Theo Chúa Giê-su
bước vào cuộc thương khó
(Thứ
hai - 21/03/2016- ĐGM GB Bùi Tuần)
1. Trước khi bước vào cuộc thương khó,
Chúa Giêsu đã cầu nguyện tại vườn Cây Dầu. Phúc Âm thánh Luca kể:
“Chúa Giêsu quỳ gối cầu nguyện rằng:
‘Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm
theo ý con, mà xin theo ý Cha’.
Bấy giờ có thiên thần từ trời hiện
đến thêm sức cho Người.
Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên
càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống
đất” (Lc 22,41-44).
2. Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên đây, tôi
thấy Chúa muốn dạy tôi nhiều điều quan trọng về truyền giáo. Điều
quan trọng nhất là phải truyền giáo cho chính tôi. Tôi sẽ không là
người truyền giáo do khả năng làm, mà là do tôi phải là người
thực sự vâng theo ý Chúa.
3. Tôi nhìn thấy Chúa Giêsu.
Lúc đó
Người đang hoạt động mạnh: Đi nhiều nơi. Giảng nhiều bài. Làm nhiều phép lạ.
Tiếp xúc với đủ hạng người. Nói tiên tri. Từ quỷ. Được khen. Được dân chúng tìm
đến.
Đang hoạt
động thành công, không gì cản nổi, thì đột nhiên Chúa Giêsu tuyên bố:
“Giờ đây, Con Người được tôn vinh và
Thiên Chúa cũng được tôn vinh với Người”(Ga 13,31).
Chúa Giêsu
nói thế khi Người thấy thời gian dành cho hoạt động đã gần hết, để bước vào
thời gian sẽ nộp mình để chịu muôn vàn đau đớn cho tới cái chết nhục nhã trên
thánh giá, theo ý Chúa Cha.
Rõ ràng,
Chúa Giêsu biết đó là được tôn vinh. Thế nhưng khi sắp bước vào con đường thánh
giá, Người đã rất sợ. Người muốn xin Chúa Cha miễn cho Người “chén
đắng” đó. Người cũng biết rõ chính nhờ thánh giá Người sắp phải vác và
bị treo lên, mới là của lễ đền tội cứu chuộc cho nhiều người. Biết thế, nhưng
Người vẫn sợ đau khổ của thánh giá. Nỗi sợ đó không làm cho Người bực mình với
những kẻ tội lỗi.
4. Những gì đã xảy ra cho Chúa Giêsu xưa tại vườn
Cây Dầu cũng đã và đang xảy ra phần nào cho tôi từ ít lâu nay và ngay chính lúc
này. Phần nào nói đây là phần rất nhỏ.
Cái sợ
trong tôi, tuy chưa đến nỗi làm toát mồ hôi máu ra như Chúa Giêsu, nó cũng được
tôi cảm thấy là rất khủng khiếp.
Cái sợ
khủng khiếp đó làm tôi rơi vào cảnh cô đơn hãi hùng. Chúa dạy tôi hãy sống cảnh
sợ hãi đó như vác một thứ thánh giá, mà chính Chúa Giêsu xưa đã vác và đi trước
tôi. Cũng nhờ kinh nghiệm đó tôi biết thương cảm với các môn đệ Chúa đang sống
xung quanh tôi.
5. Khi tôi
cầu nguyện với Chúa và xin vâng phục ý Chúa, tôi vẫn còn sợ, nhưng tôi được
hạnh phúc, một thứ hạnh phúc có sức an ủi rất nhiều.
Như Chúa
Giêsu xưa trong khi sợ hãi mà cầu nguyện, đã được thiên thần hiện đến ủi an và
thêm sức cho, thì tôi cũng được phần nào như thế. Được ủi an từ nhiều phía và
bằng nhiều cách. Chứng tỏ rằng: Người môn đệ Chúa trên đường vác thập giá mà sợ
hãi, và được thêm sức nhờ được nâng đỡ ủi an, thì đó chính là sự khiêm nhường,
một điều rất cần trong chương trình cứu độ.
6. Với
kinh nghiệm trên đây, tôi được Chúa cho thấy sự thực này: Người truyền giáo
muốn thực sự theo Chúa để cứu các linh hồn, sẽ cảm thấy trong mình hai lực
lượng vô hình xung khắc nhau.
Một bên là
khuynh hướng thích bám vào hoạt động với những thành công, gây thanh thế, thích
tự hào với vẻ dấn thân với những kết án bên này, tố cáo bên kia, thích thắng
thế với những thành tích con số bề ngoài. Khuynh hướng này dễ pha nhiều chất
kiêu ngạo.
Một bên là
khuynh hướng thích ở trong Chúa với những vâng phục thánh ý âm thầm, thích phục
vụ với những thánh giá thấm đậm khiêm nhường, tha thứ và yêu thương, thích chôn
vùi mình là của lễ với những việc như hạt lúa thối đi dưới bùn đất. Khuynh
hướng này ẩn tàng hương thơm khiêm nhường.
Hai khuynh
hướng vô hình trên đây đều mạnh. Phải nhờ ơn Chúa, khuynh hướng thứ hai
mới trở thành sức mạnh truyền giáo có sức gieo hạt giống Nước Trời là
tình yêu vào những nơi và những người mà tôi được cùng chung sống hôm nay.
7. Tôi xác
tín là phải nhờ ơn Chúa, thì khuynh hướng thứ hai trong chính
trong tôi mới thực sự có sức đổi mới được con người cũ của tôi.
Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh báo là quỷ Satan, kẻ thù độc ác, luôn tìm cách
gieo cỏ lồng vực vào ruộng lúa tốt. Quỷ Satan cũng đang làm chuyện đó. Bởi vì
hiện nay không thiếu người được quỷ Satan dùng để gieo vào Hội Thánh sự kiêu
căng trong nhiều hình thức đạo đức.
8. Hãy
khiêm nhường và hãy khiêm nhường. Tôi nghĩ tới sự khiêm nhường của Đức
Mẹ.
Suốt đời
Mẹ là lời “Xin vâng”. Xin vâng của Mẹ là để Chúa làm.
Điều mà Mẹ
dạy tôi nhiều hơn hết là tôi hãy biết sợ cái tôi kiêu ngạo trong tôi.
Điều mà Mẹ
dạy tôi hãy làm trong giờ hấp hối là hãy khiêm tốn xin Chúa xót thương, chứ
không hề dám cậy vào công phúc nào của tôi cả.
Điều mà Mẹ
dạy tôi hãy làm hằng ngày suốt đời cũng là hãy khiêm tốn xin Chúa xót
thương, chứ không dám cậy dựa chút nào vào những thành tích gọi là tốt
lành của tôi, nếu có.
9. Không
hiểu tại sao, thời gian này, tôi hay nghĩ tới Đức Thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II và Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.
Có thể là
thời gian này tôi đang suy yếu về mọi mặt. Trong đau đớn, tôi tìm đến hai người
bạn thánh của tôi. Tôi tìm đến các ngài, như trước đây tôi vẫn tìm đến các
ngài, khi các ngài còn tại thế.
Tôi nhớ
lại một điều, mà hai người bạn thánh đã in vào lòng tôi, đó là: Cuộc
đời người môn đệ Chúa, tuy đầy khổ đau, nhưng cũng vẫn được ủi an và hạnh phúc,
khi biết khiêm nhường cậy tin vào lòng thương xót Chúa, theo gương Đức Mẹ, để
góp phần vào việc cứu các linh hồn, nhờ mầu nhiệm thập giá.
10. Chút
chia sẻ trên đây được viết ra như một lời cảm tạ dâng lên Chúa và Mẹ Maria.
Nó cũng là
một lời nhớ ơn gởi tới tất cả mọi người đã đỡ nâng tôi.
Nó cũng là
một nốt nhạc nhỏ trong bài ca “vinh dự của chúng ta là thập giá Đức
Kitô”.
Nó cũng là
một lời cầu nguyện, xin Chúa không ngừng cứu tôi khỏi tính kiêu căng, để biết
vâng phục ý Chúa trong công cuộc Chúa cứu con người tại Việt Nam hôm nay.
Lạy Chúa,
xin đừng bỏ con. Con xin phó dâng linh hồn con trong tình yêu thương xót của
Chúa.
Long
Xuyên, ngày 14.3.2016
ĐGM GB Bùi Tuần
ĐGM GB Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét