TAM NHẬT THÁNH
Tue,
05/04/2022 - Trầm Thiên Thu
Tam Nhật Thánh (Holy
Triduum) cũng gọi là Tam Nhật Vượt Qua (Paschal Triduum) hoặc Tam Nhật Phục
Sinh (Easter Triduum). Đó là tâm điểm của đức tin Kitô giáo: Sự Chết và Sự Phục
Sinh của Đức Giêsu Kitô.
GIỚI THIỆU
Tam Nhật Vượt Qua bao gồm
Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday), Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday), Thứ Bảy
Tuần Thánh (Holy Saturday), và Lễ Phục Sinh (Easter). Điều này bao gồm Đêm Vọng
Phục Sinh (Great Easter Vigil), đỉnh cao của Tam Nhật Thánh. Từ Triduum có gốc
tiếng Latin nghĩa là “ba ngày.” Tam Nhật Thánh bắt đầu từ bắt đầu từ chiều Thứ
Năm Tuần Thánh và kết thúc vào kinh chiều (Evening Prayer) của Chúa Nhật Phục
Sinh.
Như vậy, Tam Nhật Thánh gồm
3 ngày trọn vẹn bắt đầu và kết thúc vào chiều tối. Tam Nhật Thánh là một phần của
Mùa Chay (ít là theo phụng vụ), nhưng Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và
Thứ Bảy Tuần Thánh vẫn được tính vào 40 ngày Mùa Chay truyền thống.
Tam Nhật Thánh cử hành
trung tâm điểm của đức tin và ơn cứu độ: Sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô.
Như vậy, Tam Nhật Thánh tưởng niệm Bí tích Thánh Thể (Bí tích của các Bí tích),
cuộc khổ nạn, sự đóng đinh, sự chết và sự phục sinh vinh quang của Chúa Giêsu
vào sáng Chúa Nhật Phục Sinh. Cùng với việc Thăng Thiên, các sự kiện quan trọng
này tạo nên Mầu Nhiệm Vượt Qua (Paschal Mystery).
Mặc dù Năm Phụng Vụ khởi
đầu vào Mùa Vọng nhưng vẫn đạt tới đỉnh cao trong Tam Nhật Thánh, đặc biệt vào
Lễ Phục Sinh, lễ trọng của các lễ trọng, gọi là đại lễ. Giáo lý Công giáo mô tả
tầm quan trọng của Tam Nhật Thánh thế này:
“Bắt đầu bằng Tam Nhật
Thánh như nguồn ánh sáng, thời đại mới của sự phục sinh đổ đầy cả năm phụng vụ
bằng sự rực rỡ của ánh sáng. Dần dần, về phương diện khác của nguồn gốc này,
năm được tôn lên bằng phụng vụ. Đây thực sự là ‘năm của ân sủng Thiên Chúa.’ Sự
cứu độ hoạt động trong khung thời gian, nhưng vì sự viên mãn trong cuộc Vượt
Qua của Chúa Giêsu và sự tràn đầy Thánh Thần, đỉnh cao của lịch sử được tiên
báo là ‘sự nếm trước’ và Vương quốc của Thiên Chúa đến trong thời đại của chúng
ta.” (Giáo lý Công giáo, số 1168)
LỊCH SỬ
Các Kitô hữu tưởng niệm
cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu từ thời các Tông đồ, vì sự chết và sự
sống lại của Ngài là trung tâm ơn cứu độ Kitô giáo. Ít là vào thế kỷ II, các
Kitô hữu đã cử hành Đêm Vọng Phục Sinh, bắt đầu đêm thứ Bảy, tiếp tục đến sáng
lễ Phục Sinh. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các Kitô hữu tưởng niệm lịch sử ơn cứu
độ, chờ đợi sự trở lại của Chúa Giêsu, và cử hành sự phục sinh của Chúa Giêsu
vào sáng sớm Chúa Nhật Phục Sinh. Trong Đêm Vọng Phục Sinh, các tân tòng lãnh
nhận Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.
Từ việc cải cách phụng vụ
của Công đồng Vatican II, Đêm Vọng Phục Sinh và Tam Nhật Thánh lại đạt được vị
thế ưu tiên trong lịch Phụng vụ Công giáo Tây phương. Luật Năm Phụng Vụ và Lịch
Phụng Vụ đã tái tiết lập Tam Nhật Thánh là mùa sau Mùa Chay trong Giáo hội Công
giáo. Nhiều Giáo hội Tin Lành không coi Tam Nhật Thánh là mùa phụng vụ, và cử
hành Mùa Chay cho tới trước Đêm Vọng Phục sinh.
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thứ Năm Tuần Thánh
(Maundy Thursday hoặc Holy Thursday) khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua – ba ngày quan
trọng nhất trong năm phụng vụ. Thời gian này kỷ niệm Bữa Tiệc Ly, Cuộc Khổ Nạn,
và Sự Phục Sinh của Đức Kitô.
Trong khi dùng Tiệc Vượt
Qua, Chúa Giêsu cầm lấy bánh và rượu, rồi trao cho các môn đệ. Các Kitô hữu tiếp
tục cùng chia sẻ bánh và rượu là một phần trong việc thờ phượng trong Giáo hội.
Đó là Thánh Thể Đức Kitô.
Bữa Tiệc Ly là tiệc Vượt
Qua – bữa ăn mà người Do Thái chia sẻ với nhau để kỷ niệm thời gian Thiên Chúa
giải thoát dân khỏi ách nô lệ người Ai Cập. Đêm Thứ Năm Tuần Thánh là đêm Chúa
Giêsu bị môn đệ Giuđa phản bội tại Vườn Gếtsêmani – Vườn Dầu.
Chữ Maundy có gốc tiếng
Latin là “mandatum,” nghĩa là “điều răn” hoặc “mệnh lệnh.” Trong Bữa Tiệc Ly,
Chúa Giêsu truyền lệnh: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu
thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga
13:34)
Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa
Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Hành động này đôi khi được thực hiện theo nghĩa
đen như một cách tốt để nhắc nhở những người cai trị rằng họ có chức có quyền
là để phục vụ mọi người chứ không phải để được phục vụ hoặc hưởng thụ.
Tại Anh quốc, thói quen
Quốc vương rửa chân cho người khác được thể hiện tới năm 1689. Lúc đó Hoàng đế
hoặc Nữ hoàng rửa chân cho người nghèo vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại Tu viện
Westminster. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng các chủ tiệm giặt quần áo phải rửa chân
cho người khác trước khi Quốc vương phải rửa và hôn chân họ. Thực phẩm và quần
áo được trao tặng cho người nghèo.
Ngày nay, tại Anh quốc, Nữ
hoàng theo truyền thống là “lì xì” tiền cho những người hưu trí, gọi là Maundy
Money (tạm dịch “tiền lệnh”). Truyền thống “lì xì” tiền cho người nghèo có từ
thế kỷ XIII, thời Vua Edward I.
Có một thời, những người
nhận tiền phải cùng phái tính với Quốc vương, nhưng từ thế kỷ VIII, luật này
không còn. Hằng năm, vào ngày này, Nữ hoàng tham dự Lễ Hoàng Gia (Royal Maundy
service) tại một trong các đại giáo đường trong nước. “Tiền lệnh” được “lì xì”
cho quý ông và quý bà hưu trí ở gần nhà thờ đó.
Các vệ sĩ đựng “tiền lệnh”
trong các ví da đỏ và trắng trên khay vàng để trên đầu. Tiền trong ví đỏ là tiền
thay cho thực phẩm và quần áo, còn tiền trong ví trắng là tiền đồng bằng kim loại
dùng để “lì xì.” Năm 2009, mỗi người nhận được trao 2 ví – ví đỏ có đồng 5 Bảng
Anh, kỷ niệm lần thứ 500 ngày lên ngôi của Vua Henry VIII và đồng 50 xu để kỷ
niệm ngày thành lập Vườn Kew, còn ví trắng có 83 xu vì Nữ hoàng được 83 tuổi.
Nhiều Kitô hữu kỷ niệm Bữa
Tiệc Ly là cử hành Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Tại nhiều nhà thờ có nghi
thức rửa chân. Sau Thánh lễ, bàn thờ được bỏ khăn. Nhiều nơi tổ chức chầu Thánh
Thể suốt đêm cho tới sáng, với ý thông phần đau khổ với Đức Kitô trong những giờ
cuối đời của Ngài tại Vườn Dầu, trước khi Ngài bị xử tử vào Thứ Sáu Tuần Thánh.
Hãy cầm lấy tấm-bánh-cuộc-đời-mình,
tạ ơn Chúa, bẻ ra và trao cho nhau, để thực hiện mệnh lệnh yêu thương của Thầy
Chí Thánh Giêsu!
THỨ SÁU TUẦN
THÁNH
Tại sao Thứ Sáu Tuần
Thánh tốt lành? Thứ Sáu là ngày Chúa Giêsu bị đóng đinh, vậy tại sao là tốt
lành?
Đây là vấn đề gây “rối
trí” không chỉ đối với trẻ em mà cả nhiều người lớn. Chúng ta không nói Thứ Sáu
Tuần Thánh là tốt, vì đó là ngày Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá. Làm sao Thứ
Sáu Tuần Thánh có thể là tốt khi mà chính tội lỗi chúng ta đã giết chết Thiên
Chúa?
Nhưng Thứ Sáu Tuần Thánh
tốt lành vì Đức Kitô, qua cái chết của Ngài, đã tỏ lòng thương xót bao la đối với
nhân loại, và đã cứu chuộc chúng ta. Tốt lành ở đây có nghĩa là thánh, Thứ Sáu
Tuần Thánh là ngày thánh và quan trọng đối với các Kitô hữu Đông phương, cả
Công giáo và Chính thống giáo. Thứ Sáu Tuần Thánh cũng được gọi là ngày thánh
trong ngôn ngữ Rôma.
Anh ngữ gọi Thứ Sáu Tuần
Thánh là Thứ Sáu Tốt Lành – Good Friday. Không rõ nguồn gốc, một số người cho
là do cách nói “God's Friday” (Thứ Sáu của Chúa) mà thành; một số người khác lại
cho là do Đức ngữ là Gute Freitag, chứ không là gốc Anh ngữ. Đôi khi, ngày này
được người Anglo-Saxons gọi là “Thứ Sáu Dài” (Long Friday), trong tiếng Đan Mạch
cũng vậy. Đức ngữ gọi ngày Thứ Sáu Tốt Lành là Karfreitag – nghĩa là Thứ Sáu
Đau Buồn hoặc Thứ Sáu Đau Khổ.
Chẳng ai rõ nguồn gốc,
nhưng lý lẽ thần học rất giống cách diễn tả trong Giáo lý Baltimore: Thứ Sáu Tuần
Thánh là tốt vì chính cái chết của Đức Kitô dẫn tới sự sống lại trong Chúa Nhật
Phục Sinh, đem lại sự sống mới cho những người tin.
Thứ Sáu Tuần Thánh có là
ngày buộc? Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, người Công giáo tưởng niệm sự đóng đinh và
sự chết của Đức Kitô, gọi là Cuộc Khổ Nạn. Người Công giáo được khuyến khích
tham dự nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Đức Kitô vào Thứ Sáu Tuần Thánh để
chuẩn bị đầy đủ cho sự sống lại của Đức Kitô vào Chúa Nhật Phục Sinh, như vậy
Thứ Sáu Tuần Thánh không là ngày buộc. Tuy nhiên, đây lại là ngày buộc ăn chay
và kiêng thịt.
Tháng 7-2007, ĐGH Biển Đức
XVI, trong Tự sắc Summorum Pontificum, đã duy trì Thánh Lễ Latin Truyền Thống
là một trong hai dạng Thánh lễ được duy trì, người ta cho rằng ngài cũng sẽ xem
lại các “Lời Nguyện Trọng Thể” (Solemn Prayers) dùng trong Thứ Sáu Tuần Thánh.
Các lời nguyện này cầu cho Giáo hội và mọi người Công giáo, rồi cầu cho các
Kitô hữu ngoài Công giáo, cầu cho người Do Thái, và cuối cùng cầu cho người ngoại
giáo.
Các lời nguyện khác nhau
nhưng có điểm chung: Nhận biết Đức Kitô, qua cái chết và sự phục sinh của Ngài,
là Đấng Cứu Độ của nhân loại. Do đó, các lời cầu xin cho người Công giáo mạnh mẽ
trong đức tin, các Kitô hữu ngoài Công giáo trở về hiệp nhất trong đức tin Công
giáo, người Do Thái và ngoại giáo nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa cứu độ họ.
Nói cách khác, hy vọng mọi người được cứu độ nhờ tin vào Đức Kitô.
Thứ Hai, ngày 4-2-2008,
Thư ký Tòa thánh thông báo rằng cựu giáo hoàng Biển Đức đã xem lại lời nguyện
này, và bản chỉnh sửa được dùng trong nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh theo sách lễ
truyền thống là Sách Lễ Rôma (Missale Romanum) xuất bản năm 1962.
Trong thư gởi Giáo đoàn
Rôma, Thánh Phaolô viết: “Nếu bạn vốn là cành của cây ôliu dại, mà còn được chặt
đi và tháp vào cây ôliu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những
cành của cây ôliu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ. Thưa anh em,
tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình
là khôn, đó là: một phần dân Israel đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại
gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Israel sẽ được cứu độ, như có lời chép: Từ
núi Sion, vị Cứu Tinh sẽ đến, Người sẽ loại bỏ những điều vô đạo khỏi nhà
Giacóp.” (Rm 11:24-26)
Theo Thánh Phaolô, Ơn Cứu
Độ chỉ đến từ Đức Kitô, do đó, bác ái Kitô giáo đòi buộc chúng ta cầu nguyện
cho mọi người cùng trở lại. Sẽ là sai nếu chúng ta tin Đức Kitô là Đấng cứu chuộc
nhân loại mà lại loại trừ người Do Thái. Chúa Giêsu đã vì mọi người mà chịu chết
để cứu độ mọi người tin vào Ngài.
THỨ BẢY TUẦN
THÁNH
Thứ Bảy Tuần Thánh là
ngày cuối cùng của Mùa Chay, của Tuần Thánh, và của Tam Nhật Vượt Qua, ngay trước
Đại lễ Phục Sinh. Thứ Bảy Tuần Thánh đang tròng thời gian tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn
và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô, và chuẩn bị việc Ngài phục sinh.
Cũng được gọi là Vọng Phục
Sinh (đúng ra là đêm Thứ Bảy Tuần Thánh), Thứ Bảy Tuần Thánh có một lịch sử dài
và thay đổi. Bách khoa Công giáo ghi: “Thời Giáo hội sơ khai, đây là Thứ Bảy
duy nhất phải ăn chay.” Ăn chay là dấu hiệu sám hối, vì vào Thứ Sáu Tuần Thánh,
Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta bằng Giá Máu của Ngài. Như vậy, từ nhiều thế kỷ
qua, các Kitô hữu đã coi Thứ Bảy và Chúa Nhật (ngày Chúa Giêsu phục sinh) là những
ngày cấm ăn chay. Cách thực hành này vẫn có trong luật mùa Chay của các Giáo hội
Công giáo Đông phương và Chính thống giáo Đông phương, giảm nhẹ việc ăn chay
vào các Thứ Bảy và Chúa Nhật.
Thế kỷ II, các Kitô hữu bắt
đầu ăn chay toàn phần (không ăn bất kỳ thứ gì) suốt 40 giờ trước lễ Phục Sinh,
nghĩa là trọn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày ăn chay.
Cũng như vào Thứ Sáu Tuần
Thánh, không có Thánh lễ trong ngày Thứ bảy Tuần Thánh. Lễ Vọng Phục Sinh diễn
ra sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, đúng là thuộc về Chúa Nhật Phục
Sinh, vì theo phụng vụ, mỗi ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn của ngày hôm trước.
Đó là lý do mà dự lễ vọng đêm Thứ Bảy có thể đã giữ trọn luật dự lễ Chúa Nhật.
Khác là vào ngày Thứ Sáu, rước lễ khi tham dự phụng vụ buổi chiều tưởng niệm Cuộc
Khổ Nạn của Đức Kitô, vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh thì Thánh Thể chỉ được trao
có các tín hữu như “của ăn đàng” (viaticum) – nghĩa là trong trường hợp nguy tử.
Thời Giáo hội sơ khai,
các tín hữu họp nhau vào chiều Thứ Bảy Tuần Thánh để cầu nguyện và rửa tội cho
các tân tòng – đã trải qua mùa Chay để chuẩn bị được đón nhận vào Giáo hội.
Theo Bách khoa Công giáo, thời Giáo hội sơ khai, Thứ Bảy Tuần Thánh và vọng lễ
Ngũ Tuần (Pentecost) là những ngày duy nhất có thể rửa tội cho tân tòng. Thời
gian vọng này kéo dài cả đêm tới sáng Chúa Nhật Phục Sinh, khi bài Alleluia được
hát lần đầu tiên kể từ đầu mùa Chay, và các tín hữu – kể cả những người mới được
rửa tội – kết thúc 40 giờ ăn chay (nhịn mọi thứ) bằng việc rước lễ.
Thời Trung Cổ, khoảng đầu
thế kỷ VIII, các nghi thức Vọng Phục Sinh, nhất là làm phép lửa mới và thắp Nến
Phục Sinh, được áp dụng từ rất sớm. Cuối cùng, các nghi thức này được cử hành
vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh. Cả ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, trước đây là ngày than
khóc Chúa Giêsu chịu đóng đinh và mong đợi Ngài sống lại, ngày nay chỉ còn là
việc tham dự Đêm Vọng Phục Sinh.
Với cải cách phụng vụ Tuần
Thánh năm 1956, các nghi thức này trở thành chính Lễ Vọng Phục Sinh (nghĩa là
Thánh Lễ được cử hành sau khi mặt trời lặn ngày Thứ Bảy Tuần Thánh), và như vậy
là tính chất nguyên thủy của Thứ Bảy Tuần Thánh được phục hồi.
Tới khi có bản sửa đổi luật
ăn chay và kiêng thịt năm 1969, việc ăn chay và kiêng thịt nghiêm ngặt tiếp tục
được giữ vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, điều đó nhắc các tín hữu nhớ tới bản chất
u sầu của ngày này và chuẩn bị vui mừng đón Lễ Phục Sinh. Ăn chay và kiêng thịt
không còn bắt buộc vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh, nhưng việc thực hành các luật
Mùa Chay vẫn là cách tốt để cử hành những ngày thánh này.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét