độ hống hách, chỉ trích, tranh luận. Tự hào về quyền lực là tình xấu, không tử tế, coi thường công lý và bất công. Cấp trên kiêu ngạo thường tìm cách kiểm soát người khác, có biểu hiện bên ngoài về quyền lực và địa vị.

Để xác định xem niềm kiêu hãnh về sự trịch thượng có còn tồn tại nơi mình hay không, hãy tự vấn:

– Tôi có đặt mình hơn người khác?

– Tôi có thái độ trịch thượng, kẻ cả?

– Tôi có xu hướng hạ giá người khác?

– Tôi có xu hướng hách dịch?

– Tôi có nói xấu người khác?

– Tôi có nhất quyết phải nói lời cuối cùng?

– Tôi có tính cách cáu kỉnh?

2. KIÊU NGẠO VỀ SỰ NHÚT NHÁT

Kiêu ngạo về sự nhút nhát là dạng tự yêu mình mà lại biểu hiện sự căm ghét chính mình. Người kiêu ngạo rụt rè sống trong nỗi sợ hãi về những gì người khác có thể nghĩ về họ. Mặc dù nó có vẻ trái ngược với kiêu căng, nhưng niềm kiêu hãnh về sự rụt rè thực sự là một dạng kiêu hãnh trái ngược bởi vì nó vẫn được thúc đẩy bởi lòng tự ái rối loạn. Lỗi chính đối với những người có kiểu kiêu ngạo này là đánh giá quá cao sự tôn trọng của con người – nghĩa là coi trọng quan điểm của người khác hơn ý kiến của Thiên Chúa.

Với những người bị cản trở bởi cảm giác này, việc chẩn đoán kiêu ngạo có thể là cú sốc, nhưng thực sự lại là cách giải thoát, bởi vì nó có thể bắt nguồn từ việc khôi phục ý thức lành mạnh về bản thân và mối quan hệ với Thiên Chúa.

Để xác định loại tự hào này, hãy tự vấn:

– Tôi có dễ bị lúng túng?

– Tôi có tự giác hoặc ý thức?

– Tôi có so sánh tài năng của mình với tài năng của người khác?

– Tôi có phóng đại nhược điểm của mình? Tôi có che giấu tài năng của mình?

– Tôi có sợ sai lầm đến mức không muốn cố gắng?

– Tôi có hòa đồng với mọi người – dù đúng hay sai?

3. KIÊU NGẠO VỀ SỰ NHẠY CẢM

Đây là một kiểu kiêu hãnh trái ngược khác khá giống với kiểu kiêu hãnh rụt rè và là kết quả của việc tự yêu bản thân bị tổn thương. Lm McElhone nhận xét: “Người đó cảm thấy tồi tệ và muốn cảm thấy tồi tệ, họ có niềm vui giả tạo về điều đó.”

Chúng ta nhớ đến lời khuyên của Thánh Jane Frances de Chantal: “Bạn phải tiếp tục là thập giá của chính mình chứ? Dù Chúa dẫn bạn đi theo con đường nào, bạn cũng thay đổi mọi thứ thành cay đắng bằng cách không ngừng nghiền ngẫm mọi thứ. Vì tình yêu Thiên Chúa, hãy thay thế tất cả sự tự soi mói này bằng một cái nhìn thuần khiết và đơn giản về sự tốt lành của Thiên Chúa.”

Để đánh bật gốc loại kiêu hãnh này, hãy tự vấn:

– Tôi có hay nghi ngờ?

– Tôi có kết tội người khác bất công với mình?

– Tôi có đánh giá sai hoặc hiểu sai về người khác?

– Tôi không thể cười chê chính mình sao?

– Tôi có ưu sầu? Tôi có nghiền ngẫm về mọi thứ?

– Tôi có ác cảm với người khác?

4. KIÊU NGẠO VỀ SỰ TỰ MÃN – HÁO DANH, HƯ DANH, PHÙ PHIẾM

Giống như sự kiêu ngạo về tính nhút nhát, sự háo danh – hư danh hoặc phù phiếm – là mong muốn được người khác tôn trọng thái quá. Giống như niềm kiêu hãnh về ưu thế, nó cũng hướng ngoại và kiêu ngạo. Kẻ háo danh tìm cách gây ấn tượng với người khác và thường xuyên được đánh giá cao. Họ có xu hướng thể hiện, biểu diễn và thường được thấy ở những vị trí có ảnh hưởng, nơi họ có thể tối đa hóa sự chú ý, tự tôn và tự phóng đại chính mình.

Để nhận ra thói háo danh, hãy tự vấn:

– Tôi có viển vông về tài năng, cương vị, hoặc vẻ bề ngoài của tôi?

– Tôi có nóng lòng muốn trổi vượt hơn người khác?

– Tôi có dành nhiều thời gian khoe hình mình trên mạng xã hội?

– Tôi có coi trọng việc theo dõi, thích (like) và chú ý trên mạng xã hội?

– Tôi có loại trừ người khác vì họ không có địa vị, bằng cấp, vật chất, v.v...?

– Tôi có tạ ơn Chúa về những ân sủng và khả năng Ngài ban cho tôi?

SỰ KHIÊM NHƯỜNG – THUỐC DIỆT KIÊU NGẠO

Sự kiêu ngạo là lời nói dối về bản thân, còn sự khiêm nhường là sự thật về bản thân. Vì thế, đó là liều thuốc giải độc chung cho mọi hình thức kiêu ngạo.

Khiêm nhường đơn giản là sự trung thực về số phận thực sự của chúng ta với tư cách là những người con yêu dấu của Thiên Chúa. Người khiêm nhường không đánh giá cao, cũng không coi thường tài năng và lỗi lầm của mình, nhưng thành thật nhìn nhận, ăn năn tội lỗi, sửa đổi khuyết điểm, đồng thời tận dụng tài năng của mình để vinh danh Thiên Chúa. Bằng cách cầu nguyện và thực hành đức khiêm nhường, chúng ta có thể chống lại tội lỗi từ nguồn gốc của nó. Chính Chúa Giêsu là mẫu mực tuyệt đối của chúng ta về đức khiêm nhường, chúng ta cũng được biết về những gương sáng về sự khiêm nhường của các thánh.

Mặc dù sự nội quan (tự xem xét nội tâm) có thể gây đau đớn, nhưng chúng ta có được những niềm vui thích bằng cách theo đuổi sự hiểu biết sâu sắc hơn về tâm hồn mình.

Khi lớn lên trong sự trưởng thành tâm linh, chúng ta không chỉ nên tìm cách tránh tội trọng mà còn tìm cách loại bỏ tận gốc các xu hướng đối với tội lỗi. Bằng cách nhận biết các biểu hiện lén lút này của tính kiêu ngạo, chúng ta có thể vượt qua những rào cản tâm linh và tiến đến sự kết hiệp sâu sắc hơn với Thiên Chúa.

KRISTEN VAN UDEN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)

Tam Nhật Vượt Qua – 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét