Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Cách xông hơi không cần trùm chăn


Cách  xông  hơi  không  cần  trùm  chăn

Thứ hai, 25/4/2022, VnExpress

Thay vì phủ chăn trùm kín và nồi nước nóng để xông hơi có thể gây bỏng, người nhà dùng đèn tinh dầu trong phòng kín, hoặc ăn cháo giải cảm ra mồ hôi...

Xông hơi là phương pháp phòng - trị bệnh theo Đông y, mồ hôi trong cơ thể sẽ thoát ra ngoài, cũng là cách để đẩy các khí độc gây bệnh ra khỏi cơ thể. Các loại thảo dược dùng để xông hơi đều chứa tinh dầu có tính kháng khuẩn, kháng viêm, giúp tinh thần thư giãn, thoải mái (yếu tố quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng), đưa vào cơ thể những chất kháng khuẩn tự nhiên. Xông hơi giúp trẻ tăng đề kháng phòng bệnh, trong đó có Covid-19.

Phương pháp truyền thống đặt nồi xông bên cạnh người, phủ chăn trùm kín cả người và nồi để xông. Phương pháp này vô cùng nguy hiểm khi thực hiện với trẻ nhỏ và người già do dễ va chạm hay đổ nồi nước nóng gây bỏng. Phụ huynh có thể tham khảo những gợi ý xông hơi một cách tự nhiên và lựa chọn phù hợp với độ tuổi, đặc điểm cụ thể của từng trẻ.

Mở cửa nhà đón nắng

Điều đầu tiên để phòng ngừa Covid, các bệnh lý về hô hấp, bệnh ngoài da là cần giữ cho không khí trong nhà được thông thoáng, trong lành bằng cách lau dọn nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ, mở cửa để đón nắng vào nhà, tránh sử dụng máy lạnh thường xuyên.

Thiết bị xông chuyên biệt

Nếu có điều kiện nên sắm một bộ thiết bị xông hơi với nồi xông riêng biệt ở bên ngoài lều xông. Lúc này, trẻ trên ba tuổi có thể xông hơi dưới sự giám sát của người lớn. Lưu ý, niêm mạc và làn da của trẻ khá nhạy cảm và mong manh, cần điều chỉnh mức độ nồi xông phù hợp với độ tuổi. Không để trẻ tiếp xúc quá gần vị trí ống dẫn hơi vào lều. Trẻ quá hiếu động, khó kiểm soát thì không nên dùng phương pháp này.

Xông bằng đèn, máy xông

Trẻ dưới ba tuổi chỉ nên dùng đèn xông tinh dầu trong phòng kín, hoặc cho tinh dầu vào máy tạo độ ẩm để khuyếch tán trong không khí mà bé hít thở. Tất cả vật dụng này đều cần được đặt ở các nơi xa tầm tay của bé. Loại tinh dầu sử dụng an toàn hơn cho trẻ dưới ba tuổi là dầu khuynh diệp, đảm bảo là tinh dầu nguyên chất thiên nhiên, không pha tạp và không phải hóa chất tổng hợp. Ngoài ra, nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé mỗi ngày.

Xông hơi từ bên trong bằng món cháo thuốc

Lá tía tô, hành lá, một lát gừng, nhánh tỏi xay hoặc giã nhuyễn, lọc lấy nước hoặc thái nhỏ (nếu bé biết ăn), cho vào tô cùng lòng đỏ trứng gà, đánh đều lên, thêm ít nước mắm ngon. Nấu cháo thật loãng, gần như là nước cháo, khi cháo đang sôi múc vào tô trứng gia vị này, trộn đều lên, trẻ ăn rồi đắp chăn nằm nghỉ. Lúc này mồ hôi sẽ thoát ra rất nhiều, nên chuẩn bị sẵn khăn khô để lau mồ hôi cho trẻ, tránh thấm ngược vào người. Cách này áp dụng được cho mọi lứa tuổi, trừ trẻ nhũ nhi.

Xông hơi bằng ánh nắng

Trẻ đang bú sữa mẹ, cách tốt nhất là đưa kháng sinh tự nhiên có trong các loại rau gia vị như tía tô, kinh giới, ngải cứu, bạc hà vào chế độ ăn uống của mẹ. Quan trọng không kém là mỗi ngày cần phơi nắng vào buổi sáng cho bé, là cách mẹ và bé "xông hơi" diệt khuẩn bằng ánh mặt trời, bổ sung vitamin D. Chuẩn bị sẵn khăn khô để lau mồ hôi khi tắm nắng. Lưu ý là khu vực sưởi nắng cần tránh gió lùa.

Hít thở sâu

Nấu một số loại thảo dược như bạc hà, kinh giới, tía tô, vỏ quýt, vỏ bưởi, lá bưởi, gừng, sả... để xông trong phòng, xông nhà nhằm giải trừ tà khí. Có thể dùng tinh dầu nguyên chất từ các loại thảo dược này. Trong lúc xông, hãy cùng bé chơi trò tập thở xem bụng ai to hơn, nhằm biến việc hít vào thở ra thật sâu thành một trò chơi có phần thưởng để kích thích trẻ hứng thú tham gia. Như vậy cả nhà vừa tập thở giúp phổi khỏe, vừa hít được tinh dầu đang tỏa ra từ nồi xông. Yếu tố đầu tiên cần phải bảo đảm là nồi xông, dụng cụ xông phải cách xa tầm với của trẻ.

Lưu ý, luôn bổ sung đủ nước trước sau khi xông. Không xông khi đang bị sốt.

Đông y sĩ Mộc Nguyên

Hội Đông y quận Phú Nhuận (TP HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét