Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Hậu quả do không dành thời giờ cho con!



Hậu  quả  do  không  dành  thời  giờ  cho  con!



Mới đây hai ngày trước tết, một người ở Texas gọi tôi để xin ý kiến về chuyện gia đình. Tôi hỏi chị ta:
-  Chuyện vợ chồng hay chuyện con cái?
-  Dạ chuyện con cái.
-  Là con trai hay con gái?
-  Nó là con gái.
-  Em năm nay bao nhiêu tuổi?
-  Nó được 23 tuổi.
-  Em sắp sửa ra trường hoặc đang đi làm?
-  Dạ nó đang học năm cuối chương trình cử nhân.
-  Và bây giờ câu chuyện chị định nhờ tôi góp ý là như thế nào?
Từ đầu giây bên kia, tôi bắt đầu nghe những tiếng thở dài, rồi từ những tiếng thở dài chuyển sang những tiếng nức nở và than van. Nào là mấy tháng nay nó đi đâu cũng không biết, nhiều đêm nó ngủ ở đâu cũng không hay, gọi nó thì nó tắt điện thoại. Khi về nhà hỏi nó thì nó gắt lên: “Con lớn rồi, mẹ hỏi chi nhiều chuyện lặt vặt như vậy? Con biết chuyện của con làm. Con cần người hiểu con, thông cảm và chia sẻ với con. Ba mẹ có giúp gì được con không mà hỏi. Hỏi gì mà hỏi nhiều lắm thế!!!” Ba nó tức giận định đuổi nó ra khỏi nhà…
Nhưng làm sao mà không hỏi. Một đứa con gái mới lớn ở tuổi đang có nhiều nhu cầu về tình bạn, tình yêu, tình dục, về đời sống tâm sinh lý và về dự án tương lai. Một sinh viên đang ở những tháng cuối trước khi tốt nghiệp mà bỗng nhiên đi sớm về khuya, nhiều lần ngủ qua đêm ở đâu đó hỏi không nói, mà hễ hỏi thì phản đối kiểu “cả vú lấp miệng em” như vậy là có vấn đề. Tuy nhiên, vấn đề như thế nào?  Với kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi tiếp tục hỏi người mẹ đau khổ ấy:
-  Giữa chị và chồng chị, ai là người gần gũi, dễ dàng tâm sự với con gái chị hơn?
-  Không ai cả. Với ba nó thì giữa hai cha con luôn luôn “khắc khẩu”. Không những ít nói chuyện với nhau mà nếu có nói là thế nào cũng cãi nhau, cũng bất hòa. Tình cảm cha con kể như không có.    
-  Vậy có ai trong gia đình, người thân có ảnh hưởng trên nó và có thể cho nó một lời khuyên cần thiết không?
-  Dạ không. Chúng em ở đây chỉ có hai vợ chồng thôi, không có thân nhân ruột thịt.
Như vậy là câu chuyện đã có một chút manh mối. Nó bắt nguồn từ bầu khí gia đình và mối tương quan tuổi thơ của đứa con đối với cha mẹ. Câu chuyện ngày hôm nay không thể xẩy ra đột ngột chỉ mới cách đây mấy tháng.
Tìm hiểu thêm về nguyên nhân chính có thể dẫn đến việc cha mẹ và con cái, anh chị em trong gia đình này trở nên lạnh nhạt và tình cảm trở nên khô khan như vậy, tôi biết thêm là vợ chồng này có hai đứa con, người con đang gây phiền phức là con gái cả. Mọi người trong gia đình đối xử lạnh nhạt với nhau, cha mẹ rất ít khi dành thời giờ cho con cái. Ngày qua ngày, hai vợ chồng dành hầu hết thời giờ cho công việc và lo tìm cách làm giầu. Họ sống với quan niệm rất thực tế: “Có tiền mua tiên cũng được”. Còn trẻ, còn có thời giờ, còn có cơ hội dại gì không lo làm giầu. Có tiền sẽ có tất cả: xe mới, nhà mới, về hưu sớm, và hạnh phúc nữa. Người chồng trong câu truyện này hầu như ngày nào cũng ở lại làm overtime. Khi về đến nhà thì chỉ còn giờ để tắm rửa, ăn tối rồi ngủ để sáng mai đi làm tiếp. Người vợ cũng không mấy khi dành thời giờ cho gia đình và hai đứa con. Ngoài giờ làm việc ở sở, chị ta mang việc về nhà làm. Tóm lại, đúng như người mẹ đã nói, họ rất bận rộn và không có đủ thời giờ cho mình, cũng như cho con. Họ không quan tâm gì đến những nhu cầu tình cảm, nhu tâm lý và học vấn của hai đứa trẻ.
Đối với những người đã có chút kinh nghiệm về hôn nhân, gia đình, về giáo dục thì đầu mối của câu chuyện của gia đình này chính là: Không có thời giờ cho nhau. Cha mẹ không dành thời giờ với con cái. Đây là vấn nạn khởi đầu trong những vấn nạn dẫn đến chia ly, đổ vỡ của nhiều gia đình, mà nạn nhân chính là những đứa trẻ vô tội.
Vợ chồng không dành thời giờ cho nhau. Những chuyện xích mích nhỏ mọn lúc đầu chỉ xẩy ra vì không có thời giờ cho gia đình do bận rộn với công ăn việc làm, với nghề nghiệp, với sự nghiệp. Họ không dám nói lên sự thật là họ đang bị thu hút do sức quyến rũ của tiền bạc, của giầu sang, của nếp sống hưởng thụ. Cha mẹ để cho việc làm, những nhu cầu riêng tư choán hết thời giờ, và không quan tâm gì đến tuổi thơ của con cái, đến ảnh hưởng giáo dục gia đình. Và hậu qủa rất khốc liệt khi bất ngờ vào một thời điểm nào đó, một lúc nào đó con cái những người này trở nên hư hỏng, trở nên biếng nhác học hành, và vượt khỏi tầm kiểm soát của họ. Lúc đó họ mới hốt hoảng tìm cách cứu vãn, và cãi vã hoặc đổ lỗi cho nhau. Khi việc cãi vã không giải quyết được gì, họ đâm ra phiền trách số phận, phiền trách cuộc đời, và người cuối cùng họ phiền trách là Thượng Đế: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Họ đổ thừa cho những hư hỏng của con cái họ là do ông Trời xui khiến nên.
Nhưng dù có cãi vã, có phiền trách, có tức bực, và có hối hận đi nữa thì việc hướng dẫn và giáo dục con cái của họ ở thời điểm này hầu hết đều đã trễ hoặc quá trễ: “Dạy con từ thuở lên ba”. Con của họ lúc này không còn ở tuổi lên ba, nhưng là 13 hoặc 23 rồi.
Đối với một số phụ huynh, giầu có như một sự cám dỗ ghê gớm nên dù biết không dành thời giờ giáo dục con cái sẽ dẫn đến hậu quả về sau, nhưng họ vẫn làm ngơ. Lý luận của họ rất đơn giản và thực tế: “Mình làm tiền cũng là để cho con cái, là lo cho tương lai con cái.” Một số khác phụ huynh khi đối diện với những khó khăn trong việc hướng dẫn và giáo dục con cái, lúc đó họ tự an ủi mình: “Con dại cái mang biết sao bây giờ. Tại ở Mỹ không cho đánh con nít nên chúng nó hư.” 
Về phía con cái thì sao? Sau một thời gian xa dần với những cái vỗ về âu yếm, tình cảm và sự thân mật của gia đình, tâm lý chúng trở nên chai đá và lạnh nhạt. Nhìn về phía cha mẹ, chúng chỉ thấy họ ham tiền, tranh cãi, và đối xử với nhau như người dưng, nhiều khi như kẻ thù. Tiền bạc và những cách kiếm tiền, tiêu tiền của cha mẹ, khiến tuổi trẻ chúng trở thành hoang mang, vô định trong cuộc sống. Với tâm lý sống này, khi bước vào tuổi vị thành niên trước những cám dỗ và những bù đắp của xã hội bên ngoài, chúng không ngần ngại tự chọn cho mình một lối sống mới, một ngã rẽ mới. Rất tiếc, những ngã rẻ này hầu hết dẫn đến tự hủy hoại và tương lai đen tối. Và lúc này, những tiếng than van, trách móc, đau khổ của cha mẹ là do con cái. Những chống đối, những hành động xem như bất hiếu dành cho cha mẹ cũng đến từ con cái. Sau cùng những cãi vã, đổ vỡ, chia ly giữa cha mẹ cũng chính là vì con cái. 
“Đầu tư vào tiền bạc hay đầu tư vào con cái”. Câu hỏi xem như không mấy ý nghĩa và cần thiết, nhưng vẫn là câu hỏi mà những cha mẹ hiểu biết, những cha mẹ thương yêu và quan tâm đến tương lại con cái cần tìm cho mình một câu trả lời. Đừng để thời gian qua rồi mới ngoái nhìn lại và tự trách: “Lúc các con tôi còn nhỏ, tôi đã không dành thời giờ cho chúng nó!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét