Chúa Giêsu
chết khi nào?
(Mon,
29/02/2016 - Trầm
Thiên Thu)
Hằng năm,
chúng ta cử hành Mùa Chay, rồi cử hành Tuần Thánh, đặc biệt là Thứ Sáu Tuần
Thánh kính nhớ Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu, và Đại Lễ Phục Sinh kính mừng Chúa
Giêsu sống lại. Chúng ta biết rằng sự kiện lịch sử này đã xảy ra tại Giêrusalem
hồi thế kỷ I.
Sự kiện
này khiến Chúa Giêsu khác biệt với các thần ngoại giáo trong thần thoại, những
người sống ở đâu và làm gì thì chẳng ai biết. Vậy làm sao chúng ta xác định
thời gian chính xác về việc Chúa Giêsu chịu chết? Có thể chứ. Và đây là các
chứng cớ…
1.
THƯỢNG TẾ CAI-PHA
Các
Phúc Âm cho biết rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh theo chủ mưu xúi bẩy của thượng
tế tên là Cai-pha (Mt 26:3-4, Ga 11:49-53). Các nguồn khác cho biết rằng ông
này là thượng tế từ năm 18 tới năm 36 sau công nguyên, thế nên Chúa Giêsu chịu
chết trong thời gian đó. Nhưng chúng ta còn có thể biết rạch ròi hơn vậy.
2.
TỔNG TRẤN PHONG-XI-Ô PHI-LA-TÔ
Các
Phúc Âm đồng ý rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh theo lệnh của Phong-xi-ô Phi-la-tô
(Mt 27:24-26, Mc 15:15, Lc 23:24, Ga 19:15-16). Các nguồn khác cho biết rằng
khi đó Phi-la-tô làm tổng trấn Giu-đê (năm 26 tới năm 36 sau công nguyên), do
đó chúng ta có thể giảm bớt được vài năm. Nhưng làm sao chúng ta biết đúng ngày
và năm?
3.
SAU NĂM THỨ 15 CỦA TI-BÊ-RI-Ô XÊ-DA
Phúc
Âm theo Thánh Lu-ca cho biết thời gian sứ vụ của Thánh Gioan Tẩy Giả khởi đầu:
Năm thứ 15 triều đại của Tiberiô Xê-da (Lc 3:1-2). Như vậy chúng ta có thời
gian rõ ràng: Năm 29 sau công nguyên.
Cả bốn
Phúc Âm đều mô tả sứ vụ của Đức Kitô bắt đầu sau khi ông Gioan Tẩy Giả bắt đầu
sứ vụ (Mt 3, Mc 1, Lc 3, Ga 1), nghĩa là chúng ta có thể bỏ qua vài năm. Cái
chết của Chúa Giêsu phải ở trong vòng 7 năm: Giữa các năm 29 và 36 sau công
nguyên.
4.
CHÚA GIÊSU CHẾT NGÀY THỨ SÁU
Cả
bốn Phúc Âm đều đồng ý rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh vào ngày Thứ Sáu (Mt 27:62,
Mc 15:42; Lc 23:54; Ga 19:42), ngay trước ngày Sa-bát, ngay trước ngày thứ nhất
trong tuần (Mt 28:1, Mc 16:2, Lc 24:1, Ga 20:1).
Chúng ta
biết đó là Thứ Sáu vì nó được nói tới là “ngày
chuẩn bị” – nghĩa là ngày mà người Do Thái chuẩn bị những gì cần cho ngày
Sa-bát, vì họ không thể làm việc gì vào ngày này. Như vậy, đồ ăn được nấu trước
và chuẩn bị những thứ cần thiết khác.
Bộ sách
Bách Khoa Do Thái nói: Thứ Sáu, trước ngày Sa-bát, gọi là “Ereb Shabbat” (hôm trước ngày Sa-bát). Thuật ngữ “ereb” có hai nghĩa: “chiều tối” và “sự hỗn hợp” (Ex. xii. 38); và “Ereb
Shabbat” bao hàm ngày vào chiều tối khi ngày Sa-bát bắt đầu, hoặc ngày mà
đồ ăn được chuẩn bị cho cả ngày hiện tại và những ngày sau, nghĩa là sau ngày
Sa-bát.
Ý tưởng về
sự chuẩn bị được diễn tả bằng tiếng Hy Lạp là “paraskeué”, do Josephus đưa ra (“Ant.”
xvi. 6, § 2) đối với ngày đó (so sánh với Mc 15:42; Lc 23:54; Mt 27:62; Ga
19:42). Trong Yer. Pesaḥim iv. 1, ngày này được gọi là “Yoma da-'Arubta” (ngày chuẩn bị). Điều đó loại trừ 6 ngày trong
tuần, nhưng vẫn có vài ngày Thứ Sáu khác trong những năm 29 và 36 sau công
nguyên. Làm sao chúng ta có thể biết năm nào?
5.
THỨ SÁU NGÀY LỄ VƯỢT QUA
Các Phúc
Âm cũng đồng ý rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh trùng với Lễ Vượt Qua hằng năm (Mt
26:2, Mc 14:1, Lc 22:1, Ga 18:39). Ở đây chúng ta gặp sự phức tạp, vì các Thánh
Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca đều mô tả Bữa Tiệc Ly vào Thứ Năm Tuần Thánh là bữa
ăn mừng Lễ Vượt Qua (Mt 26:19, Mc 14:14, Lc 22:15). Điều đó cho thấy rằng Thứ
Sáu Tuần Thánh là ngày sau Lễ Vượt Qua.
Tuy nhiên,
khi mô tả buổi sáng Thứ Sáu Tuần Thánh, Thánh Gioan cho biết rằng người Do Thái
chưa ăn Lễ Vượt Qua, họ dẫn độ Chúa Giêsu từ nhà Cai-pha tới dinh của Phi-la-tô
(Praetorium): “Người Do Thái điệu Đức Giêsu từ nhà ông Cai-pha đến dinh tổng
trấn. Lúc đó trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn
Lễ Vượt Qua được. Vì thế, tổng trấn Phi-la-tô ra ngoài gặp họ và hỏi: “Các
người tố cáo ông này về tội gì?” (Ga 18:28-29).
Điều đó
cho thấy rằng Lễ Vượt Qua bắt đầu lúc mặt trời lặn của ngày Thứ Sáu. Có nhiều
cách giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, một số người cho rằng Chúa Giêsu và các
môn đệ dùng lịch khác người Do Thái, và chúng ta biết rằng có những lịch khác
nhau được dùng trong Do Thái giáo hồi thế kỷ I.
Cũng có
thể Chúa Giêsu mừng Lễ Vượt Qua trước với các môn đệ. Nghĩa là họ đã tin
Thầy Giêsu là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa. Nếu Ngài nói: “Chúng ta mừng Lễ
Vượt Qua hôm nay”. Đó là sớm hơn mọi người, vậy cũng như mọi
người. Lưu ý: Ngài có những sửa đổi nghi lễ một chút, như lập Bí tích
Thánh Thể khi đang ăn.
Cũng có
những cách giải quyết khác. Tuy nhiên, dù Chúa Giêsu làm gì, chúng ta vẫn có
thể dựa vào câu nói của Thánh Gioan về những người bắt Chúa Giêsu khi biểu hiện
những gì của người Do Thái hoặc cách thực hành chính của họ: Họ mừng Lễ Vượt
Qua vào thời gian mà chúng ta gọi là chiều tối Thứ Sáu Tuần Thánh.
Chúng ta
có thể giảm bớt thời gian một chút. Đây là những ngày trong những năm 29 và năm
36 có những chiều tối bắt đầu Lễ Vượt Qua:
+
Thứ Hai, 18 tháng 4 năm 29.
+
Thứ Sáu, 7 tháng 4 năm 30.
+
Thứ Ba, ngày 27 tháng 3 năm 31.
+
Thứ Hai, ngày 14 tháng 4 năm 32.
+
Thứ Sáu, 3 tháng 4 năm 33.
+
Thứ Tư, ngày 24 tháng 3 năm 34.
+
Thứ Ba, ngày 12 tháng 4 năm 35.
+
Thứ Bảy, ngày 31 tháng 3 năm 36.
Như vậy,
chúng ta chỉ còn lại 2 Thứ Sáu: Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào ngày 7 tháng 4
năm 30, hoặc ngày 3 tháng 4 năm 33. Vậy ngày nào? Ngày theo truyền thống là
ngày vào năm 33. Có thể có nhiều người ủng hộ ngày của năm 30. Các Phúc Âm nói
gì về 2 năm đó?
6.
BA LỄ VƯỢT QUA
Phúc
Âm theo Thánh Gioan cho biết có 3 Lễ Vượt Qua khác nhau trong thời gian sứ vụ
của Chúa Giêsu:
+ Lễ Vượt Qua 1: Có ghi trong Ga 2:13, gần
đầu thời gian sứ vụ của Chúa Giêsu.
+
Lễ Vượt Qua 2: Có ghi trong Ga 6:4, giữa thời gian sứ vụ của Chúa Giêsu.
+
Lễ Vượt Qua 3: Có ghi trong Ga 11:55 (và thường nhắc tới sau), cuối thời gian
sứ vụ của Chúa Giêsu.
Như vậy,
sứ vụ của Chúa Giêsu phải trong 2 năm đó. Cách đầy đủ hơn cho thấy rằng đó là
khoảng 3 năm rưỡi, nhưng dù chúng ta cho rằng điều đó xảy ra ngay trước Lễ Vượt
Qua 1, thêm vào 2 Lễ Vượt Qua khác, cho thấy rằng sự việc kéo dài tối thiểu
phải hơn 2 năm.
Như vậy
nghĩa là năm 30 đã qua. Không đủ thời gian giữa năm thứ 15 trong triều đại của
Ti-bê-ri-ô Xê-da (năm 29) và Lễ Vượt Qua của năm kế tiếp để hợp với sứ vụ kéo
dài ít nhất là 2 năm. Như vậy, ngày Chúa Giêsu chết theo truyền thống (Thứ Sáu,
ngày 3 tháng 4 năm 33) là chính xác. Có thể chính xác hơn không?
7. GIỜ THỨ CHÍN
Các
Thánh sử Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca đều nói rằng Chúa Giêsu chết vào khoảng “giờ thứ chín” (Mt 27:45-50, Mc
15:34-37, Lc 23:44-46). “Giờ Thứ Chín”
là 3 giờ chiều theo cách tính giờ ngày nay.
Điều
này cho phép chúng ta thu hẹp thời gian Chúa Giêsu chết vào một điểm chính xác
theo lịch sử: Khoảng 3 giờ chiều Thứ Sáu, ngày 3 tháng 4 năm 33 sau công
nguyên.
TRẦM
THIÊN THU
(Chuyển ngữ từ NCRegister.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét