Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

CHÚA GIÊSU NGÃ BA LẦN




CHÚA  GIÊSU  NGà BA  LẦN
(Tue, 08/03/2016 -Trầm Thiên Thu)

 
Giống như Chúa Giêsu, chúng ta cũng bị kết án chịu đau khổ và phải chết vì tội. Chúa Giêsu vô tội nhưng tự nguyện; còn chúng ta, chúng ta miễn cưỡng và phạm tội.

Nếu chúng ta chịu đau khổ miễn cưỡng như các tội nhân, chúng ta sẽ chết như các tử tội. Nếu chúng ta học cách chịu đau khổ như Đức Kitô, can đảm theo Ngài, chúng ta sẽ chịu đau khổ và chết như Ngài, có công trạng và chiến thắng, cái chết cứu độ đó đem lại sự sống cho chính mình và tha nhân.

Nếu cái chết của Đức Kitô là gương mẫu và chiến thắng của chúng ta, nếu khoảnh khắc chiến thắng cuối cùng đó là chiến thắng cuối cùng của chúng ta, thì những lần Chúa Giêsu ngã xuống đất trên con đường Thập Giá, những lúc thất vọng nhất trên con đường lên Đồi Sọ, sẽ trở nên sự động viên chúng ta đối mặt với những chướng ngại vật của cuộc đời này.

Đức Kitô không phải té ngã trên đường lên Gôn-gô-tha. Ngài tự nguyện ngã để dạy chúng ta. Một số nhà thần bí tính ra Chúa Giêsu ngã tới bảy lần, mỗi lần ngã đó là vì bảy thói hư tật xấu chủ yếu của chúng ta. Truyền thống 14 chặng đàng Thánh Giá chỉ nói Chúa Giêsu ngã ba lần, và ba lần ngã đó được đề cập trong bài suy niệm ngắn này.

Hãy cân nhắc trước khi chúng ta đọc dụ ngôn Người Gieo Giống (Mt 13:4-9; Mc 4:3-9; Lc 8:5-8). Nếu chúng ta đối diện với tội lỗi có nhiều trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta sẽ dễ cảm thấy thất vọng khi đọc dụ ngôn này. Một số người trong chúng ta thấy cách thức từ những năm đầu về sự tự do chọn lựa, mặc dù chúng ta lãnh nhận ân sủng của Bí tích Thánh tẩy từ hồi nhỏ, chúng ta vẫn chọn cách đối nghịch với Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta ở trên con đường mà Lời Chúa được gieo vãi nhưng lại bị cướp mất hoặc hư hại.

Một số người thấy nhiệt huyết giảm sút, có thể vì cuộc sống thay đổi hoặc chịu đau khổ, và rồi lại sa ngã như ngựa quen đường cũ. Đó không phải là đất sỏi đá sao?

Still others see một số người khác lại thấy cách thức được dẫn vào con đường xấu vì bạn bè xấu, khiến ơn Chúa bị chết nghẹt. Những người bạn này không là gai làm Lời Chúa chết nghẹt sao?

Một số ít người có thể nhìn vào cuộc đời mình nơi Đức Kitô và nhận thấy mình là đất tốt.

Nhưng con đường Thánh Giá là con đường của chúng ta, những lần Chúa Giêsu té ngã sẽ soi sáng dụ ngôn này và giúp chúng ta hy vọng ngay trong những lúc tăm tối nhất hoặc thất vọng nhất của cuộc đời.

Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất sau khi Ngài phải vác Thập Giá. Ngài ngã xuống đất như một vật rơi tự do vì sức nặng của cây Thập Giá khoảng 100 kg, rồi những kẻ thủ ác lại hối thúc Ngài gượng dậy mà vác Thập Giá đi tiếp. Chúng ta cũng té ngã nhiều lần khi chúng ta vác thập giá của cuộc đời mình. Có thể chúng ta sa ngã hoài tội lỗi mà chúng ta đã xưng thú, hoặc không kiên trì cầu nguyện dù khi mới quyết tâm chỉ trong một hoặc hai tuần. Có thể chúng ta “lạ lẫm” với những thập giá mới như Đức Kitô té ngã khi vừa đặt Thập Giá lên vai. Trên hành trình trỗi dậy từ cõi chết, Đức Kitô đã đứng lên sau những lần té ngã. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi đứng dậy với Ngài và bước theo Ngài sát hơn, cẩn thận hơn, để tới miền phục sinh.

Sau những lần té ngã, đầu tiên Ngài gặp Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ là chỗ nương tựa cho chúng ta, Đức Mẹ giúp chúng ta vác thập giá của cuộc đời của mỗi chúng ta. Chúa Giêsu có lúc không đủ sức vác Thập Giá, ông Simon đã giúp Ngài vác Thập Giá, điều đó có nghĩa là chúng ta không vác thập giá một mình, và chúng ta phải cậy nhờ Đức Kitô giúp sức, như ông Simon đối với Ngài vậy.

Khi Ngài đứng dậy, bà Veronica đã lau mặt cho Ngài. Bà này đã động lòng trắc ẩn và cảm thương Chúa Giêsu, can đảm và sẵn sàng giúp Ngài mà không sợ người ta làm hại mình.

Rồi Chúa Giêsu lại té ngã lần nữa. Chúng ta cũng thường xuyên hăng hái quyết tâm sau khi được an ủi, nhưng rồi chúng ta lại sa ngã. Chúng ta cầu nguyện và cầu xin Chúa giúp, vậy mà chúng ta vẫn sa ngã! Đừng cho phép mình thất vọng, càng không được phép tuyệt vọng, Đức Kitô vẫn đồng hành với chúng ta và Ngài muốn chúng ta tiếp tục vác thập giá bước theo Ngài.

Cuối cùng, Chúa Giêsu gặp những người phụ nữ Giêrusalem. Họ không hiểu rằng Ngài vác Thập Giá vì họ và cho họ. Chúa Giêsu cảm thấy buồn khi gặp họ. Và Ngài lại té ngã lần nữa. Nhưng Ngài cố đứng dậy với sức nặng của Thập Giá. Chúng ta cũng vậy, mặc dù chúng ta thất vọng vì những người xung quanh, họ không hiểu nỗi khổ của chúng ta và không giúp chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải đứng dậy theo lời mời gọi của Đức Kitô.

Vậy ai là người bị kết án trong dụ ngôn “Người Gieo Giống” kia? Không ai cả, nhưng ai từ chối đứng dậy với Đức Kitô trên đường đời sỏi đá, đó là người làm chết nghẹt hạt giống Lời Chúa.

Tội nào cũng có thể được tha thứ, trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần. Đó là tội từ chối quyền tha tội và quyền phép toàn năng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đứng lên sau những lần té ngã, cũng như Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết, thế nên chúng ta hãy hy vọng và tự tin đủ mức để có thể đứng dậy sau những lần vấp ngã. Dẫu có lúc thất vọng nhưng đừng bao giờ tuyệt vọng!

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét