Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2016

Nối Nhịp Cung Thương



Nối  Nhịp  Cung  Thương
(Chúa Nhật IV Chay, năm C)



Căng dây đàn là điều không xa lạ đối với các loại đàn dây (piano, mangdolin, guitar, đàn tranh, đàn kìm,…). Công việc đó cần làm khi dây đàn chùng, không đúng cao độ chuẩn xác theo nguyên lý âm nhạc.
Tương tự, tình cảm con người cũng sai lạc theo thời gian, và cũng cần thiết phải chấn chỉnh để không còn sai nhịp lỡ cung. Đó là khoảnh khắc quan trọng: Ăn năn, đứng dậy, bước đi, và trở về đường ngay nẻo chính.
Nhân vô thập toàn. Câu này quá quen, ai cũng thuộc lòng và bật nói như phản xạ. Tuy nhiên, người lầm lỗi có can đảm trở về, nhưng người nhà có can đảm chấp nhận hay không lại là vấn đề không đơn giản. Người ta xin lỗi, mình có tha hay không? Chí Phèo muốn làm người lương thiện mà người ta không cho hắn cơ hội (Truyện “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao). Đó là “làn ranh mong manh” mà chúng ta phải xem lại chính mình. Một câu tục ngữ rất “nhức nhối” mà chúng ta cần suy tư: “Có thương thì xương chẳng còn”.

Vì vậy, ai cũng phải học bài học thương xót mà Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy thương xót như Chúa Cha” (Lc 6:36). Lòng Chúa Thương Xót có từ đời đời, nhưng nay Giờ Thương Xót đã điểm, ai đón nhận thì được cứu độ.
Ngày xưa, Đức Chúa đã nói với ông Giô-suê: “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập” (Gs 5:9). Kinh Thánh cho biết: “Con cái Ít-ra-en đóng trại ở Ghin-gan và cử hành lễ Vượt Qua ngày mười bốn trong tháng, vào buổi chiều, trong vùng thảo nguyên Giê-ri-khô. Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ, tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. Hôm sau, không còn man-na nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ; thế là con cái Ít-ra-en không còn có man-na nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Ca-na-an” (Gs 5:10-12). Dân chúng không còn phải dùng thứ man-na nhạt nhẽo nữa, mà họ được dùng những sản phẩm của miền đất trù mật sản sinh. Có được hạnh phúc đó là hưởng nhờ lòng thương xót bao la của Thiên Chúa.
Mỗi tích tắc là hồng ân của Thiên Chúa. Mỗi hơi thở (sự sống) là hồng ân của Ngài. Không khí chỉ đặc thêm một chút hoặc loãng thêm một chút, nhân loại chết ngắc, đừng nói chi là thiếu không khí. Hồng ân quá lớn, nhưng chúng ta ít lưu ý vì cho đó là “tự nhiên”. Không gì là tự nhiên hoặc ngẫu nhiên, mà phải có Chủ Nhân vận hành, đó là Thiên Chúa.
Lòng Chúa Thương Xót không ngừng dàn trải theo thời gian, từ thuở hồng hoang tới kỳ tận thế. Nếu Lòng Chúa Thương Xót ngưng một chút thì chúng ta hóa thành hư vô ngay. Vì thế, chúng ta không thể không noi gương tác giả Thánh Vịnh mà tuyên xưng:“Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên” (Tv 34:2-3). Và rồi phải rao truyền và mời gọi người khác cùng tôn vinh Thiên Chúa: “Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng” (Tv 34:4-5).
Đó là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta, thụ tạo của Thiên Chúa. Đây là điều mỗi chúng ta phải xác tín và sống chứng nhân: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn” (Tv 34:6-7). Chắc chắn không ai trong chúng ta lại không từng cảm nghiệm được hồng ân thương xót của Thiên Chúa.
Theo thời gian, cái gì cũng cũ. Con người cũng không thoát khỏi quy luật đó. Tuy nhiên, tình trạng “cũ” của Kitô hữu không phải là thể lý, mà là tinh thần. Chúng ta “cũ” vì sa ngã, vì sai lầm, vì phạm tội. Không gì có thể “đánh bóng” được linh hồn của chúng ta. Chỉ có Bửu Huyết của Đấng Cứu Thế mới có thể “đánh bóng” được linh hồn của chúng ta.
Thánh Phaolô nói: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải” (2 Cr 5:17-18). Thật là diễm phúc cho chúng ta, những tội nhân xấu xa vô cùng. Niềm hạnh phúc đó còn tăng thêm gấp bội. Thánh Phaolô xác nhận: “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hoà giải” (2 Cr 5:19).
Nhân danh Đức Kitô Giêsu, Thánh Phaolô vừa giải thích vừa kết luận, đồng thời cũng vừa truyền lệnh vừa nài xin: “Vì thế, chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người(2 Cr 5:20-21).
Trình thuật Tin Mừng hôm nay (Lc 15:11-32) là dụ ngôn nổi bật nhất trong ba dụ ngôn điển hình về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:2). Đúng là những kẻ ảo tưởng, lòng đầy dao găm, đầy tính đố kỵ và ghen tỵ. Biết bọn họ đang tức tối, Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu”.
Đây là dụ ngôn quen thuộc, hầu như ai cũng có thể kể chi tiết. Một người cha có hai con trai, người con thứ xin chia phần tài sản, rồi đi ăn chơi xả láng, vung tay quá trán mà không cần biết đến ngày mai.
Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, chẳng may trong vùng ấy lại xảy ra nạn đói khủng khiếp, thế là anh ta bắt đầu túng thiếu, dở khóc dở cười, anh ta đành phải đi ở đợ và chăn heo cho một người dân trong vùng. Người khôn, của khó, anh ta đói meo, ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng mà cũng chẳng ai cho.
Lực bất tòng tâm, anh ta chợt giật mình hồi tâm, nghĩ tới những người làm công cho cha được cơm dư gạo thừa, mà anh ta lại chịu đói khát. Anh ta vượt qua mặc cảm, quyết định quay về xin lỗi cha. Anh ta can đảm thú tội và nói không còn đáng gọi là con, chỉ xin cha coi anh ta như một người làm công mà thôi.
Tuy nhiên, người cha lại bảo các đầy tớ đem áo đẹp cho anh ta mặc, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân. Người cha còn cho người đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng. Ông vui mừng nói với mọi người: “Con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và rồi tiệc mừng bắt đầu khai mạc, đàn hát tưng bừng như lễ hội.
Lúc ấy, người con cả trở về từ ngoài đồng. Về gần đến nhà, anh ta nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, anh ta hỏi xem có chuyện gì, người ta nói người em đã về và được người cha mở tiệc ăn mừng. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Người cha ra năn nỉ thì anh ta so đo điều hơn, lẽ thiệt, nói rằng bao nhiêu năm qua mà chưa bao giờ có được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè, còn thằng em đi hoang với bọn điếm, nay trở về lại được ăn mừng.
Người cha hiểu ý con trai nên ôn tồn giải thích: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã CHẾT mà nay lại SỐNG, đã MẤT mà nay lại TÌM THẤY”. Chắc hẳn khi nghe cha nói vậy, anh ta vô cùng xấu hổ, và không thể không xin lỗi cha.
Về người con thứ, anh ta đã sai lầm và tội lỗi rõ ràng mười mươi, không cần phải bình luận gì thêm. Và rồi mỗi khi đề cập dụ ngôn này, ai cũng chỉ nhắm “mũi dùi” vào người con thứ, và anh ta bị “chết tên” với cái nickname là “đứa con hoang đàng”. Còn về người con trưởng – con cả hoặc anh hai, người ta lại không cho là anh ta cũng sai lầm, cũng có tội. Vâng, làm anh là làm lớn, mà làm lớn thì có SAI cũng thành ĐÚNG. Chúng ta cũng thường mạo nhận mình là “anh hai”, nhưng là để “xỉa xói” người khác, chỉ trích người khác, không dám nhận mình là “nhân vô thập toàn” mà chỉ muốn mọi người biết mình là “nhân hữu thập toàn”.
Tội của người con trưởng to hơn tội của người con thứ: Xúc phạm tới cả người cha và người em. Anh ta tự nhận là mình ngoan ngoãn hầu hạ cha, nhưng lại phản đối việc làm của người cha khi người cha đón nhận thằng em của anh ta. Rõ ràng anh ta vừa xúc phạm tới Tình Phụ Tử vùa xúc phạm tới Tình Huynh Đệ. Tình máu mủ ruột rà mà người con trưởng không cần biết đến. Tội tày trời chứ chẳng vừa đâu!
Không chỉ vậy, người con trưởng còn ích kỷ vì sợ thằng em hoang đàng chi địa kia “đụng chạm” đến quyền lợi cùa mình – tức là phần tài sản của anh ta. Như người Việt nói: “Đồng tiền liền khúc ruột”. Anh ta cũng cảm thấy… sợ! Và chúng ta cũng… sợ, không hề khác với người con trưởng kia đâu!
Người con trưởng không thương xót cha và em, người con thứ không thương xót cha. Thằng nào cũng là “đứa con trời đánh”. Mặc dù vậy, người cha vẫn hết lòng thương xót cả hai người con, trước sau như một. Chính người cha đã nối nhịp cầu yêu thương giữa đôi bờ ích kỷ của hai người con. Chúng ta cũng phải nối nhịp cung thương với nhau, bằng cách sống đúng theo lời Chúa Giêsu đã truyền dạy: “Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).

Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con, xin tha thứ cho con, vì con có cả tội của người con trưởng và người con thứ. Xin giúp con biết hoán cải để trở nên khí cụ bình an và yêu thương của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét