Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô gặp nhau ở lòng thương xót




Đức  Bênêđíctô  và  Đức  Phanxicô 
gặp  nhau  ở  lòng  thương  xót
(Tue, 22/03/2016 - Vũ Văn An )



Ngay từ đầu, một phần của truyện kể về Đức Phanxicô đã là: ngài có vẻ chống lại Đức Bênêđíctô. Trong khi Đức Bênêđíctô lạnh lùng và xa vắng, thì Đức Phanxicô ấm áp và thân dân; trong khi Đức Bênêđíctô cứng cỏi và giáo điều, thì Đức Phanxicô cởi mở và mềm dẻo; trong khi Đức Bênêđíctô là người của hệ thống thì Đức Phanxicô là đối cực của hệ thống.

Còn nhiều nữa, tuy nhiên điều rõ ràng là người ta cố gắng đặt hai vị ở thế trái ngược nhau. Điều đầu tiên phải nói là Đức Phanxicô chưa hề làm gì để cung cấp nhiên liệu cho việc truyền bá hình ảnh này. Ngay khi vừa lên ngôi, vị tân giáo hoàng đã dùng trực thăng tới Castel Gandolfo, nơi vị tiền nhiệm tạm trú, để ôm hôn ngài. Thông điệp đầu tiên, “Ánh Sáng Đức Tin” do Đức Phanxicô ban hành tháng Sáu năm 2013, phần lớn dựa vào bản thảo của Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô mời Đức Bênêđíctô tham dự nhiều biến cố lớn.

Vấn đề công chính hóa
Nay, ta lại được một nhắc nhở mới cho thấy câu truyện thực sự giữa hai vị là sự liên tục chứ không phải gián đoạn. Đó là cuộc phỏng vấn Đức Bênêđíctô của Cha Jacques Servais, một linh mục và là thần học gia Dòng Tên, nhân cuộc hội nghị tại Rôma về học lý truyền thống Công Giáo về công chính hóa.

Theo cuộc phỏng vấn trên, Đức Bênêđíctô cho rằng hiện đang có cuộc “khủng hoảng sâu xa hai mặt” về đức tin, phát sinh từ niềm tin thần học hiện đại cho rằng người ta có thể được cứu rỗi ở bên ngoài Kitô Giáo. Dù ủng hộ niềm tin này, ngài vẫn cho hay nó tạo ra việc đánh mất nhiệt tâm truyền giáo, và khiến người ta hoài nghi tự hỏi tại sao cần phải tuân theo các đòi hỏi của Kitô Giáo nếu bạn vẫn có thể về Trời mà không cần các đòi hỏi này.

Tất cả những điều trên đều đúng và không phải lần đầu tiên Đức Bênêđíctô nói thế. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là việc ngài nói tới lòng thương xót. Ngài cho hay: cách nay 500 năm, khi xẩy ra Phong Trào Thệ Phản, người ta coi sự hiện hữu của Thiên Chúa là điều đương nhiên và cho rằng Thiên Chúa phát giận về tất cả những lộn xộn mà con người đã gây ra trên thế giới. Cho nên, câu hỏi chủ lực là làm thế nào, một con người nhân bản có thể được cứu rỗi.

Martin Luther trả lời câu hỏi trên bằng cách nói rằng chỉ nhờ một mình đức tin mà thôi, còn Giáo Hội Công Giáo thì dạy rằng phải nhờ cả đức tin lẫn việc làm tốt nữa. Chính vì thế, đã xẩy ra cuộc ly giáo lớn.

Ngày nay, theo Đức Bênêđíctô, nội dung cuộc tranh luận trên đã bị đảo ngược. Con người nam nữ ngày nay nhìn vào mọi bạo lực, sự ác và sa đoạ trên thế giới, và tự hỏi tin vào một Thiên Chúa yêu thương có còn ý nghĩa gì không. Nói cách khác, đây không còn là vấn đề nhân loại phải tự biện minh trước Thiên Chúa; chính Thiên Chúa mới cần phải tự biện minh trước mặt nhân loại.

Lòng thương xót
Đức Bênêđíctô tin rằng câu trả lời của Thiên Chúa cho thách thức trên là lòng thương xót. Theo ngài, Thiên Chúa không thể chỉ đơn giản làm cho mọi sự ác trên thế giới biến mất, vì làm thế là tước hết tự do của con người. Điều Thiên Chúa có thể làm là tỏ lòng thương xót, qua đó, khuyến khích con người thương xót lẫn nhau. Lòng thương xót nằm ở tâm điểm câu truyện của Kitô Giáo, với Con duy nhất của Thiên Chúa sẵn sàng chết vì yêu thương.

Ngài nói rằng: “chỉ nơi nào có thương xót nơi ấy tàn ác mới chấm dứt, chỉ với lòng thương xót, sự ác và bạo lực mới kết thúc”. Điều này đem chúng ta tới Đức Phanxicô một cách rất gần gũi vì Đức Tân Giáo Hoàng rõ ràng nhấn mạnh tới lòng thương xót. Chỉ cần nhìn huy hiệu giáo hoàng của ngài cũng đủ thấy: miserando atque eligendo, đại khái có nghĩa: “chọn bằng con mắt thương xót”. Bài giảng lễ Chúa Nhật đầu tiên làm giáo hoàng của ngài nói rằng “sứ điệp mạnh nhất của Chúa là lòng thương xót” và hiện ta đang ở giữa Năm Thánh Đặc Biệt do Đức Phanxicô khai mạc và dành cho chủ đề thương xót.

Sứ điệp ngắn nổi tiếng nhất của ngài là câu “Tôi là ai mà dám xét đoán?”, một biểu thức nói lên lòng thương xót và cũng là thái độ của ngài đối với nhiều vấn đề khác: người nghèo, chiến tranh, người Công Giáo ly dị và tái hôn…

Đức Bênêđíctô nói rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn đồng ý với đường hướng trên…Thực hành mục vụ của ngài được phát biểu qua sự kiện: ngài luôn nói với chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót thúc đẩy chúng ta hướng về Thiên Chúa trong khi đức công bằng khiến chúng ta sợ hãi trước Nhan Thánh Người”.

Theo Đức Bênêđíctô, ngài thừa hưởng việc nhấn mạnh tới lòng thương xót từ triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, xây dựng căn bản tri thức cho nó và trao nó lại cho Đức Phanxicô, người sẽ đem sứ điệp này ra đường phố.

Cái nhìn của Đức Bênêđíctô về lòng thương xót
Thiển nghĩ, ta nên đọc chính lời Đức Bênêđíctô trả lời Cha Servais để thấy rõ phần đóng góp của ngài vào ý niệm thương xót:

“Theo ý kiến tôi, tiếp tục vẫn có cảm thức cho rằng chúng ta cần ơn thánh và sự tha thứ. Đối với tôi, một 'dấu chỉ thời đại' là sự kiện ý niệm lòng thương xót của Thiên Chúa nên trở thành mỗi ngày một trung tâm và chủ chốt hơn, khởi đi từ Nữ Tu Faustina, người mà các thị kiến, về nhiều phương diện, vốn phản ảnh một cách sâu xa hình ảnh Thiên Chúa mà người thời nay vốn có và khát mong của họ được lòng tốt của Thiên Chúa chiếu cố. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thấm nhuần viễn kiến này một cách sâu sắc, dù không luôn minh nhiên nói ra. Nhưng chắc chắn không phải là chuyện tình cờ khi cuốn sách cuối cùng của ngài, ấn hành ngay trước ngày ngài qua đời, đã nói về lòng thương xót của Thiên Chúa. Căn cứ vào các kinh nghiệm mà ngay từ thời niên thiếu vốn đã khiến ngài phải giáp mặt với mọi hành vi tàn bạo có thể có của con người, ngài quả quyết rằng lòng thương xót là phản ứng duy nhất chân thực và hữu hiệu cuối cùng chống lại sức mạnh của sự ác.

“Chỉ ở đâu có thương xót, bạo tàn mới chấm dứt, chỉ với lòng thương xót, sự ác và bạo lực mới kết thúc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn nhất trí với đường hướng này. Thực hành mục vụ của ngài được phát biểu qua sự kiện này: ngài liên tục nói với chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót giúp chúng ta hướng về Thiên Chúa, trong khi đức công bằng khiến chúng ta sợ hãi trước nhan Người. Theo cái nhìn của tôi, điều này cho thấy rõ: dưới nước sơn tự tin và tự cho mình chính trực, con người thời đại đã che đậy cái hiểu sâu sắc của họ về chính các thương tích của mình và sự bất xứng của họ trước mặt Thiên Chúa. Họ đang mong đợi sự thương xót.

"Chắc chắn không phải là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên khi dụ ngôn Người Samaria Nhân Hậu trở thành lôi cuốn đặc biệt đối với con người thời nay. Và không phải chỉ vì dụ ngôn này mạnh mẽ nhấn mạnh tới chiều kích xã hội của sự hiện hữu Kitô Giáo, cũng không hẳn vì trong nó, người Samaria, một con người không phải là tôn giáo, so với các đại diện của tôn giáo, xem ra mới là người, có thể nói, đã thực sự hành động phù hợp với Thiên Chúa, trong khi các đại diện chính thức của tôn giáo dường như chẳng ăn có gì với Thiên Chúa cả. Điều này rõ ràng làm con người hiện đại thích thú. Tuy nhiên, đối với tôi, điều xem ra cũng quan trọng là con người, trong cái thẳm sâu của lương tâm họ, luôn mong được người Samaria tới giúp đỡ mình; mong ông cúi xuống trên mình, xức dầu các vết thương của mình, săn sóc mình và đưa mình tới bến lành bình an. Phân tích đến cùng, họ biết rằng họ cần lòng thương xót của Thiên Chúa và tình âu yếm của Người. Trong cái nghiệt ngã của thế giới kỹ thuật hóa trong đó xúc cảm không còn đáng kể nữa, người ta càng mong có được thứ tình yêu cứu vớt nhưng không. Đối với tôi, hình như trong thể tài lòng Chúa thương xót, có điều mà ta vốn hiểu là công chính hóa nhờ đức tin, nhưng mới mẻ hơn. Khởi đi từ lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót mà ai cũng mong chờ, cả ngày nay, ta cũng có thể giải thích như mới cốt lõi nền tảng của học lý công chính hóa và làm cho nó xuất hiện một lần nữa trong mọi nét liên quan của nó.

"Khi Thánh Anselmô nói rằng Chúa Kitô chết trên Thập Giá để đền bù sự xúc phạm khôn cùng đến Thiên Chúa, và nhờ thế đã khôi phục trật tự từng bị phá nát, ngài đã sử dụng một ngôn từ rất khó để con người hiện đại chấp nhận (xem Gs 215.ss iv). Diễn tả cách này, ta liều mình phóng chiếu lên Thiên Chúa một hình ảnh của vị Thiên Chúa giận dữ, tàn nhẫn đối với tội lỗi của con người, đầy tâm tình bạo lực và gây hấn so với những điều chính ta vốn cảm nghiệm. Làm thế nào có thể nói về đức công bằng của Thiên Chúa mà lại không có tiềm năng phá hoại niềm xác tín vốn đã được thiết lập hết sức vững vàng nơi các tín hữu rằng Thiên Chúa của người Kitô hữu là vị Thiên Chúa “giầu lòng thương xót” (Ep 2:4)? Hiện nay, cách quan niệm của Thánh Anselmô đã trở nên bất khả niệm đối với chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là phải một lần nữa cố gắng hiểu được sự thật nằm phía sau kiểu phát biểu này. Về phần mình, tôi xin đề xuất 3 điểm để nhìn vấn đề này:

" a) Ngày nay, sự tương phản giữa Chúa Cha, Đấng nhấn mạnh tới công bằng một cách tuyệt đối, và Chúa Con, Đấng vâng lời Chúa Cha và, vì vâng lời, đã chấp nhận các đòi hòi tàn bạo của công bằng, không những bất khả niệm, mà, dựa vào nền thần học Ba Ngôi, còn tự sai lầm nữa. Chúa Cha và Chúa Con là một và do đó, ý chí của các vị từ nội tại vốn chỉ là một. Khi Chúa Con lao đao với ý muốn của Chúa Cha trong Vườn Cây Dầu, thì đó không phải là chuyện tự chấp nhận sự sắp đặt tàn bạo của Chúa Cha, nhưng đúng hơn là lôi kéo nhân loại vào chính ý muốn của Thiên Chúa. Sau đây, ta sẽ còn phải trở lại với mối liên hệ giữa hai ý chí của Chúa Cha và của Chúa Con.

" b) Nếu thế, tại sao còn có chuyện thập giá và đền tội thay? Ngày nay, một cách nào đó, trong cảnh méo mó của tư tưởng hiện đại như trên đã nói, câu trả lời cho các câu hỏi này có thể được phát biểu cách mới mẻ. Ta hãy đặt mình trước số lượng không thể nào tin được các sự ác, bạo lực, gian dối, hận thù, bạo tàn và ngạo mạn đang lan tràn và phá hủy toàn bộ thế giới. Không ai, kể cả Thiên Chúa, có thể đơn giản tuyên bố khối lượng sự ác này không hề có. Khối lượng này phải được thanh tẩy, tu sửa và khuất phục. Israel ngày xưa xác tín rằng hy lễ đền tội hàng ngày và trên hết, đại phụng vụ Ngày Xá Tội (Yom Kippur) là điều cần thiết để làm đối trọng (counterweight) cho khối lượng sự ác kia trên thế giới và chỉ nhờ sự tái cân bằng này, thế giới mới có thể chịu đựng được, có thể nói như thế. Một khi các hy tế của đền thờ không còn nữa, người ta phải tự hỏi điều gì có thể chống lại các uy lực của sự ác, làm thế nào tìm được một thứ làm đối trọng đây. Các Kitô hữu biết rằng đền thờ bị hủy diệt đã được thay thế bởi thân xác sống lại của Chúa bị đóng đinh và trong tình yêu triệt để và khôn lường của Người, một đối trọng đối với khối lượng sự ác kia đã được tạo ra. Thực vậy, họ biết rằng của dâng được dâng lên cho tới lúc đó chỉ có thể được quan niệm như một cử chỉ mong chờ đối trọng chân thực mà thôi. Họ cũng biết rằng trước sức mạnh quá đáng của sự ác, chỉ có tình yêu vô giới hạn mới đủ, chỉ một đền tội thay vô giới hạn mới đủ. Họ biết rằng Chúa Kitô bị đóng đinh và sống lại mới là sức mạnh có thể đối trọng lại sức mạnh sự ác và cứu được thế giới. Và trên căn bản này, họ còn hiểu được cả ý nghĩa của chính đau khổ của mình như là một điều được lồng vào tình yêu đau khổ của Chúa Kitô và được kể là thành phần trong sức mạnh cứu chuộc của tình yêu này. Trên đây, tôi đã trưng dẫn nhà thần học cho rằng Thiên Chúa phải chịu đau khổ vì tội lỗi của Người đối với thế giới (1). Bây giờ, vì việc đảo ngược cách nhìn như thế, sự thật sau đây đã xuất hiện: Thiên Chúa không thể để khối lượng sự ác phát xuất từ sự tự do mà chính Người đã ban cấp “ở nguyên trạng” được. Chỉ có Người, đến chia sẻ sự đau khổ của thế giới, mới có thể cứu chuộc được thế giới.

" c) Trên căn bản trên, mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con trở thành khả niệm hơn. Ở đây, trong chủ đề này, tôi xin trích lại một đoạn trong cuốn sách của Henri de Lubac viết về Origen mà tôi thấy rất rõ: “Đấng Cứu Chuộc đến thế gian vì cảm thương nhân loại. Người mang lấy các thống khổ của ta ngay trước khi chịu đóng đinh, thực sự còn trước cả lúc xuống thế nhập thể nữa: vì nếu Người không cảm nghiệm các thống khổ ấy từ trước, thì Người đã không đến để chia sẻ cuộc nhân sinh của ta. Nhưng sự đau khổ Người chịu trước cho chúng ta là sự đau khổ nào? Đó là sự thống khổ vì yêu. Nhưng chính Chúa Cha, Thiên Chúa của vũ trụ, Đấng vốn tràn đầy chịu đựng, nhẫn nại, thương xót và cảm thương, liệu Người có chịu đau khổ theo một nghĩa nào đó không? ‘Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, thực sự, đã mang lấy cung cách các ngươi như người bồng bế con trai mình’ (Đnl 1:31). Như thế, Thiên Chúa đã mang lấy các phong thái của ta khi Con của Người mang lấy các đau khổ của ta. Chính Chúa Cha cũng không khỏi thống khổ! Nếu Người được kêu cứu, thì chắc Người biết thương xót và cảm thương. Người hiểu được đau khổ của tình yêu (Các Bài Giảng Lễ về Êdêkien 6:6)”.

“Ở một số nơi tại Đức, có lòng sùng kính rất cảm động đối với Not Gottes (Sự Nghèo Khổ của Thiên Chúa). Về phần tôi, điều ấy khiến hiện ra trước mắt tôi một hình ảnh gây ấn tượng diễn tả Chúa Cha đau khổ, Đấng, vì là Cha, đã chia sẻ trong lòng mình các đau khổ của Chúa Con. Và hình ảnh “ngai ơn thánh” nữa cũng là thành phần của lòng sung kính này: Chúa Cha nâng đỡ thập giá và Đấng chịu đóng đinh, âu yếm cúi xuống với Người và cả hai như thể cùng ở trên thập giá với nhau. Bởi thế, một cách cao cả và trong sáng, ở đấy, ta hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa có nghĩa gì, sự tham dự của Thiên Chúa vào đau khổ của con người có nghĩa gì. Đây không phải là chuyện công bằng tàn bạo, cũng không phải là chủ nghĩa cuồng tín của Chúa Cha, mà đúng hơn là sự thật và là thực tại của sáng thế: sự chiến thắng chân thực và thâm hậu sự ác cuối cùng chỉ có thể thực hiện được trong đau khổ của tình yêu”.

Điều trên rất quan trọng vì một số nhà phê bình Đức Phanxicô phát xuất từ nhóm các thần học gia bảo thủ vốn mến mộ Đức Bênêđíctô. Thực ra liên hệ giữa Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô không phải như người ta nghĩ là đối lập, mà là liên tục tuy các ngài thuộc hai loại nhân cách khác nhau. Hai nhân cách này không làm cho các ngài không cùng nhau thực hiện những điều lạ lùng trong thời đại mà dù gì cũng nặng mầu sắc đa nguyên.
________________________________________________________________________________________________________
(1) Nhà thần học không nêu tên này cho rằng Chúa Kitô không chịu đau khổ vì tội lỗi ta mà 'đã triệt tiêu lỗi lầm của Thiên Chúa".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét