XÁC TÍN
( Chúa Nhật Phục Sinh )
Tử Thần thua cuộc đành khuất phục
Con Chúa phục sinh giữa
vinh quang
Tin là diễm phúc, xác tín là đại phúc. Chúng ta là hậu
sinh nhưng lại thực sự diễm phúc vì đã được biết rõ là Đức Kitô Giêsu đã sống
lại vinh quang, chứ không bán tín bán nghi như những người thời Chúa Giêsu.
Thật vậy, nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chỉ là hoang
đường!
Vâng, Con Thiên Chúa đã chiến thắng Tử Thần và phục sinh
khải hoàn. Vì vậy, chúng ta không thể trì hoãn cái sự sung sướng này được, mà
phải cùng nhau hân hoan hợp xướng: “ALLELUIA!”.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải cố gắng thực hiện trọng trách: “Anh em phải
cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham
muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí Chúa đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc
lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để
thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4:22-24).
Ánh sáng Phục sinh đang chiếu tỏa chói ngời trên mỗi
chúng ta, trên cả thế gian này. Chúng ta vô cùng vui mừng vì Đức Kitô đã sống
lại thật và lòng chúng ta đầy tin tưởng nhờ Lời Chúa đã động viên: “Đừng sợ!
Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn
thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18).
Đức Kitô đã
sống lại thật. Đó là một sự thật minh nhiên, thật hơn cả sự thật, không thể
chối cãi, lịch sử và khoa khảo cổ đã cho thấy nhiều chứng cớ về những gì liên
quan Chúa Giêsu, chứng tỏ rằng thực sự có một Ông Giêsu bị đóng đinh, được mai
táng và đã sống lại – dù sự thật này bị một số người bóp méo, vì họ cố chấp
hoặc vô thần.
Đã và đang có
các nhân chứng ở khắp nơi, điển hình nhất là ông Phêrô. Kinh Thánh cho biết: “Một
hôm, tại nhà ông Co-nê-li-ô, ông Phêrô lên tiếng: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên
Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở
lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv
10:34-35). Chúng ta cũng nên nhớ rằng Kinh Thánh là bộ sách được dịch ra
nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, và được bán chạy nhất thế giới, ước tính
mỗi năm có thêm 100 triệu bản (*). Điều đó chứng tỏ rằng Kinh Thánh nói những
điều có thật, chứ không hư cấu hoặc bịa đặt như một số người cố chấp.
Sau khi sám hối vì chối Thầy ngay lúc dầu sôi lửa bỏng
nhất, ông Phêrô đã xác tín và can đảm nó sự thật: “Quả thật, tôi biết rõ
Thiên Chúa không thiên vị người nào” (Cv 10:34). Đó là điều chắc
chắn, và không loại trừ ai, vì mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa.
Không ai có thể cậy quyền ỷ thế hoặc ảo tưởng mạo nhận là mình “ngon” hơn người khác!
Khi nói về Sư Phụ Giêsu, ông Phêrô đã giải thích rạch ròi
từng chi tiết: “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh
Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân
giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên
Chúa ở với Ngài” (Cv 10:37-38). Sau khi lỡ chối bỏ Sư Phụ mình vì khiếp
nhược và nhận biết sự thông cảm của Sư Phụ Giêsu khi Ngài quay lại nhìn mình
(x. Lc 22:61), ông Phêrô “thót tim”
khi thấy ánh mắt ấy “rất lạ”, vừa
nhân từ vừa trách móc, nhẹ nhàng mà có sức xoáy vào sâu vào lòng người, nên ông
đã “khóc hết nước mắt” (x. Lc 22:62),
không chỉ hối hận mà còn tự xấu hổ, vì vừa mới chịu chức thánh xong (x. Ga
21:15-17) mà đã phản bội ngay, chính Thầy cho biết trước mà vẫn không tránh
được. Thật khốn nạn!
Vô tri bất mộ. Biết rồi thì không thể lặng im. Và khi
biết rõ Thầy Giêsu đã thực sự sống lại, ông Phêrô mạnh dạn nói một lèo, nói như
chưa bao giờ được nói: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Ngài đã
làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Ngài lên cây
gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Ngài trỗi dậy, và cho Ngài
xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng
nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn
cùng uống với Ngài, sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. Ngài truyền cho chúng
tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Ngài là Đấng
Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ
đều làm chứng về Ngài và nói rằng phàm ai tin vào Ngài thì sẽ nhờ danh Ngài mà
được ơn tha tội” (Cv 10:39-43).
Trước đây, một Phêrô-năng-động-và-thẳng-tính (trước mặt
đám côn đồ mà ông dám rút gươm chém đứt tai một người đầy tớ thầy thượng tế –
Ga 18:10) đã biến thành một Phêrô-khiếp-nhược. Nhưng sau khi Chúa Giêsu phục
sinh, một Phêrô-nhát-đảm đã biến thành một Phêrô-can-đảm, lại dám nói thẳng nói
thật như xưa. Đó là tác động của Chúa Thánh Thần!
Chúng ta cũng vậy, cũng đã bao phen “chối” Chúa và “bán” Chúa
không văn tự. Nếu không tin thì cứ “sờ
gáy” và thật lòng xét mình kỹ lưỡng mà xem: Mỗi lần phạm tội là mỗi lần
chối Chúa, mỗi lần lườm nguýt tha nhân là liếc xéo Chúa, vân vân và vân vân...
Vô kể! Nhưng dù chúng ta có dã tâm với Ngài thì Ngài vẫn cho đó là “chuyện nhỏ”, và Ngài sẵn sàng “cho qua” hết. Vì thế, chúng ta hãy can
đảm và tin tưởng mời gọi người khác cùng xưng tụng Ngài: “Hãy tạ ơn Chúa vì
Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:1). Cả Thánh
vịnh 136 cũng lặp đi lặp lại 26 lần điệp khúc: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn
tình thương”. Chúng ta tin tưởng và đoan hứa: “Tôi không phải chết,
nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm” (Tv 118:21). Tại
sao? Vì:
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
Lại trở nên đá tảng góc tường
Đó chính là công trình của Chúa
Một công trình kỳ diệu vô thường
(Tv 118:22-23)
Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Anh em không biết rằng chỉ
một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ
để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men” (1 Cr 5:6-7). Thật không
dễ khi phải bỏ một thói quen cũ mà xấu, để sống theo một thói quen mới mà tốt.
Muốn được vậy, người ta phải cố gắng rất nhiều và cố gắng không ngừng.
Thiên Chúa Ngôi Hai, Đức Kitô Giêsu, đã phục sinh, vì thế
mà chúng ta cũng được sống lại và phải sống lại với Ngài. Thánh Phaolô minh
định thêm: “Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của
chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng
hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1
Cr 5:8). Phải có đức tin mới khả dĩ thực hiện như vậy.
Người-môn-đệ-Chúa-yêu (tức là nhân chứng Gioan tông đồ)
đã tường thuật: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria
Mađalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông
Simôn Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến.
Bà Maria Mađalêna hốt hoảng thông báo: “Người ta đã
đem Chúa đi khỏi mộ, chúng tôi chẳng biết họ để Ngài ở đâu” (Ga 20:2). Vì quá
sợ bọn thủ ác mà ai cũng quên khuấy những gì Thầy mình nói trước. Nghe vậy, ông
Phêrô và Gioan liền tức tốc đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng Gioan trẻ
hơn nên chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy
những băng vải còn ở đó, nhưng không vào, vì lịch sự và vì “kính lão đắc thọ”.
Kẻ trước, người sau, rồi ông Phêrô cũng đến nơi. Kính lão
đắc thọ. Ông Phêrô đến sau nhưng vào trước, vào thẳng trong mộ. Ông thấy những
băng vải để và khăn che đầu Đức Giêsu có ở đó. Khăn che đầu không để lẫn với
các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ Gioan mới bước vào
sau. Ông “đã thấy và đã tin” (Ga
20:8). THẤY và TIN là hai động từ quan trọng. Thấy rồi, liệu có đủ lòng tin?
Nếu THẤY và TIN rồi thì phải có bổn phận LAM CHỨNG. Một quy trình hợp lý!
Theo Kinh Thánh cho biết, Đức Giêsu PHẢI trỗi dậy từ cõi
chết. Nhưng trước đó, cả Phêrô và Gioan cũng chưa hiểu (x. Ga 20:9), dù cả hai
ông đều là những đệ tử ruột của Chúa Giêsu. Thế nên người thời nay, kể cả chúng
ta, không thấy thì rất khó tin. Chúng ta không thấy Chúa Giêsu, nhưng chúng ta
có thể thấy những nhân chứng can đảm suốt đời sống và chết vì niềm tin vào Đức
Kitô. Vả lại, chính Chúa Giêsu đã xác định: “Phúc thay những người không
thấy mà tin!” (Ga 20:29). Phần còn lại là có xác tín hay không, và đó là
phần của mỗi chúng ta.
Xin được nhắc lại lời của Thánh nữ Bernadette (1844-1879,
người được Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức): “Người tin thì không cần giải thích,
người không tin thì có giải thích cũng vô ích!”.
Lạy Thiên Chúa chí thánh và toàn năng hằng hữu,
xin Ngài ban thêm đức tin cho chúng con và xin giúp chúng con sống trọn niềm
vui phục sinh ngay trên cuộc lữ hành trần gian này, đồng thời giúp chúng con
can đảm làm chứng nhân của Ngài suốt cuộc đời này, mọi nơi và mọi lúc, qua từng
nhịp thở. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu
độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Trong hơn nửa thế kỷ qua, Kinh Thánh là cuốn sách đứng đầu trong
10 cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới: [1] Kinh Thánh (3,9 tỷ
bản), [2] Các Trích Dẫn từ Mao Trạch Đông (820 triệu bản), [3] Harry Potter
(400 triệu bản), [4] Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn (103 triệu bản), [5] Nhà Giả
Kim: 65 triệu bản, [6] Mật Mã Da Vinci (57 triệu bản), [7] Bộ truyện Chạng Vạng
(43 triệu bản), [8] Cuốn Theo Chiều Gió (33 triệu bản), [9] Suy Nghĩ và Làm
Giàu (30 triệu bản), [10] Nhật Ký của Anne Frank (27 triệu bản). Kinh Thánh là
cuốn sách cổ xưa nhất nhưng lại có tỷ lệ “vượt trội” hơn các sách khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét