TÌNH THƯƠNG
và THA THỨ
( Chúa Nhật
V Chay, năm C)
(Mon, 07/03/2016 - Trầm Thiên Thu)
Tình
thương và lòng tha thứ luôn có mối liên quan lẫn nhau. Tình Thương (và) Tha Thứ
gồm 4 mẫu tự T, nhưng phải đạt tiêu chí của 4 mẫu tự T khác: Thương Tha Thật
Tình. Nghĩa là không thể giả hình, mà giả hình thì không thương thật.
Có tình
thương, người ta có thể làm được tất cả, tử thần cũng không thể làm cho họ hoang
mang, sợ hãi.
Thiên Chúa
là tình yêu (1 Ga 4:8 và 16). Nhưng nhà hóa học Orlando Aloysius
Battista (1917-1995, người Mỹ gốc Canada, một tín hữu Công giáo ngoan
đạo), lại có nhận xét: “Điểm yếu nhất của hầu hết người ta là do dự nói lời
yêu thương người khác khi họ còn sống”. Một nhận xét chính xác, nhưng thật
đáng buồn cho nhân loại!
Rainer
Maria Rilke (1875-1926, người Áo, một nhà thơ lớn của thế kỷ XX), nói: “Có
điều kỳ diệu xảy đến với những người thực sự biết yêu thương: họ càng cho nhiều
thì họ càng có nhiều”. Có nhiều thứ gì cũng là “giàu”, nhưng cái “có”
theo tỷ lệ thuận với cái “cho” ở đây
không nên chỉ hiểu về lĩnh vực vật chất. Những người thực dụng và ưa hình thức
thì chắc chắn sẽ không thích “kiểu giàu”
này. Đối với Thiên Chúa, cái giàu là cái nghèo, và ngược lại. Đó là
triết-lý-sống của Nước Trời, được đề cập trong Hiến Chương Nước Trời (Bát Phúc,
Tám Mối Phúc – Mt 5:3-12).
Ngôn sứ
Isaia nói: “Đây là lời Đức Chúa, Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng, Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến
mã, nào tướng mạnh binh hùng: tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị
dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (Is 43:16-17). Đó là hậu quả bi thảm của
những người có ý định ngăn cản đường lồi của Thiên Chúa, muốn hại những người
theo Ngài.
Thiên Chúa
tiếp tục tuyên phán: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ
quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó
manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường
giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn. Loài dã thú, chó rừng
và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta; vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi
những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát. Ta
đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta. Ít-ra-en bội nghĩa
vong ân” (Is 43:18-21).
Thiên Chúa
toàn năng, có thể làm mọi sự, từ không sẽ biến thành có, từ có sẽ hóa ra không.
Ngài là Đấng xót thương, “mau quên”
lỗi lầm của tội nhân, nhưng Ngài nhớ mãi những gì tội nhân thực hiện với ý tốt
– dù là điều nhỏ nhoi mà thôi. Quả thật, Ngài quá đỗi đại lượng chỉ vì thương
xót chúng ta. Vâng, chính sự khốn nạn của chúng ta đã khiến Thiên Chúa chạnh
lòng trắc ẩn. Một sự thật mà đôi khi chúng ta không thể ngờ được, chắc chắn có
mơ cũng không thấy ở cõi trần gian này, cũng chẳng có vị thần nào khác nhân từ
như Thiên Chúa của chúng ta.
Tác giả
Thánh Vịnh đã phải thốt lên: “Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng
mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc
nhạc mừng” (Tv 126:1-2a). Mơ mà thật. Quá bất ngờ, quá ngạc nhiên, và rồi
dân ngoại cũng không thể lặng im, mà họ phải bàn tán: “Việc Chúa làm cho họ,
vĩ đại thay!” (Tv 126:2b).
Tác giả
Thánh Vịnh tiếp tục minh định: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! ta thấy
mình chan chứa một niềm vui. Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về, như mưa
dẫn nước về suối cạn miền Nam” (Tv 126:3-4). Thế cờ cuộc đời của chúng ta ở
thế bí vì bị triệt buộc, nhưng Thiên Chúa đã lật lại thế cờ, chuyển bại thành
thắng, đổi buồn thành vui, chuyển nước mắt nên tiếng cười: “Ai nghẹn ngào ra
đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt
giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:5-6).
Niềm hạnh phúc quá lớn, vượt ngoài ước mong, trên cả tuyệt vời. Xin tạ ơn Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa!
Có Chúa là
có tất cả. Mất Chúa là mất tất cả. Một khi tin nhận và theo bước Chúa, người ta
bất chấp mọi đau khổ, kể cả cái chết. Thánh Phaolô thổ lộ tâm sự: “Tôi coi
tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô
Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để
được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3:8-9a). Đối với những người
không có đức tin hoặc chưa hiểu được ý nghĩa của sự đau khổ, họ coi những người
“cam chịu đau khổ” là những người “không bình thường”, có thể là “điên khùng” hoặc “có vấn đề” về tâm thần. Tuy nhiên, ai khoe mình khôn ngoan thì lại
hóa điên rồ mà thôi (x. Rm 1:22).
Người chấp
nhận đau khổ và dám chịu đau khổ là người can đảm và khiêm nhường. Thánh Phaolô
chia sẻ: “Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính
do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô,
tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là
được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục
sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng
với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ
trong cõi chết” (Pl 3:9b-11).
Xây dựng
thì khó và lâu, nhưng phá bỏ thì rất mau. Con người vốn dễ ảo tưởng, dễ ngủ
quên trong chiến thắng, thế nên phải luôn cảnh giác cao độ, vì tính kiêu ngạo
lúc nào cũng chỉ rình “bật lên” mà
thôi. Thói kiêu ngạo có thể len lỏi vào những công việc đạo đức, nó có thể làm
mờ mắt của chúng ta, khiến chúng ta tưởng là mình tốt lành, nhưng có thể chỉ là
giả hình. Kiêu ngạo là đốm lửa nhỏ nhưng lại rất mạnh, trong thoáng chốc nó có
thể thiêu rụi hết những gì chúng ta đã khó nhọc tạo dựng.
Thánh
Phaolô tâm sự như một lời khuyên nhủ: “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt
giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong
chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Kitô Giêsu chiếm đoạt. Thưa anh em,
tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi
chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để
chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi
trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3:12-14). Cầu mong mỗi chúng ta luôn sẵn
sàng để cho Thiên Chúa chiếm hữu mình để chúng ta có thể thuộc trọn về Ngài.
Trình
thuật Ga 8:1-11 là một tình khúc tha thứ chan chứa lòng thương xót của Thiên
Chúa: Nữ tội nhân ngoại tình.
Thánh sử
Gioan cho biết rằng, Chúa Giêsu trở lại Đền Thờ lúc trời vừa tảng sáng. Toàn
dân đến với Ngài để lắng nghe Ngài giảng dạy họ. Ngay lúc đó, các kinh sư và
người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Ngài một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.
Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị
bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi
phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”.
Họ nói thế
nhằm thử Ngài, cố ý gài bẫy Ngài để có bằng cớ tố cáo Ngài. Nhưng Đức Giêsu
không nói gì, rồi cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên
Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà
ném trước đi”. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất.
Họ cứng
họng! Chẳng ai bảo ai, lần lượt họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ
những người lớn tuổi.
Chỉ còn
lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ đứng ở giữa. Ngài ngẩng lên và hỏi: “Này
chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”. Chị khẽ đáp: “Thưa ông,
không có ai cả”. Có lẽ lúc đó chị cũng run lắm. Chị run một phần vì sợ bị
ném đá, một phần vì xấu hổ. Và có lẽ chị vẫn chưa hết run, dù chỉ còn chị đối
diện với Chúa Giêsu. Chắc hẳn chị cũng đã nghe người ta bàn tán về Ông Giêsu
nào đó, và hôm nay, chính con người đó đang đứng nhìn chị. Ánh mắt nhân từ của
Đức Giêsu “soi” vào chị và chị nhận
ra mình là kẻ tội lỗi khốn nạn.
Nhưng Chúa
Giêsu ôn tồn nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị
cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Lúc này chị lại run, nhưng chị
không run vì sợ, mà chị run vì sung sướng, vì hạnh phúc: Chị được trắng án,
thoát án tử, nghĩa là chị được tái sinh. Chắc chắn không còn niềm vui nào to
lớn hơn và mãnh liệt hơn!
Tình Thương
là Lòng Thương Xót. Tình Thương đó đã tỏa ánh sáng Tha Thứ. Tình Thương đó bao
la và tròn đầy mãi mãi – từ hồng hoang tới đời đời. Phụ nữ ngoại tình kia là
mỗi chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã tha thứ và giải án tuyên công. Chúng ta được
Thiên Chúa cho trắng án thì không thể không xóa án cho người khác. Nghĩa là
chúng ta cũng phải mau mắn tha thứ cho bất cứ ai, không chỉ tha thứ bảy lần mà
phải tha thứ bảy mươi lần bảy (Mt 18:22), tha thứ hằng ngày và tha thứ mãi mãi.
Tha thứ là dấu chỉ yêu thương, dấu chỉ sống lòng thương xót.
Lạy Thiên
Chúa, xin tạ ơn Ngài luôn thương xót và tha thứ dù con tái phạm nhiều lần, xin
giúp con biết thể hiện Tôn Nhan Thương Xót của Ngài và nhân từ với mọi người,
hôm nay và mãi mãi. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân
loại. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét