Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Sống Thánh Thiện MÙA CHAY




 

Sống  Thánh  Thiện  MÙA  CHAY


(Wed, 02/03/2016 - Trầm Thiên Thu)


Chúa Giêsu bảo: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Hoàn thiện bằng cách nào? Thánh Phaolô khuyên phải “xin hoàn thiện” (2 Cr 13:9). Chúa Giêsu đưa ra 3 “bí quyết” này: [1] “Từ bỏ chính mình và vác thập giá” (Mt 10:37-39; Lc 14:26-27), [2] “Bán tài sản để cho người nghèo” (Mt 19:21), và đặc biệt là [3] “Thật lòng yêu kẻ thù” (Mt 5:44; Lc 6:27).

Ai cũng phải cố gắng hoàn thiện theo từng hơi thở, kiên trì không ngừng, chứ không chỉ theo “phong trào”, theo “chiến dịch” hoặc theo mùa, vì chẳng ai biết mình sẽ bất ngờ “ra đi” lúc nào. Lá xanh hay vàng thì vẫn có thể rụng bất cứ lúc nào. Nhưng chắc hẳn Mùa Chay là mùa đặc biệt nhất để chúng ta xem lại chính mình và “tăng tốc” trên đường hoàn thiện.

SỐNG TINH THẦN MÙA CHAY
 Có rất nhiều cách để sống tinh thần Mùa Chay, nhưng đơn giản nhất là bắt đầu với Thánh lễ Chúa Nhật. Có nhiều cơ hội để ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Đây là vài hoạt động mà bạn có thể áp dụng để sống Mùa Chay Thánh:

Nhớ lại Bí tích Thánh tẩy. Hãy nhớ lại Bí tích Thánh Tẩy và chia sẻ với gia đình. Nếu bạn đưa con cái đi rửa tội, hãy tự hỏi: “Tôi cảm thấy thế nào khi đưa con đi rửa tội?”. Nếu có thể, hãy hỏi cha mẹ về Bí tích Thánh Tẩy, Bí tích Thêm Sức và Rước Lễ lần đầu của mình. Hãy nghĩ về ý nghĩa của các Bí tích đó là một phần trong Nhiệm thể Chúa Kitô qua những khoảnh khắc thánh thiện đó.

Khoảng cầu nguyện tại gia. Một chiếc bàn nhỏ trải khăn tím, có Thánh Giá và cây nến là những gì bạn cần. Ngoại tại khả dĩ “đánh động” nội tại. Đừng cảm thấy có lỗi nếu bạn không đến cầu nguyện hằng ngày ở “không gian thánh” đó. Hãy tạo “không gian thánh” đó ở nơi dễ thấy khi bước vô nhà, “không gian thánh” đó sẽ nhắc nhớ bạn cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa.

Chúc phúc cho nhau. Có bao giờ bạn làm vậy chưa? Nếu chưa, hãy dùng Mùa Chay này làm thời điểm để bắt đầu chúc phúc cho nhau. Nếu bạn có con cái, hãy chúc phúc cho chúng bằng cách ghi dấu Thánh giá trên trán chúng. Ai trong chúng ta cũng cần được nhắc nhớ đến Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Dọn dẹp và trao tặng. Chúng ta có thói quen dọn dẹp nhà cửa lúc gần Tết, Mùa Chay cũng mời gọi chúng ta dọn dẹp cả nhà cửa lẫn “ngôi nhà tâm hồn” của mình. Hãy chọn những món đồ nào đó để trao tặng người khác. Nếu bạn cho người mình quen biết, hãy ghi chú vài lời vào miếng giấy kèm theo tặng vật – chẳng hạn nhắc lại một kỷ niệm: “Tôi nhớ lần đầu tiên gặp bạn, chúng ta rất vui!”. Hoặc có thể là một lời xin lỗi, một lời khen, một lời tâm sự,… chí ít là một ánh mắt thân thiện hoặc một nụ cười chân thành.

Lập một hành trình. Dân Do thái băng qua sa mạc ròng rã 40 năm để tới Đất Hứa, chúng ta cũng trải qua hành trình 40 ngày chay tịnh để tiến về “Miền Phục Sinh”, nhưng không phải lúc nào hành trình cũng êm xuôi trên con đường bằng phẳng. Nhờ “gập ghềnh” mà chúng ta khả dĩ “trưởng thành”. Sự phát triển tâm linh thực sự thường phải qua những chặng đường quanh co khúc khuỷu và đầy sỏi đá. Suy niệm về phương diện này trong Mùa Chay, suy niệm riêng hoặc cùng gia đình, cùng bạn bè, bằng cách phác họa đường đi và bước theo con đường khúc khuỷu đó. Hãy tạo những điểm dừng trên đường đi để có thể cầu nguyện – cho người thân, cho bạn bè, cho hàng xóm, cho thế giới, cho kẻ thù,…

Thực hiện tha thứ. Hãy tha thứ cho người đã làm mình tổn thương, và hãy xin lỗi người mà mình đã làm họ tổn thương. Đó là thể hiện lòng thương xót, là “yêu kẻ thù” như Chúa Giêsu đã dạy. Hãy cố gắng giao hòa bằng mọi cách, trước tiên là đến với Bí tích Hòa Giải để được Thiên Chúa thứ tha, sau đó là đến với tha nhân. Dù bạn chưa sẵn sàng đi xưng tội thì cũng hãy cố gắng tham dự các hoạt động Mùa Chay của giáo xứ, hãy nghĩ về biết bao lỗi lầm mà chính mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân, và chúng ta cũng muốn được chữa lành biết bao!

Cử hành mùa Xuân. Chúng ta thường nghĩ về Mùa Chay là mùa khắc nghiệt và thiếu thốn. Nhưng Mùa Chay cũng là Mùa Xuân tái tạo cuộc sống mới. Để suy tư về thời gian đổi mới này, hãy xem những sinh vật mới sinh ra (cả người và vật) được nhìn thấy thế giới lần đầu tiên. Hạnh phúc biết bao! Hãy phục vụ cuộc sống mới bằng cách giúp đỡ họ và bảo vệ họ khỏi bị xử tệ.

Chia sẻ quảng đại. Sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu là tặng phẩm tối thượng dành cho chúng ta. Hãy nhớ lại những hồng ân Thiên Chúa đã ban cho mình, hãy noi gương quảng đại của Ngài bằng cách giúp đỡ giáo xứ và làm việc bác ái, và tiếp tục thực hiện điều đó suốt đời. Cố gắng chia sẻ bằng tình yêu và lòng quảng đại của Thiên Chúa, tình yêu và lòng quảng đại đó mạnh hơn tội lỗi và sự chết ở nơi Ngài.

Hành động vì công lý. Tội lỗi không chỉ riêng cá nhân mà còn mang tính xã hội. Giáo hội mạnh mẽ tuyên bố rằng hòa giải và hành động vì công lý phải cùng nhau, không thể tùy ý lựa chọn. Có nhiều tổ chức hành động vì công lý với nhiều mức độ theo địa phương, vùng miền, quốc gia và quốc tế. Hãy tìm hiểu các tài liệu của Giáo hội về công bình xã hội. Hãy tìm hiểu, hãy quan tâm và hãy hành động cụ thể!

Đơn giản hóa. Cố gắng duy trì những điều đơn giản như một gia đình. Như vậy nhiều người khả dĩ dành nhiều thời gian theo đuổi không ngừng. Cố gắng tái phát hiện những niềm vui nho nhỏ khi cùng ngồi bên nhau. Nhưng cũng đừng thất vọng nếu bạn chưa làm được. Nếu chúng ta hoàn hảo, chúng ta cần gì Đấng Cứu Độ? Trong lễ Phục sinh, Giáo hội hát vang: “Ôi tội hồng phúc, chính Tội Nguyên Tổ đã ban cho chúng con Đấng Cứu Độ!”.

Tôn sùng Thánh Thể. Chúng ta không bao giờ có thể thăm dò hoặc làm cạn kiệt sự hiện diện của Thiên Chúa trong Bí tích Thánh Thể. Tất cả chúng ta đều có lợi nhờ biết dành thời gian đặt mình trước mặt Chúa hiện hữu nơi Nhà Chầu để thờ phượng và suy niệm về tặng phẩm là chính Mình Máu Chúa Giêsu đã trao ban cho chúng ta. Chầu Thánh Thể, cũng như cử hành Bí tích Thánh Thể, là cách xưng tụng và cảm tạ Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện và cách sống của chúng ta, giúp chúng ta thông phần Ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu, làm mạnh mẽ Nhiệm Thể Đức Kitô, và giúp chúng ta là chính Đức Kitô trong cuộc sống của mình. Do đó, việc chầu Thánh Thể dẫn chúng ta trở về với cộng đoàn cử hành Bí tích Thánh Thể hằng ngày, nhất là ngày Chúa Nhật. Đừng quên hằng ngày thường xuyên rước lễ thiêng liêng!

Cầu nguyện. Hãy tạ ơn Thiên Chúa mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối. Hãy lần chuỗi Mân Côi, dù có thể chỉ đọc một chục kinh. Hãy nói chuyện với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chính Giáo hội đã đặt Đức Mẹ làm mẫu gương hoàn hảo cho chúng ta noi theo. Hãy xin Đức Mẹ giúp chúng ta luôn biết “xin vâng” theo Thánh Ý Thiên Chúa, như chính Mẹ đã làm.

VIỆC THÁNH THIỆN THƯỜNG NHẬT
 Quét dọn và lau chùi nhà cửa có thể không có vẻ là hoạt động phát triển tâm linh, nhưng chúng ta có thể dùng bổn phận này, và các bổn phận khác, để bước vào Mùa Chay và sẵn lòng giúp đỡ tha nhân vì Chúa Giêsu. Đây là vài ví dụ về những việc thường nhật có thể là những bài tập về tâm linh và là việc thánh thiện:

Khi rửa chén, tắm giặt: Hãy nghĩ về nước bạn đang dùng. Không có nước thì không có sự sống trên trái đất. Mỗi giọt nước đều có hơi thở của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo. Hãy lưu tâm tới nguồn quý giá mà bạn và gia đình cùng dùng, đừng phung phí nước! Hãy dành một phút để cầu nguyện cho những người không có nước sạch để dùng. Trong Mùa Chay, chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ những nơi thiếu nước sạch?

Khi dọn dẹp nhà cửa: Hãy nhớ đây là hành động yêu thương. Lau chùi nhà cửa, xả tủ lạnh, dọn dẹp đồ đạc, vứt bỏ những đồ thừa,… đều là những động thái yêu thương và nhịn nhục. Điều đó giúp gia đình là chính gia đình, phục vụ người khác, thể hiện yêu thương bằng hành động chứ không nói suông. Quét dọn đường đi là ý muốn chào đón người khác vào nhà mình. Trong Mùa Chay (và Mùa Vọng), chúng ta dọn đường sửa lối để đón Chúa Giêsu. Khi quét dọn sân, cổng và đường đi, hãy tạ ơn Chúa đã ngự đến ở giữa chúng ta và cứu độ chúng ta. Đây cũng là thể hiện tính kiên nhẫn và rộng lòng với tha nhân.

Khi làm bữa, nấu ăn: Làm việc để có của cải nuôi sống chính mình và gia đình. Nấu ăn để có lương thực cho mình và cả gia đình cùng ăn, để có thể sống mà phụng sự Thiên Chúa. Lao động và nấu nướng đều thể hiện yêu thương, không chỉ vì mình mà còn vì người khác, đó là làm theo Thánh Ý Chúa.

Nói chung, làm bất cứ việc gì cũng quy hướng về Chúa. Thánh Phaolô nói: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31), và “trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5:20).

Thánh Phaolô xác định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Xin Đức Kitô Giêsu giúp chúng ta đủ sức thực hiện “tiêu chí” này trong suốt cuộc đời, nhất là trong Mùa Chay Thánh này!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét