Giuse người công
chính thầm lặng
“Giuse là người công
chính”
(Mt. 1:19). Nhưng sự công chính của ông nằm trong giá trị của hai chữ “âm thầm”. Một sự công chính không lộ
liễu, không khoa trương, và cũng không muốn cho ai biết đến. Và đây cũng là
điều khiến cho chúng ta phải suy nghĩ khi chiêm ngưỡng gương sống và cuộc đời
của người công chính thành Nazareth này.
Ai cũng biết, Giuse là miêu duệ của Đavít, một
vị vua lẫy lừng được ca tụng và nói đến trong Thánh Kinh. Nhưng đến Giuse thì
chỉ còn là “quá khứ”. Giuse nghèo và
phải sinh kế bằng nghề thợ mộc. Một cuộc sống nghèo đến độ sau này khi Chúa
Giêsu ra rao giảng Tin Mừng, ảnh hưởng cái nghèo ấy vẫn còn vận vào Ngài, và
người ta không khó khăn lắm khi nhận ra xuất xứ của Ngài. Họ gọi Ngài là con
ông thợ mộc.
Có lẽ ba vị thuộc Gia Đình Nazareth là Giuse,
Maria và Giuse thì Giuse là người ít nói nhất, thầm lặng nhất. Ít lời và âm
thầm còn hơn cả Đức Maria, người vốn đã được ca tụng là “Amar Mater”, người mẹ tiềm tàng khuất tịch. Thật vậy, tuy được
tiếng là người khuất tịch, tiềm tàng, nhưng Mẹ Maria còn được Thánh Kinh nhắc
đến và còn được ghi lại những lời của Mẹ, ít là trong biến cố Truyền Tin khi
trao đổi với sứ thần Gabriel, trong dịp trẻ Giêsu bị lạc mất trong đền thờ, và
trong tiệc cưới Cana khi Mẹ lên tiếng xin Chúa can thiệp vì rượu gia chủ đã
cạn, và bảo gia nhân làm theo những gì Chúa muốn. Nhưng Giuse thì hoàn toàn
không lên tiếng gì. Đây có phải là cá tính của Ngài không? Ngài có phải là con
người hướng nội không? Có thể là như vậy, vì hầu như trong Thánh Kinh không ghi
lại bất cứ một lời nói nào của Ngài, tuy nhiên lại cho biết Ngài luôn luôn đón
nhận ý muốn của Thiên Chúa qua những giấc chiêm bao, một dấu hiệu cho thấy sinh
hoạt nội tâm của Ngài, cũng như Maria là người luôn ghi nhớ và suy gẫm trong
lòng những biến cố đã xảy đến cho đời mình: “Còn
bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”
(Lc 2:19). Quyết định bỏ Maria trong âm thầm, và đón nhận Maria cũng trong
thinh lặng. Đưa Maria đang mang thai về lại quê quán, tiếp nhận Hài Nhi Giêsu
trong biến cố giáng trần, dâng Giêsu vào Đền Thánh, và đón tiếp ba vị đạo sỹ,
đưa Hài Nhi và mẹ Ngài trốn sang Ai Cập, và trở về lại Nazareth cũng trong âm
thầm, lặng lẽ. Cho đến những năm sau cùng trước khi Giêsu trưởng thành vào đời
công khai rao giảng Tin Mừng, Giuse vẫn là một mẫu người im lặng. Ngay cả cái
chết của Ngài cũng trong âm thầm và cho đến nay cũng chẳng ai biết Ngài qua đời
lúc nào, bao nhiêu tuổi, chết như thế nào và được mai táng ở đâu. Thế mà Thánh
Kinh lại gọi Ngài là người “Công Chính”.
Ngài đã làm gì để được danh hiệu này? Và công chính là gì? Tước hiệu này có
thực sự xứng với Ngài không?
- Công chính: Công bằng và ngay thẳng. (Từ Điển Tiếng Việt,
nhà xuất bản Hồng Đức).
- Justice: 1 The quality of being righteous, rectitude.
2 Impartiality; fairness. 3 The quality of being right and correct. 4. Sound
reason; rightfulness; validity. (Webster’s New World College Dictionary, fourth
edition).
- Công lý (Justice): Một nhân đức luân lý
- là quyết tâm trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả lại
cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân (GLHTCG 1807; x. Tóm lược HĐGH CLHB số
201-203) (Từ Điển Công Giáo. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin
Tiểu Ban Từ Vựng).
Nếu đem ứng dụng những định nghĩa thông thường
trên cho Giuse rồi thêm vào hai chữ “thầm
lặng” thì việc Ngài giữ được tất cả những cái đó trong khiêm tốn, âm thầm
quả thật Ngài chính là “Thánh Cả”.
Ngài chính là người xứng với danh hiệu công chính mà Thánh Kinh đã ban cho
Ngài. Hơn thế nữa là một người công chính thầm lặng.
Theo định nghĩa về công chính, dù nói ra hay
không nói, trong âm thầm Giuse đã “trả
lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Những thứ đó bao gồm vinh
quang, danh dự và uy quyền của một người chồng, người cha, và gia trưởng của
Gia Đình Nazareth. Trong thâm tâm với ý thức trách nhiệm, hẳn Ngài biết rõ mình
là ai, và Ngài đang nắm giữ những nhiệm vụ nào trong dự án cứu độ của Thiên
Chúa. Thế những qua hành động, Ngài đã đặt tất cả những thứ ấy trong quan
phòng, và vâng theo ý Chúa. Chúa bảo Ngài: “Giuse,
Con Vua Đavít đừng ngần ngại nhận Maria về làm vợ” (Mt 1:20). Và Ngài đã
làm như vậy, mặc dù lý do mà Ngài muốn từ chối ngay phút đầu quyền ấy là vì “Maria mang thai theo Chúa Thánh Thần”
(Mt 1:20) mà Ngài không hề biết. Ngài cũng đã âm thầm bỏ ý riêng của mình về
Belem với người vợ có thai của mình, và ở đây Chúa Cứu Thế đã giáng sinh làm
người (x. Lc 2:1-7). Rồi lại đem Hài Nhi và mẹ Ngài sang Ai Cập và từ Ai Cập về
lại Nazareth (x Mt 2:13-23).
Một người không thực thi ý Chúa và tìm ý Ngài
thì ta thử hỏi Giuse đã làm gì khi Ba Vua đến triều bái Chúa Hài Đồng? Phải là
người khiêm tốn lắm, tìm vinh danh Chúa lắm. Thánh Kinh ghi lại cảnh ba nhà đão
sỹ đến Belem, người đầu tiên mà họ thấy là Hài Nhi và mẹ (x Mt 2:9-11). Câu hỏi
ở đây, vậy Giuse ở đâu, làm gì trong những biến cố này….
Ở đây chúng ta mới thấy cái im lặng của Giuse
là sự im lặng của một tâm hồn cao cả và thánh thiện, một hình thức “im lặng là vàng” đúng nghĩa. Giuse im
lặng không vì tự ái, muốn cho ai đó khen mình. Ngài im lặng cũng không vì miễn
cưỡng vì không được dịp nói lên tiếng nói của mình. Một sự im lặng đầy tích cực
với tâm hồn thanh thản và hoàn toàn phó thác. Ở đây, sự công chính của Ngài là
“trả lại cho tha nhân những gì thuộc về
tha nhân” sau khi đã “trả lại cho
Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”. Hơn ai hết, Giuse biết rất rõ
Giêsu là Con Thiên Chúa chứ không phải là “con”
của mình. Đức Maria là “vợ đồng trinh”
của mình, nhưng người vợ ấy đang mang một trọng trách được Thiên Chúa trao phó
là trở nên mẹ Đấng Cứu Thế. Và vì vậy những hào quan vinh hiển trong vai trò
làm chồng, làm cha của Ngài thuộc về Giêsu, thuộc về Maria chứ không phải của
Ngài và thuộc về Ngài. Không phải là một người cha hờ, một người chồng hờ,
nhưng cái giá trị đúng nhất của những vai trò ấy là làm theo ý của Thiên Chúa.
Sống như vậy là sống công bằng và ngay thẳng với mình và với người khác.
Tinh thần của Giuse, do đó, là một thách đố
cho những ai tự cho mình xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được ca
ngợi. Nó nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng là một đòi hỏi rất lớn lao đối với
cái tôi và tự ái cá nhân. Bỏ được cái tôi to lớn của mỗi người, quên mình để
sẵn sàng đề cao giá trị của người khác là một hành động không hề dễ dàng. Càng
khó khăn hơn khi mình có tất cả những yếu tố để được lãnh lấy những vinh dự mà
vẫn âm thầm, khiêm tốn.
Tâm lý thường tình, người không có địa vị,
không có kiến thức, không có khả năng mà còn muốn nhoi mình lên, cố làm mọi cách
để chiếm cho mình một chỗ đứng trong xã hội, một tí danh xưng hão huyền, và một
tí hào quang vay mượn. Như vậy, người có thực quyền, hiểu biết đầy đủ, và có
khả năng được xưng tụng và tôn vinh, nay âm thầm, khiêm tốn sống trong sự đơn
sơ, nghèo nàn, và ẩn khuất giữa mọi người, người ấy phải là đấng thánh, cao cả,
và rất đáng kính. Chúa Giêsu đã có lần tuyên bố, người ta đánh giá trị nhau dựa
theo hình dáng, cung cách và địa vị bên ngoài, nhưng Thiên Chúa thì nhìn thấy
tận thâm tâm, và Ngài thấu rõ lòng dạ mỗi người.
Ca tụng những nhân đức anh hùng và đời sống
chứng nhân của Thánh Giuse, thực ra chẳng thêm bớt gì cho Ngài, vì giờ đây Ngài
đang ngự trong vinh hiển Thiên Chúa ban cho Ngài. Nhưng nhìn nhận và khám phá
ra những nhân đức ấy để đem vào đời sống của mỗi cá nhân là điều làm lợi cho
chính mỗi cá nhân ấy, và dĩ nhiên, làm cho Ngài được hài lòng. Khi sống trên
cõi đời này, mọi việc Ngài làm cũng chỉ là tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, vậy
nay có ai đó bắt chước gương sống của Ngài để Chúa được tôn vinh, chắc chắn
Ngài sẽ rất vui mừng.
Lạy
Thánh Cả Giuse, xin cầu cho chúng con đang phải chiến đấu trong cuộc đời này để
tìm vinh danh Chúa và để sống một đời sống thánh thiện như Chúa muốn. Xin Ngài
nâng đỡ và phù giúp chúng con biết theo gương Ngài, âm thầm nhưng quảng đại và
sốt sắng hoàn tất những gì Chúa muốn, Chúa trao vào tay chúng con, như xưa Ngài
đã hoàn tất mỹ mãn việc nâng đỡ, bao bọc, và nuôi dưỡng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh
Ngài.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét